Lão Tử và Trang Tử
Vietnamese|English
Chương Bốn: Lão Tử và Trang Tử
Trần Do Bân
Dịch từ nguyên bản Hoa Ngữ : Thí Luận Tuyên Hóa Lão Hòa Thượng Đích Phật Học Cống Hiến đăng trên nguyệt san Vajra Bodhi Sea từ số tháng 6, 1996 đến số tháng 10, 1997.
Chương Bốn: Lão Tử và Trang Tử
Lý do chương này được gọi “Lão Tử và Trang Tử” vì có liên hệ nhiều đến triết lý của Lão Tử hiện diện trong những khai thị và thực hành của Hòa Thượng. Trong Thủy Kính Hồi Thiên Lục”, Hòa Thượng đề cập về cảnh giới của Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp: “Hóa thân thành Lão Tử, rong chơi khắp Trung Hoa; Đón kẻ hữu duyên đăng bỉ ngạn.” Dĩ nhiên Hòa Thượng nhận ra Lão Tử là hóa thân của Tôn Giả Ca Diếp. Mặc dầu Lão Tử chỉ để lại năm ngàn lời, những lời này đã được nhiều thế hệ hành giả và phàm phu trân quý sâu xa và thích thú. Nhiều điều Hòa Thượng nói và làm phù hợp với Lão Tử. Ví dụ Lão Tử nói: “Lời thật thì nghịch tai. Lời thật thì không đẹp; lời đẹp thì không thật. Chân chánh thì có giá trị; vẻ đẹp thì rẻ tiền. Phản là động của Đạo, nhu là dụng của Đạo.” Hòa Thượng thường dùng tâm lý tương phản để thức tỉnh chúng sanh. Một ví dụ là khi được hỏi về việc giết côn trùng trong nhà, Hòa Thượng trả lời:
“Tôi là một con côn trùng, tôi là con kiến. Quý vị giết tôi cũng không sao, nhưng quý vị không nên giết những con côn trùng đó. Nếu quý vị muốn diệt côn trùng, trước hết hãy diệt tôi.”
Điều đó cho thấy tâm từ bi bình đẳng của Hòa Thượng như thế nào!
Suốt cuộc đời Hòa Thượng dùng Sáu Đại Tông Chỉ: Không Tranh, Không Tham, Không Mong Cầu, Không Ích Kỷ, Không Tự Lợi, và Không Nói Dối để giáo hóa chúng sanh (thật ra đây chính là Năm Giới). Nhiều Phật tử không xem những tông chỉ này một cách nghiêm túc, nghĩ rằng ngay cả đứa trẻ lên ba cũng biết những điều này. Như vậy còn cần nói thêm gì nữa? Tuy nhiên, tôi không biết Hòa Thượng đã nói bao nhiêu lần: “Bất cứ thành tựu nào mà tôi có được trong cuộc đời đều là nhờ tuân theo Sáu Đại Tông Chỉ. Bất cứ người nào muốn tu Đạo đều cần phải theo Sáu Đại Tông Chỉ này.”
Phải chăng Lão Tử từng nói: “Đạo của ta dễ hiểu và dễ hành nhưng không có kẻ nào hiểu và hành!”? Lão Tử còn nói: “Người ta nói Đạo của ta không thể thâm hiểu được, nhưng đó chỉ vì người ta mới khám phá. Nếu họ làm quen lâu hơn, họ sẽ dò đến được cái vi tế của nó”. Ngài cũng từng nói: “Đại đạo bình đẳng, ai cũng có thể lên đường dễ dàng.”
Tu hành, về căn bản thì rất dễ dàng: “Đạo có sẵn ngay đó, đừng tìm cầu đâu xa.” Nhưng người ta luôn luôn tìm con đường tắt; họ chạy loanh quanh tìm “mật pháp” để tu hành. Điều này thật sự làm cho con người càng hồ đồ thêm. Chúng ta không nhận thức rằng “Bí mật nằm ngay trong chúng ta” hay sao? Nó nằm ngay trong việc theo đuổi dục vọng vật chất và chấp trước của tâm phân biệt; nó nằm ngay chỗ chế ngự nóng giận và từ chối nói dối. Đó là những “mật pháp” tức khắc; đó là Đạo!
Sáu Đại Tông Chỉ đó, đã được Hòa Thượng thể nghiệm trong suốt đời khổ hạnh; do chính Ngài lập ra hy vọng đóng góp cho điều thiện của thế gian và giúp ích nhân loại. Nhưng người ta không xem những tông chỉ đó một cách nghiêm túc; có khi còn chế diễu. Đúng như Lão Tử đã viết trong Chương 41: “Khi bậc thượng nhân nghe được Đạo, họ đem thực hành. Khi kẻ phàm phu nghe về Đạo, họ có khi chấp nhận có khi chối bỏ. Khi kẻ hạ nhân nghe về Đạo, họ liền chế diễu. Đạo có thể tìm được trong việc không chế diễu và không tự mãn.”
Trong suốt cuộc đời mình, Hòa Thượng đã xiển dương triết lý không tranh giống như sự không tranh của Lão Tử. Hòa Thượng thường đề cập bài thơ:
Tranh là tâm hơn thua
Đi ngược lại với Đạo
Hay sanh ra bốn tướng
Làm sao được Tam-muội?
Những người thật sự không tranh thì không nóng giận. Họ đã đạt đến mức độ có thể tha thứ và thật sự tha thứ. Hòa Thượng còn nói lên bài thơ nữa:
Việc việc buông thì dễ,
Tánh nóng khó sửa đổi.
Thật sự không nóng giận,
Tức có ngọc vô giá.
Lại không buộc lỗi người,
Mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
Phiền não không khởi nữa,
Sân hận không kiếm ta.
Thường luôn tìm lỗi người,
Khổ mình không thể dứt.
Như vậy đó không phải là lời dạy vô cùng đơn giản hay sao? Thật sự không tranh đem lại vô số công đức. Nhưng Hòa Thượng đã không có gì nghi ngờ khi bỏ đi câu kết luận của Lão Tử: “Thật hiếm kẻ biết ta; quý thay những kẻ hiểu thấu ta; đó là ngọc thạch hiếm quý của thánh nhân gói trong vải thô.”
Thêm vào Sáu Đại Tông Chỉ của Hòa Thượng, có hai bài thơ đáng được tin tưởng và thực hành. Đó là:
Chân thật nhận lỗi mình,
Không bàn luận lỗi người,
Lỗi người là lỗi mình,
Đồng thể tức đại bi.Hết thảy là khảo nghiệm,
Coi thử mình ra sao,
Đối cảnh lầm không biết,
Phải luyện lại từ đầu.
Trong “Luận Ngữ” và “Mạnh Tử”, các thánh nhân đã dạy [nói với] chúng ta rằng khi sự việc không theo ý mình thì chúng ta hãy xét lại chính mình. Ngoài ra người quân tử thì tìm lại bên trong mình; còn kẻ tiểu nhân thì nhìn vào người khác. Thêm nữa, khi người quân tử phạm sai lầm, thì tự nhận trách nhiệm. Còn khi kẻ tiểu nhân làm sai lầm, thì trách trời. (Tôn Tử). Sự hướng dẫn của Hòa Thượng cũng là quay trở lại và tìm trong chính mình.
Đúng là có những lúc người ta kinh ngạc về lời dạy của Hòa Thượng, chẳng hạn như vào ngày 10 tháng 2, năm 1993, khi ngài đeo vải che mặt lúc trở lại Vạn Phật Thánh Thành. Mới biết lý do là vì nhiều đệ tử của Ngài đã vi phạm hạnh ăn ngày một bữa lúc ngọ và hạnh luôn mặc áo giới. Với lòng đau buồn, Hòa Thượng đeo vải che mặt khi trở lại Thánh Thành. Ngài nói:
“Trước khi đi Đài Loan, tôi biết rằng tất cả những tông chỉ mà tôi thiết lập từ ngày thành lập Vạn Phật Thánh Thành sẽ bị quét sạch; tôi biết rằng người ta sẽ không tôn kính các tông chỉ này. Điều này đã làm cho tôi vô cùng thất vọng và không thể đối diện với tất cả quý vị. Do đó tôi đeo vải che mặt để tránh nhìn thẳng vào mặt quý vị.”
Trường hợp này của Hòa Thượng là chưa từng có trong lịch sử Phật Giáo. Chưa bao giờ có vị Thầy đeo vải che mặt. Thật ra, chúng ta là những đệ tử đã vi phạm giới luật thì đáng lẽ chúng ta phải tự che mặt của mình, chứ không phải Thầy của chúng ta. Sự phán xét của riêng tôi về vấn đề này là điều này xác nhận rằng Hòa Thượng đã đến cảnh giới “vô ngã”.
Một ví dụ khác về lời dạy đã làm kinh ngạc đệ tử xảy ra vào mùa xuân năm 1992 tại Vạn Phật Thánh Thành khi có buổi Đại Hội Vô Già (Không Che Đậy) xưa nay chưa từng có được tổ chức tại chùa. Trong buổi họp mặt đó, Hòa Thượng nói rằng:
“Tôi đã đau lòng tự đánh mình. Tôi tự đánh tôi nhiều lần đến mức bất tỉnh. Bởi vì tôi thiếu đức hạnh, nên các đệ tử tôi dạy mới ra nông nỗi như thế này. Nếu quý vị sám hối chân thật, thì bất cứ lỗi lầm nào quý vị đã gây nên, tôi đều nguyện tự mình nhận lãnh tất cả. Nhưng nếu quý vị không nói lời chân thật, và mong vào địa ngục sớm hơn một chút, thì tôi không có cách nào để cứu quý vị. Hãy nói sự thật, hay dùng tâm chân thật của quý vị để sám hối thì tất cả quả báo nghiệp chướng mà đáng lẽ quý vị phải thọ lãnh trong địa ngục, tôi sẽ nhận chịu hết!”
Theo tôi biết, chưa có vị Thầy nào tự đánh mình vì đệ tử không hiếu thuận. Điều này thật vô cùng đau lòng. Hòa Thượng đã áp dụng đạo lý “lỗi người là lỗi mình; đồng thể tức Đại Bi” có thể nhìn là thấy ngay. Điều này đã được mô tả trong Phẩm 25 của Kinh Hoa Nghiêm:
“Tôi nên vì chúng sanh, chịu hết tất cả đau khổ của họ để họ có thể thoát được vực thẳm của sanh tử vô tận. Tôi nên vì tất cả chúng sanh trong tất cả thế giới và trong các nẻo ác, chịu thế tất cả các đau khổ của họ suốt đến vị lai. Tôi thà chính mình chịu khổ thay cho tất cả chúng sanh hơn là để cho chúng sanh đọa vào địa ngục. Tôi thà chịu thế cho chúng sanh đang bị nguy nan ở trong địa ngục, trong loài súc sanh, hoặc trong các xứ vua A Tu La để tôi có thể cứu chuộc các chúng sanh trong nẻo ác, giúp họ thoát ra và được giải thoát.”
Tôi nhớ khi Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam còn sống, có lần một đệ tử đưa một cây roi dài và nhờ Thầy đánh mình. Thay vì làm theo, Lão Cư Sĩ lấy cây roi từ người đệ tử và nói: “Xin mọi người đứng dậy. Khi học trò không học, đó là lỗi của Thầy. Tôi sẽ lấy cây roi này và sẽ dùng nó để tự đánh mình.” Điều này đã làm mọi người xúc động sâu xa. Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử nói: “Kiềm chế mình nhiều hơn và buộc lỗi người ít đi. Như vậy sẽ tránh sự hối tiếc.” (Vệ Linh Công, chương Mười Lăm). Vua Thang đời nhà Thương khi cúng Trời nói rằng: “Xin đừng phạt dân của tôi vì lỗi lầm của tôi, nếu dân của tôi làm sai lầm, lỗi là do chính nơi tôi.” (Hiệu Nhật, Chương 20). [Ngôn và hành] Lời nói và việc làm của những vị thánh nhân này đều tương tự nhau. Họ là gương mẫu, tự chế phục [mình] bản thân, và chỉ bằng cách đó để ảnh hưởng người khác. Hòa Thượng có một bài thơ khác:
Hạo nhiên chánh khí trùm trời đất.
Lớn mà chuyển hóa học thánh hiền.
Khi làm không thành, tìm chính mình.
Hồi quang phản chiếu, đừng phan duyên.
Làm như kẻ khờ, đừng quá khôn.
Chăm quét bụi tâm, bỏ toan tính.
Nếu luôn nhắc nhở mình như vậy,
Không lâu Phật pháp đầy vũ trụ.
Cuối cùng, hãy thảo luận triết lý của Hòa Thượng về lễ lạy. Hòa Thượng có lần nhắc rằng bí mật của suốt đời tu hành của Ngài là lạy kẻ khác và chịu phần thua thiệt. Hòa Thượng thường nói với những đệ tử mới quy y: “Là đệ tử của tôi, quý vị phải học tánh kiên nhẫn và đừng tranh chấp. Nếu người ta đánh đập quý vị, quý vị hãy chấp nhận. Nếu người ta la mắng quý vị, quý vị hãy lạy họ. Hãy luôn sẵn sàng chịu sự thua thiệt. Nếu người ta la mắng tôi, quý vị nên lạy họ. Dầu người ta lăng mạ tôi như thế nào đi nữa, quý vị không nên bào chữa cho tôi.”
Tại Hoa Kỳ, Hòa Thượng thường lạy đệ tử của mình. Nếu có những đệ tử không vâng lời, Ngài sẽ lạy họ, và họ sẽ sửa đổi. Trong những năm đầu tại Hoa Kỳ, có một tối nọ Hòa Thượng đang giảng tại Diệu Ngữ Đường ở Vạn Phật Thánh Thành, không một người xuất gia nào muốn lên phát biểu. Sau buổi giảng, trong khi đại chúng tuần tự ra khỏi Diệu Ngữ Đường trở về Phật Điện, Hòa Thượng quỳ bên cửa và nhìn mọi người đi ra. Ngài tự phạt mình và dạy bài học không lời. Đó thật là “Tu hành trong thời đại không gian”, khi người Thầy lại lạy đệ tử của mình. Điều này cho thấy Hòa Thượng đã đạt được tinh thần vô ngã. Tuy nhiên, Hòa Thượng thường hướng dẫn đại chúng bằng cách tự mình quỳ và lắng nghe những bài thuyết pháp của các vị khách tăng đến Vạn Phật Thánh Thành. Ngài chắc chắn không kiêu ngạo, như một số tin đồn có thể nói như vậy. Hòa Thượng đã bắt đầu lạy chúng sanh từ lúc Ngài 12 tuổi (Ngài lúc đó không lạy Phật). Mỗi ngày Ngài lạy trời, đất, cha mẹ, thầy, người lớn tuổi, côn trùng, kiến, v.v… tổng cộng 1670 lạy. Điều này chắc chắn người thường không làm nổi.
Ngày nay các Phật tử chỉ biết lạy Phật bên ngoài. Họ không lạy Phật trong tâm của họ, cũng không sám hối và nhận lỗi của mình trước cha mẹ và chúng sanh, do đó sự thực hành không viên mãn. Chúng ta phải học lạy cha mẹ và tất cả chúng sanh mỗi ngày. Chúng ta nên liên tục “Tìm cầu bên trong mình, phản chiếu trở lại, lắng nghe tự tánh”. Chúng ta hãy “Thấy người hiền thì cố gắng bắt chước, thấy người không phải hiền (nhân) thì tự xét mình”.