Huyền Chip, cô gái từng bị “ném đá” năm nào giờ đã lọt Top 5 người có tiếng nói nhất trên LinkedIn mảng AI, chuẩn bị làm giảng viên Stanford!
Huyền Chip (tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền) là một gương mặt quen thuộc với giới trẻ Việt. Cô là tác giả của cuốn sách đình đám “Xách ba lô lên và đi” xuất bản năm 2013. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn cơn khiến cô nhận không ít gạch đá từ dân mạng. Nhiều người cho rằng cô đã không trung thực khi kể lại hành trình qua 25 nước của mình vì Huyền Chip xin được visa một cách quá dễ dàng mà không cần chứng minh tài chính. Sau đó, nữ tác giả đã trưng ra visa nhưng rất nhiều độc giả vẫn chưa tin tưởng.
Thời gian qua đi, ồn ào cũng dần lắng xuống. Năm 2014, Huyền Chip trúng tuyển Đại học Stanford và bắt đầu 1 hành trình rất khác nơi xứ người.
Mới đây, 9x đời đầu đã chia sẻ lên fanpage cá nhân rằng, cô cảm thấy vinh dự khi đứng thứ 5/10 trong danh sách Top Voices – Những người có sức ảnh hưởng ở lĩnh vực Data Science & AI (Khoa học Dữ liệu và Trí thông minh nhân tạo) trên LinkedIn.
(Ảnh chụp màn hình)
Được biết, năm ngoái Huyền Chip cũng lọt vào danh sách người có sức ảnh hưởng trong mảng phần mềm.
Theo chính chủ chia sẻ, cô bắt đầu dùng LinkedIn trong khoảng 2 năm trở lại đây. Mục đích của cô gái gốc Nam Định khi sử dụng trang mạng này là tìm người đánh giá cho khóa học mà cô sẽ giảng dạy ở Stanford vào tháng 1, khóa Thiết kế hệ thống máy học.
Ngoài kết nối hoặc follow các chuyên gia ở lĩnh vực mình quan tâm, Huyền Chip còn thường xuyên chia sẻ trên LinkedIn những nội dung hữu ích như quy trình tuyển dụng trong ngành phần mềm cũng như quy trình ứng dụng AI vào trong thực tế…
Huyền Chip đã tốt nghiệp tại Đại học Stanford và hiện cô đang giảng dạy khóa Thiết kế hệ thống máy học tại đó.
Huyền Chip từng có kinh nghiệm làm việc tại các công ty công nghệ nổi tiếng như Netflix và NVIDIA. Tuy nhiên, tháng 12 năm trước, 9x đã gia nhập công ty khởi nghiệp AI Snorkel.
Machine learning – Máy học: Là một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng các kĩ thuật cho phép các hệ thống “học” tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể.