Huỳnh Thanh Trực Tôi về xin tiền mẹ vì muốn được mắc nợ mẹ
Huỳnh Thanh Trực sinh năm 1995 từng được biết đến với ngôi vị Á quân chương trình Gương mặt điện ảnh vào năm 2017. Ảnh: NVCC
Huỳnh Thanh Trực sinh năm 1995 từng được biết đến với ngôi vị Á quân chương trình Gương mặt điện ảnh vào năm 2017. Anh từng học tại trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh và Nhạc viện TP.HCM. Mặc dù bản thân có tố chất hài nhưng anh vẫn chọn con đường trở thành diễn viên điện ảnh đầy chông gai.
Huỳnh Thanh Trực được biết đến qua những bộ phim “Cuộc phẫu thuật nhân tâm”, “Bình minh bên em”, “Nhà trọ có quá trời phòng”, “Chị em Sò Lụa”… Sự duyên dáng của Huỳnh Thanh Trực trên màn ảnh đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả, thu hút hàng ngàn lượt theo dõi trên mạng xã hội.
Huỳnh Thanh Trực vào vai Kiên trong bộ phim đang chiếu rạp “Rừng thế mạng”. Được biết, đây là một vai diễn “khó nhằn” về tâm lý lẫn thể xác. Bởi, Kiên là một phượt thủ, bị lạc mất đoàn trong một lần khám phá rừng ở Tà Năng – Phan Dũng và anh bị chấn thương ở chân. Trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, để có được thức ăn, nước uống và duy trì sự sống từng ngày, Kiên đã phải bất chấp ăn cả đồ sống để vượt qua cơn đói.
Có thể nói bộ phim “Rừng thế mạng” là phim điện ảnh đầu tiên về đề tài sinh tồn trên màn ảnh Việt. Được biết, bộ phim lấy cảm hứng từ chính chuyến đi của đạo diễn Trần Hữu Tấn trên khắp các cung đường của Việt Nam.
Huỳnh Thanh Trực tự nhận mình khác với diễn viên khác là chủ động tìm vai bất kể lớn – nhỏ, đâu là lý do để anh đưa ra lựa chọn này?
– Trước đây, mọi người biết tôi qua những webdrama hài và những gameshow, còn bây giờ là những vai diễn đặc sắc hơn. Vì tôi tin một diễn viên nếu có thực lực và đam mê, biết tiến và lùi hợp lý sẽ gặt hái được thành công nhất định. Vai Kiên trong phim “Rừng thế mạng” là vai diễn điện ảnh đầu tiên sau khi tôi tạm dừng tất cả các hoạt động nghệ thuật một thời gian để trau dồi những điều bên trong mình. Ví dụ như tập thể thao, học tập, quan sát cuộc sống.
Khi đạo diễn gọi điện mời tôi đi casting nhưng không phải để casting phim mà là casting thể lực. Sau những chuyến đi thực tế cùng nhau thì đạo diễn quyết định giao vai cho tôi. Tôi cũng bỡ ngỡ lắm nhưng tôi tin mình làm được.
Tôi có khoảng 6 tháng để hóa thân vào nhân vật bằng cách nghiền ngẫm kịch bản, tập luyện nét diễn. Sau đó, tôi có 4 tháng để tập thể lực cho gầy đi nhưng vẫn có cơ bắp để ngoại hình gần giống nhân vật. Trong 4 tháng đó tôi không liên lạc với người thân, sống một mình để có cảm giác cô lập thì sẽ ra sao.
Ngoài ra, những lần đi gặp đạo diễn, biên kịch, anh em trong đoàn phim, tôi không được mang tâm trạng Huỳnh Thanh Trực mà phải là Kiên. Vì đạo diễn là một người yêu cầu rất cao, anh luôn đòi hỏi các diễn viên là nhân vật ngay những thước phim đầu tiên. Thế nên tôi khá áp lực. Tôi biết mọi người thường bị ám ảnh sau khi đóng phim còn tôi thì ngược lại, tôi thoát vai ngay, tôi bị ám ảnh từ khi chuẩn bị đến suốt quá trình quay phim.
Huỳnh Thanh Trực được biết đến qua những bộ phim “Cuộc phẫu thuật nhân tâm”, “Bình minh bên em”, “Nhà trọ có quá trời phòng”, “Chị em Sò Lụa”. Ảnh: NVCC
Huỳnh Thanh Trực làm thế nào để có sự ám ảnh và nhập vai đầy gian khổ như thế?
– Tôi quan sát cuộc sống của mình, đối chiếu hoàn cảnh của tôi với phượt thủ, hoặc những sinh viên xem họ có tính cách như thế nào, tôi học hỏi thêm từ sách vở, bên cạnh đó không thể thiếu vốn sống thực tế. Tôi nhớ một khoảng thời gian chừng một tháng, chiều ngày nào tôi cũng bắc ghế ra ban công ngồi nhìn xuống đường.
Nơi tôi ở là một chung cư còn khá thưa người nên cuộc sống của mọi người còn chưa nhộn nhịp. Tôi quan sát 1, 2 người cụ thể, mỗi ngày họ làm 1, 2 việc luân phiên với tâm trạng khác nhau ra sao. Có thể nói cuộc sống của mọi người mà tôi quan sát được có thể gọi là thầy của tôi.
Tôi còn có sự giúp sức từ thầy Hữu Tiến. Những lúc khó hiểu điều gì trong diễn xuất, những khi mất niềm tin vào chính mình với câu hỏi “tôi có thể diễn được hay không?”. Tôi lại hỏi thầy tôi là đạo diễn Hữu Tiến và thầy cho tôi những lời khuyên tốt, giúp tôi vượt qua sự ám ảnh.
Theo tôi sự ám ảnh là điều tốt vì nhờ đó tôi có thể phát triển con người mình làm sao hóa thân thành nhân vật chân thật nhất. Để hoàn thành vai Kiên trong phim “Rừng thế mạng”, bên cạnh đạo diễn, nhà sản xuất tôi còn học được nhiều từ các thầy như thầy Hữu Châu, thầy Hữu Tiến và mẹ tôi… tất cả mọi người cho tôi cảm xúc để hóa thân trọn vẹn vào nhân vật.
Những cảnh ám ảnh nhất trong phim và có cascadeur (diễn viên đóng thế – PV) đóng thay cho Huỳnh Thanh Trực không?
– Tôi bị ám ảnh trong quá trình quay phim vì tôi chưa bao giờ trải qua tất cả những điều đó. Nhưng khi tìm hiểu về Kiên, tôi hiểu rằng 1 năm qua tôi dừng lại thì phải có những bài học gì áp dụng vào nhân vật. Tôi vận dụng bằng hết những gì đã biết, đã học vào Kiên và từ đó sự hy sinh cho nhân vật trở thành niềm hạnh phúc và tự hào của tôi. Khi tôi lăn dưới bùn sình, ăn ếch sống, ăn cỏ dại…
Khi nhân vật ở trong rừng đói khát dài ngày gặp nguồn thức ăn tạm gọi là protein thì nhân vật sẽ ăn ngay. Cũng có cascadeur nhưng đạo diễn muốn diễn viên tự thực hiện, cascadeur chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn sức khỏe cho dàn diễn viên trước và sau cảnh quay thôi.
Huỳnh Thanh Trực vào vai Kiên trong bộ phim đang chiếu rạp “Rừng thế mạng”. Được biết đây là một vai diễn “khó nhằn” về tâm lý lẫn thể xác. Ảnh: NVCC
Huỳnh Thanh Trực chia sẻ từng có một thời gian ngưng hoạt động nghệ thuật. Lý do gì khiến anh tạm gác lại đam mê?
– Tôi không ngưng hoạt động nghệ thuật để làm công việc khác mà để trau dồi thêm về diễn xuất của mình. Vì lúc đó tôi thấy mình diễn chưa hay. Đơn giản là vậy! Tôi là người thích xem phim nên ấn tượng các diễn viên có diễn xuất tự nhiên chân thật, những hoàn cảnh đa dạng trong cuộc sống. Tôi cầu toàn trong cuộc sống.
Tôi nghĩ trong khoảng thời gian đó tiền dành dụm không đủ sống thoải mái nhưng cũng không đến nỗi túng thiếu. Tôi nghĩ khi mình tập trung trau dồi bản thân thì lúc trở lại tôi sẽ diễn chân thật với một tâm thế khác. Tôi may mắn có mẹ là hậu phương luôn làm đồ ăn ngon cho tôi. Sau này, tôi vẫn luôn giữ thói quen về nhà xin đồ ăn của mẹ, xin mẹ tiền, tất nhiên là ít thôi, 10 ngàn bơm xe, 50 ngàn đổ xăng… vì lý do tôi muốn được có cảm giác mắc nợ mẹ.
Sau tất cả thì Huỳnh Thanh Trực đã trưởng thành và thay đổi ra sao?
– Phim quay hơn 1 tháng với quá nhiều cảnh táo bạo và chờ đợi 2 năm để phim ra rạp khiến tôi thấy mình trưởng thành hơn. Tôi tập được tính kiên trì hơn, ngày xưa tôi nóng tính, bồng bột lắm.
Nay tôi nhìn nhận mình ở góc độ khác hơn và đã chịu khó tìm hiểu. Tôi không phải là diễn viên bản năng, cũng không phải ra phim trường để diễn, mà tôi đã sống cùng nhân vật. Tôi thấy mình đang làm đúng với đam mê và thật sự tôi có chút tự hào về bản thân khi mạo hiểm hy sinh như thế để hoàn thành vai diễn.
“Tôi vẫn luôn giữ thói quen về nhà xin đồ ăn của mẹ, xin mẹ tiền, tất nhiên là ít thôi, 10 ngàn bơm xe, 50 ngàn đổ xăng… vì lý do tôi muốn được có cảm giác mắc nợ mẹ”, Huỳnh Thanh Trực chia sẻ. (Ảnh: NVCC)
Ngoài ra, tôi thấy mình thay đổi là chịu khó tĩnh lại quan sát cuộc sống của chính mình. Sau khi ra trường tôi chỉ có sách và cuộc sống làm bạn nên tôi chịu khó nhìn ngắm cuộc sống để cảm nhận tinh thần lạc quan và sự sống đang vận hành. Tôi thấy bộ phim thay đổi lớn với tôi chính là khiến tôi biết yêu cuộc sống của mình, biết yêu thiên nhiên trong thành phố. Tôi thấy cần gìn giữ thiên nhiên, tránh rác thải, yêu động vật hơn… Tất cả những hành động đó giúp tôi có nhiều năng lượng hơn.
Sau thời gian ảnh hưởng vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chờ phim, chờ vai diễn quá lâu có ảnh hưởng như thế nào đến Huỳnh Thanh Trực?
– Dịch bệnh gây ra áp lực cho tất cả mọi người. Tôi thấy may mắn sau phim “Rừng thế mạng” tôi có thêm phim “Chuyện ma gần nhà”. Đây là phim với tâm huyết lớn của đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Ngô Hoàng Quân. Hai anh đã tin tưởng giao chính cho tôi, hai vai rất khác nhau. Tôi tin mình mang lại giá trị tốt nhất qua những vai diễn đầy thử thách. Đồng thời tôi mang những góc nhìn khác trước đây về Huỳnh Thanh Trực cho mọi người.
Cảm ơn những chia sẻ của Huỳnh Thanh Trực!