Làn hương mới trong Thơ Bằng Việt – Hội Nhà Văn Việt Nam
Vanvn- Nghĩ về Thơ và ngẫm về cuộc sống hôm nay là hai hướng tư duy, nhưng với nhà thơ là cùng mục đích. Bởi chưng, Thơ không thể/không bao giờ tách khỏi cuộc sống và cuộc sống luôn cần Thơ, nâng cánh cho Thơ bay bổng, rung động cùng nhịp sống hôm nay.
Cuộc sống thay đổi, chẳng lẽ gì Thơ không chuyển mình. Công cuộc Đổi mới đất nước thổi luồng gió làm chuyển động toàn xã hội, thì Thơ cũng tỉnh thức. “Giữa những ngày này rung động nhất!/ Gió thổi dậy những vui buồn rất thật/…/ Những mất mát lắng dần vào kỷ niệm/ Buổi chiều chim kêu rất lâu…” (Rung động buổi chiều). Đã từng là người lính, đã từng tham gia chính trường và sẵn trong lòng chất nghệ sỹ đắm say, nên Bằng Việt – nghe tiếng chim kêu rất lâu (kêu chứ không phải hót). Người đọc dễ đồng cảm trước rung động của nhà thơ, vì câu thơ nói cùng tâm trạng.
Nghĩ về Thơ hôm nay, Bằng Việt không chỉ trằn trọc mà day dứt với tình hình chung của thơ, mà trước hết cho chính mình, về thơ của mình. “Đời đột biến mà thơ đi quá chậm/ Đời hết sức thẳng thừng. Thơ vòng vèo, lẩn thẩn…/ Đời trả giá hết mình, thơ khi nhớ khi quên!/…/ Hát mãi suốt bao năm điệu tâm hồn đã cũ/…/ Thơ còn tri kỷ nữa hay chăng?!” (Lại nghĩ về thơ). Thơ “chậm”, “vòng vèo, lẩn thẩn”, nhất là “điệu tâm hồn đã cũ”, nhà thơ cảnh báo về tình thế khủng hoảng của thơ, về sự soán ngôi của số lượng thơ, người làm thơ, thay vì nâng cao chất lượng thơ, tăng cường sức sáng tạo thơ. Day dứt hơn nữa, nhà thơ viết: “Cái lý thực của Đời – bao dung mà khe khắt/ Anh không đổi khác ư? Thời đã khác rồi!” (Thời đã khác rồi).
Cũng nghĩ về Thơ, nhưng theo chiều hướng khác. Là dịch giả, nhà thơ Bằng Việt có điều kiện tiếp cận với thơ thế giới. Chính ở vai trò dịch giả, ông nhận thấy những bất an, bế tắc của không ít nhà thơ nổi tiếng trong bối cảnh xã hội mà họ đang sống. Chẳng hạn, khi Liên Xô tan rã, các nhà thơ xô viết hàng đầu người thì chết trong tủi buồn (như Robert Rôjdextvenxky), người sống lưu vong (như Epghênhi Eptushenkô bỏ sang Mỹ sinh sống lâu dài), người thì tự sát (như trường hợp nữ thi sỹ Julia Drunina).
Chẳng những thế, bi kịch thơ lan ra cả thế giới thơ: “Thơ thời đại hậu sinh – vừa sặc sỡ vừa buồn/ Nhiều sexy, ít nghĩ về hạnh phúc/ Nhiều đòi hỏi, mà chả cần trách nhiệm/ Dễ buông tuồng, nhưng rất ghét tuyên ngôn!” (Thơ còn gì hôm nay?). Từ đó và do đó, nhà thơ nghĩ về thi nhân thuở trước: “Người xưa trong hơn ta, tĩnh hơn ta/ Gần bản thể hơn ta/ Dầu sống ngắn hơn ta” và “Ta nhỏ nhen hơn xưa mà đa sự hơn xưa/ Ta tất bật để mà ta tồn tại!” (Đọc lại thơ thời Trần).
Và, cũng vì đó, nhà thơ xác định: “Thơ càng sắc, càng kiêu, càng chớ màng bất tử/ Miễn đừng để loài người hèn hạ, tối tăm đi…” (Thơ hay – có cần phải chết?). Nhìn lại mình, ngẫm lại thơ mình, người đã từng “chơi hơi nhiều”, có lúc “quên mất câu thơ quá chừng bé bỏng”, song may thay khi xưa “ném câu thơ vào gió” thì những câu thơ ấy “không có gì xảo trá, gian manh”. Và “Nay lại ném câu thơ vào gió thổi/ Tin – không tin!… Vẫn còn lại riêng mình/ Còn lại tấm lòng mong manh, dễ vỡ/ Cát đã qua lò, nay hoá thuỷ tinh!” (Ném câu thơ vào gió).
Khi đã xác định là mình thì cái riêng ấy không chỉ thuộc cái tôi bản thể, mà cả với tính cá thể của thơ. Đó là cốt cách của người thi sỹ. Cái riêng ấy là bất biến và cũng là cứu cánh cho hồn thơ vận động hoà vào dòng chảy cuộc sống. Trong thời kỳ công cuộc đổi mới đất nước diễn ra sôi nổi, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển tác động đến đời sống xã hội cả tích cực lẫn tiêu cực, Thơ Bằng Việt có sự chuyển mình khá nhanh và phù hợp.
Tuyển từ 5 tập thơ (“Phía nửa mặt trăng chìm” – 1995, “Ném câu thơ vào gió” – 2001, “Thơ trữ tình” – 2020, “Nheo mắt nhìn thế giới” – 2008 và “Oẳn tù tì” – 2016, có bổ sung một số bài đã in trên các báo hoặc chưa công bố), tác giả phân bố 96 bài vào trong năm phần: “Bắt chợp từ tâm trạng”, “Những ấn tượng không ranh giới”, “Sợi chỉ nối về quá khứ”, “Muôn mặt chuyện đời” và “Khoảnh khắc trải nghiệm”, lấy tên chung là “Thơ Bằng Việt 1986 – 2016” (Nxb Văn học, 2020). Nhà thơ dụng ý (chứ không dụng ép) “kiểm toán” thơ mình và phân bổ theo tiêu chí của mình. Cách làm này phần nào toát lên tâm trạng của nhà thơ trước thời cuộc và cũng phần nào toả hương vị mới giữa “thị trường” đa chiều của thơ thời mở cửa.
Có thể thấy, Thơ Bằng Việt của 20 năm ấy ghi lại rất trung thực tâm trạng của ông (như cách ông gọi là “bắt chợp” – bắt được, chợp được) trong bối cảnh rất chi là phức tạp dưới tác động của sự thay đổi cơ chế, một sự thay đổi tất yếu để theo kịp thế giới, kịp thời đại. Tâm trạng ấy không tránh khỏi sự rối bời, muốn thoát ra đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghệ thuật.
Khi nhìn những bong bóng mưa nhỏ nhoi, mong manh, nhà thơ chợt so sánh: “Cớ sao nó có thể hơn chúng mình/ Mở hết tấm lòng ra tới tận cùng/ Phản chiếu trọn vòm trời đan bảy sắc?!” (Chuyện tầm phào?). Lẽ dĩ nhiên là không tầm phào. So sánh như thế là phản tư duy triết học bởi “mọi so sánh đều khập khiễng”, nhưng không sai với thủ pháp nhân cách hoá trong tư duy thơ. Ở đây, nhà thơ nêu lên tâm trạng chông chênh của số đông, còn với riêng mình ông xác định: “Nhưng anh muốn sống cho thật đúng mình/ Và em cũng thế!” (Giải thích) hoặc: “Ta lại vẫn còn nhau, không mất mát/ Lòng yêu đời – có thật dễ đâu em!” (Cứ như không).
Đạt được lòng muốn ấy không gì khác là phải đấu tranh – đấu tranh để vượt qua chính mình, để giữ trọn tính cá thể của thơ mình. Bài thơ “Thôi hãy khoan”… Bằng Việt nói rõ ràng thái độ đấu tranh của ông: “Thôi hãy khoan ngậm ngùi/ Những gì chưa dễ có!// Thôi hãy khoan ruồng bỏ/ Những gì chưa dễ qua!// Thôi hãy khoan xót xa/ Những gì chưa dễ mất!// Thôi hãy khoan vùi dập/ Những gì chưa dễ quên!…”. Đây đúng là tinh thần triết học.
Đổi mới không phải phủ định tất cả, không phải những cái cũ đều hết giá trị. Đổi mới là quá trình sàng lọc và xây dựng môi trường phù hợp cho cái mới nảy sinh và phát triển. Tâm lý nôn nóng không có lợi, thậm chí còn có hại cho quá trình đổi mới. Thơ cũng nằm trong diễn tiến có tính phổ biến ấy. Vì vậy, việc ngoái lại quá khứ, điểm lại ký ức cũng là nhu cầu cần thiết, nhằm hiểu rõ hiện tại và hướng về tương lai.
Nhà thơ viết: “Tôi mất nửa đời để trả giá cho truyền thuyết/ Tấm bánh – mang nhiều duyên nợ hơn xưa!” (Bánh chưng, bánh dày); và: “Có thể nào nguôi quên mọi khát vọng con người?/ Mỗi thế hệ liên tiếp truyền tay, như bùi nhùi nhóm lửa,/ Còn gì bất ngờ đâu, trong bản nhạc thuộc lòng kia nữa?/ Nhưng lửa vẫn bùng lên, ngay ở chỗ không ngờ!…” (Giao hưởng số Chín).
Những câu thơ và đoạn thơ trích trên đây, cũng như nhiều bài trong tập thơ, chúng ta thấy tác giả sử dụng nhiều các loại dấu sau những câu thơ, như dấu chấm than (!), dấu hỏi chấm (?), dấu ba chấm (…) và dấu chấm (.) giữa dòng thơ, hơn hẳn trong các tập thơ xuất bản trước năm 1986. Đó cũng là những dấu hiệu thể hiện tâm trạng của nhà thơ, chẳng phải nghi ngờ hay ca thán mà là bề bộn ngổn ngang trước sự biến chuyển liên tục khi các sự kiện và các vấn đề chưa tới hồi kết luận, lan truyền tới thói quen, ý thức và tâm lý con người.
Ở bài Tản mạn về Trúc Lâm đại sĩ không thấy hiện tượng này, cũng bởi hành động nhường ngôi báu và đi tu, sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, vua Trần Nhân Tông được tôn là Phật Hoàng cũng có nghĩa vai trò của vua đã được khẳng định. Nhưng ở bài Xin ấn đền Trần, ngay sau đó, các dấu câu xuất hiện khá nhiều: “Chẳng lẽ: Dân ta rất thích làm quan?/ Xe biển đỏ biển xanh về kín đền, xin ấn!/…/ Nào có ai xui: Chỉ xin sớ rồi đóng ấn/ Mà đủ lăn lưng ăn bẫm lộc Trời?”.
Vẫn là nhà thơ của “Bếp lửa” thuở nào, nhưng trong thời mở cửa Thơ Bằng Việt trở nên đầy ắp day dứt. Tuy nhiên, rất bề bộn tâm trạng, nhưng nhà thơ vẫn giữ được sự trong sáng từ tư duy đến ngôn từ: “Trời ơi! Những câu thơ từng say mê thế/ Chả lẽ cũng là đồ vật cũ mà thôi!?” (Đồ vật cũ), hay: “Thời ấy thật trẻ trung!… Sống trọn vẹn làm sao!/ Yêu hết sức thiêng liêng!… Hứa quá chừng sâu nặng!/ Một lời hứa không thành, khiến suốt đời dai dẳng…/ Mãi day dứt gì ư?… Chỉ là mưa cao nguyên!” (Mưa cao nguyên). Trong tâm trạng nhà thơ, cái day dứt pha khao khát: “Cuộc đời đâu luận trước sau/ Biết đâu hoạ phúc, biết đâu đoạ đày…/…/Cầu may tới cõi giao hoà/ Cầu may có được ngôi nhà biết yêu!” (Lục bát cầu may).
Sự cầu may nghiêng về cái tôi (chắc cũng không hẳn), còn sự trải nghiệm mở rộng tính nhân gian. Bằng Việt khiêm nhường khuôn sự trải nghiệm vào khoảnh khắc, nhưng thực ra nó (cái trải nghiệm ấy) có sức nặng truyền cảm. Ông viết: “Ngôn ngữ tội tình gì, hỡi Rusky day dứt/ Mà dâu bể khó lường… mà giậu đổ, bìm leo?/ Hay cũng nhiễm thói đời, – thói đồng tiền đen bạc,/ Lúc thắng thế vung vinh, lúc tủi phận bọt bèo?!” (Ngôn ngữ và chính trị), (“Rusky day dứt” đọc nhại từ Rusky yazưk của tiếng Nga).
Một khát vọng lớn hơn, đồng thời rất đúng đắn, rằng: “Ta đâu nhỏ hơn Bồ Đào Nha, Na Uy, Đan Mạch/ Bền chí lập thân từ thuở Âu Cơ, Lạc Long Quân/ Mở đất khẩn hoang – hai mốt thế kỷ rồi/ Càng phải dốc tâm nắm bắt mệnh Trời/ Để thành quốc gia vươn mình ra đại dương/ Khi nửa khí chất con người – vốn đã là của Biển?” (Quốc gia Biển).
Bằng Việt viết bài thơ “Đệ nhất Tổ phái Trúc Lâm giảng Thiền” rất ngụ ý. Khi nhà thơ “Hỏi tiếp: Vậy thế nào là Thơ?/ Người lại phủi tay: Chấp theo lối cũ là không đúng!” Chính những tứ thơ, câu thơ như thế mà “Thơ Bằng Việt 1986-2016” lan toả làn hương mới vào đời sống còn nhiều bề bộn hôm nay…
CAO NGỌC THẮNG