Hoàng Phủ Ngọc Tường: Người thả hoài niệm vào dòng sông – Revelogue
Nếu Nguyễn Tuân được mệnh danh là bậc thầy tùy bút với Người lái đò sông Đà thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại nổi tiếng với Ai đã đặt tên cho dòng sông và nhiều bút ký khác như Rượu hồng đào chưa uống đã say, Miền cỏ thơm hay Rất nhiều ánh lửa.
Nét đặc sắc trong sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường được thể hiện qua sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình cùng lối hành văn hướng nội đầy mê đắm, tài hoa.
Qua những tác phẩm của mình, nhà văn đã khéo léo gửi gắm nhiều tình cảm sâu kín về gia đình, đất nước, đặc biệt là xứ Huế thân thương từng gắn bó máu thịt với bản thân, nơi đây đã trở thành bến đỗ bình yên của ông và vợ mỗi khi trở về.
Đôi nét về nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
Sinh năm 1937 và lớn lên tại Huế nhưng quê gốc của ông lại ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp ban Việt Hán thuộc trường Sư phạm Sài Gòn, nhà văn tiếp tục theo đuổi triết học và nhận được bằng cử nhân tại trường Đại học Văn khoa Huế.
Trong những năm đầu của thập niên sáu mươi, Hoàng Phủ Ngọc Tường giảng dạy tại trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học Huế. Sau đó, ông chia xa gia đình để lên chiến khu, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thông qua hoạt động văn học nghệ thuật.
Cùng với nhiệt huyết và tài năng của mình, ông được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam và từng nắm giữ nhiều chức vụ như tổng thư ký, chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên hay tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt.
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cây bút đa tài với các thiên bút ký vừa trữ tình, thâm trầm vừa độc đáo, tài hoa. Không những thế, mỗi áng thơ sâu lắng, lãng mạn mang tên ông còn để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả.
Năm 2007, tác giả được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho những đóng góp lớn của mình vào kho tàng văn học Việt. Nổi bật trong số đó có tác phẩm Rất nhiều ánh lửa với giải thưởng Văn học Hội nhà văn Việt Nam hay Ai đã đặt tên cho dòng sông được tinh tuyển là một trong những bút ký hay nhất.
Ngoài ra, nhà văn còn nhận được giải thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô Huế và giải thưởng văn học nghệ thuật Chế Lan Viên tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất.
Nhà văn đi cùng những dòng sông kỷ niệm
Tuổi thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn gắn liền với thành phố Huế mộng mơ và dòng Hương Giang lung linh, biến ảo. Chính nó đã nuôi dưỡng mạch máu văn chương nơi tâm hồn nhà văn, khơi nguồn cảm hứng bất tận giúp ông viết nên những trang tùy bút đầu tiên.
Ký ức về sông Hương luôn đẹp đẽ và vẹn nguyên trong trái tim ông mỗi khi nhớ về.
“Những kỷ niệm thời ấu thơ như những đêm nghe ca Huế dù đã cách nay hơn nửa thế kỷ nhưng tôi vẫn không quên. Ngày đó những đêm ca Huế không sân khấu đèn màu, không micro, người nghe ngồi bệt dưới nền đất để thưởng thức âm nhạc…Những kỷ niệm dung dị đó đã ám ảnh suốt những năm tháng tôi xa sông Hương sau này, để bài ký đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của tôi là con sông quê hương.”
– Hoàng Phủ Ngọc Tường
Đa phần các sáng tác của nhà văn đều mang đậm dấu ấn của sông Hương, nổi bật là các tác phẩm như Ai đã đặt tên cho dòng sông, Sử thi buồn hay Hoa trái quanh tôi.
Nếu Nguyễn Tuân được tôn vinh là người thợ kim hoàn chữ nghĩa hay cây bút quái kiệt với những thiên tùy bút độc đáo, sắc sảo của nền văn học Việt Nam thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại là bậc thầy chuyên về bút ký, có lối hành văn hướng nội, mê đắm và tài hoa.
Qua tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông, độc giả có thể thấy rõ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã rất uyên bác trong việc kết hợp một cách nhuần nhuyễn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ lịch sử, địa lý đến triết học, văn hóa.
Bằng sự quan sát tỉ mỉ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, các khía cạnh đa chiều của dòng Hương Giang cũng được khám phá, diễn tả một cách mới mẻ và vô cùng khéo léo, tinh tế.
“Như một người đã chiêm nghiệm trong im lặng và trong sương khói chỉ để giữ lại những nét đẹp sâu thẳm của thiên nhiên, từ dưới đáy kinh nghiệm của một đời cầm bút, tôi đã không ngần ngại gửi tâm hồn mình vào tác phẩm, vẽ lại đời mình bằng màu nước của dòng sông, nó xanh biếc và yên tĩnh như một lẽ vĩnh hằng trong cảnh vật cố đô.”
– Hoàng Phủ Ngọc Tường
Nếu trong lòng thành phố Huế, sông Hương như cô gái e lệ, dịu dàng, quyến luyến không nỡ rời người tình trong mộng của nó thì lúc ở thượng nguồn, Hương Giang lại là một cô gái Digan phóng khoáng và man dại giữa núi rừng, khởi nguồn cho dòng nước ngọt âm thầm tỏa đi khắp đô thị.
Sông Hương không chỉ mang vẻ đẹp kiều diễm của người con gái xứ Huế trong làn sương mờ ảo có đầy đủ cảm xúc, tính cách riêng mà đó còn là nơi lưu giữ những câu hò điệu lý, vần thơ ngân nga đại diện cho miền văn hóa đặc trưng của mảnh đất Cố đô.
Gánh vác trên vai trọng trách bảo bọc cho Huế, dòng sông huyền thoại của thành phố luôn tràn đầy tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử.
Bằng ngôn từ giàu hình ảnh và nhiều biện pháp so sánh, ẩn dụ độc đáo cùng lối hành văn tao nhã, Ai đã đặt tên cho dòng sông đã thành công để lại trong lòng người đọc ấn tượng về một bức họa tuyệt đẹp của dòng Hương Giang xứ Huế xưa.
“Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cuộc đi tìm cội nguồn, một sự phát hiện bề dày văn hoá và lịch sử của các điều kiện đời sống… Văn anh giàu những tư liệu lấy từ sử sách tri thức khoa học và huyền thoại kí ức cá nhân lóe lên những ánh sáng bất ngờ… Cái mới của Hoàng Phủ Ngọc Tường là khám phá bình diện văn hoá với tư liệu lịch sử phong phú và một tâm hồn Huế nồng nàn.”
– Trần Đình Sử
Trong tác phẩm Sử thi buồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại một lần nữa cho ta nghe thấy những giai điệu của dòng sông quê đầy hoang dại, mộc mạc. Đã có bài ca trong trẻo được vang lên như réo rắt khắp núi rừng A Lu, chất chứa trong mình nhiều tâm tư nặng trĩu.
Mặc dù đã đi đến nhiều nơi, tận mắt tham quan vô số dòng sông nổi tiếng trên thế giới nhưng con sông quê luôn để lại nhiều cảm xúc đặc biệt trong lòng nhà văn. Ông xem nó là những ký ức đáng trân trọng, là niềm cổ vũ tinh thần giúp bản thân vượt qua khó khăn, biến cố trong cuộc sống.
“Tôi nhớ những con sóng vỗ bờ, vỗ mạn thuyền những đêm nằm thao thức. Đã xa rồi, đã lâu rồi không nghe lại tiếng sóng thân quen ấy, nhưng dường như những tiếng sóng ấy đã tạo cho tôi ý chí vươn lên trong cuộc sống.”
– Hoàng Phủ Ngọc Tường
Niềm thương nhớ và hoài niệm về con sông gắn bó máu thịt với mình đã tạo nên một Hoàng Phủ Ngọc Tường miệt mài, không ngơi nghỉ trên dòng chảy nghệ thuật để đóng góp cho đời những áng thơ văn rung động, thiết tha.
Có một cây bút chan chứa tình cảm mang tên Hoàng Phủ Ngọc Tường
Vào một đêm khuya mùa hè những năm cuối cùng của thế kỷ XX, nhà văn đột ngột bị tai biến và được chẩn đoán có khả năng bị liệt tay chân.
Tưởng chừng Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ đầu hàng số phận và từ bỏ nghề bút giấy nhưng ông lại cho rằng, đây là thời gian để viết hết những điều mà mình ấp ủ bao lâu nay và hoàn thành các công việc vẫn còn đang dang dở.
Mỗi ngày, ông đều miệt mài sáng tác bằng cách đọc lên suy nghĩ của mình và nhờ vợ là bà Lâm Thị Mỹ Dạ ghi chép lại, sau đó ông tỉ mỉ nghe lại và chỉnh sửa từng câu. Đã nhiều năm kể từ khi nhà văn bị bệnh cho đến nay, hàng trăm trang văn vẫn được đều đặn viết nên như thế. Ông từng tâm sự rằng:
“Không thể đi đây, đi đó được nữa nên chỉ còn cách nhớ lại những kỉ niệm, kể lại những câu chuyện mà mình từng chứng kiến trong những năm tháng rong ruổi dọc đất nước, dọc những dòng sông.”
Đọc những trang văn do Hoàng Phủ Ngọc Tường chắp bút, ta luôn thấy được tình yêu của ông dành cho văn chương cũng như quê hương mình là vô cùng lớn lao, chân thành và son sắt.
Bên cạnh đó, các tác phẩm mang tên ông còn thắp lên trong lòng người đọc “rất nhiều ánh lửa” của sự hy vọng và thứ tình cảm luôn dạt dào dành cho tổ quốc, quê hương.
Bên cạnh những thiên bút ký uyên bác, chân thực và đậm chất trữ tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường thì thơ ông viết lại có phần tĩnh tại hơn, nó như một tấm gương phản chiếu rõ nét nội tâm và xúc cảm nhà văn.
“Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu
Có mùi hương cỏ đêm sâu
Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm
Tôi về ngủ dưới vầng trăng
Có em từ chỗ vĩnh hằng nhìn tôi
Tình xa, xa mãi trong đời
Tóc xanh tiên nữ rối bời trên tay
Tôi còn ngọn nến hao gầy
Chảy như nước mắt từ ngày sơ sinh
Tôi xin em chút lòng thành
Cài lên một phiến u tình làm hoa
– Địa chỉ buồn
Mỗi dòng thơ như một nốt nhạc, tất cả đều tạo thành từng bài ca ngân nga rung động lòng người và trong đó luôn phảng phất những nỗi buồn sâu kín, đó là tấm lòng trăn trở, suy nghiệm của nhà văn về bản thân cũng như cuộc đời.
Toàn bộ tri thức của Hoàng Phủ Ngọc Tường đều được thể hiện thông qua việc sống, xê dịch và chiêm nghiệm kết hợp với tấm lòng đầy xúc cảm đã kết tinh nên những trang viết cuốn hút, mê đắm và tài hoa.
Với những giá trị quý báu mà nhà văn gửi gắm qua mỗi tác phẩm, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thành công trong việc khẳng định tên tuổi của mình. Với vai trò là cây bút ký chuyên nghiệp của văn học Việt Nam, ông thắp lên trong lòng người đọc niềm trân trọng và biết ơn quê hương xứ sở và những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của đất nước mình.
Khả Di