Hoàng Ngọc Phách và cuộc chất vấn ‘nảy lửa’ với các nữ sinh Đồng Khánh
Các nữ sinh Đồng Khánh phản ứng kịch liệt, các cô đứng đầu là Tương Phố gặp Hoàng Ngọc Phách chất vấn bài báo phê bình thơ văn “mưa sầu gió thảm” của tác giả đăng trên “Nam phong”.
Dạo học trường Cao đẳng Sư phạm để sau thành ông giáo, Song An Hoàng Ngọc Phách văn thơ đăng trên các báo Trung Bắc, Thực nghiệp hay Nam phong… trong đó có bài “Văn chương với nữ giới (cái hại văn cảm đối với nữ học sinh)”. Riêng bài trên, theo lời tâm sự của tác giả qua hồi ký Chuyện trường Cao đẳng sư phạm thì “Bài này đã gây nên một cuộc bút chiến hơn một năm giữa nhóm thanh niên tân học và một số nhà thơ “sầu thảm thoát ly” đứng đầu là Tản Đà”.
Từ “cái hại văn cảm đối với nữ học sinh”
Nguyên do vụ việc xuất phát từ chỗ năm 1920, trường Cao đẳng Sư phạm dời địa điểm sang trường nữ học Đồng Khánh, còn trường nữ học Đồng Khánh thì dời lên trường nữ học Pháp ở phố Félix Faure (nay là đường Trần Phú, Hà Nội). Đến trường mới, các nam sinh viên thấy chi chít trên tường toàn những bài thơ bi ai não nuột. Kiểu như:
Một mình xót nỗi nước mây,
Biết người danh sĩ sau này là ai.
Xót mình tựa cửa hôm mai,
Văn chương đèn sách nào ai với mình.
Rồi lại:
Một mình đứng tựa cầu thang,
Bước đi một bước hai hàng lệ rơi.
Trường nữ học Đồng Khánh xưa. Ảnh tư liệu.
Anh em sinh viên thấy cái lối thơ sầu thảm này cần phải chấn chỉnh vì nó “không đưa đến một tính tình cao cả rắn rỏi vì nước vì nhà”. Sau khi hội ý, Song An được cử đại diện viết một bài phê phán lối giáo dục tư tưởng của trường vì các nữ sinh sau sẽ là những cô giáo, bà mẹ tương lai.
Thế là Song An bắt tay vào viết bài và đăng trên Nam phong tạp chí. Lần tìm các số báo Nam phong năm 1920, chúng tôi thấy bài viết đăng trên số 41, ra tháng 11 năm 1920, chiếm gần trọn 5 trang báo (trang 379-383) ghi rõ tác giả “Hoàng Ngọc Phách. Học sinh trường Cao đẳng Sư phạm”. Xem qua nội dung, chúng ta biết được vì sao bài viết lại gây dư luận mạnh để dẫn đến bút chiến về sau.
Mở đầu Song An giải thích trước nhất định nghĩa “văn cảm” cũng như dẫn chứng những tác giả, áng văn thơ Kim Vân Kiều, Chinh phụ, Cung oán… rồi thì đi trực tiếp vào vấn đề bàn tới, ấy là những văn thơ trên tường của nữ sinh để từ đó mà bên cạnh mừng cho cái “hồn quốc văn lai láng” của chị em, nhưng rồi cũng sợ: “Sợ là sợ cái trình độ, cái khuynh hướng của nữ sinh đối với quốc văn, nhất là thứ văn “sầu”, văn “đạo tình” mới xuất hiện”. Tác giả sau đó lấy hiện thực xã hội với văn hóa đọc đương thời, toàn những văn buồn xuất hiện khiến chị em đọc vào thì gây cái hại lớn, bởi vì “thứ văn cảm này có ảnh hưởng trong bọn nữ sinh hơn là sách cũ; vì trong sách cũ có một tấm thảm sầu cao thượng khó hiểu”… “Còn cái sầu của sách mới rất hợp với cảnh thường, nào sầu tình, thảm tình, nào thương bạn nhớ bạn, nào than thân trách phận, tức chúng giận đời, học không thành tài không đỗ”. Mấy sách mới nhắc tới trên kia được Song An nói rõ trong Chuyện trường Cao đẳng sư phạm, ấy là Mối sầu chung, Dây đàn đau đớn, Ngọn đèn khuya…
Tác giả chỉ rõ rằng, những văn thơ sầu cảm ấy dễ “gieo trong người đa cảm một cái mầm “yếm thế”, nếu cứ sẵn mưa sầu gió thảm nó tưới nó lay vào thì có một ngày kia cây mọc to lên, bóng ướm che rợp cả những trồi [chồi] non hữu dụng khác”. Mà phụ nữ nước Nam thì so với Âu Tây, lại đa cảm nhiều hơn nữa. Chỉ ra cái thực trạng trong giới nữ sinh, nhưng Song An cũng nói rõ không phải lấy đó làm cái mũi dùi mà công kích chị em “Tôi nói đây không phải là công kích gì nữ sinh, mà cũng không phải là kết án những văn cảm; vì một người đàn bà không có cảm tình, không có vẻ yểu điệu dịu dàng thì không phải là người đàn bà nữa. Nhưng cảm đến nỗi buồn rầu đau đớn, cảm đến nỗi chán ngán việc đời, lòng bao giờ cũng như tâm sự cô Kiều đứng trước mả Đạm Tiên, thì không phải là chánh sách của thời cạnh tranh này vậy. Ta nên biết ngày nay, cái sống bằng ảo tưởng huyền vong đã như bóng xế chiều rồi. Phần thực hành đã lan ra khắp cõi. Một nước trình độ còn kém như nước nhà, sinh ở thời cạnh tranh kịch liệt này, phần thiết thực phải nhiều hơn phần hoa mĩ. Một người thiếu niên mới 15, 16 tuổi đầu, trong lòng đã nguội lạnh, đã chán ngán cảnh đời, không có việc công danh phú quí nào có thể làm cho nức lòng, thì chắc cả đời cũng không làm được việc gì hữu dụng”.
Bài viết gây xôn xao dư luận của Song An Hoàng Ngọc Phách trên Nam phong tạp chí số 41, ra tháng 11 năm 1920. Ảnh: Đình Ba.
Đấy, trần tình với chị em nữ sinh là thế, nhưng anh sinh viên họ Hoàng cũng không ngại ngần mà kêu gọi việc điều trị cho chóng cái bệnh cảm sầu, nhu nhược trong văn thơ kia. Mà chữa trị như thế nào đây? Từ Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc cho đến Truyện Kiều, thảy đều không nên dùng làm sách đọc cho nữ sinh, bởi như Truyện Kiều dẫu về mỹ cảm là một áng tuyệt bút, nhưng về giáo dục lại có phần khuyết “vì luân lý cao thượng trong truyện là cuộc đại thắng của hiếu đánh nhau với tình trong lòng người nhi nữ”. Đồng thời, những sách ngoại thư của Tàu cũng nên bỏ đi không xem khi nó khiến nữ sinh đọc truyện “có khi quên cả ăn, cả ngủ, lúc nào cũng nghĩ đến cảnh chiến tranh, cuộc tình ly hợp…”. Cùng với việc điểm mặt chỉ tên những văn phẩm nào nên tránh, tác giả cũng đề xuất ra những văn thơ vừa có tính văn chương, vừa mang tính giáo dục như Nữ tắc, Gia huấn, thơ ngụ ngôn Lã Phụng Tiên (La Fontaine) hay những bài cách ngôn trên Nam phong tạp chí…
Kết lại vấn đề, Song An kêu gọi “Ấy cái hại văn cảm là thế. Trước quang cảnh này, trước những vườn hoa xinh đẹp bị bóng cây u uất che rợp đi kia, ai là nhà nhiệt thành về quốc văn, về giáo dục, chẳng lưu tâm vào đó?”.
Đến “phiên điều trần” nảy lửa với chị em nữ sinh
Từ bài viết gây xôn xao dư luận trên Nam phong tạp chí số 41, Song An nhận về không ít búa rìu chỉ trích. Điều đó là hẳn nhiên khi tác giả đụng đến cả Truyện Kiều bao lâu nay văn giới ngưỡng mộ, lại đụng tới cả phía bên kia là chị em nữ sinh, trực tiếp là nữ sinh Đồng Khánh. Ngay sau đó như lời tác giả kể lại “lập tức các nữ sinh trường Đồng Khánh phản kháng kịch liệt. Các cô năm thứ ba thứ tư đứng đầu là cô Đỗ Thị Đàm (tức là Tương Phố sau này) nhờ người bạn tôi là Nguyễn Hữu Tài mời tôi ra nhà anh để các cô đến “chất vấn”.
Song An Hoàng Ngọc Phách thời thanh niên. Ảnh tư liệu.
Ban đầu Song An định không đi, nhưng sau khi được bạn bè động viên, rồi hứa hẹn hộ vệ, thế là tác giả quyết định đi vào “hang hùm”. Cảnh tượng phiên chất vấn kể ra cũng khá là gay cấn. Vẫn trong Chuyện trường Cao đẳng sư phạm, ta được hồi tưởng lại quang cảnh ấy. Tại nhà Nguyễn Hữu Tài, độ 30 nữ sinh tuổi chừng 17-18 người trên ghế, kẻ trên giường. Ngay sau khi tên tác giả bài “Văn chương với nữ giới (cái hại văn cảm đối với nữ học sinh)” được giới thiệu, các cô như lửa giận nén lâu, tiến hành chất vấn ngay. Mở đầu, cô Đàm lớn tuổi nhất bọn đại diện tuôn một tràng “tại sao”: “Tại sao ông viết bài ấy? Tại sao ông gọi văn thơ ấy là văn thơ đạo tình, văn thơ lãng mạn? Tại sao ông nói nhiều về mẫu nghi, mẫu giáo, có ý mạt sát nữ sinh và phụ nữ?”… Đáp lại sự tấn công tới tấp của chị em giữa “trận tiền”, Song An giãi bày lòng mình không có ý khinh khi, mạt sát chị em, mà ở đây “viết lên báo công khai là để chóng thấu thị đến chị em và để hỏi ý kiến độc giả”.
Một nữ sinh khác lên tiếng, rằng những câu thơ vớ vẩn trên tường kia là của những em nhỏ viết. Nhưng Song An lật cờ rằng, bề cao từ mặt đất đến các bài thơ ấy thì phải là những người tuổi 17, 18 mới viết được, chứ các em nhỏ thì cao đâu được thế mà viết. Để cho không khí đỡ căng thẳng, chủ nhà là anh Tài liền lái câu chuyện theo hướng khác với việc hỏi Song An về chuyện học, chuyện viết văn. Thế là pha bẻ lái ngay lập tức thành công khi họ Hoàng niềm nở tâm sự, còn các nữ sinh xem chừng đã xuôi xuôi nên ngồi nghe chuyện văn học, chuyện sư phạm… Không khí cởi mở hơn và phiên điều trần kết thúc trong êm đẹp. Không chỉ thế, từ sự giải tỏa hiểu lầm ấy mà như lời tác giả tâm sự “Cũng từ sau đó, một số cô giỏi văn thơ, nhất là cô Đàm, đã thành những bạn văn chương của tôi”. Còn riêng với bài viết của Song An trên Nam phong, sau này vẫn còn bút chiến hai phe ủng hộ và phản đối viết qua viết lại trên Nam phong, Trung Bắc tân văn, Thực nghiệp, Khai hóa nữa.
Nữ sĩ Tương Phố dạo trẻ. Ảnh tư liệu.
Sau cái dạo phê bình thơ mưa sầu gió thảm kia, dần dà Song An Hoàng Ngọc Phách nổi danh trên văn đàn với tiểu thuyết duy nhất của ông mang tên Tố Tâm. Còn cô họ Đàm sau là nữ sĩ Tương Phố cũng nổi danh không kém mà Thi nhân Việt Nam hiện đại, quyển Thượng của Phạm Thanh cho hay bà “là một nhà thơ giầu tình cảm, giầu thơ mộng, lúc nào cũng thốt ra những lời ảo não thê lương của người sương phụ”. Quê đất Khoái Châu, Hưng Yên, Tương Phố sau được biết đến với bài Giọt lệ thu đăng trên Nam phong tạp chí số 131, ra tháng 7 năm 1928, là bài văn khóc chồng mất năm 1923. Theo lời kể của Mộng Tuyết trong hồi ký Núi Mộng gương Hồ, bài Giọt lệ thu của Tương Phố và bài Linh Phượng của Đông Hồ khóc vợ đều đăng trên Nam phong, là hai bài thơ khóc thương phu phụ nổi tiếng đương thời.