MC Tú Linh: Từ bỏ tấm bằng Thạc sĩ vì yêu bóng đá
Năm 2015, sau lần xuất hiện với tư cách khách mời bình luận trận M.U và Man City trên K+, cái tên “hot girl M.U” hay “Tú Linh M.U” được chia sẻ khắp trên mạng xã hội.
Sau 5 năm nổi lên như một hiện tượng, hiện tại, “hot girl M.U” ngày nào đã khiến khán giả phải nhớ đến mình bằng một danh xưng khác, MC kiêm biên tập viên Tú Linh thuộc Truyền hình K+.
Vào một ngày trung tuần, dù giữa lịch trình bận rộn chuẩn bị cho mùa Giải Ngoại Hạng Anh 2020/2021, MC Tú Linh vẫn dành chút thời gian nhận lời phỏng vấn cùng Vietcetera.
Một hiểu lầm về công việc Linh muốn đính chính với khán giả?
Đến nay, nhiều người vẫn nhầm lẫn vai trò của Linh là bình luận viên thay vì MC. Tuy cùng đều làm việc trên sóng trực tiếp, công việc bình luận viên khó hơn rất nhiều.
Để tường thuật sát sao các trận đấu, công việc này đòi hỏi nền tảng kiến thức uyên thâm, sự nhạy bén và khả năng điều tiết cảm xúc cao. Hơn thế, không như công việc dẫn chương trình, lĩnh vực này có những hình thức trình bày đặc thù như Play by Play (thuật những gì đang diễn ra) và Analysis (phân tích lối chơi và tình huống).
Đó là một tầm cao mà Linh vẫn đang nỗ lực để vươn tới. Mong ước của Linh trong khoảng 2,3 năm tới đây là có thể bình luận một trận đấu.
Kỷ niệm đầu tiên của Linh với bóng đá?
Đó là trận Brazil đấu với Pháp trong World Cup 1998. Vì học tiếng Pháp từ nhỏ và World Cup năm đó cũng được tổ chức tại Pháp, nên Linh xem để ủng hộ nước đăng cai.
Thế nhưng khi theo dõi trận đấu cùng với bố, Linh lại ấn tượng với Người ngoài hành tinh Ronaldo hơn (cười).
Từ đó, Linh cảm nhận được cái lửa, cái nhiệt của các trận bóng và cả sự rạo rực trong mình.
Hiện tại, hot girl M.U ngày nào đã khiến khán giả phải nhớ đến mình bằng một danh xưng khác, MC kiêm biên tập viên Tú Linh thuộc Truyền hình K+. | Nguồn: K+
Linh bắt đầu thích Manchester United (M.U) vào năm cấp 2. Hồi đấy bố của Linh cũng là fan của M.U. Hai bố con xem không sót trận nào. Tuần nào cũng theo dõi nên tình yêu của Linh dành cho đội tuyển này cũng lớn dần lên.
Mê đến thế, nhưng Linh chưa từng nghĩ sau này mình sẽ làm gì liên quan tới bóng đá cả. Cho đến sau khi du học về và biết K+ đang sở hữu bản quyền Ngoại hạng Anh, Linh không chần chừ mà ứng tuyển ngay vị trí thực tập sinh MC.
Ngoài đam mê, liệu còn tác nhân nào khiến Tú Linh quyết định từ bỏ tấm bằng Thạc sĩ Quản lý Kinh tế để rẽ ngang sang công việc MC thể thao?
Thú thật, ngay từ những ngày du học ở Pháp, Linh đã sớm biết bản thân không thuộc tuýp người thích hợp làm việc trong môi trường công sở thông thường. Nên từ lúc còn đi học, Linh đã xác định sẽ không tìm kiếm những dạng công việc này.
Linh quyết định đầu quân và gắn bó với K+ đến nay đã 5 năm. Vì nơi đây tổng hợp mọi sở thích và nhu cầu của Linh.
Không chỉ là nhà đài nổi tiếng bởi mảng thể thao, K+ có môi trường làm việc không gò bó. Ở đây Linh có thể sống hết mình với đam mê bóng đá.
Bước khởi đầu của Linh diễn ra như thế nào?
Vì chưa có kinh nghiệm dẫn chương trình chuyên nghiệp, nên suốt hơn hai tháng thực tập, Linh từ Hà Nội chạy lên trạm phát sóng của K+ ở Vĩnh Phúc chỉ để tập nói, tập dẫn.
Song song đó, Linh cũng phải học thêm nhiều kiến thức chuyên sâu bóng đá. Vì MC thể thao chuyên nghiệp không chỉ đảm nhận việc dẫn chương trình không thôi, họ còn phải tham gia vào bình luận nữa.
“Sau khi du học về và biết K+ đang sở hữu bản quyền Ngoại hạng Anh, Linh không chần chừ mà ứng tuyển ngay vị trí thực tập sinh MC.” | Nguồn: K+
Hai tháng cứ trôi qua như thế, đôi lúc Linh cảm thấy nản. Mỗi lần như thế, Linh dặn lòng kiên trì thêm chút nữa thôi. Sau rồi, Linh cũng có được lần lên hình đầu tiên, nhưng với là cương vị là khách mời của một chương trình của K+.
Qua các lần góp mặt, Linh tranh thủ tích luỹ thêm kinh nghiệm từ các đàn anh. Cuối cùng, nỗ lực của Linh cũng được đền đáp. Đó là một niềm vui lớn. Hiện tại, không chỉ đảm nhận vai trò MC, Linh còn làm biên tập viên truyền hình.
Là một nữ MC thể thao chắc hẳn Linh đã trải qua nhiều thử thách để chứng minh thực lực?
Quả thật nói về chuyên môn thể thao, Linh khó có thể so được với các đồng nghiệp nam. Vì họ có chơi bóng đá, còn Linh thì không (cười). Khi trực tiếp tham gia vào bộ môn nào, bạn sẽ tiếp thu kiến thức về nó nhanh và đa chiều hơn cả xem lẫn đọc.
“Linh cũng phải học thêm nhiều kiến thức chuyên sâu bóng đá. Vì MC thể thao chuyên nghiệp không chỉ đảm nhận việc dẫn chương trình không thôi, họ còn phải tham gia vào bình luận nữa. | Nguồn: MC Tú Linh.”
Nhưng không vì thế mà quá trình làm việc của Linh tại lĩnh vực này không gặp nhiều khó khăn như mọi người lầm tưởng. Bởi các đồng nghiệp nam luôn sẵn sàng hỗ trợ cho các đồng nghiệp nữ.
Bản thân Linh thì vẫn liên tục bổ sung kiến thức chuyên môn hằng ngày để mang đến cho khán giả những thông tin chính xác, đắt giá về các trận đấu.
Quy trình làm việc của MC thể thao có gì khác so với những MC thể loại khác không?
Mỗi cuối tuần, bình luận viên và MC sẽ nhận lịch làm việc của tuần tới. Lịch trình phụ thuộc vào các bộ môn thể thao và giải đấu. 80% các giải đấu đều được phát sóng trực tiếp trên các kênh K+.
Thời gian làm việc của Linh thay đổi liên tục. Có lúc Linh chỉ làm một buổi trong ngày và cũng có lúc làm hơn 8 tiếng, từ 1 giờ chiều đến tận 1 giờ đêm.
Với lịch trình xoay chuyển thường xuyên như vậy, mỗi tuần Linh đều phải sắp xếp lại quỹ thời gian dành cho gia đình.
Còn về quy trình, tương tự như các công việc MC truyền hình khác, trước khi ghi hình, tổ chức sản xuất sẽ là người lên kịch bản.
Sau đó cả team dành ra từ 1 đến 2 tiếng để thảo luận nội dung. Cuối cùng, dựa vào kịch bản đó, MC sẽ biên tập lại lời dẫn và tiến hành ghi hình trực tiếp.
Đối với vai trò biên tập viên của K+, những ngày có lịch làm việc, Linh có mặt tại trường quay vào lúc 7 giờ sáng để nhận đầu tin, biên tập, sau đó bàn bạc với phòng hậu kỳ để sản xuất phóng sự.
Xu hướng xem bóng đá hiện nay ra sao? Và K+ đang có những bước tiếp cận khác biệt nào?
Ngày nay, việc xem truyền hình đã không còn phổ biến như trước. Khán giả đang ‘nắm quyền’ lựa chọn những gì bản thân thích. Họ không còn trông về nhà, hay ghé quán cà phê để xem TV. Bởi họ có thể xem mọi thứ trên các thiết bị cầm tay.
“Mong ước của Linh trong khoảng 2,3 năm tới đây là có thể bình luận một trận đấu.” | Nguồn: K+
Vì thế, xu hướng tiếp theo mà đài truyền hình đang nhắm đến sẽ là truyền hình đa nền tảng.
Nắm bắt được điều này, K+ đã sớm tiếp cận với khán giả với hệ thống đa nền tảng bao gồm Truyền hình số vệ tinh, TVBox, và App K+.
Format các chương trình cũng ngày một đa dạng hơn. Ngoài việc tường thuật trận đấu theo kiểu truyền thống, các đơn vị truyền hình đang áp dụng những hình thức truyền tải thông tin theo phong cách bàn luận đa chiều.
Các chương trình như Thứ Sáu Sa bàn, Thứ Bảy Ngoại hạng, Super Sunday,… là những cái tên tiêu biểu thể hiện sự nỗ lực của K+.
Sở hữu các nội dung độc quyền là một ưu thế lớn. Về mảng thể thao, K+ ghi từ lâu đã ghi điểm với khán giả khi nắm giữ nhiều bản quyền bóng đá quan trọng.
Ngoại Hạng Anh 2020/2021, mùa giải đặc biệt nhất trong lịch sử bóng đá Anh này hiện đang được phát trực tiếp và độc quyền trên các kênh K+.
K+ là thương hiệu dịch vụ truyền hình số vệ tinh tại Việt Nam của VSTV, nắm giữ bản quyền của rất nhiều giải thể thao hay nhất hành tinh: Ngoại Hạng Anh (độc quyền 100% ba mùa liên tiếp 2019 – 2022), Champions League, Europa League, ATP, PGA, Indycar serie…
Khán giả của các chương trình thể thao và giải trí độc quyền của K+ dễ dàng tiếp cận các nội dung qua hệ thống đa nền tảng chuyên biệt: Truyền hình số Vệ tinh (gói thuê bao K+ Premium và K+ Cơ bản), TVBox (gói thuê bao K+ Premium) và App K+ (5 gói thuê bao theo sở thích: Khám phá, Gắn kết, VOD, Thể thao và trọn vẹn).