Hoa Quỳnh: Tìm hiểu về bí ẩn loài hoa nở về đêm – YouMed
Đã từ lâu, hoa Quỳnh được mệnh danh là “Nữ hoàng bóng đêm”. Loài thực vật này không chỉ mang một vẻ đẹp kiêu sa, trang trọng, thanh cao mà còn mang mùi hương rất quyến rũ, hấp dẫn khiến nhiều người ưa thích, trồng làm cảnh trong nhà. Không chỉ có thế, với với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý hoa quỳnh còn có rất nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe chúng ta. Bây giờ, hãy cùng tìm hiểu sâu hơn những bí ẩn về loài hoa đặc biệt này qua bài viết của bác sĩ Phạm Lê Phương Mai nhé.
Hoa Quỳnh là gì?
Tên gọi khác: Quỳnh hương, Quỳnh…
Tên khoa học:
- Selenicereus grandiflorus.
- Cactus grandiflorus.
- Epiphyllum oxypetalum.
Họ khoa học: Thuộc chi Quỳnh (Epiphyllum) và họ Xương rồng (Cactaceae).
Tên tiếng Anh: Night Blooming Cereus.
Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Đặc điểm sinh trưởng
Theo một số tài liệu, hoa Quỳnh có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Ngày nay, loài phân bố rộng khắp các nơi trên thế giới như châu Mỹ, châu Á, châu Âu… Thậm chí, cây có thể mọc ở độ cao tới hơn 2000m. Ở nước ta, cây xuất hiện ở rất nhiều nơi từ đồng bằng đến miền núi trung du, để làm cảnh hay làm dược liệu.
Thuộc loại ưa khí hậu ấm áp, có độ ẩm cao, thường hay mọc bám vào thân cây khác trong các khu rừng nhiệt đới. Tuy nhiên, đây không phải loài sống ký sinh mà chỉ dựa vào các chất mùn bám trên vỏ cây.
Sống lâu trong nhiều môi trường khác nhau, chịu hạn tốt, nhưng không chịu được ngập úng. Cây sinh trưởng và phát triển mạnh mẻ, ngay cả khi không được chăm sóc, ít sâu bệnh. Thế nhưng, loài cũng cần được chăm sóc thường xuyên để có thể cho ra hoa và có tuổi thọ lâu dài hơn. Những lưu ý khi chăm sóc loài cây này:
- Đất trồng: Thích nghi cao với các loại đất mùn, thoát nước tốt, nhiều chất hữu cơ. Cứ mỗi năm một lần, nên thay đất trồng cây vào khoảng tháng 10.
- Ánh sáng: Cần có lượng ánh sáng phù hợp để cây có thể phát triển tốt. Đặc biệt, nên là ánh sáng khuếch tán, tránh nắng gắt, quá nóng. Ngoài ra, nhiệt độ lý tưởng để trồng cây khoảng 18-28 độ C.
- Độ ẩm, tưới tiêu: Thực vậy này thích độ ẩm cao, tuy nhiên lại không chịu được úng. Chính vì vậy không nên tưới quá thường xuyên sẽ dẫn đến chết cây, 1-2 lần/tuần.
- Phân bón: Không cần bón phân quá nhiều, đặc biệt tránh các loại phân có hàm lượng nitơ cao.
Nhân giống và thu hoạch
Phương pháp nhân giống chủ yếu là giâm cành. Chọn những cành quỳnh không quá già hay quá non, có độ dài khoảng 30cm.
Khi cây khoảng 5 tuổi và được chăm sóc phù hợp sẽ ra hoa. Thời điểm thích hợp để thu hoạch là hoa lúc vừa nhở, còn thân có thể thu hái quanh năm.
Trong số các loại quỳnh ở nước ta, quỳnh trắng phổ biến hơn cả. Hoa thường nở vào khoảng tháng 6 đếng tháng 7 hằng năm và chỉ duy nhất một lần về đêm. Sau lần nở đầu tiên, cây có thể ra hoa một đợt nữa vào khoảng 3 tháng sau đó.
Mô tả toàn cây hoa Quỳnh
Thuộc dạng thân bụi, rộng và dẹp, hình trụ, cao từ 2-3 m. Thân mọng nước có kích thước dày 3-5 mm, rộng 1-5 cm, thường tạo thùy ở rìa. Hầu như cây không có lá, mà chỉ có hoa. Cây chia thành từng đốt, gần giống như những chiếc lá lớn màu xanh lục, hơi tía ở phần mép. Phần rìa méo có một số gai xen lẫn với những lông tơ trắng mịn, nhỏ.
Hoa tùy theo loài mà có kích thước khác nhau, trung bình đường kính khoảng 8-16 cm. Màu sắc cũng khá đa dạng từ đỏ, trắng, tím, vàng…Các cánh hoa mỏng, đan xen, xếp vào nhau, ôm lấy nhị tạo thành dạng hình chuông. Theo thời gian trưởng thành, phần cánh hoa sẽ hé mở cho đến khi đạt được kích thước lớn nhất. Nhụy và nhị hoa sắc vàng, với phần cuống dài. Hương thơm nhẹ nhàng, tinh khiết đặc trưng, lan tỏa cả không gian.
Quả có thể dùng để ăn, hình bầu dục, dài khoảng 4cm.
Hiện nay ở Việt Nam có 2 dạng hoa: Dạ quỳnh chỉ nở vào ban đêm, khoảng 2 tiếng, sáng hôm sau hoa sẽ tàn đi. Còn nhật quỳnh – giống mới lai tạo giữa quỳnh và thanh long, như tên gọi sẽ nở được đến khoảng 3 ngày mới tàn.
Bảo quản
Nếu sử dụng loài thực vật này để làm dược liệu thì sau khi thu hái, bạn nên rửa sạch, loại bỏ chất bẩn, để trong bọc kín, giữ nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Thành phần hóa học
Hiện nay, chưa có nhiều tài liệu phân tích rõ về thành phần hóa học của loài này. Một số nghiên cứu ban đầu ghi nhận trong 68g hoa khô chứa năng lượng khoảng 80cal, carbohydrate 16g, protein 5g, cùng nhiều vitamin và khoáng chất khác
Tác dụng của hoa Quỳnh
Tác dụng Y học hiện đại
Hỗ trợ hệ tim mạch, giảm mỡ máu
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, trong hoa Quỳnh có các hoạt chất giúp ổn định hệ tim mạch, kích thích chuyển hóa cholesterol xấu ở gan. Bên cạnh đó, chúng cũng đóng góp vào các hoạt động cải thiện sức khỏe tim mạch, huyết áp hay các rối loạn như thiếu máu tim, nhồi máu tim, đột quỵ…
Hỗ trợ rối loạn tiết niệu
Một số tài liệu ghi nhận, những người gặp các vấn đề về đường tiết niệu như nhiễm trùng, sỏi thận, tiểu gắt buốt, lắt nhắt, đau bụng kinh…có thể sử dụng dược liệu này, hiệu quả khá tốt. Đặc biệt, dịch chiết xuất từ hoa Quỳnh tươi có thể đánh tan sỏi thận, niệu quản.
Hỗ trợ tiêu hóa, chữa đầy hơi, giảm đau
Nhiều tài liệu đã ghi nhận được khả năng giảm chứng đầy bụng, khó tiêu, hỗ trợ tiêu hóa của loài thực vật này. Ngoài ra, đây cũng được xem như phương thuốc giảm đau do chuột rút, chấn thương, đau bụng quanh rốn, vùng thượng vị… Nhân dân thường dùng rượu ngâm hoa quỳnh bôi vào các vết bầm tím, giảm sưng hiệu quả.
Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị:
- Hoa có vị ngọt, tính bình
- Thân có vị chua, mặn, tính mát
Công dụng:
- Hoa có tác dụng giảm ho, làm loãng và tan đàm, tiêu viêm, cầm máu, thông khí ở phổi…
- Thân có tác dụng giảm viêm, giảm đau, giảm sưng phù…
Cách sử dụng hoa Quỳnh
Không chỉ là loài hoa làm cảnh, ta có thể sử dụng hoa Quỳnh như một dược liệu, một lọai thảo mộc thiên nhiên, dưới nhiều dạng:
- Dạng tươi, dịch chiết từ hoa, thân cây.
- Dạng khô: Trà.
- Ngâm rượu.
Một số bài thuốc từ hoa Quỳnh
Chữa ho, làm loãng đờm
Hoa Quỳnh khoảng 2 bông, mới nở tách ra thành phần nhỏ rồi đem chưng cách thủy với mật ong, ăn mỗi ngày.
Ngâm rượu
Dân gian thường ngâm hoa với rượu gạo. Ngâm càng lâu càng chiết xuất được nhiều tinh chất tốt từ dược liệu. Sau ngâm khoảng 15 ngày là có thể dùng được. Đem thoa dung dịch vào các vết bầm sưng, hiệu quả khá tốt.
Chữa ho, giảm viêm họng
Hoa quỳnh 30 g, lá xương sông 10 g, đem cắt nhỏ rồi chưng với mật ong khoảng 30 phút, uống trong ngày.
Hỗ trợ trị sỏi thận, đường tiết niệu
Hoa quỳnh 30 g, diếp cá 20 g, kim tiền thảo 20 g, rễ cỏ tranh 10g, sắc nước uống 3 lần/ngày.
Lưu ý khi sử dụng
- Dị ứng hoặc mẫn cảm, xuất hiện những triệu chứng không mong muốn với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú nên cẩn trọng, hỏi ý kiến của bác sĩ khi muốn sử dụng loại thảo mộc này.
- Một số tài liệu đã ghi nhận tương tác của hoa quỳnh với các thuốc như digoxin, thuốc chống trầm cảm (phenelzine, tranylcypromine…).
Hoa Quỳnh và ý nghĩa tượng trưng
Trong thực tế tự nhiên, người ta thường trồng hoa Quỳnh và cành giao cùng với nhau. Cành giao là một loài cây có lá rụng hết chỉ còn lại cành. Hai loại thực vật này như hỗ trợ, bổ sung cho nhau, trở thành biểu tượng của tình yêu đẹp đẽ. Hoa quỳnh tựa vào cành giao, khi hoa nở hương thơm cũng sẽ nồng nàn, lan tỏa hơn.
Trồng hoa Quỳnh gần như đã trở thành một thú vui tao nhã của một số người dân. Vẻ đẹp của hoa e ấp, dịu dàng, thanh khiết, pha chút huyền bí cộng với hương thơm tao nhã, quyến rũ. Hơn nữa, hoa chỉ nở một lần về đêm rồi tàn, tượng trưng cho “sự thủy chung” trong tình yêu của người phụ nữ âm thầm mà lặng lẽ. Hoa quỳnh xứng đáng mệnh danh là “Nữ hoàng của bóng đêm”.
Hoa Quỳnh không chỉ là loài hoa làm cảnh độc đáo, mang vẻ đẹp tinh khiết, trang trọng mà còn có nhiều công dụng điều trị bệnh rất hiệu quả. Đã từ lâu, dân gian đã biết khai thác những giá trị tuyệt vời của loài hoa này trong cuộc sống cũng như trong y học. Dù còn cần nhiều thời gian để nghiên cứu sâu hơn, nhưng ta không thể phủ nhận các lợi ích tuyệt vời mà loài cây này mang lại ở hiện tại.