LÊ Hồng Nhung – Tiểu sử, tin tức, ảnh, ngày tháng năm sinh, hồ sơ báo chí. Bài báo về người GlobalVN.biz.
Hồng Nhung khai sinh ngày 15 tháng 3 năm 1970, tại thủ đô Hà Nội. Tên đầy đủ của cô là Lê Hồng Nhung, tên thân mật là “Bống” và là một ca sĩ nhạc nhẹ của Việt Nam, từng nhận được 8 đề cử cho giải thưởng Cống hiến. Hồng Nhung đã thành công trong việc đổi mới nhạc Trịnh Công Sơn và nền âm nhạc nước nhà từ những năm đầu của thập niên 90. Qua âm nhạc, cô đã truyền được nguồn cảm hứng và tư duy âm nhạc hiện đại đến những thế hệ ca sĩ sau này như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Tùng Dương, Noo Phước Thịnh, Vũ Cát Tường, Uyên Linh, Phạm Hà Linh, Phạm Thu Hà,… Hồng Nhung là một nghệ sĩ có sự ảnh hưởng rộng rãi và được công nhận là một trong bốn diva hàng đầu của Việt Nam bên cạnh Mỹ Linh, Thanh Lam và Trần Thu Hà. Tuy nhiên Hồng Nhung không tự coi mình là diva.
Hồng Nhung được công chúng biết đến khi tuổi đời còn khá trẻ, gây ấn tượng với một giọng hát đầy nội lực mà vẫn trong trẻo, sáng, tinh tế và vang. Hồng Nhung chịu ảnh hưởng lớn từ ca sĩ Sinéad O’Connor và Whitney Houston. Hồng Nhung cũng là một nghệ sĩ rất tích cực khi tham gia nhiều chiến dịch như trở thành đại diện của Việt Nam lên tiếng về vấn đề bảo vệ loài động vật tê giác, gấu; tham gia dự án âm nhạc nhằm chống nạn ấu dâm, các hoạt động thiện nguyện. Ngoài ra, Hồng Nhung cũng khiến mọi người nể phục về sự thông minh và khéo léo trong giao tiếp cũng như cách làm việc của bản thân.
Hồng Nhung từng thể hiện thành công những ca khúc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Trần Tiến, Dương Thụ, Phú Quang, Quốc Trung, Hồng Đăng, Từ Huy, Thanh Tùng, Duy Thái, Trần Quang Lộc, Quốc Bảo, Huy Tuấn, Bảo Chấn, Bảo Phúc… nhưng thành công nhất vẫn là những nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – vị nhạc sĩ huyền thoại của tân nhạc Việt Nam và đã đóng đinh tên tuổi của mình với dòng nhạc này. Cô cũng là người được cố nhạc sĩ họ Trịnh rất ưu ái, ông đã sáng tác tặng riêng cho nữ ca sĩ ba bài hát: “Bống bồng ơi”, “Bống không là Bống” và “Thuở Bống là người”.
Tiểu sử
Ca sĩ Hồng Nhung sinh ra trong một gia đình Hà Nội trí thức, có nền tảng về văn hoá giáo dục tốt. Ông nội của nữ ca sĩ là họa sĩ Lê Văn Ngoạn; ông ngoại cô là nhà ngôn ngữ học Đới Xuân Ninh; bố cô là dịch giả có tiếng Lê Văn Viện. Cô có họ hàng với nam ca sĩ Bằng Kiều (gọi bằng chú).
Bố mẹ của Hồng Nhung chia tay khi cô chưa tròn 2 tuổi. Vì là con một nên khi chia tay, bố của cô đã kiên quyết nhận nuôi Hồng Nhung. Từ đó, Hồng Nhung sống với bố và ông bà nội nhưng những ngày cuối tuần thì cô đến thăm mẹ. Bố Hồng Nhung tái hôn với một người phụ nữ khác tên Mai, hơn cô 10 tuổi.
Năm 1983, Lê Hồng Nhung có tên trong danh sách những học sinh giỏi toàn thành phố Hà Nội, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng khen. Đồng thời Hồng Nhung cũng là học sinh giỏi toàn diện 7 năm liền và tốt nghiệp PTCS với số điểm ấn tượng 36/40, từng được cử đi thi học sinh giỏi Văn cấp thành phố rồi lọt vào cuộc thi Học sinh giỏi Quốc gia.
Hồng Nhung tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh tại Đại học Khoa học và Xã hội Nhân Văn, TP Hồ Chí Minh.
Sự nghiệp
Thời niên thiếu và khởi đầu sự nghiệp
Năm 10 tuổi, Hồng Nhung thi tuyển vào đội nhạc Họa mi của Cung Văn hóa Thiếu nhi TP Hà Nội và trở thành thành viên của đội này. Năm 11 tuổi, Hồng Nhung được đến Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm bài hát đầu tiên có tên “Lời chào của em”, do Nghiêm Bá Hồng sáng tác, và được biểu diễn trong Đội nghệ thuật Măng non TP Hà Nội. Bản thu âm đó được gia đình của Hồng Nhung lưu giữ đến tận bây giờ và thi thoảng vẫn được cả gia đình mang ra nghe lại.
Năm 1984, lần đầu tiên Hồng Nhung được cử đi dự “Liên hoan nghệ thuật quốc tế” tại Libya, trở thành giọng hát thiếu nhi được yêu thích tại Hà Nội lúc bấy giờ. Năm 1985, khi mới có 15 tuổi, Hồng Nhung đoạt Huy chương vàng tại “Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc” lần số 4 tại Hải Phòng với ca khúc “Diều ơi cho em bay” của Nguyễn Cường. Hồng Nhung gặp gỡ nhạc sĩ Dương Thụ và được nhạc sĩ này dìu dắt vào nghề. Khoảng hơn 1 năm sau, ca sĩ Hồng Nhung gặp nhạc sĩ Quang Vinh, cô gia nhập Đoàn ca nhạc nhẹ Trung ương và bắt đầu bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp rồi rất nhanh chóng trở thành một hiện tượng nhạc trẻ thời bấy giờ.
Năm 1987, được chọn tham dự cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội”, lúc đó cô mới học năm nhất hệ trung cấp tại Trường nghệ thuật Hà Nội và đã xuất sắc giành giải nhất với ca khúc “Nhớ về Hà Nội”. Đây trở thành một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp ca hát của nữ ca sĩ. Tháng 9/1991, Hồng Nhung đoạt giải nhất cuộc thi “Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc lần thứ 2” với các ca khúc “Vì sao anh không đến” (Từ Huy), “Hãy đến với em” (Duy Thái) và “Nothing Compares to You” (Sinéad O’Connor).
Khi 20 tuổi, Hồng Nhung theo bố vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, cô may mắn gặp gỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tình cờ tạo nên một mối nhân duyên âm nhạc vô cùng đẹp và đây cũng là bước ngoặt lớn làm thay đổi toàn bộ cuộc đời âm nhạc của Hồng Nhung, có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách và con đường âm nhạc của Hồng Nhung.
Năm 1988, Hồng Nhung cho ra mắt album Tiếng hát Hồng Nhung, được tái bản khá nhiều lần. Cô chính thức gia nhập Đoàn ca múa nhạc nhẹ của Trung ương và trở thành một trong những ca sĩ nhạc nhẹ số một Việt Nam liên tục biểu diễn trên những sân khấu ca nhạc, trên vô tuyến truyền hình và giành được nhiều cảm tình của khán giả. Năm 1989, Hồng Nhung biểu diễn tại liên hoan nhạc nhẹ tại Berlin, Cộng hòa Dân chủ Đức và biểu diễn tại Festival thế giới số 19 tại Triều Tiên. Năm 1990, Hồng Nhung lưu diễn tại Iraq. Năm 1991, sau chuyến lưu diễn ở Trung Quốc và Singapore, ca sĩ Hồng Nhung chính thức gia nhập Đoàn ca nhạc nhẹ TP Sài Gòn và đoạt giải nhất tại “Cuộc thi đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc năm 1991”, các ca khúc tại cuộc thi đã được đưa vào album Sao anh không đến cùng với 5 ca khúc Việt Nam và 4 ca khúc tiếng nước ngoài.
Năm 1992, Hồng Nhung lưu diễn tại Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ba Lan và gặp gỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cũng bắt đầu hát nhạc Trịnh Công Sơn bằng một phong cách mới, tạo ấn tượng mạnh. Năm 1993, album nhạc Trịnh Công Sơn có tên Bống bồng ơi ra mắt và nhanh chóng trở thành hiện tượng âm nhạc, một bước ngoặt lớn nữa đối với sự nghiệp ca hát của Hồng Nhung và mang đậm dấu ấn lịch sử đối với âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Bống bồng ơi có vai trò là cầu nối chuyển giao thế hệ ca sĩ từ Khánh Ly sang Hồng Nhung, khơi thông mạch máu chảy có “linh hồn” cho dòng nhạc Trịnh trong đời sống của âm nhạc Việt Nam sau năm 1975.
Năm 1994, Hồng Nhung phát hành album tên là Lênh đênh bao gồm 10 ca khúc Hồng Đăng, cùng với ca sĩ Thanh Lam thu âm băng nhạc có tên Từ Huy với chủ đề “Ngày anh đến” thể hiện nhiều tìm tòi, sáng tạo trong cách biểu diễn của 2 ca sĩ tạo được dấu ấn mạnh với công chúng; cùng ca sĩ Phương Thanh thu thanh album Tôn Thất Lập – Tình ca của mùa xuân. Tham gia chương trình Duyên dáng Việt Nam mùa một với ca khúc “Bống bồng ơi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được chính tác giả ra giới thiệu, dẫn chuyện trước khi nữ ca sĩ biểu diễn.
Năm 1995, Hồng Nhung hợp tác với nhạc sĩ Đức Trí cho ra đời album Chợt nghe em hát – được coi là album có chủ đề đầu tiên của âm nhạc Việt Nam với các sáng tác lần đầu tiên được cho ra mắt của hai nhạc sĩ trẻ là Lã Văn Cường và Trần Quang Lộc, tiêu thụ lên đến 30.000 bản ngay trong tuần đầu tiên phát hành. Album đạt đỉnh cao đầu tiên trong sự nghiệp, đưa tên tuổi của ca sĩ Hồng Nhung lên vị trí cao trong nền tân nhạc tại Việt Nam, album này mở ra một thời kỳ mới của nền nhạc nhẹ Việt Nam – yếu tố “hội nhập” với xu thế là nhạc nhẹ thế giới lần đầu tiên đã được hiện hữu trong một album nhạc nhẹ đầy văn minh, hiện đại và đậm chất Việt Nam.
Năm 1996, Hồng Nhung tiếp tục hợp tác cùng nhạc sĩ Đức Trí, Tam Ca Áo Trắng cho ra mắt album “Hát mừng giáng sinh”, thành công vượt ngoài sự mong đợi với hơn 100.000 bản băng cassettte được tiêu thụ và trở thành album giáng sinh được yêu thích nhất tại Việt Nam, tái bản liên tục cả trong nước ( Viết Tân Studio phát hành) lẫn hải ngoại (Trung tâm Mưa hồng chịu trách nhiệm phát hành). Gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả truyền hình trong đêm chung kết chương trình SV96 với ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” (của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn). Là đại diện duy nhất cho Việt Nam được mời tham dự chương trình “Dream come true” do hãng truyền hình nổi tiếng NHK – Nhật Bản tổ chức tại thủ đô Tokyo – một chương trình dành cho những ngôi sao âm nhạc hàng đầu Châu Á, ca sĩ Hồng Nhung đã trình diễn “Hạ trắng” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Năm 1996, nữ ca sĩ đã tạo nên hiện tượng trên sân khấu biểu diễn TP Hồ Chí Minh cùng bài hát “Cho em một ngày” của Dương Thụ với bản phối khí của nhạc sĩ Nguyễn Hà cùng ghita Vĩnh Tâm.
1997–1999: Đoản khúc thu Hà Nội, Hồng Nhung & những bài Topten và Bài hát ru cho anh
Vào năm 1997, Hồng Nhung tổ chức chuyến lưu diễn xuyên Việt lần đầu tiên mang tên Hồng Nhung và Bống bồng ơi bao gồm 9 đêm diễn tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng (12/1997). Ngày 21/7 cùng năm, Hồng Nhung cho ra mắt album phòng thu đầu tay mang tên Đoản khúc thu Hà Nội với phần hòa âm và phối khí của nhạc sĩ Bảo Chấn đã tạo nên tiếng vang lớn về mặt nghệ thuật và số lượng đĩa đã tiêu thụ, trở thành album Hà Nội kinh điển, nhận được giải thưởng “Đĩa hát vàng 97” và gắn tên tuổi của Hồng Nhung với dòng nhạc viết về thủ đô Hà Nội. Tháng 9/1997 chương trình Làn Sóng Xanh ra đời và Hồng Nhung là ca sĩ có nhiều bài hát nhất lọt Topten LSX 97 với thứ hạng cao, tiêu biểu là bài hát “Đóa hoa vô thường” chiếm lĩnh hạng 1 trên bảng xếp hạng liên tục 4 tuần tháng 11/1997. Video âm nhạc “Đóa hoa vô thường” của ca sĩ Hồng Nhung được phát hành trên truyền hình và CD đã tạo nên hiện tượng âm nhạc đặc biệt, ngoài phần âm nhạc rất xuất sắc thì điểm nhấn độc đáo là MV được dàn dựng thành một câu chuyện có mở đầu – kết thúc hoàn chỉnh, mang đậm nét văn hóa Phương Đông, đây là một bước tiến lớn so với thời điểm bấy giờ. “Đóa hoa vô thường” được giới chuyên môn đánh giá một trong những MV đỉnh cao của nhạc nhẹ Việt Nam.
Năm 1998, ca sĩ Hồng Nhung phát hành album phòng thu thứ hai có tên là Hồng Nhung & những bài Topten, bao gồm 9 bài hát đều lọt Bảng xếp hạng Topten Làn Sóng Xanh 97; tiếp tục sự hợp tác thành công với nhạc sĩ Đức Trí trong album phòng thu số ba, Bài hát ru cho anh được phát hành ngày 4/12/1998. Album này phác họa đầy đủ, sinh động nhất chân dung âm nhạc của nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ đánh giá Hồng Nhung là người biểu diễn hay nhất và thành công nhất nhạc của ông. Hồng Nhung cũng hợp tác cùng MC Lại Văn Sâm và kênh sóng VTV3 tổ chức chương trình Khách mời VTV3 – Bắt đầu từ hôm qua nhằm dành cho hơn 10 ngàn sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Y Hà Nội, chương trình truyền hình này được khán giả yêu thích nhất năm 1998 của kênh VTV3 với số thư yêu cầu lớn nhất và số lần phát lại nhiều nhất.
Năm 1999, ca sĩ Hồng Nhung tổ chức thành công live show xuyên Việt lần 2 với chủ đề Bài hát ru 99 – Vì cuộc sống trẻ thơ cùng sự tham gia của đạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Nam, ban nhạc Hy vọng, nhạc sĩ hòa âm Đức Trí và ca sĩ Bằng Kiều, chương trình này đã tạo được tiếng vang lớn không chỉ về góc độ nghệ thuật và cả về ý nghĩa nhân văn, liveshow Bài hát ru 99 gắn với việc Tuyên truyền và gây quỹ ủng hộ phòng chống dịch sốt xuất huyết cho các em nhỏ, ca sĩ Hồng Nhung đã dành trọn 200 triệu tiền vé bán ra để ủng hộ quỹ.
2000–2002: Ru tình, Cháu vẽ ông mặt trời và Ngày không mưa
Năm 2000, ca sĩ Hồng Nhung cho ra mắt album phòng thu thứ 4, Ru tình, bao gồm 10 tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Bảo Chấn, Thanh Tùng do Đức Trí hòa âm, Hồng Nhung trình diễn theo phong cách tự do, ngẫu hứng và thiên về kỹ thuật hát nói, bài hát “Một mình”, do nhạc sĩ Thanh Tùng sáng tác, lần đầu tiên được ca sĩ Hồng Nhung thu âm. Với phần trình diễn đột phá về mặt nghệ thuật trên sân khấu Duyên dáng Việt Nam số 9 với ca khúc “Ru con giữa rừng đại ngàn” của nhạc sĩ Dương Thụ, Hồng Nhung chia sẻ rằng: “Nhung rất thích ca khúc “Ru con giữa rừng đại ngàn”. Không có những lời ru à ơi, dịu dàng như những khúc hát ru vốn quen thuộc của dân tộc, lời của bài hát còn chứa đựng nhiều sức mạnh mãnh liệt của núi rừng hoang dã. Bài hát đã gợi cho Nhung cảm giác như khi được xem bộ phim Lion King ở phần đoạn sư tử con vừa mới chào đời…Lời ru như khoác thêm cho con nhỏ chiếc áo sức mạnh thể chất lẫn tinh thần…Ca khúc này được nhạc sĩ Đức Trí hòa âm rất hay và rất đặc biệt, mang phong cách âm nhạc nhẹ nhưng vẫn rất đậm âm hưởng của dân tộc”
Năm 2001, Hồng Nhung cho ra mắt album phòng thu thứ năm, Cháu vẽ ông mặt trời, bao gồm 11 ca khúc, album thiếu nhi nhưng được êkip của Hồng Nhung, Bảo Chấn, Dương Thụ thực hiện rất công phu và độc đáo, chuyên nghiệp, trở thành một dấu ấn đẹp đẽ trong sự nghiệp ca hát của Hồng Nhung. nhạc sĩ Dương Thụ nhận xét rằng: “Việc ca sĩ hát nhạc thiếu nhi không hề lạ. Nhưng ở Hồng Nhung tôi cảm nhận được rằng cô là một nghệ sĩ của thế giới nội tâm, hát và tới với khán giả nhỏ tuổi bằng cả tấm lòng của mình”. Năm 2001, ca sĩ Hồng Nhung được mời hát chính cho bộ phim điện ảnh mang tên Người mỹ trầm lặng của đạo diễn có tiếng Phillip Noyce và tham gia vai phụ ca sĩ phòng trà trong bộ phim này, Hồng Nhung sang Anh thu âm phần nhạc phim cùng với Craig Armstrong trong ca khúc “Thiên Thai” và “Nothing in this World” (hát cùng Craig Armstrong). Năm 2003, Hồng Nhung được Đề cử “Best Original Song Written Directly for a Film” cho giải thưởng World Soundtrack Award ở Bỉ cho bài hát “Nothing in This World”.
Hồng Nhung lần đầu tiên hợp tác cùng nhạc sĩ Quốc Trung và ban nhạc Phương Đông cho ra mắt album Ngày không mưa vào ngày 2/11/2001. Album thành công cả về mặt nghệ thuật lẫn thị trường với nhiều bản hit tiêu biểu kể đến như: “Họa mi hót trong mưa”, “Một đêm mưa tháng giêng”, “Ngày không mưa”, “Tình yêu ở lại”, “Phố mùa đông”. Nhạc sĩ Dương Thụ đánh giá album Ngày không mưa là một trong hai album nhạc nhẹ xuất sắc nhất Việt Nam ở thời điểm đó, cùng với Mây trắng bay về của ca sĩ Thanh Lam. Hồng Nhung đoạt được giải thưởng Ca sỹ được yêu thích nhất Làn Sóng Xanh năm 2002; ca khúc “Ngày không mưa” cũng đạt giải top 10 ca khúc được yêu thích nhất của Làn sóng xanh năm 2002. Ngoài ra Hồng Nhung còn thắng lớn tại giải thưởng của VTV – Bài hát tôi yêu ở hạng mục Ca sĩ được yêu thích nhất và giải thưởng Ca khúc được yêu thích nhất cho hai ca khúc “Họa mi hót trong mưa” và “Ngày không mưa”. Cùng trong năm 2002, Hồng Nhung là ca sĩ Việt Nam đầu tiên nhận được mời tham dự Liên hoan âm nhạc Châu Á tổ chức thường niên tại Singapore cùng Trần Mạnh Tuấn với các bài hát “Inh lả ơi”, “Ru tình”, “Ngày không mưa” và “Hồ trên núi”.
2003–2005: Thuở Bống là người, Một ngày mới và Khu vườn yên tĩnh
Năm 2003, ca sĩ Hồng Nhung có cuộc bứt phá ngoạn mục lớn, trở thành ca sĩ tâm điểm của năm với giải thưởng Mai Vàng tại hạng mục Nữ ca sĩ được yêu thích nhất với bài hát “Một ngày mới”. Video âm nhạc “Một ngày mới” giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng chung cuộc VTV – Bài hát tôi yêu lần 2 với giải thưởng Ca khúc được yêu thích nhất, năm thứ 7 liên tiếp nhận được giải thưởng Ca sĩ được yêu thích nhất của Làn Sóng Xanh và là một trong số những giọng ca chính thể hiện bài hát “Vì một thế giới ngày mai”, bài hát chính thức của SEAGAME 2003 tổ chức tại Hà Nội.
Cùng năm đó, Hồng Nhung cho ra mắt album phòng thu thứ 7, Thuở Bống là người, bao gồm 11 ca khúc viết về thân phận của con người, triết lý đời sống, tình yêu do chính cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn biên tập cùng ca sĩ Hồng Nhung trước khi ông qua đời. Chương trình hòa nhạc với chủ đề nhạc Trịnh Công Sơn được tổ chức tại Khu du lịch Bình Quới với hơn 5.000 khán giả đến tham dự cũng đạt thành công rực rỡ. Nhiều ca khúc trong album đã lọt vào những bảng xếp hạng âm nhạc, từ “mới lạ” trở thành “quen thuộc” với đông đảo khán giả và Thuở Bống là người vẫn được tái bản đều đặn, giữ vững giá trị lớn theo thời gian.
Cũng trong năm 2003, ca sĩ Hồng Nhung cùng nhạc sĩ Quốc Trung và Huy Tuấn cho ra mắt album phòng thu thứ 8, Một ngày mới, giới thiệu về một hình ảnh mới trẻ trung, tràn đầy năng lượng của ca sĩ Hồng Nhung. Album được thực hiện trong khoảng thời gian gần 3 tháng, gây sốt với phần đa công chúng trẻ tuổi, hơn 10.000 bản CD đã được bán ra trong tuần đầu tiên phát hành. MV “Nắng về theo anh” tặng kèm CD được đánh giá là môt MV xuất sắc của thể loại nhạc nhẹ Việt Nam.
Ngày 28/10/2004, Hồng Nhung ra mắt album phòng thu thứ 9,, Khu vườn yên tĩnh, một album âm nhạc chủ đề được lấy cảm hứng bắt nguồn từ khu vườn tại ngôi nhà của Hồng Nhung ở TP Hồ Chí Minh. Album được xây dựng ban đầu từ một kịch bản văn học được nhạc sĩ Dương Thụ đảm nhiệm, sau đó các bài hát được sáng tác theo kịch bản chứ không đi lựa chọn bài hát như các album thông thường, là khối thống nhất của phần hòa âm, giai điệu, lời ca, giọng hát. Khu vườn yên tĩnh được khán giả hết sức ngợi khen, giới chuyên môn đánh giá khá cao là album xuất sắc nhất của thể loại nhạc nhẹ Việt Nam với việc có nhiều khám phá độc đáo và mới lạ đối với nghệ thuật.
2006–2016: Như cánh vạc bay, Vòng tròn
Năm 2006, ca sĩ Hồng Nhung lần đầu hợp tác cùng nhạc sĩ nổi tiếng Hoài Sa và tạo được tiếng vang cùng dự án nhạc Trịnh Công Sơn có tên Như cánh vạc bay, bao gồm album phòng thu thứ 20 cùng tên và hai đêm trình diễn của buổi hòa nhạc mang tên Như cánh vạc bay tại Nhà hát lớn Thành phố Hồ Chí Minh với 16 bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được hòa âm và trình diễn theo phong cách mới mẻ. 2 bài hát “Ru em từng ngón xuân nồng” và “Tuổi đá buồn” đã nhanh chóng trở thành hai bản hit của ca sĩ Hồng Nhung trên các sân khấu lớn trong và ngoài nước. Ca sĩ Hồng Nhung đoạt giải thưởng Sự nghiệp tỏa sáng của giải thưởng Ngôi sao Bạch Kim.
Năm 2007, Hồng Nhung cho ra mắt dự án song ca Hồng Nhung – Quang Dũng có tên Vì ta cần nhau (CD & live show) do nhạc sĩ tài năng Đức Trí sản xuất, hòa âm; dự án Vì ta cần nhau đa đem về thành công vượt ngoài mong đợi của Hồng Nhung, CD Vì ta cần nhau là một trong 10 album bán chạy nhất năm 2007 và live show cùng tên Vì ta cần nhau được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu trong năm 2007 của kênh sóng VTV3 và Báo Thể thao & Văn hóa. Mặc dù vẫn còn một số tranh cãi xung quanh vấn đề chênh lệch đẳng cấp giữa Hồng Nhung – Quang Dũng khi kết hợp chung nhưng không thể phủ nhận được sức lan tỏa và thành công của dự án. Cuối năm, ca sĩ Hồng Nhung nhận giải thưởng Ca sỹ được yêu thích nhất của 10 năm chương trình Làn Sóng Xanh và giải thưởng Nghệ sĩ ăn mặc lịch sự nhất năm 2007.
Năm 2009, ca sĩ Hồng Nhung tiếp tục hợp tác với nhạc sĩ Hoài Sa cho ra mắt dự án song ca nhạc Trịnh Công Sơn cùng nam ca sĩ Quang Dũng với chủ đề mang tên Có đâu bao giờ (CD&Live show) theo phong cách New Age, dòng nhạc sở trường của cả hai ca sĩ đã giúp 10 ca khúc trong CD nghe rất êm dịu, cảm xúc mang tinh thần lạc quan, yêu đời, rất yoga như chính ca sĩ Hồng Nhung chia sẻ. Lần đầu tiên Hồng Nhung – Quang Dũng trải nghiệm việc tổ chức live show ở địa điểm quy mô nhỏ chỉ với 100 khán giả tham dự, giá vé lên đến 3 triệu đồng/vé, đêm diễn không được phát hành DVD như các live show diễn ra trước đó nên phần đông khán giả không được thưởng thức nhưng được cánh báo giới đánh giá là ấm cúng, sang trọng và giàu cảm xúc.
Năm 2011, ca sĩ Hồng Nhung ra mắt album phòng thu thứ 11, Vòng tròn, theo thể loại nhạc điện tử. Album này được Hồng Nhung viết kịch bản văn học,nhạc sĩ Quốc Trung viết kịch bản âm nhạc, sau đó được các nhạc sĩ tên tuổi khác viết theo đơn đặt hàng. 11 bài hát có trong album tập trung vào một thông điệp âm nhạc được khắc họa rõ nét và độc đáo, đó là sự liên hệ và tính kết nối chặt chẽ giữa con người với thế giới bên ngoài, giữa âm nhạc với cuộc sống.
Với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện cùng kinh nghiệm biểu diễn, Hồng Nhung luôn được chọn lm người hướng dẫn cho các thí sinh trong các cuộc thi về ca hát như Vietnam Idol, Giọng hát Việt. Năm 2011, Hồng Nhung là giám khảo cuộc thi có tên Sáng bừng sức sống, một chương trình truyền hình thực tế nhằm tìm kiếm nhóm nhạc nữ Việt Nam. Năm 2013, cô đảm nhiệm vị trí một trong 4 huấn luyện viên (bên cạnh Quốc Trung, Đàm Vĩnh Hưng và Mỹ Linh) của chương trình Giọng hát Việt mùa 2.
Tháng 7/2014, cô cùng nhiều sao Việt đã đồng hành với Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thực hiện chiến dịch Tôi ủng hộ bảo vệ động vật hoang dã với chủ đề là “Cùng hành động vì các loài gấu của Việt Nam – Chấm dứt vấn nạn nuôi nhốt gấu” nhằm ngăn chặn thực trạng săn bắn, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Tháng 9/2014, Hồng Nhung có mặt tại Nam Phi từ ngày mùng 8 với tư cách là một đại biểu đại diện cho đoàn Việt Nam sang quốc gia này để tìm hiểu về nạn thảm sát tê giác và những hậu quả bắt nguồn từ nhu cầu tiêu thụ sừng tê tại các quốc gia châu Á, trong đó có cả Việt Nam. Năm 2014 và 2015 Hồng Nhung làm giám khảo cuộc thi Tuyệt đỉnh tranh tài. Cuộc thi này dành cho những ca sĩ chuyên nghiệp thử sức với các thể loại âm nhạc khác nhau.
Ngày 12/9/2015, Hồng Nhung và Hà Anh Tuấn là hai nghệ sĩ được mời tham dự Chương trình bảo vệ loài tê giác theo lời mời của tổ chức nổi tiếng Rhinos Foundation. Chiều ngày 16/11/2016 tại TP Hà Nội, Hồng Nhung cùng ca sĩ Thanh Bùi và Xuân Bắc đã gặp gỡ hoàng tử William để cùng trò chuyện về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là đối với loài tê giác. Ngày 30/5/2017, Hồng Nhung cùng các ca sĩ Thu Minh, Đoan Trang, Trương Quỳnh Anh, Thảo Trang, Trà My Idol tham gia dự án cộng đồng của Trang Pháp để nâng cao nhận thức và tìm ra những giải pháp bảo vệ trẻ em khỏi nạn ấu dâm.
2017 đến nay: Phố à, phố ơi… và Tuổi thơ tôi
Ngày 16/1212017, cô tổ chức buổi họp báo chính thức cho ra mắt album phòng thu thứ mười một có tựa đề Phố à, phố ơi… tại TP Hồ Chí Minh. Trong buổi họp báo còn có sự có mặt của Hoa hậu Hoàn vũ năm 2007 Riyo Mori và Vũ Cát Tường.
Ngày 6/5/2018, Hồng Nhung tham gia chương trình mang tên The Oriental Mood của Nguyên Lê và Trần Mạnh Tuấn tại nhà hát VOH Music One, TP Hồ Chí Minh. Với vai trò là khách mời, Hồng Nhung đã biểu diễn ca khúc “Bèo dạt mây trôi”. Ngày 26/5/2018, nhân dịp sinh nhật lần thứ 50 của Thái tử Frederik, Hồng Nhung được mời dự tiệc tại cung điện Christiansborg, tại Copenhagen Đan Mạch. Ngày 20/6/2018, sự kiện hưởng ứng Ngày hội âm nhạc được diễn ra tại Hà Nội do Đại sứ Ý Cecilia Piccioni đứng ra tổ chức. Trong sự kiện này, cô đã thể hiện ca khúc “Voi che sapete” (Mozart) và “Nhớ mùa thu Hà Nội” (của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) dưới phần đệm đàn của nhạc sĩ Đăng Quang.
Ngày 1/3/2019, Hồng Nhung tham gia Chương trình Ánh dương mùa xuân nhằm chào mừng nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên do Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đứng ra thực hiện. Trong chương trình, Hồng Nhung đã song ca “Hạ trắng” cùng Quán quân Sao Mai năm 2017 dòng nhạc nhẹ Thu Thủy vào đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngay sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu thể hiện thêm một tác phẩm khác. “Hồng Nhung nghĩ nhạc Trịnh là tài sản quý giá của người Việt Nam, vì thế, tôi hy vọng được giới thiệu thêm nét đẹp văn hóa này tới ông Kim Jong-un”.
Đời sống cá nhân
Hồng Nhung đã kết hôn vào tháng 7/2011 với một doanh nhân mang quốc tịch Mỹ có tên là Kevin Gilmore, anh có một trụ sở kinh doanh tại Mỹ và một ở Hồng Kông. Trước đó, cả hai đã tổ chức lễ đính hôn vào cuối tháng 6/2007 tại Vũng Tàu. Năm 2012, Hồng Nhung sinh đôi một trai, một gái vào dịp lễ Phục sinh tức ngày 8/4 tại Mỹ. Hai con của Hồng Nhung có tên là Aiden và Lea, tên thường gọi ở nhà là Tôm và Tép. Hiện gia đình cô đang sống tại TP Hồ Chí Minh.
Tháng 6/2018, Hồng Nhung xác nhận đã ly hôn với doanh nhân Gilmore. Trước khi kết hôn với Kevin Gilmore, Hồng Nhung đã từng trải qua một cuộc hôn nhân ngắn khác cũng với một người chồng ngoại quốc.
Ngoài ra, Hồng Nhung cũng là cháu họ gọi nam ca sĩ Bằng Kiều là chú, vì ông nội của cô và bố của ca sĩ Bằng Kiều là hai anh em ruột.
Phong cách nghệ thuật
Giọng hát
- Loại giọng: Lirico mezzo-soprano (giọng nữ trung trữ tình)
- Quãng giọng: D3 – C#6 (2 quãng tám 5 nốt và nửa cung)
- Quãng belt giọng pha: G4 – F#5
- Quãng giọng óc: A4 – C#6
- Quãng trầm: D3 – A3
- Supported range (quãng hát được support): G3/G#3 ~ G4/G#4
- Longest note (note dài nhất): 20 giây
Ca sĩ Hồng Nhung sở hữu một giọng hát đẹp, mềm mại và ấm áp, có âm sắc riêng biệt và làm nao lòng bao thế hệ người nghe. Giọng của cô có độ vang sáng bẩm sinh, cách xử lý bài hát vô cùng tinh tế. Chính nhờ những điều này mà nhiều khi hát, Hồng Nhung không cần phải phô diễn quá nhiều kỹ thuật thanh nhạc mà vẫn đủ sức cuốn hút, vang vọng cả một khán phòng.
Dù không phải giọng contralto nhưng giọng hát của Hồng Nhung phát triển khá tốt ở quãng trầm. Cô trình diễn những nốt trầm rất đẹp, có sức nặng và những nốt trầm này thường được Hồng Nhung sử dụng để tạo nên lối hát tự sự (thương hiệu riêng của Hồng Nhung) rất cảm xúc và có chiều sâu.
Quãng trung của nữ ca sĩ phát triển tốt, với nhiều đặc trưng riêng lúc thì nhẹ nhàng, trong trẻo, lúc thì mạnh mẽ, hùng tráng. Sở hữu chất giọng vang bẩm sinh dày dặn nên giọng ca của Hồng Nhung được nhiều người cho là “rất bắt mic”. Quãng trung của Hồng Nhung tuy không quá mạnh như nhiều giọng nữ trung khác nhưng lại có một độ sáng lớn. Nhờ nội lực ngầm trong giọng hát kết hợp cùng với chất giọng vang, sáng trời phú của mình nên lúc nào Hồng Nhung cũng trình diễn một cách rất thoải mái mà vẫn nổi lên trên dàn nhạc và trên cả những giọng ca khác nếu hát chung. Và cũng nhờ thế nên dù hát hết sức bình thường, không cần dùng nhiều sức, Hồng Nhung vẫn chưa từng một lần bị áp đảo trên sân khấu, ngay cả khi hát chung với những giọng ca to, khoẻ, nhiều nội lực như Thanh Lam, Thu Minh, Phương Thanh.
Ở những nốt âm cao, những nốt trên headvoice, Hồng Nhung hát rất bay bổng và mượt mà. Cô thường feel ở quãng này đầy tinh tế và cảm xúc.
Nói về những note dài (long notes) thì có thể nói rằng, ở Việt Nam không ca sĩ nào qua mặt được Hồng Nhung. Do bẩm sinh hơi dài cộng với việc luyện tập yoga chăm chỉ nên Hồng Nhung có một làn hơi rất dài và chắc chắn. Điều này giúp tạo ra thế mạnh cho nữ ca sĩ ở những quãng dài bất tận, biến nó thành đặc trưng riêng của mình. Cô sở hữu nhiều long notes nhất dòng nhạc nhẹ Việt Nam. Thường thì những ca sĩ có thể ngân những note dài khoảng 10 giây đã là một điều đáng khen rồi vậy mà Hồng Nhung có vô số lần ngân trên 10 giây và kỷ lục giữ note của cô là hơn 20 giây. Chỉ với một làn hơi mà Hồng Nhung có thể phiêu cùng ngân dễ dàng những note ở quãng trung một cách ổn định và chưa bao giờ bị cụt hơi. Thậm chí để tạo ra chất đặc trưng cho bài hát, Hồng Nhung ngân note dài mà không cần dùng đến kỹ thuật vibrato (rung giọng) như những ca sĩ khác, điều này cực kì khó vì nếu không dùng kỹ thuật đó thì ca sĩ thường khó giữ được note lâu, vậy mà Hồng Nhung vẫn hoàn thành được xuất sắc và vẫn giữ được độ chắc khoẻ trong làn hơi ấy.
Ngay từ những năm của thập niên 90, Hồng Nhung đã tiên phong áp dụng những kỹ thuật hát tân tiến của phương Tây vào âm nhạc nhẹ như melisma, vocal runs,… để tạo ngẫu hứng cho những màn trình diễn. Sự vận dụng này có ảnh hưởng rất lớn đến âm nhạc Việt Nam sau này.
Qua 30 năm ca hát, ca sĩ Hồng Nhung vẫn luôn nổi tiếng với cách hát tròn vành, rõ chữ mà vẫn giữ được sự thanh thoát, đậm chất Hà Nội nghe vô cùng dễ chịu. Hồng Nhung là một ca sĩ hát rất tự sự, giản dị, chậm rãi, mộc mạc, nhả chữ tinh tế, hát mà như kể chuyện, nên nghe rất lôi cuốn, tạo cảm xúc lớn. Chính nhờ sự giản dị đó nên nhiều ca sĩ hát lại những ca khúc của Hồng Nhung dù có dùng nhiều kĩ thuật cao siêu đến mấy cũng không thể hay như cô.