“Kiến Quân Đại Nghiệp”: Không phải cứ có nam thần, nữ thần là sẽ bội thu phòng vé!
Dù được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng phim điện ảnh lịch sử Kiến Quân Đại Nghiệp của đạo diễn Lưu Vĩ Cường lại đang có nguy cơ thất thế trước nhiều đối thủ bị đánh giá yếu hơn trong cuộc chiến phòng vé tại Đại Lục.
Dàn diễn viên của “Kiến Quân Đại Nghiệp” còn “khủng” hơn cả “Tước Tích” của đạo diễn Quách Kính Minh
Trước khi chính thức ra rạp, Kiến Quân Đại Nghiệp từng được kỳ vọng sẽ trở thành một hiện tượng phòng vé trong mùa hè năm 2017 tại Trung Quốc. Chưa công chiếu mà tác phẩm đã liên tiếp lập nên nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử phim ảnh Hoa Ngữ. Kiến Quân Đại Nghiệp “khủng” từ khâu sản xuất cho đến tuyển chọn diễn viên. Phim có tới hơn 60 nhân vật chủ chốt, gồm 17 OST, đoàn làm phim gần 2000 người, thống kê khoảng 250 triệu lượt diễn viên quần chúng tham gia đóng các phân cảnh phụ.
“Kiến Quân Đại Nghiệp” là một bước ngoặt chưa từng có – khi một tác phẩm điện ảnh lịch sử lại chiêu mộ toàn các gương mặt nam thần, tiểu sinh, tiểu hoa
Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng của khán giả, Kiến Quân Đại Nghiệp lại biến thành một tác phẩm điện ảnh lịch sử non kém, thiếu điểm nhấn và chiều sâu. Bằng chứng là đã ra rạp tới hơn một tuần, nhưng thành tích phòng vé của phim vẫn hết sức lẹt đẹt dù luôn được ưu tiên công chiếu tại các cụm rạp lớn, suất chiếu dày đặc sắp xếp vào khung giờ vàng. Ước tính đến 12h trưa ngày 31/7, phim mới chỉ đạt doanh thu ở mức 229,76 triệu NDT (~ 776 tỷ VNĐ).
Trong ngày đầu công chiếu (ngày 27/7), doanh thu phòng vé của “Kiến Quân Đại Nghiệp” chỉ đạt 36,1 triệu NDT (gần 122 tỷ VNĐ), chiếm 22% tổng lượng doanh thu phòng vé của Đại lục
Mặc cho ra mắt đúng dịp lễ kỉ niệm của Trung Quốc, Kiến Quân Đại Nghiệp vẫn chẳng thể thu hút nhiều khán giả đến rạp. Càng về những ngày sau, lượt người xem đến mua vé càng sụt giảm đáng kể. Vậy điều gì khiến cho một tác phẩm hoành tráng như Kiến Quân Đại Nghiệp, lại được sự chỉ đạo giám chế của bộ ba Lưu Vĩ Cường, Hàn Tam Bình và Hoàng Kiến Tân thất bại ê chề như vậy?
Ngoài bối cảnh phim chân thực hoành tráng, trang phục sát với lịch sử ra thì “Kiến Quân Đại Nghiệp” chẳng có điểm gì đáng xem?
Thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng mấu chốt thất bại của Kiến Quân Đại Nghiệp nằm ở chỗ: “đoàn làm phim đã quá lạm dụng các gương mặt nam thần, nữ thần và tiểu sinh cùng tiểu hoa để cố nhồi nhét vào một đại phẩm như Kiến Quân Đại Nghiệp”. Ngay từ khi bảng phân vai được công bố, Kiến Quân Đại Nghiệp đã gây xôn xao dư luận vì mức độ chịu chơi của mình. Lưu Vĩ Cường mời được gần như hơn nửa Cbiz đi đóng phim, nào là từ các ngôi sao gạo cội như Lưu Diệp, Chu Á Văn, Lương Đại Duy, Vương Cảnh Xuân cho đến lứa “tiểu thịt tươi” như Âu Hào, Mã Thiên Vũ, Lưu Hạo Nhiên, Lý Dịch Phong, Bạch Vũ, Trần Hiểu, Trương Thiên Ái, Quan Hiểu Đồng, Châu Đông Vũ….
Trong đó có những gương mặt tiểu sinh tưởng như chẳng bao giờ có thể cùng hợp tác như Lộc Hàm – Trương Nghệ Hưng. Nhưng đúng là cái gì “cố quá cũng thành quá cố”, dàn diễn viên đậm đà “chất đạm” của Kiến Quân Đại Nghiệp lại không thể phát huy hết khả năng của mình. Sự xuất hiện mờ nhạt và chớp nhoáng của họ khiến tổng thể phim trở nên rời rạc, mơ hồ và thiếu điểm nhấn.
Với thời lượng 133 phút mà có tới hơn 60 nhân vật chủ chốt, quả thực đạo diễn của Kiến Quân Đại Nghiệp không thể làm gì nhiều. Chẳng trách mà nam diễn viên Lộc Hàm chỉ được xuất hiện trong vài giây, nói duy nhất một câu thoại và thảm tới mức còn không có tên gọi cụ thể.
Xuất hiện trên các poster lớn nhỏ của phim, nhưng Lộc Hàm lại chỉ là một cậu thanh niên liên lạc không tên không tuổi, xuất hiện chớp nhoáng trong “Kiến Quân Đại Nghiệp”
Chính vì thế, cộng đồng fan của Lộc Hàm không mấy mặn mà với công tác quảng bá Kiến Quân Đại Nghiệp nói riêng và hưởng ứng toàn thể tác phẩm nói chung. Ngoài các diễn viên thực lực ra thì hầu hết dàn sao trẻ đều chưa thể lột tả được trọn vẹn nhân vật mà bản thân đảm nhận. Đáng thất vọng nhất phải kể đến Hoắc Kiến Hoa (vai Tưởng Giới Thạch), Âu Hào (vai Diệp Đình) và Trần Hiểu (vai Nhậm Bật Thời).
Tạo hình của Hoắc Kiến Hoa trong “Kiến Quân Đại Nghiệp” từng nhận được nhiều lời khen
Nhưng diễn xuất của anh lại chưa thể bộc lộ được hết thần thái và tính cách của nhân vật Tưởng Giới Thạch
“Lão cán bộ quốc dân” Hoắc Kiến Hoa có lẽ chưa đủ tinh tế và trải đời để có thể đảm nhận vai diễn Tưởng Giới Thạch – một nhân vật lịch sử nổi tiếng. Dù sở hữu ngoại hình khá sát với nhân vật gốc nhưng ông xã Lâm Tâm Như vẫn thiếu một chút cái khôn ngoan và khí chất của lão tướng Tưởng Giới Thạch. Một khán giả nhận định thẳng thắn: “Tìm một người Đài Loan như Hoắc Kiến Hoa để thủ vai Tưởng Giới Thạch khá thú vị, nhưng thú thật Hoắc Kiến Hoa chỉ nên đóng phim truyền hình thôi vì anh không hợp với điện ảnh đâu!”.
Tương tự như Hoắc Kiến Hoa, ngôi sao trẻ Âu Hào cũng hứng chịu vô số gạch đá khi nhận vai Diệp Đình. Sự việc trở nên nghiêm trọng khi đích thân hậu duệ của lãnh tướng Diệp Đình – đạo diễn nổi tiếng Diệp Đại Ưng – lên tiếng chỉ trích nam diễn viên Âu Hào cùng đoàn làm phim.
Đạo diễn Diệp Đại Ưng đăng weibo bày tỏ nỗi thất vọng với “Kiến Quân Đại Nghiệp”
Cụ thể, vị đạo diễn bức xúc: “Gần đây, phim Kiến Quân Đại Nghiệp có vẻ rất hot, lịch sử bị thương mại hóa, giải trí hóa như vậy là một điều đáng buồn, là nỗi thất vọng lớn. Để một diễn viên chân còn đứng không vững, nửa nam nửa nữ như vậy đi đóng Diệp Đình (ám chỉ Âu Hào), các người đang muốn bôi nhọ ai?”. Dù lời lẽ của Diệp Đại Ưng có phần hơi quá quắt, nhưng không phải là vô lý và thiếu căn cứ.
Trông Âu Hào khá trẻ con và thiếu chín chắn trong “Kiến Quân Đại Nghiệp”
Diệp Đình phiên bản lí lắc như một cậu thanh niên xung phong ra chiến trận
Là hậu duệ của tướng quân Diệp Đình, Diệp Đại Ưng hoàn toàn có quyền được nêu lên ý kiến và quan điểm của mình. Âu Hào là một nam diễn viên có thực lực, ngoại hình sáng và sở hữu gương mặt khá nam tính. Nhưng nếu để anh vào vai Diệp Đình đĩnh đạc, dày sương dạn gió chiến trường thì đúng là hơi sai.
“Nhậm Bật Thời” Trần Hiểu nghiêm túc hay là “Dương Quá” Trần Hiểu sắp sửa tấu hài?
Cả “Nhậm Bật Thời” Trần Hiểu cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Vì đã đóng khung với kiểu nhân vật nam chính si tình, hài hước nên cứ mỗi khi chiếu đến phân cảnh của Trần Hiểu là khán giả lại đồng loạt bật cười. Vốn dĩ cảnh phim rất nghiêm túc nhưng ông xã Trần Nghiên Hy lại khiến người xem cười lăn cười lộn.
“Tống Mỹ Linh” Trương Thiên Ái khá quê mùa chứ chẳng toát lên vẻ đẹp sang trọng, sắc sảo
“Đặng Dĩnh Siêu” Quan Hiểu Đồng dù xinh xắn hơn nhưng lại quá “non”
Dàn diễn viên nữ trong Kiến Quân Đại Nghiệp cũng làm khán giả thất vọng tràn trề. Nếu như Trương Thiên Ái chưa đủ sang chảnh, cao quý như Tống Mỹ Linh thì “Đặng Dĩnh Siêu” Quan Hiểu Đồng lại dọa ma người xem với đôi mắt trợn tròn khó hiểu.
Còn về phần nội dung, Kiến Quân Đại Nghiệp chỉ đơn thuần là một tác phẩm được xây dựng theo lối tường thuật lịch sử. Cốt truyện phim vốn dĩ rất đơn giản, chỉ xoay quanh diễn biến của cuộc khởi nghĩa Nam Xương năm 1927 tại Trung Quốc. Nhưng vì quá “tham” nên biên kịch vô tình khiến phim trở nên dàn trải và lan man. Các nhân vật chính như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Chu Đức được khắc họa khá mờ nhạt và chưa sâu sắc. “Xem Kiến Quân Đại Nghiệp chẳng khác nào đang xem một cuộn phim khô khan, dài dằng dặc” là ý kiến chung của nhiều khán giả.
Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch, Hà Trường Công quá trẻ trung, điển trai so với thực tế
Về phần khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc thì “Kiến Quân Đại Nghiệp” còn phải học hỏi “Chiến Lang 2” của Ngô Kinh nhiều!
Thêm một điều nữa khiến Kiến Quân Đại Nghiệp mất điểm trong lòng khán giả quê nhà, đó chính là việc xây dựng một vài tình tiết đi ngược lại sự thật lịch sử. Cách thức chiêu mộ dàn diễn “tiểu thịt tươi” và trẻ hóa độ tuổi của các nhân vật lịch sử thực sự đã làm phật lòng đông đảo bộ phận công chúng.
Kết
Như vậy, Kiến Quân Đại Nghiệp chắc chắn chẳng thể hoàn thành giấc mộng làm nên một kiệt tác của đạo diễn Lưu Vĩ Cường. Kiến Quân Đại Nghiệp là một trong ba tác phẩm điện ảnh thuộc bộ Kiến Quốc Tam Bộ Khúc, phim bắt đầu được công chiếu từ ngày 27/7/2017.