“Học trò” của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng: Nói không với dung tục trong hài Tết

Hiện nay làm phim hài Tết không nhiều người lựa chọn hướng dân gian vì khó “chọc cười” khán giả, không đảm bảo bài toán kinh tế. Anh có quá mạo hiểm với lựa chọn này không?

Với tôi, hài dân gian luôn là đề tài hấp dẫn ngay từ khi còn nhỏ và luôn nghĩ lớn lên nếu làm đạo diễn, tôi sẽ làm về đề tài này. Sau này tôi may mắn được theo cố đạo diễn Phạm Đông Hồng để học hỏi về hài Tết dân gian nên khi có cơ hội tôi quyết định làm phim này.

“Học trò” của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng: Nói không với dung tục trong hài Tết - Ảnh 1.

Đạo diễn Linh Đồng và dàn diễn viên phim hài Tết “Giấc mộng quan trường”

Là học trò của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng, lại tiếp tục với con đường làm phim hài Tết dân gian, anh có áp lực “cái bóng” của thầy không?

Tất nhiên tôi đã gặp khá nhiều khó khăn và áp lực. Tôi chịu ảnh hưởng của thầy vì đã nhiều năm đi theo nên khi bắt tay vào phim việc đầu tiên là phải vượt qua cái bóng của cố đạo diễn Đông Hồng – người mà phim hài Tết dân gian đã thành “thương hiệu”.

Hiện tại tôi không thể sánh được bằng thầy vì kinh nghiệm và kho kiến thức dân gian của thầy. Nhưng tôi sẽ lấy thầy làm động lực, mục tiêu phấn đấu để cố gắng tìm tòi học hỏi qua sách báo. Không dám khẳng định nhưng cố gắng để bằng thầy hoặc vượt được thầy.

Vậy tại sao anh không chọn một hướng đi khác? Ví dụ như dòng phim hiện đại, dễ làm, bối cảnh đơn giản để tiết kiệm kinh phí và không quá áp lực “cái bóng” của thầy?

Là học trò của cố đạo diễn Đông Hồng, tôi luôn tự nhủ rằng có lẽ sứ mệnh của mình là phải làm nên một điều gì đó đặc biệt. Sẵn có đam mê sâu sắc với hài dân gian, hơn nữa tôi đã ấp ủ nguyện vọng này từ lâu nên quyết định năm nay sẽ đầu tư toàn bộ công sức và tâm huyết vào dự án “Giấc mộng quan trường”.

180 phút của phim sẽ như một phiên bản khác của Táo Quân nói lên hết những vấn đề nổi cộm của đời sống trong năm qua vừa mang tính thời sự nhưng với lăng kính hài hước và dí dỏm, từ lời thoại giữa các nhân vật đến hành động phim.

“Học trò” của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng: Nói không với dung tục trong hài Tết - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Trà My, Tiến Đạt và diễn viên Thanh Hương trong phim

Coi đây là phiên bản khác của Táo quân thì có vẻ anh khá tự tin? Anh có thể bật mí những vấn đề xã hội sẽ được phản ánh trong phim là gì không?

Là đạo diễn thì phải tự tin với “đứa con tinh thần” của mình chứ! Tôi coi đây là phiên bản khác của Táo quân vì phim có những vấn đề bức xúc trong xã hội thời gian qua từ vấn đề nước bẩn tại Hà Nội, cháy nhà máy Rạng Đông, sàm sỡ trong thang máy… đến việc chạy chức chạy quyền, sự đấu đá quyền lực…

Qua lời thoại gây cười sẽ là những bài học gửi tới người xem một cách ý nhị nhưng cũng đầy thâm thúy và đáng suy ngẫm.

“Học trò” của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng: Nói không với dung tục trong hài Tết - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Trung Dân từ miền Nam nhận lời ra Bắc đóng hài Tết

Nghệ sĩ Tự Long mới đây có chia sẻ quan điểm rằng phim hài Tết khó tránh khỏi dung tục vì đó là “chiêu” để câu kéo khán giả. Phim của anh thế nào?

Phim của tôi không sử dụng những chi tiết hài nhảm, lời thoại lố lăng để câu khách. Phim tôi “dụ” khán giả bằng những cái tên “ăn khách” 2 miền Nam – Bắc như nghệ sĩ Trung Dân, Trịnh Minh Dũng, Tiến Đạt, Trà My, Thanh Hương, Hồ Phong, Trọng Lân, MC Thùy Linh.

Tôi quan niệm hài dân gian phải mang đúng bản chất thuần túy và mộc mạc của nó. Nếu phim dân gian mà đu theo những chi tiết phản cảm như phim hiện đại thì nó không còn là phim dân gian nữa. Bản thân tôi không cho phép điều đó. Sản phẩm của tôi hướng tới tất cả đối tượng khán giả, các thế hệ có thể cùng xem, cùng bàn luận. Nếu là phim hài nhảm thì không làm được điều đó.

Tết ai cũng cần hài, cần cười cần sự nhẹ nhàng để “relax” nên tôi cho rằng hài Tết dân gian có sức sống mãnh liệt, chỉ cần kịch bản đủ hay thì dù không có “cảnh nóng” khán giả cũng không bao giờ lãng quên.

Cảm ơn chia sẻ của đạo diễn Linh Đồng!

An Khánh

Rate this post