Không góp nổi vốn như đăng ký, ‘siêu’ doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng phản ứng gì?
(VTC News) –
Ngày 18/8 là hạn cuối để Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) với số vốn đăng ký 500.000 tỷ đồng (21,7 tỷ USD) góp vốn theo quy định. Nhưng, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, đơn vị chưa ghi nhận được thông tin nào về việc doanh nghiệp này đã góp đủ vốn điều lệ.
Vì vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ phát văn bản yêu cầu báo cáo lý do, công ty này có vài ngày để báo cáo lại. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ quyết định hình thức xử lý theo pháp luật.
Để làm sáng tỏ câu chuyện, sáng 19/8, PV VTC News gọi đến số điện thoại của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, Tổng Giám đốc Auto Investment Group. Vẫn là giọng nói quen thuộc của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh mà PV đã gọi và làm việc trước đó nhiều lần, nhưng lần này người này lại chối: “Tui chỉ làm chăm sóc khách hàng thôi, tui không biết gì đâu. Sếp tui ấy, sếp tui đi công tác rồi. Muốn thông tin gì thì hỏi sếp tui”.
Nghĩ rằng có người đại diện cấp cao hơn mới được phép trả lời về vấn đề này, PV hỏi tiếp: “Sếp anh là ai?” thì bất ngờ người này vẫn khẳng định: “Nguyễn Vũ Quốc Anh chứ ai!’.
Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, Tổng Giám đốc Auto Investment Group.
Dường như vị CEO này đang cố tình tránh né dư luận, nhưng cách nói chuyện vốn có không thể che giấu chính ông: “Mà sếp tui á, đợt này sếp tui chọn lọc hết. Vấn đề góp vốn là quan trọng, to lớn, không trả lời khơi khơi nữa”.
Cuối tháng 5/2021, dư luận xôn xao trước thông tin một doanh nhân 8x tại TP.HCM thành lập công ty với vốn đăng ký lên tới 500.000 tỷ đồng. Doanh nhân này là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, Tổng Giám đốc Auto Investment Group.
Theo thông tin công khai, Auto Investment Group có 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh góp 499.998 tỷ đồng và 2 cá nhân khác mỗi người góp 1 tỷ đồng là Nguyễn Thị Diễm Hằng và Lưu Hữu Thiện.
Ngay sau khi công bố, thông tin này lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bởi với số vốn điều lệ trên, doanh nghiệp này vượt xa so với các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam thời điểm hiện tại. Thế nhưng, con số này chỉ nằm trên giấy, tất cả mới chỉ là “viễn cảnh tương lai” do vị CEO này tự vẽ nên.
Ngoài ra, cũng còn rất nhiều điểm đáng ngờ phía sau. Hiện ông Nguyễn Vũ Quốc Anh đang ở nhà cấp 4, ngôi nhà cũ kỹ này cũng chính là nơi tọa lạc duy nhất của “tập đoàn”. Trụ sở hoành tráng ở toà nhà Bitexco Financial Tower (quận 1) mà ông “kê khai” trong hồ sơ là trụ sở ảo, được thuê theo diện văn phòng ảo với giá 1,2 triệu đồng/tháng. Chưa hết, nhân viên của doanh nghiệp 500 nghìn tỷ này cũng chỉ có vài người, đều làm việc tại nhà.
Thời điểm đó, ông Quốc Anh thừa nhận không có tiền, nhưng bằng chất xám của mình ông tự tin sẽ có gấp nhiều lần số vốn đã đăng ký bởi kêu gọi đầu tư: “Tôi có thừa chất xám, tiền hiện không có nhưng có chất xám thì sẽ có được tất cả”.
Đến cuối tháng 7, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh một lần nữa khiến cộng đồng mạng xôn xao khi phát trực tiếp (livestream) trên kênh Youtube cá nhân để thông báo ra mắt sàn thương mại điện tử USG Community. Tại buổi phát trực tiếp ngày 20/7, ông Quốc Anh cho biết, USG Community là mô hình kinh doanh kết hợp các yếu tố nền tảng công nghệ phối hợp hệ sinh thái toàn cầu. Sàn thương mại điện tử này sẽ giúp khách hàng cá nhân mua hàng hóa ở bất kỳ quốc gia nào một cách dễ dàng. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể bán hàng, tiếp cận đến hơn 3 tỷ khách hàng trên toàn cầu thông qua hệ thống.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia công nghệ, USG Community chỉ là một website sơ sài, không phải là trang thương mại điện tử và thiếu tính xác thực. Website này cũng không hề có bất kỳ dấu hiệu nào của một sàn thương mại điện tử bao gồm hàng hóa, giá cả, giỏ hàng, người bán người mua. Như vậy đây chưa phải là sàn thương mại điện tử mà chỉ là một website với chức năng thu tiền của người dùng.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên cảnh giác trước khi quyết định nạp tiền mua các gói ưu đãi trên website.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, các trường hợp doanh nghiệp không góp đủ vốn trong 90 ngày theo luật định, doanh nghiệp được gia hạn thêm 60 ngày để điều chỉnh vốn góp.
Sau 60 ngày tiếp theo, nếu không có động thái góp đủ vốn, doanh nghiệp phải làm thủ tục hủy đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Bước cuối cùng, nếu doanh nghiệp, cá nhân, pháp nhân không thực hiện các quyền được pháp luật cho phép sẽ bị xử lý phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Thy Huệ