“Khúc khích với Văn Nhân” – một cách tiếp cận hóm hỉnh, sáng tạo
Việc chọn chân dung hoàn toàn ngẫu hứng chứ không có ý tứ gì. Hi vọng sẽ còn những tập tiếp theo. Phần chân dung hình tôi vẽ phác có, chế ảnh có cho thêm đa dạng. Tôi xếp các nhà văn trong tập sách này theo vần ABC bút danh”.
Tập 1 gồm 100 văn nhân, tập 2 gồm 100 văn nhân.
Tôi biết nhà văn Trần Nhương là người ở Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ nơi tôi đã theo học Trường Cấp II Xuân Huy. Đã có một số bạn cùng học của tôi hồi đó trở thành nhà thơ, nhà văn như Nguyễn Văn Toại, Nguyễn Thái Vận, Nguyễn Tiến Chước, Hà Ngọc Oánh… cũng đều biết ông.
Trước hết tôi phải cám ơn nhà văn Trần Nhương đã có “Khúc khích với Văn Nhân” để cho bạn đọc như chúng tôi được hiểu biết thêm những cái vui vui của một số nhà văn nước nhà; được tiếp cận theo một cách rất khác về tính cách, những suy tư, và cả thăng trầm, lận đận cũng như nhân tình thế thái… Tôi ngộ ra rằng: Nhà văn, nhà thơ tưởng oai nhưng cũng vất vả ba đào lắm…
Tôi xin lược ra đây những chân dung mà tôi cảm thấy thích thú dưới ngòi bút của ông.
Với Bùi Hoàng Tám: Thái Bình có gã Bùi Hoàng/ Tám bán quán thịt… chó làm thơ hay/ Dưới trời xanh của hôm nay/ Dòng Sông quan trạng hết đầy lại vơi/ Bao năm rựa mận đã xơi/ Khi dồi, khi chả tươi đời xáo măng/ Làm báo sắc sảo hung hăng/ Bắn như đạn ghém pằng pằng liên thanh/ Đất lành Thượng Liệt nuôi anh/ Trên Thượng dưới Liệt mà thành nhà thơ.
Với Chu Lai: Phố nhà binh thì ở/ Cuộc đời dài lắm ư/ Đi ăn mày dĩ vãng/ Mưa đỏ rơi đỏ lừ/ Lên ti vi chém gió/ Lại về viết “dâm thư”/ Tên cứ như thủ tướng/ Người cứ như củ từ.
Với Dương Hướng: Đã dương thì biết hướng nào/ Thế mà Dương Hướng hướng vào văn chương/ Bao năm lăn lộn chiến trường/ Nơi đầu anh gửi nhớ thương giống nòi/ Gót son, Trần gian đời người/ Và nay Dưới chín tầng trời trắng đen/ Bến không chồng nhớ rồi quên/ Người trên bãi tắm tắm tiên nõn nường/ Chót vì cái nghiệp văn chương/ Thì đành nghỉ chẳng ăn lương mà mần/ Mười lăm năm bỏ viết văn/ Hồi xuân ông lại phăm phăm giương buồm.
Với Lê Lựu: Muốn làm Sóng ở đáy sông/ Một thời lầm lỗi nên không Mở rừng/ Giang Minh Sài đã lên ông/ Tay run, đầu hói, răng long, mắt mờ/ Thời xa vắng ấy vẫn mơ/ Chuyện làng cuội viết đến giờ chưa xong/ Một đời gánh lấy long đong/ Đã Lê còn Lựu cũng dòng chua chua/ Ta Đại tá không biết đùa/ Doanh nhân văn hóa cò cưa khối thằng.
Với Ma Văn Kháng: Tưởng Ma mà lại là Đinh/ Đinh Văn, Đinh Võ, Đinh Tình, Đinh Yêu/ Vùng Biên ải bác phiêu diêu/ Để mùa lá rụng bao nhiêu trong vườn/ Không giá thú vẫn thành hôn/ Tưởng vui mà giấu nỗi buồn đôi khi/ Có Đồng bạc trắng Hoa xòe/ Ngược dòng nước lũ bác đi cuối trời/ Ai Côi cút giữa cảnh đời/ Còn riêng bác vẫn có người kề bên
Với Nguyễn Quang Thiều: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Thiều/ Cái người thì ngắn cái yêu thì dài/ Bộ râu trông đến là oai/ Học Cu Ba rất giống người Cu Ba/ Văn chương hội họa tài ba/ Đào hoa cư mệnh Hóa khoa cư đời/ Ngôi nhà tuổi 17 ơi/ Cỏ hoang đã mọc tơi bời xóm thôn/ Mang Vòng nguyệt quế cô đơn/ Nhịp điệu châu thổ nỗi buồn thiên thu/ Sinh ra ở đất làng Chùa/ Vàng ươm Hoa cải đang mùa ven sông/ Người đàn bà gánh nước sông/Chẳng vơi được nỗi long đong kiếp người.
Với Nguyễn Trọng Tạo: Làng quan họ quê tôi/ Quê Nghệ An chính hiệu/ Nước Sông Hương hóa rượu/ Bờ sông gặp Lưu Linh/ Thơ Gửi người không quen/ Thành quen rồi mới sướng/ Tản mạn thời tôi sống/ Sống chẳng tản mạn đâu/ Thành trạng đã từ lâu/ Đồng dao cho người lớn/ Văn chương cảm và luận/ Thế giới không còn trăng/ Còn cái gì cho ông/ Còn Sông quê một khúc/ Son phe năm bảy nốt/ Bìa sách vẽ dài dài/ Bao nhiêu em trọng tạo/ Hậu quả thèm ô mai???
Với Tô Hoài: Chiều chiều cát bụi chân ai/ Và ba người khác Tô Hoài là tư/ Nhà nghèo, ổ chuột ngoại ô/ Dế mèn thôi chẳng thèm du kí gì/ Miền Tây xa ngái ngại đi/ Nghĩa Đô – Tô Lịch chảy về chốn nao…
Và chân dung của chính tác giả: Gió tháng Ba vẫn thổi/ Gió bát ngát đồng rừng Thi ca toàn là gió/ Hội họa toàn là mông/ Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký/ Kỳ quặc nhất là ông/ Một mình nuôi con web/ trannhuong.com biếu không/ tranhamvui là gã/ Tưởng đục mà hóa trong/ Lão chưa hưu… gì cả/ Có em nào khoái không?
Hai tập sách với 200 văn nhân, tôi chỉ trích dẫn 9 văn nhân cũng theo ngẫu hứng của cá nhân.
“Khúc Khích với Văn Nhân” lời văn rất hóm, ngôn từ đa nghĩa. Cái tài của Trần Nhương là chỉ vài nét chấm phá đã thể hiện được đầy đủ hình hài, “cái chất” cũng như góc khuất cuộc đời của từng văn nhân khiến người đọc phải cười tủm, cười mỉm, cười thành tiếng, và cả “cười ra nước mắt”.