Học sinh Việt như những ‘giáo sư biết tuốt’
Học sinh ngày nay phải học đủ thứ, từ tụ điện, con trở, phản ứng Axit, Bazơ, đến thụ phấn, giao phối… những thứ chẳng biết áp dụng vào đâu.
Theo tôi, đã đến lúc chúng ta cần phải quy hoạch lại khu vực kiến thức cơ bản mà học sinh cần nắm, thay vì học theo kiểu “giáo sư biết tuốt” như hiện nay.
Học kiến thức Vật lý cơ bản không có nghĩa là phải biết tụ điện, cuộn cảm, con trở hoạt động làm sao thì mới sử dụng được thiết bị điện tử. Mà thực tế, nhiều học sinh học hết lớp 12 còn không biết cách sử dụng thiết bị điện tử cơ bản thế nào? Vậy môn Vật lý có dạy cơ bản không, hay cái cơ bản đó dành cho người nghiên cứu chuyên sâu?
Hay môn Hóa, học đủ thứ từ phản ứng Axit, Bazơ với muối trung hòa. Nhưng thực tế, nhiều em học sinh lớp 12 pha bình thuốc bảo vệ thực vật bị kết tủa cũng không hay (rất phổ biến ở nông thôn). Vậy những kiến thức Hóa kia có thật sự cơ bản không?
Hay môn Sinh học, các em phải học cả thụ phấn, giao phối, nhưng với xã hội công nghiệp bây giờ, từ hạt giống nhập khẩu về ươm trong vườn ươm đến ghép cây đều có người chuyên môn làm sẵn, nông dân chỉ mua về trồng. Vậy liệu những kiến thức lai ghép F0, F1, F2 kia có thật sự cần thiết hay cách chăm sóc nuôi trồng mới thật sự hữu dụng nhưng lại không được dạy?
>> Sách giáo khoa khô khan, khó dạy hay Lịch sử
Tôi cho rằng, cần nhóm lượng kiến thức cơ bản bắt buộc và kiến thức tự chọn để phù hợp với xã hội phân công lao động. Đừng có đào tạo ra những “thần đồng toàn năng” nữa, vì điều đó không phù hợp với xã hội phân công lao động. Hãy bỏ quan niệm “không làm A thì làm B”, vì điều này cũng làm nảy sinh hiện tượng học lệch, thi lệch, tài năng lệch, sở thích lệch… Vậy nên mới có tình trạng học tự nhiên nhưng ra đi làm xã hội và ngược lại.
Quay trở lại với việc dạy và học Lịch sử đang gây tranh cãi thời gian gần đây, làm thế nào để học sinh không còn thấy chán ngán mỗi giờ lên lớp? Tôi cho rằng, chúng ta không nên quá chú trọng vào các con số ngày, tháng, năm. Thay vào đó, giáo viên tập trung vào các sự kiện lịch sử, nguyên nhân và kết quả. Nên viết lịch sử thành những câu chuyện dễ nhớ, giống như dã sử.
Thay vì học vẹt trong sách toàn chữ là chữ, chúng ta nên có thêm phim, hình ảnh, âm thanh để minh họa. Có thể cho các em xem và sau đó viết cảm nhận thu hoạch của bản thân về những gì đã xem thay vì học thuộc lòng (không nên chấm điểm mà nên có nhận xét một vài bài viết tiêu biểu cũng như chưa tốt để nhấn trọng tâm cần nhớ, chứ không phải để khen hay phê bình).
Ngoài ra, nhà trường có thể tổ chức các buổi diễn thuyết, thuyết trình, biện luận, văn nghệ về chủ đề lịch sử, để học sinh tự biên soạn và biểu diễn theo nhóm (hạn chế giáo viên can thiệp kiểu lấy thành tích vì như vậy học sinh sẽ ỷ lại hoặc răm rắp làm theo ý thầy cô, mất đi tính tự tìm hiểu). Làm được vậy, tôi tin câu chuyện “Lịch sử tự chọn hay bắt buộc” sẽ không còn quá quan trọng nữa.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.