Lạc giữa biển người và cuộc trở lại của Việt Hương, Hoài Linh
Hoài Linh – Việt Hương đã có dịp tung hứng với sở trường biến hóa đa dạng – Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
Lạc giữa biển người (kịch bản: Như Trúc, đạo diễn: Minh Nhật, cố vấn nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu, Công ty truyền thông Khang, Khánh Vương Media phối hợp với Hội Sân khấu TP.HCM thực hiện), vừa diễn ra tối 7-1, là cuộc tái ngộ giữa khán giả với các nghệ sĩ Hoài Linh, Việt Hương sau một thời gian dài…
Lạc giữa biển người mở ra câu chuyện của một xóm trọ nghèo – Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
Đường hoàn lương gập ghềnh
Vở là câu chuyện ở xóm trọ nghèo. Cái góc nhỏ thôi với vài căn nhà chật hẹp san sát mà cũng đủ thứ chuyện. Ngày nào cũng ồn ào sáng tối.
Bữa đó, Sơn (Huỳnh Tiến Khoa) “dắt mối” khách ở trọ là Phi (Khương Ngọc) về cho chú Tài (NSƯT Hoài Linh). Mọi chuyện trở nên rối tung khi bọn giang hồ tới lui xóm trọ và sự thật được phát hiện: Phi là dân anh chị mới mãn hạn tù.
Từ đó mọi người nhìn anh bằng ánh mắt dò xét. Anh mở góc sửa xe cũng chẳng ai dám đến. Anh vô nhà chị Trâm bán cháo lòng sửa giùm ống nước thì bị nghi ngờ lấy trộm tiền, người đi qua xóm bị cán đinh thì đổ là Phi làm… Sự cố liên tiếp xảy ra khiến đường hoàn lương của Phi ngày càng gập ghềnh.
Trong ghẻ lạnh của “biển người”, Phi (Khương Ngọc) tìm thấy sự ấm áp của dì Năm bán ve chai (Việt Hương) – – Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
Cũng may, trong ghẻ lạnh của “biển người”, Phi còn tìm thấy sự ấm áp của dì Năm bán ve chai (Việt Hương). Dì Năm có con trai trạc tuổi Phi, nó là thằng Bảo. Dì cưng nó lắm đâm ra nó sanh hư rồi ra ngoài làm giang hồ.
Bảo cũng sai lầm, tù tội và khi nó muốn trở lại làm người tốt quá khó bởi ai cũng nghi kỵ. “Mỗi người cứ vậy, tiếp một tay đẩy nó ra giang hồ trở lại và rồi nó chết cũng không ai cứu!” – dì Năm đau đớn nhớ về đứa con trai duy nhất của mình.
Người mẹ ôm niềm đau chất ngất nhưng không quá bi thương
Đóng vai già là sở trường của Việt Hương nhưng có lẽ đây là lần hiếm hoi chị vào vai người mẹ mất con và tìm cách níu kéo một chàng trai có hoàn cảnh giống y chang con mình trở về cuộc sống bình thường.
Việt Hương cho biết chị tập vai diễn cả tháng trời để làm sao có thể vào một vai diễn cân bằng cảm xúc bi hài. Bà Năm cô quạnh có một niềm đau chất ngất và Việt Hương không muốn chọn cách diễn quá bi để không khí vở diễn bị chùng xuống.
Việt Hương trong vai người mẹ mất con – Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
Khi đi đến tận cùng một cảm xúc, chị thả một câu thoại ngon ơ khiến khán giả cười cái rần, và cứ như vậy chị làm người ta khóc cười với người đàn bà ít học, nhỏ bé và nhân hậu đó.
Xem Việt Hương – bà Năm lạc giọng kêu cứu khi con trai bị đâm chết, khán giả chia sẻ được vì sao bà tìm cách níu kéo, quyết không cho Phi nhụt chí trên hành trình trở lại làm người lương thiện.
Trong tận cùng nỗ lực của mình, có lúc Phi đã thốt lên: “Nói gì người ta cũng không tin một thằng tù”. Nhưng dì Năm đã dang tay với Phi: “Ít nhất nơi đây còn có bà dì Năm thương mày, tin mày. Con cứ nhẫn nại sống tốt đi, từ từ mọi người sẽ cảm nhận được”.
Chợt nhớ đoàn kịch nói Kim Cương từng dựng vở kịch Vực thẳm chiều cao. Vở nói về anh Tâm, trùm du đãng và hành trình hoàn lương của anh hết sức nhọc nhằn. Chia sẻ lý do đặt tên vở, NSND Kim Cương nói:
“Thường người ta nói vực thẳm, chiều sâu nhưng tôi đặt tên là Vực thẳm chiều cao vì muốn tạo sự đối nghịch, khắc nghiệt. Cái chiều cao đó cản trở người lầm lỗi dữ lắm. Phải thật nghị lực và phải có tình thương của những con người trong xã hội mới có thể kéo người ta lên cái “chiều cao” ngun ngút đó”.
Từ vấn đề đặt ra đó khiến ta phải ngẫm: Bao nhiêu người lầm lỗi đã không thể trở lại cuộc sống tử tế vì định kiến? Và thật sự cần lắm tình thương, sự bao dung, cảm thông của xã hội, xóm giềng để tiếp thêm nghị lực cho họ như cái xóm trọ nghèo trong Lạc giữa biển người sau bao biến cố đã biết ôm lấy và lan tỏa yêu thương với những mảnh đời khiếm khuyết.
NSND Kim Xuân xem xong vở đã bày tỏ: “Vở cưng gì đâu, chất Sài Gòn rõ lắm. Dù đoạn kết chưa đã lắm nhưng tình người Sài Gòn khiến tôi cảm động”…
Hoài Linh vào vai diễn được xem đúng sở trường của anh – Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
“Thương anh cứ ráng, ráng…”
Trong Lạc giữa biển người, Việt Hương sau 15 năm xa sàn kịch đã chín muồi, bởi chị biết chỗ nào ồn ào, chỗ nào cần lắng đọng. Hoài Linh vào vai diễn được xem đúng sở trường của anh, tuy nhiên trong vở diễn lần này có người vẫn thấy chưa đã vì mảng miếng hài của Hoài Linh hơi nhẹ, chưa… bung nóc hết khả năng.
Việt Hương xúc động nói về người anh: “Sau lần phẫu thuật vì ung thư tuyến giáp, giờ anh Linh vẫn phải uống thuốc để điều trị nên sức khỏe của anh vẫn thực sự chưa tốt. Sức khỏe anh còn hạn chế lắm nên khi anh em tập chung tôi cứ nhắc anh: Làm nổi không anh, OK mới làm nha! Thương anh cứ ráng, ráng…”.
Không chụp ảnh, quay phim trong vở kịch có nghệ sĩ Hoài Linh tham gia