Lê Lựu: Ánh đèn sáng soi những góc tối của số phận – Revelogue
Lê Lựu sinh năm 1942 tại Khoái Châu, Hưng Yên trong một gia đình nông dân nghèo. Năm mười bảy tuổi, ông xung phong nhập ngũ và đến năm 22 tuổi thì bắt đầu cầm bút, ghi lại quãng thời gian biến chuyển của đất nước.
Bằng lối viết dung dị mà thấm đẫm tinh thần nhân văn, tên tuổi của Lê Lựu dần được công nhận qua những tác phẩm hiện thực đặc sắc như Người cầm súng (1968), Đánh trận núi con Chuột (1976), Mở rừng (1976).
Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Lê Lựu
Thuở ban đầu, ông làm báo ở quân khu III (quân khu Hữu Ngạn) trước khi trở thành phóng viên mặt trận tại Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn.
Ngày hoà bình lập lại, Lê Lựu về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Song song với công việc biên tập, ông bắt đầu sáng tác và đến năm 1964 thì cho ra đời truyện ngắn đầu tay Tết ở làng Mụa.
Trước khi tác phẩm được công bố, nhà văn đã trải qua không ít lần trăn trở, thậm chí cảm thấy hoang mang vì chưa tìm được nguồn cảm hứng thật sự. Thế nhưng, điều đó càng khiến Lê Lựu quyết tâm, ông gặp gỡ và trải nghiệm nhiều hơn để định hình phong cách.
Thật may mắn cho tôi là tại trại viết đó, tôi gặp được nhà phê bình văn học Nhị Ca. Thấy dáng bộ thảm hại của tôi, ông khuyên thế này: “Cậu đừng viết chống càn, đánh nhau. Cậu đã biết cái gì về càn, quét đâu mà viết. Hãy viết cái gì cậu quen thuộc, cậu hiểu về nó ấy, ví như chuyện làng chuyện xóm của cậu trước khi vào bộ đội chẳng hạn. Cứ đưa ra mà “mài” sẽ thành công. Muốn thành “hồi ký”, “gì” ký, hay là gì cũng được…”. Tôi tỉnh ra, tưởng là ông ấy nói đùa, nhưng đó là kim chỉ nam cho đời văn của mình sau này. Vậy là sau đó tôi viết “Tết ở làng Mụa”.
– Lê Lựu
Dưới sự chỉ dẫn của nhà phê bình Nhị ca, Lê Lựu đã tìm ra hướng đi mới cho ngòi bút. Từ đó, ông thường xuyên quan tâm đến những điều giản dị trong cuộc sống và lấy đó làm chất liệu cho sáng tác của mình.
“Văn Lê Lựu có giọng riêng, có duyên riêng, không rành rẽ, không mạch lạc nhưng có một chất nhựa gì đấy bên trong. Nếu trong tổng số sáu trăm hội viên Hội nhà văn Việt Nam, cứ mười người chọn lấy một người tiêu biểu thì Lê Lựu là một trong tổng số sáu trăm nhà văn ấy.”
– Nhà nghiên cứu Đinh Quang Tốn
Sáng tác của Lê Lựu không chỉ giàu tính nghệ thuật mà còn chứa đựng nhiều suy tư về cuộc đời. Qua tác phẩm, độc giả như được chiêm ngưỡng bức tranh hiện thực về con người và xã hội thời hậu chiến.
“Những cái nền nếp cũ thì phá đi rồi, xây dựng một cái nền nếp mới thì chưa thành, thành ra nó cứ nhuộm nhoạm thế. Tôi viết Thời loạn cũng là cái ý nghĩ đó. Giờ cứ loạn hết lung tung cả, loạn đạo đức, loạn trên dưới, loạn thầy trò, loạn cha con. Cả một thời loạn! (khóc). Làm sao cái ngày đó con người ta sống với nhau nó cao đẹp, cao thượng thế, linh thiêng thế mà bây giờ sao nhàm chán thế.”
– Lê Lựu
Gần sáu mươi năm miệt mài với nghiệp viết, Lê Lựu đã đóng góp cho nền văn chương nước nhà mười lăm tác phẩm. Tuy số lượng có phần “thua kém” những tác giả cùng thời nhưng tất cả đều có dấu ấn riêng.
Tiêu biểu như Thời xa vắng (1986) và Sóng ở đáy sông (1994), nhà văn không chỉ khắc họa cuộc sống bần hàn mà còn mở ra lối thoát cho nhân vật.
Giá trị hiện thực và tinh thần nhân văn trong tiểu thuyết đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim, nhờ đó hai tác phẩm lần lượt được chuyển thể và gây tiếng vang trong những năm đầu thế kỉ XXI.
Lê Lựu và trang văn gắn liền với sự thay đổi của thời đại
Hòa mình cùng sự thay đổi của thời cuộc, văn học Việt Nam từ thập niên 1980 đã chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là sau bài phát biểu Hãy đọc lời ai điếu cho một nền văn học minh họa của Nguyễn Minh Châu.
Bên cạnh những tác giả tiêu biểu như Ma Văn Kháng, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy hay Nguyễn Mạnh Tuấn, ngòi bút của Lê Lựu cũng thổi luồng gió mới vào cánh đồng văn nghệ lúc bấy giờ.
Thời xa vắng, tác phẩm ra mắt năm 1986 đánh dấu bước ngoặt trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Bước ra khỏi lăng kính dân tộc với lý tưởng thời chiến, ông chuyển ngòi bút đến số phận con người giữa cơn lốc thời đại.
Bằng giọng điệu giễu nhại, Lê Lựu tập trung khai thác nghịch lý cuộc đời để từ đó phê phán những điều xấu trong xã hội như nạn tảo hôn, tư tưởng cổ hủ, chủ nghĩa ích kỷ thiển cận.
Giang Minh Sài, nhân vật chính của Thời xa vắng là một người vừa đáng thương, vừa đáng giận. Anh giàu khát vọng nhưng lại bị tư tưởng cũ kìm kẹp, không dám đấu tranh cho tự do của mình.
“Công cuộc đổi mới đất nước vừa được mở ra thì ngay lập tức văn học đã ghi được dấu ấn bất ngờ bằng tác phẩm “Thời xa vắng” của Lê Lựu. Ông viết từ mình, rút ruột mình ra mà kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời.”
– Đại đoàn kết
Đến khi nhập ngũ, Sài cố gắng mở lòng nhưng lại bị định kiến xã hội đẩy sâu vào bi kịch, người vợ mà anh yêu chân thành cũng chỉ xem chồng mình như kẻ ngoài rìa thời đại mới.
Sau Thời xa vắng là Đại tá không biết đùa, Trở lại nước Mỹ, Chuyện làng cuội hay Sóng ở đáy sông, chúng lần lượt nêu lên bi kịch về gia đình, tình yêu và xã hội, qua đó định hình phong cách Lê Lựu trong thời kỳ đổi mới.
Những giá trị hiện thực sau tấn bi kịch trong các tác phẩm của nhà văn
Là nhà văn mang tư tưởng thời đại mới, Lê Lựu đã dùng ngòi bút để phản ánh các vấn đề xoay quanh lối tư duy lỗi thời. Không chỉ trói buộc con người, chúng còn gây ra nhiều thảm kịch trong cuộc sống bấy giờ.
Thời xa vắng được đặt trong bối cảnh Việt Nam những năm 50 đến những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy xã hội có biến chuyển về thể chế nhưng một số tư tưởng lạc hậu chưa thể xóa bỏ ngay lập tức.
“Chú Hà đại diện cho huyện và xã quàng khăn đỏ cho các cháu. Khi chú đến bên, Sài thấy khăn đỏ cho các cháu. Khi chú đến bên, Sài thấy run lên vì sung sướng. Sài chưa biết nói câu gì, chú đã cúi xuống quàng khăn vào cổ cho cháu và nói nhỏ: “Cấm được bỏ vợ đấy nhé”. Không ngờ cái câu đó như một tảng đá khổng lồ đè lên người Sài khiến cậu bé 14 tuổi ấy đứng chết lặng..”
– Thời xa vắng
Thông qua nghệ thuật xây dựng nhân vật, tác giả khắc họa rõ nét bi kịch con người lúc bấy giờ. Chế độ bao cấp khiến họ bị ràng buộc trong các khuôn mẫu đúc sẵn, tiếng nói cá nhân phải đứng sau tiếng nói tập thể.
“Công cuộc đổi mới đất nước vừa được mở ra thì ngay lập tức, văn học đã ghi được dấu ấn bất ngờ bằng tác phẩm Thời xa vắng của Lê Lựu. Ông viết từ mình, rút ruột mình ra mà kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời. Cái thời đó tác giả gọi là “thời xa vắng” nhưng thật ra vẫn chưa qua.”
– Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Nếu Thời xa vắng lên án nạn tảo hôn thì Sóng ở đáy sông đi sâu vào khắc họa những tác động của gia đình lên nhân cách con người. Nhân vật Núi chỉ có chỗ dựa duy nhất là mẹ nên khi bà không còn, hết lần này đến lần khác bị cha ruột hắt hủi, bi kịch cuộc đời anh chính thức bắt đầu từ đây.
Cuộc sống mưu sinh đẩy Núi vào cảnh tù tội, sự sa ngã đã khép lại tương lai xán lạn. Ngôi nhà lạnh lẽo ngày ấy vô tình hủy hoại nhân cách một con người, khiến anh không thể thoát khỏi màn đêm đen vây quanh.
Ngòi bút hiện thực của Lê Lựu tiếp tục phát huy tác dụng khi tái hiện xã hội miền Bắc những năm 1954, thời điểm chuyển giao giữa Pháp và chính quyền Việt Nam.
Những lát cắt đầy phức tạp về số phận con người hiện ra một cách chân thực. Dưới tác động xấu của gia đình và hoàn cảnh, người ta dễ lâm vào cảnh đói ăn vụng, túng làm liều rồi sa ngã, đánh mất bản chất tốt đẹp của mình.
Một tác phẩm khác thể hiện những biến chuyển trong ngòi bút Lê Lựu là Chuyện làng Cuội. Tiểu thuyết này đem đến nhiều góc nhìn về làng quê Việt Nam, nơi định kiến, lề thói cũ không ngừng tác động đến cuộc đời mỗi người.
Chuyện làng Cuội miêu tả số phận đáng thương của bà cụ Đất. Từng là cô gái xuân sắc nhưng vì tin ông tổng Lỡi, Đất phải đánh đổi cả cuộc đời. Dù sau này được một cán bộ Việt Minh yêu thương, cô vẫn chịu đau khổ trước sự căm ghét của dân làng.
Tất cả sỉ nhục ấy bắt nguồn từ những kẻ làm việc ở huyện, phường. Vì nhận thức còn hạn chế, chúng đã gây ra biết bao hành động bất nhân, dập nát hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp của Đất.
“Từ đêm rời nhà đi biệt tăm hàng chục năm trời đến nay tất cả mọi thăng trầm, tất cả những lần đi và về quyết định đời bà đều diễn ra vào ban đêm. Đêm tối ở làng Cuội cũng vắng lặng âm thầm như mọi làng quê nhưng với bà lão Đất thì nó vừa là người che giấu tội lỗi, vừa là viên quan tòa nghiệt ngã, vừa là người bạn đường tin cậy, vừa là ma quỷ ẩn nấp phía sau từ bi.”
– Chuyện làng Cuội
Với giọng văn tinh tế, Lê Lựu đã khắc họa rõ nét nỗi đau của bà cụ Đất. Sau mỗi biến cố, câu chuyện càng được đẩy lên cao trào bởi những tình tiết thể hiện sự bất nhân với người phụ nữ ấy.
Ngòi bút Lê Lựu ở thời điểm này bám sát tiến trình đổi mới của xã hội và văn học Việt Nam, ông đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến thời đại, từ đó phê phán mặt trái cuộc sống cũng như sự tha hóa của con người.
Việc sử dụng chất giọng triết lý mà trào phúng đã giúp các tác phẩm trở nên nổi bật, ghi được ấn tượng trong lòng độc giả. Thông qua suy nghĩ nhân vật, Lê Lựu đã gửi đi những trang văn ngậm ngùi xót thương về kiếp người thuộc “thời xa vắng”.
Cái nhìn đầy nhân văn về thời kỳ mới qua ngòi bút Lê Lựu
Không dừng lại ở giá trị hiện thực, những tác phẩm của Lê Lựu còn chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Nhà văn thể hiện sự cảm thông với những kiếp người bị vùi dập bởi thời đại, từ đó đề cao khát vọng sống lương thiện, niềm tin vào điều tốt đẹp.
Qua nhân vật Sài trong Thời xa vắng, Lê Lựu gửi gắm cái nhìn thương xót về những số phận bị kìm kẹp bởi tư tưởng cũ. Đồng thời, ông lên án kiểu người luôn chịu thua hoàn cảnh, không dám đấu tranh để làm chủ cuộc đời.
“Giá ngày ấy em cứ sống với tình cảm của chính mình, mình có thế nào sống như thế, không sợ một ai, không chiều theo ý ai, sống hộ ý định của người khác, cốt để cho đẹp mặt mọi người, chứ không phải cho hạnh phúc của mình.”
– Thời xa vắng
Bên cạnh đó, tác phẩm còn thể hiện hy vọng của nhà văn về một xã hội tiến bộ. Hình ảnh Sài trở về quê hương, quyết tâm kiến tạo ngôi làng đánh dấu bước chuyển mình của con người để bắt nhịp với thời đại mới.
Khác với Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông lại khẳng định tầm quan trọng của gia đình đối với hạnh phúc và nhân cách con người. Mượn hình tượng Núi, tác phẩm cho thấy một đứa trẻ dễ dàng lạc lối nếu thiếu thốn tình thương, sự quan tâm từ cha mẹ.
Dù vậy, Lê Lựu chưa từng từ bỏ niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người. Việc Núi thay đổi tính cách, bắt đầu chăm lo hạnh phúc gia đình cho thấy tình yêu có khả năng cảm hóa lớn lao.
Riêng Chuyện làng Cuội, tiểu thuyết thể hiện sự thương cảm cho bà cụ Đất. Bị định kiến xã hội đọa đày, bà phải chịu đựng biết bao khổ nhục mà chẳng thể giành lại hạnh phúc.
Tác phẩm đồng thời lên án những kẻ cậy quyền thế, ức hiếp người dân vô tội. Thời thiếu nữ bị hủy hoại bởi ông tổng Lỡi, cuộc đời sau này của Đất càng khốn khổ hơn vì sự lộng hành nơi cán bộ phường, huyện.
“Cô có ngờ đâu từ cái đêm bị cướp giật sự trinh trắng của người con gái, nỗi đau đớn, oán thù lão tổng Lỡi không bằng nỗi khiếp sợ các lề thói gia đình.”
– Chuyện làng Cuội
Đối với Lê Lựu, mỗi nhân vật là một mảnh đời riêng nhưng đều chịu chung tấn bi kịch số phận. Bằng ngòi bút tinh tế, nhà văn khiến người đọc phải suy ngẫm về thân phận con người trong giai đoạn biến động của thời cuộc.
Những giá trị nghệ thuật không bao giờ cũ
Trong hơn ba mươi năm chiến tranh, các nhà văn đã lấy tinh thần kháng chiến làm cảm hứng chủ đạo để hoàn thành sứ mệnh tuyên truyền và cổ vũ chống giặc ngoại xâm. Sau năm 1986, chủ trương của Đảng cởi mở hơn, tác phẩm văn chương vì thế không còn mang đậm màu sắc chính trị.
Do đó, Lê Lựu là một trong những tác giả tiêu biểu góp công vào sự phát triển và đổi mới của tiểu thuyết. Sức sống cùng tình yêu quê hương mãnh liệt được khắc họa qua lời văn mộc mạc, trở thành nơi lưu giữ khung cảnh lịch sử đất nước.
“Qua văn chương, người ta muốn hiểu thời chúng ta đang sống là như thế nào? Người ta muốn nhận thức đúng thực chất các quan hệ xã hội con người đã sống một quãng đời lắm sôi động, nhiều biến cố vừa qua và bây giờ.”
– Lê Lựu
Hơn bốn mươi năm cầm bút, Lê Lựu cho thấy tài hoa văn chương khi thử sức từ tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch đến tạp văn. Việc cống hiến nghệ thuật hết mình đã giúp ông nhận Giải nhì Báo Văn nghệ 1968 và Giải A Hội Nhà văn Việt Nam 1990.
Năm 2001, Lê Lựu vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho Người cầm súng, Thời xa vắng và Mở rừng. Các tác phẩm trên được sáng tác trong thời kỳ đất nước đổi mới, cuộc sống con người còn khó khăn.
Không chỉ có sự công nhận từ văn đàn Việt Nam, những “đứa con” của Lê Lựu còn được người trong giới điện ảnh quan tâm. Tiêu biểu như Thời xa vắng và Sóng ở đáy sông, các nhà làm phim đã đưa khao khát sống và nỗi phẫn uất của số phận con người thời kỳ đó lên màn ảnh nhỏ.
Ngòi bút đầy tính hiện thực cùng những trang viết giản dị, mộc mạc nhưng triết lý đã mang văn chương của Lê Lựu đến gần độc giả, giúp họ có góc nhìn mới về một thời đã qua, khi con người phải đấu tranh để giành giật hạnh phúc.
Đánh giá về vai trò và vị trí của Lê Lựu trong việc phát triển văn học thời kỳ sau đổi mới, nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận định:
“Nếu Nguyễn Minh Châu được tấn phong là “người mở đường tinh anh” cho đổi mới văn học Việt Nam sau 1975 thì Lê Lựu, tôi sẽ gọi ông là “người lính xung kích” trong trận đánh mở đường ngoạn mục đổi mới văn chương đương đại Việt Nam!”
Từng là nhà văn nổi tiếng song cuối đời, Lê Lựu sống trong nỗi cô đơn và bệnh tật. Thế nhưng, ông vẫn trăn trở nỗi niềm cống hiến cho văn học nước nhà, mong muốn những giá trị tốt đẹp được truyền đến hậu thế.
Năm 2014, nhà văn đã dùng tài sản riêng và đóng góp của các cá nhân, tổ chức để thành lập Quỹ nhà văn Lê Lựu. Đây là quỹ phi lợi nhuận được tạo ra với mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn học và văn hoá doanh nghiệp nhằm thúc đẩy xã hội.
Từ thời điểm thành lập đến nay, quỹ đã trao tặng giải thưởng cho nhiều cá nhân xuất sắc có tác phẩm viết về các đề tài doanh nhân, nông thôn, nông nghiệp đổi mới. Đây là tấm lòng trân quý của nhà văn, góp phần phát triển niềm yêu thích văn học ở giới trẻ.
Vì lẽ đó, dù trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống và sự bào mòn của thời gian nhưng bút danh Lê Lựu vẫn sáng mãi, trở thành “tinh tú” trên bầu trời văn học Việt Nam.
Thiên Nhi