Hành trình đặc biệt của Quang Linh Vlogs
Nhân vật
Gieo hạt giống lành trên đất châu Phi
Quang Linh Vlogs tên thật là Phạm Quang Linh, sinh năm 1997, quê tại Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp phổ thông vào năm 2016, Quang Linh đi xuất khẩu lao động ở Luanda – thủ đô Angola, một quốc gia ở châu Phi. Thời gian đầu sang đây, chàng trai xứ Nghệ làm nghề xây dựng. Sau một thời gian làm việc, tích lũy được ít vốn, Quang Linh mở một xưởng đá nhỏ để kinh doanh. Đầu năm 2019, anh bắt đầu bén duyên với YouTube bằng việc quay những video ghi lại những hình ảnh chân thực về cuộc sống hàng ngày ở Angola.
Kênh YouTube “Quang Linh Vlogs – Cuộc sống châu Phi” được thực hiện bởi nhóm bạn 9 người, gồm 4 người Việt Nam và 5 người Angola, thường được anh gọi bằng cái tên gần gũi “team châu Phi”. Dù được quay trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, không qua chỉnh sửa hay thêm hiệu ứng nhưng các video lại gây ấn tượng mạnh với khán giả nhờ sự mộc mạc, giản dị. Nội dung các video ghi lại cuộc sống hàng ngày của “team châu Phi” và những người dân bản địa từ làm việc, vui chơi, khám phá, trải nghiệm đến những dự án cộng đồng mang ý nghĩa nhân văn… qua đó, giúp người xem hiểu rõ thêm về cuộc sống, những nét văn hóa truyền thống độc đáo cùng sự thân thiện, hiếu khách của người dân châu Phi.
Đây chính là điểm khác biệt, tạo nên màu sắc riêng cho “Quang Linh Vlogs – Cuộc sống châu Phi”, thu hút sự quan tâm theo dõi của cộng đồng mạng. Chỉ sau 1 năm lên sóng, kênh này đã đạt “Nút vàng” 1 triệu người đăng ký. Đến thời điểm hiện tại, con số này đã tăng lên 2,52 triệu người. Bên cạnh đó, Quang Linh còn sở hữu kênh Youtube “Ẩm thực châu Phi” với hơn 983 ngàn người đăng ký.
Quang Linh từng chia sẻ công khai số tiền anh nhận được từ YouTube mỗi tháng là từ 100 USD thời gian đầu đến hơn 1.000 USD sau khi nổi tiếng. Ngoài việc trả lương cho những người bạn làm việc cùng mình, anh đã dùng chính số tiền đó để mua thực phẩm, đồ dùng trao tặng lại những người dân bản địa và thực hiện những dự án thiện nguyện lớn hơn, hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giữa thời điểm đại dịch Covid-19 lây lan toàn cầu, Quang Linh không lựa chọn trở về nước mà ở lại châu Phi, tiếp tục hành trình thiện nguyện của mình. Nơi Quang Linh đặt chân đến là làng miền núi xa xôi Sanzala, thuộc huyện Bailundo, tỉnh Huambo – một trong những địa phương nghèo nhất của Angola. Anh cùng “team châu Phi” tổ chức phát gạo và nhu yếu phẩm cho bà con. Khi thấy vùng quê này không có nước sạch và điện để sử dụng, Quang Linh và nhóm bạn đã tự bỏ tiền túi, thuê thợ đến khoan tìm nước ngọt và lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để kéo điện. Giấc mơ có nước sạch và điện thắp sáng kể từ hơn 125 năm thành lập bản đã thành hiện thực trong sự ngỡ ngàng của bà con nơi đây.
Tìm hiểu được nền nông nghiệp ở vùng Bailundo kém phát triển do người dân thiếu kinh nghiệm trồng trọt và điều kiện sản xuất, Quang Linh đã hướng dẫn bà con cách trồng một số loại rau Việt Nam, cách thu hoạch và chế biến thành các món ăn. Tuy nhiên, trong năm qua, dự án tâm đắc nhất của Quang Linh là cùng bạn bè sửa chữa lại trường học, cơ sở vật chất, vận động được hơn 800 em học sinh miền núi tới trường.
Đi cùng với những hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người dân Angola là sự nỗ lực quảng bá văn hóa Việt của chàng trai xứ Nghệ. Quang Linh dạy những đứa trẻ Angola nói và hát các ca khúc tiếng Việt, dạy bà con chế biến những món ăn Việt Nam. Anh và những người bạn của mình còn tổ chức Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, đám cưới kiểu Việt cho người dân bản địa… Chàng trai sinh năm 1997 đã và đang góp phần giới thiệu những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, làm đẹp hình ảnh đất nước Việt Nam, con người Việt Nam trong mắt người dân châu Phi xa xôi thông qua những hành trình thiện nguyện đầy ý nghĩa.
Quang Linh Vlogs tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em châu Phi
Hành trình trở về quê hương
Đầu tháng 1/2022, Phạm Quang Linh có chuyến bay trở về Việt Nam sau 6 năm làm việc nơi đất khách. Sự gần gũi và thật tâm trong những dự án giúp đỡ người dân tại Angola làm rạng danh người Việt ở nước ngoài, khiến cho Quang Linh nhận được rất nhiều sự yêu mến ở quê nhà. Nghe thông tin anh về nước, rất nhiều người hâm mộ đã bày tỏ mong muốn được ra tận sân bay đón chàng trai xứ Nghệ trở về.
Video “Quãng đường hơn nửa vòng Trái đất Từ Angola – Việt Nam || Đã đặt chân đến sân bay Nội Bài an toàn” đăng tải vào ngày 11/1 ghi lại hành trình về nước của Quang Linh được đón nhận nồng nhiệt. Video nhanh chóng lọt “Top Trending YouTube” (video mới đăng tải đạt được nhiều lượt tương tác, nằm trong tab thịnh hành trên ứng dụng YouTube). Tính đến ngày 15/2, video đã thu về hơn 1,2 triệu lượt xem với 54 ngàn lượt “like”.
Hiện tại, Quang Linh đã trở về quê hương Nghệ An và đón một cái tết đoàn viên bên gia đình. Nói về kế hoạch sắp tới, anh cho biết, trước mắt sẽ thực hiện một số chuyến thiện nguyện ở vùng miền núi Kỳ Sơn hoặc Quỳ Châu, Nghệ An. Về các dự án dang dở bên Angola, chắc chắn anh cũng sẽ quay lại sớm để tiếp tục hoàn thành.
Ngoài ra, nam YouTuber cũng chia sẻ thêm: “Cách đây hơn hai năm, mình bắt đầu hành trình thiện nguyện xuất phát từ lòng trắc ẩn và sự đồng cảm với cuộc sống của những người xung quanh, từ việc giúp đỡ một vài cá nhân đến nay là 7,8 bản làng miền núi ở Angola. Sự lan tỏa lớn thì trách nhiệm của nhóm càng ngày càng cao. Để duy trì công việc thiện nguyện ngày càng nhiều và lâu dài thì không thể trông chờ vào doanh thu từ Youtube và nhà hảo tâm mãi được”.
“Đã đến lúc ‘team châu Phi’ phải hướng đến mục tiêu dài hạn. Định hướng năm 2022, nhóm sẽ tham gia vào một vài mô hình kinh doanh kết hợp cùng một số công ty, doanh nghiệp có chung sứ mệnh cho đi một phần để phát triển cộng đồng không chỉ tại Angola mà còn cả ở Việt Nam; mở ra nhiều cơ hội về việc làm cho người dân bản địa, thúc đẩy du lịch, hợp tác xuất nhập khẩu nông nghiệp, công nghiệp… Hi vọng ‘team châu Phi’ sẽ có thêm cơ hội phát triển bản thân để giúp đỡ cộng đồng nhiều hơn nữa và vẫn mãi được khán giả yêu thương theo dõi và ủng hộ”, Linh nói.
Những việc làm ý nghĩa của Quang Linh Vlog ở châu Phi:
– Kết nối với các mạnh thường quân trao tặng hơn 70 tấn gạo.
– Khoan 35 giếng nước sạch.
– Mang điện về cho bản làng vùng cao.
– Xây nhà cho những người anh em Angola trong “team châu Phi” và cho 2 bà cụ tại huyện Bailundo, tỉnh Huambo.
– Dự án “5.000 trẻ được tới trường”.
– Hỗ trợ người dân bản địa phát triển trồng trọt.
– Mang niềm tự hào Việt Nam đến châu Phi: dạy nói và hát các ca khúc Tiếng Việt, tổ chức Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, đám cưới kiểu Việt cho người dân bản địa…