Lê Văn Hưu – Người khai dựng Quốc sử Việt Nam

Lê Văn Hưu – Người khai dựng Quốc sử Việt Nam

Lê Văn Hưu không chỉ là bảng nhãn đầu tiên, còn là nhà sử học lỗi lạc đầu tiên của đất nước, nhà giáo, nhà chính trị, quân sự, nhà văn hóa lớn, một con người mẫu mực ở thế kỷ XIII – XIV đã để lại cho chúng ta những di sản quý báu, đóng góp to lớn vào kho tàng sử học của dân tộc đó là bộ “Đại Việt sử ký”, góp phần làm rạng rỡ nền văn hiến nước nhà và được sử thần thời Lê là Ngô Sĩ Liên kế thừa những thành tựu lớn lao của ông để phát huy, phát triển.

  1. Vài nét về Lê Văn Hưu

Lê Văn Hưu sinh năm 1230, ở làng Phủ Lý (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa). Ngay từ thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, lên 9 tuổi theo học thầy họ Nguyễn người xã Phúc Triền (Cổ Bôn, nay thuộc xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn). Có rất nhiều giai thoại bộc lộ tư chất hơn người của ông. Với tài học lừng danh, lại chăm dùi mài kinh sử và có chí hướng, nhập thế lập công danh đem sức mình làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Lê Văn Hưu đã đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Đinh Mùi (1247) đời Vua Trần Thái tông. Đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử nước ta lấy danh vị tam khôi và trải qua thờ 5 đời vua Trần: Thái tông (1225-1258), Thánh tông (1258-1278), Nhân tông (1279-1293), Anh tông (1293-1314) và Minh tông (1314-1329), được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nhà Trần như: Kiểm pháp quan, Hàn Lâm viện học sĩ kiêm quốc sử viện tu giám, làm phó quan cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải, tương đương với chức Thượng thư Bộ binh.

Trong thời kỳ làm quan của Lê Văn Hưu được biết là với học vấn uyên thâm, đức độ hơn người, được vào cung theo lệnh của Vua Trần Thái tông, giảng sách cho hoàng tử Quang Khải. Những tấm bia đời sau ghi chép về ông, đều xưng tụng là bậc thầy. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhà giáo Lê Văn Hưu đã trở thành hình tượng gắn liền với truyền thống hiếu học và sự nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn không chỉ của người Thanh Hóa mà nhiều nơi trong cả nước.

Theo gia phả dòng họ, Lê Văn Hưu mất ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất (tức ngày 9-4-1322), hưởng thọ 93 tuổi, mộ táng tại xứ Mả Giòm và cho lập nơi thờ để đời đời tưởng nhớ công lao của ông. Hiện nay, trên đất Thiệu Trung vẫn còn phần mộ, tấm bia dựng năm Tự Đức 20 (1867), khắc ghi tiểu sử, một bài minh ca tụng tài đức, sự nghiệp của Lê Văn Hưu và một đền thờ mới trùng tu, tôn tạo khang trang bề thế.

  1. Đại Việt sử ký – Bộ quốc sử dưới triều Trần

Đóng góp lớn nhất, đưa tên tuổi của Lê Văn Hưu vào lịch sử dân tộc không dừng lại ở việc đỗ Bảng nhãn và làm quan mà là khi ông được vua Trần Thái tông điều chuyển sang làm Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu. Thực hiện lệnh của nhà vua, Lê Văn Hưu đã thu thập tất cả các sách sử ghi chép ít ỏi và sơ sài của thời Lý và cùng thời để biên soạn lại và viết thêm rất nhiều để thành bộ quốc sử có tên “Đại Việt sử ký” từ Triệu Vũ Đế (207 trước công nguyên đến đời Lý Chiêu hoàng (1244) gồm 30 quyển, được Vua Trần Thánh tông khen ngợi, Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết “Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long thứ 15 [1272], mùa xuân, tháng Giêng, Hàn Lâm viện Học sĩ kiêm Quốc Sử viện Giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại Việt sử ký từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển, dâng lên. Vua xuống chiếu khen ngợi” và được Ngô Sĩ Liên – sử thần thời Lê đã căn cứ vào bộ sách của ông và Phan Phu Tiên để biên soạn “Đại Việt Sử ký toàn thư” và gọi “Văn Hưu là Đại thủ bút đời Trần”.

Có thể khẳng định, đây là bộ Quốc sử Việt Nam đầu tiên được biên soạn dưới sự tổ chức, lãnh đạo của Nhà nước. Theo Nghệ văn chí trong bộ sử Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn và Văn tịch chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, thì Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu là bộ sử sớm nhất ở Việt Nam. Mặc dù bộ sử này bị thất lạc, nhưng vẫn nhận dạng được một phần trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư; tác giả Trần Trọng Kim trong “Việt Nam sử lược” đã viết “Đời bấy giờ Lê Văn Hưu làm xong bộ Đại Việt sử ký thành 30 quyển, chép từ Triệu Võ Vương đến Lý Chiêu Hoàng. Bộ sử này làm khởi đầu từ đời Trần Thái tông đến năm Nhâm Thân (1272) đời Thánh tông mới xong. Nước Nam ta có quốc sử khởi đầu từ đây”; còn tác giả Trịnh Văn Thanh trong “Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển” đã viết về Lê Văn Hưu “một sử gia lỗi lạc, cũng là tác giả bộ Đại Việt sử ký (một bộ sử đầu tiên của nước ta) gồm 30 quyển… Nước ta có sử từ đó. Nhờ bộ sử này mà các sử gia của các triều đại kế tiếp có một đường hướng và một tài liệu căn bản. Công của Lê Văn Hưu đối với nền sử học nước nhà thật là to lớn và đáng ghi nhận”; theo đánh giá của cố Giáo sư Phan Huy Lê “Lê Văn Hưu là người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam”.

Tiếc rằng bộ sử này sau đó thất truyền, chỉ được nhắc đến trong các bộ sử sau này. Người đọc có thể tìm được nhiều nội dung của Đại Việt sử ký qua 30 đoạn trích dẫn trong bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư. Qua đó cho thấy tác phẩm “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu như dấu mốc lớn đánh dấu thành tựu khoa học đặt cơ sở đầu tiên cho nền sử học nước nhà phát triển. Về điều này, sử gia Ngô Sĩ Liên viết: “Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cố lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa, thế là được rồi”. Trong cuốn Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam do Tôn nữ Quỳnh Trân làm chủ biên cho biết “Chính Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đã làm cơ sở chủ yếu cho Ngô Sĩ Liên, một sử gia thời Lê biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư rất có giá trị để người đời sau hiểu về cội nguồn của dân tộc”.

Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đánh dấu phát triển cao về học thuật. Qua “Đại Việt sử ký” đã cho ta thấy Lê Văn Hưu đã dựa trên các quan niệm căn bản và chính yếu để làm nên tác phẩm này, đó là quan niệm sử học Nho giáo; quan niệm luân lý sử học; quan niệm đạo lý sử học thay quan điểm chính trị sử học. Trên quan điểm luân lý sử học, Lê Văn Hưu đã phê phán hành động của Ngô Xương Văn trong việc tha tội cho Dương Tam Kha và để anh lấn quyền: “Ngô Xương Tấn (tức Ngô Xương Văn) trước bị gia thần là Dương Tam Kha câu thúc, sau bị anh là Xương Ngập ức chế. Một ngày đắc chí, vì chẳng biết tự thận, mà hưởng quốc được mấy ngày, chính sự không kẻ kế tục. Uổng thay! Nhưng xét việc miễn tội cho Bình vương (Tam Kha), há chẳng có lòng nhân hay sao? Có lòng nhân và cũng có thể coi như đáng làm người vậy”.

Bằng tài năng, đức độ, Lê Văn Hưu đã ghi tên mình vào “bảng vàng” danh nhân văn hóa Việt Nam. Đồng thời, trở thành niềm tự hào của mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa Thanh Hóa. Để rồi, sử gia Lê Văn Hưu cùng nhiều tên tuổi lớn như Lê Quát, Lương Đắc Bằng… đã trở thành hiện thân của truyền thống yêu nước, tinh thần kiên trung, nhân nghĩa, trọng tình, hiếu học đã được gây dựng và trao truyền suốt nhiều thế kỷ, để thế hệ hôm nay thừa hưởng và tiếp tục bồi đắp cho dày thêm và đẹp hơn.

Ngày 27-1-2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu và khánh thành Đền thờ tại Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Đây cũng là dịp để các cơ quan, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hành trạng, sự nghiệp cống hiến của ông cho lịch sử dân tộc, nhằm mục đích khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp lớn lao của danh nhân văn hóa Lê Văn Hưu.

Trong tương lai gần, trên cơ sở các tiêu chí của tổ chức UNESCO và những giá trị của bộ “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu, chính quyền các cấp cùng với các tổ chức, các nhà khoa học cần có kế hoạch xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh và kỷ niệm 800 năm ngày sinh của Lê Văn Hưu vào năm 2030 nhằm quảng bá con người, truyền thống văn hóa của Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng đến với bạn bè quốc tế.

Lê Trí Duẩn

Trưởng Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Thanh Hóa

Rate this post