Kinh Thành Hoàng Đế thời Thái Đức từ năm 1778-1793 – Gotour Travel

5/5 – (11745 bình chọn)

Kinh Thành Hoàng Đế thời Thái Đức từ năm 1778-1793

Thành Hoàng Đế là kinh đô của nhà nước Tây Sơn tồn tại 15 năm (1778-1793) gắn liền với cơ nghiệp của vua Thái Đức – Nguyễn Nhạc. Sau khi hòa hoãn với quân Trịnh, Nguyễn Huệ nói với Nguyễn Nhạc: “Mộ tổ anh em ta ở Tây Sơn là đất có vượng khí thiên tử. Thầy địa lý nói nếu mộ ấy táng được 12 năm thì không gì chế ngự được nữa. Kể từ khi anh em ta dấy binh ở Kiên Thành đến đây, đánh đâu thắng đó, bọn chúa Nguyễn chạy dạt khắp nơi. Hoàng Tôn Dương thì đang bị ta giao cho mấy người nhà Chúa cai quản. Bọn họ có tính khôi phục được thì còn lâu. Hiện nay bắt Triều kỷ cương rối bét, anh em họ Trịnh đánh giết lẫn nhau, trước sau cơ nghiệp nhà Lê cũng phải sụp đổ.

 

Đó là điều chúa Trịnh đã bức bách vua Lê, rồi cả hai đều bị diệt vong. Anh Cả nên sớm lên ngôi để tỏ cho thiên hạ biết ngôi báu về chủ mới. Rồi đây anh Cả sẽ chăm lo thu dùng hào kiệt làm vây cánh tuyển mộ binh tráng làm binh lính để mạnh thêm nanh vuốt. Trước hết chiếm lấy miền Nam, sau đó thu quân tiến ra Bắc, giành ngôi vua của nhà Lê để ứng với câu: Phụ Nguyên trì thống (họ Nguyễn nối giữ đại thống)

Lúc bấy giờ có câu sấm ngữ: “Ngọ vận đương thiên – Phụ Nguyên trì thống”

Ngọ vận: Vận hội năm Giáp Ngọ: 1774

Phụ Nguyên: chiết tự chữ Phu + Nguyên = Nguyễn

Từ Năm 1776

Năm 1776, Nguyễn Nhạc xưng vương và bước đầu lo tu sữa, kiến thiết thành Đồ Bàn, đến năm 1778 hoàn thành, đặt làm thành Hoàng Đế.

Dựa vào thành cũ Đồ Bàn, thế đất, thành Hoàng Đế được mở rộng về phía đông từ 10 dặm thành 15 dặm, chu vi chừng 7.400m, từ 4 cửa của thành Đồ Bàn, thành Hoàng Đế mở thêm một cửa thành phía nam đặt tên là cửa Tân Khai.

Cấu trúc Thành Hoàng Đế

Tường thành đắp cao hơn 5 mét, 4 mặt thành đều được ốp bằng đá ong làm tòa thành không những có quy mô bề thế mà còn vững chắc hơn xưa, xung quanh xây dựng nhiều pháo đài, vọng canh để bảo vệ thành.

Ở trong có Tử Cấm Thành và Hoàng Thành, xây lầu Bát giác nơi vua nghỉ, cung Quyển Bồng, điện Chính tâm để hoàng hậu và cung nhân ở, đền thờ song thân vua và hoàng hậu, 2 bên có các tòa nhà làm nơi hội họp. Tháng 7 năm 1778, sứ giả vương quốc Anh là Chapman được phép đến thành Hoàng Đế triều kiến, ông có mô tả lại như sau:

“Khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi đã nhìn thấy thành trì nhà vua. Chúng tôi vào cổng thành phía đông dài độ 3/4 dặm, công sự là một bức tường đá đươn giản, nhiều chổ sạt lở, không có đại pháo, lỗ châu mai, chòi canh và tất cả làm cho đúng ra một công sự phòng thủ”

“Cổng và tường thành hoàn toàn không có canh gác, đất trong thành cũng là ruộng lúa”

…”Khi vào trong cung điện: chúng tôi trèo lên 6 bậc thềm rồi tiến vào cung điện – nơi Hoàng đế ngự cùng triều đình. Cung điện được mở trống mặt tiền và hai bên, mái ngói dựng theo kiểu Đàng Trong và được nâng đỡ bằng hàng cột gỗ quý.

Phía sau Thành Hoàng Đế

Phía sau là bức ngăn bằng cây và ngai vua cao hơn sàn nhà hai hay ba bậc thềm, trên là chiếc ghế bành sơn son trang trí đầu rồng thếp vàng, nhà vua ngồi trên đó, trước mặt có cái bàn nhỏ với chiếc gối bằng lụa đỏ thêu hoa vàng để tựa tay.

Hai bên ngai vàng có đặt ghế dành cho em vua. Một ông em ngồi đó. Ghế bên kia để trống, vì người em nữa đang có việc ở Đồng Nai ( hai ghế này ngồi nhìn lên ngai). Sau hai ghế ấy, đặt nhiều tràng kỷ cho các quan lại ngồi theo thứ bậc”.

Ngoài thành phía tây đắp đê Đỉnh Nhĩ để ngăn nước lũ, phía nam đắp đàn Nam Giao để làm lễ tế trời.

Trong thành có nhiều nhà dân ở, Dân chúng canh tác nông nghiệp ngay trong kinh thành. Điều đó được sứ giả nước Anh là Chapman (người đã từng đến thăm kinh thành Hoàng Đế 1778) cho biết: “vào năm 1793, Nguyễn Ánh định phóng hỏa phá thành nhưng sợ thiệt hại đến nhà dân ở trong thành nên không thực hiện”.

Cột mốc 1778

Nguyễn Nhạc làm lễ lên ngôi Hoàng Đế (1778), lấy niên hiệu là Thái Đức và lập bà họ Trần làm hoàng hậu, Nguyễn Bảo mới lên 3 tuổi được phong làm thái tử. Phong Nguyễn Huệ làm Long nhương tướng quân, Nguyễn Lữ làm Tiết chế, Phan Văn Lân làm nội hầu, Trần Quang Diệu làm Thiếu phó, Võ Văn Dũng làm Đại tư khấu, Ngô Văn Sở làm Đại tư mã, Võ Đình Tú làm Thái úy. Bà Bùi Thị Xuân được phong làm Đô đốc đại tướng quân cai quản binh dân vùng kinh thành và vùng Tây Sơn

Võ Xuân Hoài làm Trung thư lệnh…

Các quan chức đều sắp xếp để cai quản binh dân triều đình Thái Đức.

Bok Kiơm thủ lãnh người dân tộc có công giúp Nguyễn Nhạc từ đầu và đoạt thành Quy Nhơn vào năm 1773, xin về với núi rừng, hàng năm xin cấp muối và cá khô để giữ lòng trung thành của đồng bào dân tộc với triều Tây Sơn.

Hai tiểu vương Hỏa Xá và Thủy Xá một lòng tôn phò Tây Sơn và hàng năm xin triều cống…

Trung ương Hoàng Đế cai quản đất từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận gọi là các phủ (bỏ cấp dinh thời chúa Nguyễn). Dưới phủ là huyện. Đứng đầu phủ lớn là An phủ sứ, phủ nhỏ là Phòng ngự sứ (bỏ chức tuần phủ).

Ba huyện của phủ Quy Nhơn là Tuy Viễn, Phù Ly và Bồng Sơn trực thuộc chính quyền trung ương.

Tổ chức quân đội chia làm 6 cấp: Quân, sư, lữ, tốt, lượng, ngũ. Ngũ có 5 người, 1 lượng có 5 ngũ, 1 tốt 4 lượng, 1 lữ có 5 tốt, 1 sư có 5 lữ, quân có 5 sư, tức 12.500 người.

Đặc biệt có 2 quân đoàn người dân tộc do Nguyễn Huệ huấn luyện, chỉ huy rất thiện chiến và 4 lữ đoàn nữ binh với 100 voi chiến do bà Bùi Thị Xuân chỉ huy rất kiêu hùng.

Nhiều cơ sở đóng thuyền, đúc vũ khí và pháo đài xây dựng ở núi Phương Mai, Bãi Nhạn ở cửa Thị Nại và nhiều địa điểm khác ở phủ Quy Nhơn, Diên Khánh.

Cột mốc từ năm 1776 – 1783

Từ Thành Hoàng Đế, quân đội Tây Sơn đã nhiều lần xuất quân đánh quân Nguyễn ở Gia Định thắng lợi vào các năm: 1776, 1777, 1782, 1783 và đặc biệt là trận quyết chiến đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược vào đầu năm 1785.

Khi thực lực đã mạnh, Nguyễn Nhạc đã xưng đế vào năm 1778, không cần xin ý kiến của vua Lê, chúa Trịnh ở đàng ngoài, mặc dù trên danh nghĩa Nguyễn Nhạc là viên quan nhà Lê phong cho phụ trách đất Quảng Nam

Từ đó thế lực Nguyễn Nhạc ngày càng mạnh, nhưng quân Trịnh không dám can thiệp. Đến tháng 5 năm 1786, Nguyễn Huệ chỉ huy 3 vạn quân Tây Sơn ra đánh chiếm thành Phú Xuân, đuổi quân Trịnh ra khỏi đất Thuận Hóa, rồi tiến ra Thăng Long, lật đổ chế độ cai trij của họ Trịnh với khẩu hiệu “phù Lê diệt Trịnh” để thống nhất sơn hà.

Từ thành Hoàng Đế nghĩa quân Tây Sơn đã phát triển thành phong trào toàn quốc, lật đổ chế độ cai trị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, lập lại nền thống nhất đất nước sau hơn 200 năm nội chiến chia cắt.

Thành Hoàng Đế dưới thời Thái Đức đã chứng kiến sự phong kiến hóa của thủ lĩnh Nguyễn Nhạc dẫn đến sự phân phong, phân hóa đã làm suy yếu trong nội bộ Tây Sơn để rồi phải chịu sự tranh chấp đưa đến tổn thất nặng nề cho quân Tây Sơn trong cuộc nội chiến ở ngay tại thành Hoàng Đế vào năm 1787 giữa hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, góp phần cho sự thất bại trước sức ép của quân Nguyễn

Nguyễn Nhạc phải viện đến triều đình Cảnh Thịnh ở Phú Xuân để giải cứu cho thành Hoàng Đế vào năm 1793. Nhưng cũng nhân sự kiện này mà triều đình Cảnh Thịnh đã tịch biên kho tàng khiến Nguyễn Nhạc bất lực, đau đớn, uất ức đến hộc máu mà chết vào tháng 9 năm Quý Sửu (1793)

Theo Địa Chí Bình Định tập Lịch Sử

Trang 96-99

Rate this post