Lý Nhân Tông(1066 – 1127) – Nhân Vật Lịch Sử.
Thân thế và sự nghiệp của Lý Nhân Tông
Lý Nhân Tông là vị vua thứ tư của triều Lý. Tên thật của ông là Lý Càn Đức. Ông nổi tiếng là một minh quân trong lịch sử Việt Nam, là người đặt nền móng xây nền giáo dục đại học Việt Nam.Ông sinh năm 1066, là con của Lý Thánh Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan.
Lý Nhân Tông lên ngôi khi mới 7 tuổi. Ông làm vua đến năm 1127 thì mất, trị vì được 56 năm, trở thành ông vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Thời kỳ Lý Nhân Tông trị vì là thời kỳ đất nước thái bình thịnh trị vào bậc nhất trong triều Lý và cũng là của lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.
Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá Lý Nhân Tông “Vua trán dô mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi của triều Lý. Tiếc rằng mộ đạo Phật, thích điềm lành, đó là điều lụy cho đức tốt.”
Ông là người mở đầu cho nền giáo dục ĐH ở Việt Nam. Năm 1075, ông cho thi khoa Minh Kinh Bác Học hay còn gọi là khoa tam trường đầu tiên trong lịch sử. Khoa thi đó lấy đỗ 10 người, có thủ khoa Lê Văn Thịnh là trạng nguyên đầu tiên của lịch sử khoa bảng nước nhà. Đến năm sau (1076) lại cho xây Văn Miếu Quốc Tử Giám để thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền của Nho giáo và là nơi dạy học ở bậc cao giành cho thái tử và những người tài giỏi của đất nước. Văn Miếu Quốc Tử Giám từ đó trở thành trường ĐH đầu tiên của nước ta.
Lý Nhân Tông là một vị vua giản dị, nhân ái và có tài. Lúc lên ngôi tuy còn nhỏ tuổi, nhưng ông được các bề tôi giỏi, bộ óc lớn của thời đại như thái sư Lý Đạo Thành, Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt cùng nhân dân hết lòng ủng hộ, nhất là mẹ ông – một phụ nữ có tài trị nước. Dưới triều đạicủa ông, nước Đại Việt đã làm nên những chiến công lừng lẫy cả về ngoại giao và nội trị, và ngày càng trở nên hùng mạnh.