Hoàng Quý Phước và đoạn kết bình yên của một thần đồng
Số phận như một con tạo xoay vần quanh cuộc đời Hoàng Quý Phước. Kỷ lục gia trẻ nhất lịch sử bơi lội Việt Nam từng mang trên mình kỳ vọng vươn tầm thế giới, để rồi vướng phải rắc rối ngay lúc sự nghiệp mới chớm nở. Anh chỉ có thể tìm thấy bình yên sau giai đoạn đỉnh cao, thời điểm Phước không còn gánh vác trách nhiệm của một VĐV trọng điểm nữa.
Tài năng hiếm có
Được phát hiện ở một giải bơi phong trào cấp địa phương, Hoàng Quý Phước được tập trung bồi dưỡng ngay từ khi mới 11 tuổi. Sở hữu thể hình lý tưởng của một VĐV bơi lội: cao lớn, sải tay dài, các ngón chân cũng dài, Phước dường như sinh ra chỉ để chinh phục đường đua xanh. Lãnh đạo thể thao Đà Nẵng kỳ vọng Phước sẽ tạo ra bước nhảy vọt cho bơi lội địa phương, và điều đó đã trở thành sự thật.
Hoàng Quý Phước là “của hiếm” của bơi lội Việt Nam.
Năm 15 tuổi, Phước tham dự giải bơi lội vô địch quốc gia 2008. Phải thi đấu với những người đàn anh hơn mình cả về tuổi đời lẫn kinh nghiệm nhưng Phước đã bất ngờ giành huy chương vàng nội dung 100m bơi tự do. Anh không chỉ đánh bại kỷ lục gia của bơi lội Việt Nam khi đó là Nguyễn Thanh Hải, mà còn phá luôn kỷ lục quốc gia VĐV này thiết lập với thành tích 53,05 giây.
Từ một vận động viên trẻ vô danh, cái tên Hoàng Quý Phước được truyền đi khắp Việt Nam chỉ sau 1 đêm. Hơn 1 thập niên trôi qua kể từ ngày Võ Trần Trường An đến Olympic ở tuổi 15, bơi lội Việt Nam mới xuất hiện một VĐV tuổi trẻ tài cao như thế. Phá sâu kỷ lục quốc gia đến gần 1 giây ngay trong giải đấu lớn đầu tiên, Phước được kỳ vọng đưa bơi lội Việt Nam đến với vũ đài quốc tế.
Sau hơn 1 thập niên thi đấu đỉnh cao, gia tài của Hoàng Quý Phước là hàng trăm huy chương và bằng khen. Là một trong những VĐV xuất sắc nhất lịch sử bơi lội Việt Nam, phòng của Phước có một chiếc tủ đầy ắp huy chương, và nhiều đến nỗi anh phải sắm thêm tủ nữa.
Tài năng của Hoàng Quý Phước còn được thể hiện khi anh vượt qua chính mình ở giai đoạn mọi người tưởng Phước đã “hết thời”. Kình ngư người Đà Nẵng từng có khoảng thời gian sa sút giai đoạn 2014-2015 vì chấn thương, nhưng sau đó anh trở lại đầy mạnh mẽ vào năm 2017. Một khi Phước tập trung vào nội dung sở trường là bơi tự do, anh gần như không có đối thủ ở các cự ly ngắn.
“Hoàng Quý Phước là một trong những tài năng hiếm có của bơi lội Việt Nam. Cậu ấy hội tụ đủ các tố chất để trở thành một VĐV bơi hàng đầu”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao. Kỷ lục quốc gia ở các nội dung 50m và 100m bơi bướm đã tồn tại suốt 10 năm nay của Phước là minh chứng rõ nhất cho thấy đẳng cấp hiếm có của một VĐV bơi lội Việt Nam.
Những chuyến tập huấn kỳ lạ
Là một trong những người biết đến Phước đầu tiên và sát cánh bên anh ở nhiều giải đấu quốc tế lớn, ông Nguyễn Hồng Minh từng kỳ vọng Phước sẽ làm nên những điều kỳ diệu cho bơi lội Việt Nam. Bằng chứng là kình ngư người Đà Nẵng từng được đầu tư với kinh phí không hề nhỏ để đi tập huấn tại nước ngoài, tới những trung tâm đào tạo bơi lội hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản.
Nhưng du học lại không thể giúp Phước thành tài, trái lại, mỗi lần xuất ngoại là một lần kình ngư này vướng phải những rắc rối trớ trêu. Chuyến tập huấn Trung Quốc năm 2009 của Phước bị cắt ngang vì anh phải về nước chịu tang cha. Đến năm 2012, Phước đến Mỹ tập luyện và bị HLV trưởng báo về với nội dung: “Không tập trung rèn luyện, có biểu hiện mắc bệnh ngôi sao”.
Sau những ngày nổi sóng, Phước giờ cũng tìm được bình yên.
Chẳng ai biết Phước có thật sự mắc “bệnh sao” hay không, vì anh chưa bao giờ chia sẻ với truyền thông về những gì đã xảy ra trong thời gian ở Mỹ. Trước những câu chuyện không hay về mình, thay vì lên tiếng, Phước luôn chọn cách im lặng. Chỉ biết là ở thời điểm đó, Tổng cục Thể dục – Thể thao đã phải cử một lãnh đạo sang Mỹ để giải quyết tình hình. Đó là ông Đinh Việt Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Các môn Thể thao dưới nước. Khi đó ông Hùng đang giữ cương vị Trưởng bộ môn Bơi.
“Quý Phước không hề mắc bệnh ngôi sao. Đó là đánh giá chủ quan của HLV trưởng Đặng Anh Tuấn”, ông Hùng khẳng định trong một bài phỏng vấn hồi năm 2012. Nguyên nhân sâu xa của vụ việc được cho là mâu thuẫn giữa ông Tuấn và HLV Nguyễn Tấn Quảng, thầy của Phước ở đội Đà Nẵng. Nói cách khác, Hoàng Quý Phước chỉ là nạn nhân của mâu thuẫn nói trên.
Phước từng gặp không ít rắc rối ở những chuyến tập huấn nước ngoài.
Thật khó tưởng tượng một cậu bé ở tuổi 19 như Phước ngày đó cảm thấy thế nào khi một ngày lên báo và đọc tin về mình: Bị đuổi khỏi đội tuyển vì lười biếng tập luyện, mắc bệnh ngôi sao… Cảm thấy suy sụp vì những gì đã trải qua nơi đất khách quê người, Phước xin phép được về nước trước thời hạn, khép lại chuỗi ngày vô cùng đáng quên trên đất Mỹ.
Vận đen với những chuyến xuất ngoại vẫn không buông tha Phước ở lần tập huấn tại Nhật Bản đầu năm 2015. Không có huấn luyện viên hay bất cứ ai hỗ trợ, kình ngư số 1 của bơi lội Việt Nam ngày đó một thân một mình nơi đất khách quê người. Khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa khiến Phước không thể tập luyện như ý muốn tại Nhật Bản, nhất là khi anh phải tự mình quán xuyến mọi việc, từ đi chợ, nấu ăn đến làm việc nhà.
Chuyến tập huấn đó cũng là thời điểm Phước được phát hiện mắc chấn thương lưng rất nặng. Điều đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tích thi đấu của anh ở SEA Games 2015. Mọi người vốn chỉ quan tâm VĐV thi đấu thì phải có huy chương, nhất là HCV, thế nên Phước nhanh chóng bị gắn mác “thất bại”. Chẳng ai biết kình ngư này đã phải xuống nước thi đấu với vết đau như búa bổ ở lưng.
May mắn cho Phước là hàng loạt chuyến tập huấn ác mộng ở nước ngoài đã được thay bằng kỷ niệm đẹp ở lần du học Hungary hồi năm 2016.Theo Phước, điểm khác biệt của chuyến tập huấn Hungary là anh chỉ cần chuyên tâm tập luyện vì có sự hỗ trợ, tư vấn từ các chuyên gia. Phước đến Rio với 2 chuẩn B Olympic, và có thành tích cá nhân tốt nhất trong sự nghiệp ở các nội dung bơi tự do cự ly ngắn.
Ngày mai bình yên
Hoàng Quý Phước có thể tạo sóng trên đường đua xanh, nhưng sau tất cả, anh chỉ muốn có một cuộc sống bình yên bên gia đình. Là con út trong nhà, các anh chị đều đã lập gia đình và dọn ra ở riêng nên Phước lúc nào cũng sợ mẹ cảm thấy cô đơn. Cha Phước đã mất hơn 10 năm, chỉ còn mẹ Phước ở độ tuổi thất thập cổ lai hy. Thế nên cứ kết thúc mỗi ngày tập, việc đầu tiên Phước làm là chạy về nhà thăm mẹ.
Phước từng mơ ước làm cầu thủ trước khi chuyển sang bơi lội.
“Trung tâm tập luyện chỉ cách nhà mình có 200 mét, về thăm cũng tiện. Nhưng mọi thứ thay đổi chóng mặt vì COVID-19. Đội tuyển tập khép kín, mình thậm chí có lúc còn không được xuống nước bơi như trước. Lúc nào tôi cũng lo cho mẹ, nhưng không thể về được dù nhà ở rất gần”, Phước bùi ngùi chia sẻ.
Sóng gió của một thời tuổi trẻ đã qua, ở tuổi 28, Phước hiện giờ là thành viên lớn tuổi nhất của đội tuyển bơi Việt Nam. Sau mỗi năm, Phước lại càng nhận thức rõ vai trò của bản thân trong một tập thể lớn. Anh không chỉ thi đấu vì mình như trước, mà còn phải cố gắng làm gương cho những VĐV trẻ.
Quãng thời gian thi đấu đỉnh cao của Phước không còn dài. Chính anh cũng nhận thức rõ điều đó, đặc biệt là sau 13 năm gắn bó với đường đua xanh ở những giải đấu đỉnh cao. Kỳ SEA Games 2022 trên sân nhà đã là lần thứ 7 Phước tranh tài ở đấu trường Đông Nam Á. Con số đó khiến nhiều người phải tròn mắt thán phục, nhưng cũng mang đến một sự thật giật mình khác: Ai sẽ kế thừa Hoàng Quý Phước trong tương lai?
Bơi hơn 10km mỗi ngày
“Hồi nhỏ tôi cũng ước mơ làm cầu thủ bóng đá chứ, nhiều bạn khác cũng mơ như vậy lắm. Nhưng càng chơi mới thấy mình sinh ra để bơi, chứ không phải để đá bóng. Trong những bài tập cạn của môn bơi cũng có bóng đá, và chúng tôi thường chơi vào mùa đông. Tôi thích chơi bóng nhưng có vẻ không phù hợp thi đấu chuyên nghiệp vì chân mình cứng lắm, không xử lý bóng được”, Phước chia sẻ.
Các HLV đánh giá cao Phước ở tinh thần tập luyện chuyên nghiệp và nghiêm túc. Ở thời kỳ đỉnh cao anh duy trì giáo án tập bơi 16-18km mỗi ngày. Đến nay, thể trạng Phước không còn như xưa nhưng anh vẫn bơi 12-14km/ngày. Chế độ ăn uống, tập luyện được Phước ngày một chăm chút hơn để kéo dài thời gian thi đấu chuyên nghiệp.