Lâm Thị Mỹ Dạ – thơ và đời

Phạm Phú Phong nhận định về nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, một cái tên rất yêu kiều mà gần gũi đời thường thế này:

“Người đọc có thể nhận ra đằng sau câu chữ ẩn sâu bên dưới những chi tiết bình thường dường như chỉ dùng để mô tả, là hình tượng tác giả đầy ước mơ, khát vọng đến cháy bỏng trước cuộc đời không thiếu những eo sèo, nhiễu nhương và bất trắc. Chính điều ấy đã nâng tầm, đưa Lâm Thị Mỹ Dạ xếp vào hàng những nhà thơ nữ tiêu biểu của thi ca Việt Nam hiện đại”.



Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ lúc trẻ

Tiểu sử

Lâm Thị Mỹ Dạ, sinh ngày 18/9/1949, tại quê gốc: huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tốt nghiệp đại học. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Lâm Thị Mỹ Dạ, là cán bộ Ty văn hóa Quảng Bình, sau đó làm phóng viên, biên tập tạp chí Sông Hương; ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế; ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III; ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.

Tác phẩm chính

Trái tim sinh nở (thơ, 1974)

Bài thơ không năm tháng (thơ, 1983)

Danh ca của đất (truyện thiếu nhi, 1984)

Nai con và dòng suối (truyện thiếu nhi, 1987)

Phần thưởng muôn đời (truyện thiếu nhi, 1987)

Hái tuổi em đầy tay (thơ, 1989)

Mẹ và con (thơ, 1995)

Đề tặng một giấc mơ (thơ, 1998)

Ðã được tặng:

Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1973.

Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam 1981 – 1983.

Giải A của ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 1998 với tập thơ Ðề tặng một giấc mơ.

Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007

Tự bạch

Tuổi thơ tôi có những nỗi trắc ẩn – và khi mới lên 10 tôi đã có bài thơ Dòng sông đen. Bài thơ rất buồn. Tôi đã nhìn dòng sông xuyên qua tâm hồn đau đớn, tối thẳm của tôi lúc đó. Nhưng sau 25 năm, khi con gái tôi bằng tuổi tôi ngày ấy – trở lại dòng sông quê hương, tôi đã nhận ra một điều – dòng sông không có đen mà nó rất trong xanh. Phải chăng tâm linh con người là cội nguồn – là thứ gương soi kỳ lạ đặc biệt phản chiếu màu sắc ánh sáng thơ, ánh sáng đời sống. Và tấm gương soi đó không có thời gian, không có tuổi. Có thể khi ta đã già tâm hồn vẫn còn rất trẻ và ngược lại.

Thơ là cái mới mẻ trong cái bình thường. Nhìn thấy nó đã khó, mà diễn tả được nó càng khó vô cùng. Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một quả trứng nóng bức tới mức tự nó phải tách vỏ nở ra đời sống – một đời sống sinh động, có hình hài. Nếu vội vã bóc lớp vỏ đi khi chưa đến độ thì sẽ chẳng bao giờ đạt đến thơ mà chỉ có những ngôn từ chết. Vì vậy có được một bài thơ hay vô cùng khó.

Yếu tố để có thơ hay theo tôi là phải sống thật với chính mình.

Thơ như một vị thần linh bất chợt đến rồi đi nếu không nhanh nắm bắt khoảng khắc kỳ diệu đó thì sẽ mất.

Nhận định

Ðề tặng một giấc mơ

Thời hiện đại, theo luật tăng tốc của cuộc sống, thơ lại làm một cuộc hành trình đầy phiêu lưu, bất ngờ bằng cái nhìn dự cảm kỳ diệu. Cái tôi của từng nhà thơ không còn đóng khung trong một khuynh hướng số đông chính là do sự đa diện và vi diệu của cuộc sống xã hội và sự nhạy – cảm – thi – sĩ của từng chủ thể sáng tạo quy định.

Ở Việt Nam những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX đã diễn ra cuộc kiếm tìm đầy ngoạn mục và thành công không phải bao giờ cũng vẫy chờ phía trước cho mọi nhà thơ.

Lâm Thị Mỹ Dạ – nhà thơ nữ hiếm hoi thời hiện đại, tự nguyện đi vào thế giới lung linh, huyền ảo ấy và vững tin mình không lạc khỏi chính mình. Tập thơ Ðề tặng một giấc mơ (1) của chị đã khẳng định một thi pháp riêng. Thi pháp ấy lấy chính bản thân mình làm đối tượng và dám vực dậy từ những giấc mơ tro vùi, những “Dư âm mặn như nước mắt”, “Những chiếc lá phát sáng mầu huyền thoại” và nỗi buồn “Chết như từng giọt sương – Rơi không thành tiếng để mơ thành giấc mơ”, để nhìn ra tha nhân và nhận lại những ngọt ngào, hy vọng sau khi đã soi thấy tận sâu thẳm tâm hồn mình “như bầu trời thấy mình qua dòng sông”. Ở đó, tác giả tự thanh lọc và rút ra quy luật “Sức mạnh phù du chỉ là thoáng chốc”, bởi vì muôn đời “vầng trăng xanh biếc” và “trái tim dịu dàng – Dịu dàng đến tận cùng trong suốt” vẫn đang đồng hành cùng tình yêu và cõi nhớ.

Ðề tặng một giấc mơ – Bài thơ đầu tập lấy làm tên cho tập thơ là lối vào thế giới những hình ảnh và tâm trạng kỳ thú. Mở đầu bài thơ, qua hình tượng:

Con chim mang giấc mơ bay đi
Chú bé ngủ dưới trời sao sáng

là một thế giới đầy hương hoa, thanh thản đến thanh bạch, chỉ có trời xanh cao rộng và mặt đất đầy cỏ dịu êm đang che chở cho giấc mơ ngọt ngào. Chú bé mơ thành chim, rồi chú chim lại mang giấc mơ bay đi với bao khát khao trên đôi cánh mộng: Con chim trong mơ như nàng tiên cá. Ðó là khát vọng bình yên, hạnh phúc. Giấc mơ tiếp tục thăng hoa; có những hạt ngọc tỏa sáng từ trái tim biến thành giọng hót rực rỡ để suốt đời – cất giữ – tặng riêng – cho Người. Chú bé trôi trong cảm giác kỳ diệu, bồng bềnh của cõi vô thức, mộng du:

Bay qua, bay qua nghìn đêm
Bay qua, bay qua ngàn sao
Những chiếc lá phát sáng mầu huyền thoại
Những bông hoa mang hình bàn tay, ngón tay
Ru ru ru ru
Ru êm.

Ðến đây, bài thơ gây một biến ảo bất ngờ. Hóa ra, chú bé không phải là chủ thể phát ra giấc mơ mà chính là sản phẩm của giấc mơ do một chủ thể khác phát ra. Các hình ảnh, sự kiện diễn biến đứt nối, chập chùng và thỏa mãn những ước mơ vô thức của con người. Nó có cội nguồn ở những gì từng trải, sống qua và dự cảm của người đang mơ. Cho nên bất ngờ ở chỗ:

Chú bé là ai
Chú bé là tôi
Con chim là ai
Con chim là tôi
Giấc mơ là ai
Giấc mơ là tôi.

Ðó là sự gặp gỡ của khát vọng người mà trong thế giới của tiềm thức, vô thức, nó mới được khôi phục một cách êm ái, dịu dàng, bừng ngộ. Khổ cuối bài thơ lạ và toát lên tính triết lý, làm người đọc sững sờ, bất giác hiểu ra sự kỳ diệu bội phần của cõi mộng một cách vô tư và trong sáng:

Ðêm qua
Tôi mơ thành tôi
Tôi mơ thành chim
Tôi mơ thành giấc mơ

Ðây là một trong những bài thơ hay, cấu trúc theo khuynh hướng hiện đại của Lâm Thị Mỹ Dạ. Từ thế giới của giấc mơ ấy, tác giả nhìn ra cuộc đời và thiên nhiên đầy đam mê và tiếc nuối. Trước hết, đó là sự tiếc nuối, ám ảnh về thời gian. Thời gian trôi chảy bỏ lại bên sau những sân ga cuộc đời và tuổi trẻ mộng mơ. Rồi cỏ sẽ xanh trên tuổi chúng ta – Dòng sông sương mù trôi mãi. Tác giả nhận ra rất rõ bằng cảm giác của chính mình: “Ðời người rồi qua mau”, “Ðời người thoáng chốc tan vào gió”, “Hạnh phúc mong manh hương ổi bay” và con người đang vươn lên để chiến thắng thời gian, để không bị mất hút trong sự tàn bạo của từng giọt thời gian:

Thời gian uống tôi
Trời ơi
Thời gian uống tôi

là nỗi sợ hãi có nguyên cớ, có khi do chính mình vô ý gây nên dù:

Năm tháng tươi xanh
Ðời đến lúc cỗi già
Ta mãi thơ ngây
Thơ ngây nào được nữa!

bởi vì:

Em đã thành người đàn bà khác
Bông hoa xanh nụ tầm xuân đã khác
Trách chi em, trách chi đời đen bạc
Khi chính mình lắm lúc tự vùi chôn.

Ðiều quan trọng là con người phải biết mộng mơ, cả những lúc ta không còn có mặt trên đời. Chỉ cách đó, con người mới không sợ cái tuổi già sinh học của mình. Bằng cách níu giữ thời gian, con người tự soi vào mình để hiểu những gì cần phải có trong cuộc chạy đua với thời gian.

Gặp mình, tìm mình, tự vấn, tự thú, tự thoại về mình là tiếng nói khẩn thiết trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ – với cách đó, nhà thơ mới hiểu hết con người và chính mình. Ðó là ý thức tận cùng của cái tôi tự biểu hiện, cái tôi tự soi tỏ:

Một mình lắng, một mình nghe
Ơ kìa cái cõi – đi – về gang tay!
Một mình cho hết đêm nay
Ta ngồi với bóng ôm đầy nhân gian.

Cả trong hạnh phúc, sẻ chia, hình như trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ bao giờ cũng có sự giãn cách nhưng không phải để trách hờn mà là cách để tự triết lý về nỗi cô đơn và sự kiêu hãnh bình yên như trăng non và lá xanh:

Em chẳng là cây mận của ai
Em là cây mận của em
Bám rễ vào đất đai thẳm sâu là nỗi buồn
Và trời xanh là lòng kiêu hãnh.

Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giàu ý tứ. Tứ thơ bao giờ cũng là bất ngờ. Hình như không tạo được tứ lạ thì bài thơ vẫn còn trong dự tưởng. Tất cả các bài trong tập đều có tứ, đặc biệt là những bài: Làm gì có biển, Mưa, Người mù cầm đèn, Một mình, Tôi thấy mình… Trong bài Với biển, tứ thơ rất lạ. Tác giả một mình chạm ly với biển rồi tự nghĩ đó là hành động lãng mạn ngông cuồng, rồi dựng lên chân dung biển để đối thoại, và cuối cùng chấp nhận sự cô độc cao sang trước biển đời giông bão. Hướng ngoại là thi pháp thơ một thời để nói những vấn đề hệ trọng của dân tộc, thời đại. Ðó là điều cần thiết và cao cả, qua đó, thơ thực sự tồn tại có ích giữa cộng đồng. Giờ đây, thơ có nhu cầu quay lại chính mình để từ mình nhìn ra nhân thế. Trong con người, hiện lên những vui buồn, ân nghĩa nhưng phải là những con người có một cuộc đời âm vang và quan trọng hơn là sự chân thật đến tận cùng với chính họ. Lâm Thị Mỹ Dạ đã làm cuộc hành trình này trong thơ đầy trăn trở và bên sau những câu thơ là dự cảm lớn về khát vọng vĩnh hằng. Nỗi buồn, nỗi đam luyến và sự cô đơn trong thơ chị là có thật, đồng thời là một lựa chọn nghệ thuật, là quan niệm mỹ học. Tặng nỗi buồn riêng, Nhiều khi, Làm gì có biển… là những triết lý về sự cô đơn và nỗi buồn biếc trong như ngọc và nước mắt. Ở đó, cái chết là một biểu trưng:

Em chết trong nỗi buồn
Chết như từng giọt sương
Rơi không thành tiếng

Bởi vì từ sự im lìm trong xứ sở của nỗi buồn, người thơ phát hiện ra sự lạnh lùng đến hoang mạc:

Trong xứ sở anh
Em bị lạc
Xứ sở hiếm hoi niềm vui
Khô khắt đến nao lòng

nhưng rồi vẫn chưa hiểu vì sao? Trái tim trắng trong, trẻ dại và nụ cười thật tươi với lời thề dâng hiến giờ ở nơi nào?

Ðến như anh người bạn cùng đường
Vẫn bước ngoài đời em
Em lạc cả trong anh
Lạc không tìm ra lối

Rồi người thơ tự vấn:

Em không còn là em
Ai đánh mất em?
Hay chính em đánh mất?

Dù sao đó vẫn là câu hỏi đã được trả lời, bởi vì nỗi buồn đã đi hết hành trình đau khổ của nó để được gặp lại trong sự hoài nghi cô độc:

Em chết trong nỗi buồn
Chết lặng thầm âm ỉ đớn đau
Trời cho em nụ cười thật tươi
ai biết sau nụ cười
Giọt nước mắt về đâu?

Nhưng rồi, nhà thơ vẫn không ngừng mơ mộng:

Ước gì
Anh là dòng sông
Cho em soi thấy mình như trời cao rộng
Ðể tận cùng anh em gặp chính mình.

Ðó là nỗi buồn của cánh đồng trái tim đã qua bao mùa bón chăm, gieo vãi, nhưng niềm vui không đi cùng năm tháng để rồi nhà thơ tự:

Giật mình
Hoang vắng
Bởi tôi đã gieo tôi cằn kiệt không ngờ.

Nhưng đâu đó bên sau những câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ vẫn vang lên nỗi khát vọng bởi cuộc đời bao giờ cũng bao dung và độ lượng:

Hãy ngước nhìn trời cao sẽ thấy
Xuân còn đầy run rẩy, nôn nao.

Sự quên lãng chính mình, xóa đi chính mình là một cách để biết mình hiện hữu, biết mình đang ngơ ngác trước mọi bắt đầu non tơ như lá, bỡ ngỡ như trời xanh mỗi sớm, có lúc nổ tung:

Như bất ngờ núi lửa
Ðột ngột sao băng
Rực rỡ chói lên mạnh mẽ

dù cuối cùng:

Rồi tất cả lại trở về im lặng
Nỗi im lặng của trăng non và lá xanh,
nhưng ở đó,

người thơ kịp nhận ra sự sống không bao giờ xưa cũ.

Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là tiếng nói đồng cảm đầy khẩn thiết của bao nhiêu số phận, trong đó, hướng về chung quanh trong sự khai thác cạn kiệt chính mình là cái nhìn nhân ái, là thi pháp tự suy đã qua chiêm nghiệm và thay đổi ngôn từ thi ca. Thơ chị kết hợp được chất thực cuộc sống và ngôn ngữ đa dạng, tạo ra những dồn ép, biến ảo, chồng chéo về hình ảnh, đối tượng như huyền thoại, cổ tích nhưng không hề có dấu vết của sự làm dáng. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hồn nhiên, tuân thủ cảm xúc và từ trái – tim – thi – sĩ – nhạy – cảm mà thành. Tặng nỗi buồn riêng, Ðể tặng một giấc mơ, Giấc ngủ mặt trời… là những bài thơ như thế.

Với Ðề tặng một giấc mơ, Lâm Thị Mỹ Dạ đã làm giàu có và phong phú thêm giọng thơ đầy nữ tính và nhân bản vốn có của mình từ Trái tim sinh nở (1974) đến Bài thơ không năm tháng (1983) và Hái tuổi em đầy tay (1989), nhưng giờ đây tính triết lý, nghiệm sinh được tăng cường và sự khẩn thiết nhìn lại mình để thấy bước đi của thời gian và nỗi buồn không thể khác của con người và chính mình. Từ đó, hướng khát vọng thi ca vào những chân trời mơ mộng. Sức hấp dẫn và giá trị của thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nằm trong đường biên của cái tôi và cái ta, giấc mơ và hiện thực, sự tự chôn vùi và sự tự nổ tung, giữa những gì đã qua và những gì sẽ đến; bên cạnh cái hư ảo mong manh ta bắt gặp cái biếc xanh, bỡ ngỡ. Và vì vậy, đó là tiếng nói của sự va chạm, sinh thành. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ không xa rời thi pháp truyền thống nhưng luôn phá và thay để làm giàu có cái phần hiện đại cần thiết của thơ. Thơ chị tự nhiên cứ tưởng thốt ra là thành, không cần sửa chữa nhiều lắm nhưng đó là cái tự nhiên của một tâm hồn đã chín, của những tứ thơ câm lặng, lãng quên được đánh thức sau giấc ngủ mặt trời, lúc mà cái – tôi – nghệ sĩ được lên ngôi cùng với những giấc mơ phát sáng mầu huyền thoại.

Hồ Thế Hà
Huế, tháng 5-1999
(Báo Văn nghệ quân đội)

(1) Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội. 1998 – Giải nhất của Giải thưởng ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1998.

Rate this post