Hàm Nghi – Ông vua kháng chiến

Vua Hàm Nghi sinh năm 1871, tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, con thứ năm của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn, em khác mẹ với vua Kiến Phúc và vua Đồng Khánh sau này. Ông là vị vua chịu nhiều gian truân nhất, song cũng là vị vua tuổi trẻ, chí lớn và được lòng dân. Sau khi vua Kiến Phúc bị giết, ngày 12 tháng Sáu năm Giáp Thân 1884, xuất phát từ yêu cầu lịch sử, Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cùng những người thuộc phe chủ chiến trong triều đình Huế đã tôn Ưng Lịch lên làm vua lúc mới 13 tuổi. Ưng Lịch đăng quang, đặt niên hiệu là Hàm Nghi. Lễ đăng quang của nhà vua không được Nam triều thông báo trước cho khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ biết nên nhà cầm quyền Pháp đã không chấp nhận.

Vua Hàm Nghi lớn lên trong bối cảnh đất nước rối ren. Ngày 6-6-1884, triều đình Huế ký Hiệp ước Patenotre, chính thức mở đường cho thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị trên toàn cõi Việt Nam. Trong nội bộ triều đình Huế hình thành hai phe: Chủ chiến và chủ hòa. Một phong trào phản kháng hành động ươn hèn của triều đình Huế và hành động xâm lược của thực dân Pháp bùng lên mạnh mẽ, trong đó có sự tham gia của cả một số quan lại thuộc phe chủ chiến.

Đêm 23 tháng Năm năm Ất Dậu 1885, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết-nòng cốt của phe chủ chiến đem nghĩa binh bất ngờ tiến công đồn Mang Cá và tòa trú sứ của Pháp. Do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng và tương quan lực lượng quá chênh lệch, cuộc tiến công thất bại, buộc quan quân triều Nguyễn phải rời bỏ kinh thành Huế. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường rước vua Hàm Nghi và tam cung xa giá ra Quảng Trị. Phải mất gần hai ngày, đoàn xa giá mới ra đến nơi. Lúc đầu, đoàn chưa lên sơn phòng Tân Sở ngay mà dừng chân ở tỉnh quan Quảng Trị. Tại đây, chiều 8-7-1885, Hoàng thái hậu Từ Dụ đã gặp gỡ các văn võ đại thần trong đoàn xa giá. Theo gợi ý của bà, Tôn Thất Thuyết đã chia đạo ngự ra làm hai: Một đoàn gồm các hoàng thân và những người già yếu, ốm đau, nặng gánh gia đình, phụ nữ… theo Hoàng thái hậu Từ Dụ trở lại Huế; đoàn còn lại do Tôn Thất Thuyết chỉ huy rước vua Hàm Nghi lên Tân Sở-một căn cứ được nhà Nguyễn chuẩn bị từ trước đó, tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ kháng chiến.

Ngày 13-7-1885 (tức 2 tháng Sáu năm Ất Dậu), tại sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị), vua Hàm Nghi đã ban chiếu Cần vương kêu gọi sĩ phu, văn thân và nhân dân cả nước cùng nhà vua đứng lên kháng Pháp. Tiếp đó, vào ngày 19-9-1885 (tức 11 tháng Tám năm Ất Dậu), nhà vua lại ban chiếu Cần vương lần thứ hai. Hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, một phong trào kháng Pháp bùng lên mạnh mẽ khắp nơi trong cả nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa có sức lan tỏa và gây chấn động lớn đã nổ ra, trong đó có thể kể đến như: Khởi nghĩa Hương Khê ở Hà Tĩnh; khởi nghĩa Hùng Lĩnh, khởi nghĩa Ba Đình ở Thanh Hóa; khởi nghĩa Bãi Sậy ở Hưng Yên, các cuộc khởi nghĩa ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…

Trong thời gian vua Hàm Nghi ở sơn phòng, mặc dù 3 bà thái hậu và cả vua Đồng Khánh (vị vua do Pháp dựng lên) liên tục gửi thư kêu gọi nhà vua trở về kinh nhưng ông đều từ chối. Toàn quyền Đông Dương, thống sứ Paul Bert cũng ngỏ ý lập Hàm Nghi làm vua 4 tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh-Bình song không thành. Vua Hàm Nghi thường nói: Ông thà chết trong rừng hơn là trở về làm vua mà phải ở trong vòng cương tỏa của ngoại bang. Tại căn cứ kháng chiến, vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết cử hai người con trai của mình là Tôn Thất Đàm và Tôn Thất Thiệp luôn theo sát hộ giá, bảo vệ. Vua Hàm Nghi ở sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị) một thời gian ngắn rồi do bị vây ráp, đoàn tùy tùng phải hộ giá nhà vua rút ra vùng căn cứ mới ở Tuyên Hóa (Quảng Bình).

Trước sự bùng nổ mạnh mẽ và sức lan tỏa nhanh chóng của Phong trào Cần vương, thực dân Pháp hết sức lúng túng. Chúng tìm mọi cách bắt bằng được “ông vua kháng chiến” Hàm Nghi để bóp chết phong trào ngay từ cơ quan đầu não. Sau nhiều chiêu trò dụ dỗ, mua chuộc vua Hàm Nghi không thành, nhà cầm quyền Pháp đã sử dụng kế phản gián.

Tháng 9-1888, suất đội Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc do không chịu nổi cuộc sống cùng cực nơi căn cứ rừng núi đã ra đầu thú quân Pháp và bị mua chuộc. Nhân cơ hội này, thực dân Pháp sử dụng hai người dẫn đường đưa quân đi vây bắt nhà vua. Nửa đêm 26-9-1888, vua Hàm Nghi bị quân Pháp vây bắt trong khi đang ngủ bên bờ khe Tá Bào, huyện Tuyên Hóa (nay là huyện Minh Hóa); còn người trợ thủ và bảo vệ thân cận nhất-Tôn Thất Thiệp thì bị sát hại tại chỗ. Sử cũ chép rằng, khi bị bắt, nhìn thấy mặt kẻ phản tặc, quá phẫn nộ, nhà vua đã chỉ thẳng vào mặt Trương Quang Ngọc mà rằng: Thà mi giết ta đi còn hơn là mi đem ta ra nộp cho Tây.

Sau khi bắt được vua Hàm Nghi, từ Hà Tĩnh, kẻ địch đã dẫn giải nhà vua đi qua các đồn Thanh Lạng, Quảng Khê… và đến chiều 14-11-1888 thì mới về đến đồn Thuận Bài. Tại đây, nhà cầm quyền Pháp đã giở đủ trò để lấy lòng, dụ dỗ nhà vua. Mặc dù được tổ chức đón tiếp rất “long trọng” nhưng vua Hàm Nghi vẫn tỏ ra thờ ơ, không nhận mình là vua. Khi chúng đưa lá thư của Tôn Thất Đàm gửi cho nhà vua, ngài đã ném xuống bàn mà không xem vì cho là không can hệ gì cả. Đề đốc Thanh Thủy là Nguyễn Hữu Viết được quân Pháp phái đến “nhận mặt” nhà vua liền bị vua Hàm Nghi quay mặt làm ngơ như kẻ xa lạ, không hề quen biết. Mặc dù vậy, khi thầy giáo cũ là Nguyễn Nhuận xuất hiện thì vua Hàm Nghi lập tức đứng dậy chắp tay vái chào một cách lễ phép. Lúc này, người Pháp mới thực sự yên trí đây đích thực là vua Hàm Nghi. Từ Thuận Bài, họ tiếp tục chuyển vua Hàm Nghi qua Bố Trạch, Đồng Hới… và đến ngày 22-11-1888 thì tới cửa biển Thuận An.

Nhận được tin vua Hàm Nghi đã bị bắt và đưa về Thuận An, vua Đồng Khánh bèn cho người ra đón ngài về kinh thành Huế. Tuy nhiên, lấy cớ đưa “ông vua kháng chiến” về Huế lúc này dễ làm dân tình bị kích động; vả lại sức khỏe Hàm Nghi hiện không được tốt nên cần phải đi tĩnh dưỡng một thời gian, nhà chức trách Pháp đã từ chối khéo, không cho nhà vua về kinh thành Huế. Thực ra, trước khi người của vua Đồng Khánh đến, thực dân Pháp đã chuẩn bị một kế hoạch đày vua Hàm Nghi sang Algeria-một thuộc địa của Pháp. Trước ngày xuống tàu, viên khâm sứ Rheinart đã báo cho nhà vua biết tin thái hậu đang ốm nặng và ngỏ ý nếu Hàm Nghi muốn thì có thể cho về gặp mặt. Nghe vậy, vua Hàm Nghi thản nhiên đáp: “Tôi thân đã tù, nước đã mất, còn dám nghĩ gì đến cha mẹ, anh em nữa”. Không thể mua chuộc nổi, thực dân Pháp buộc phải thực thi kế hoạch đày nhà vua đi Algeria. 

leftcenterrightdel

Vua Hàm Nghi. Minh họa: Quang Cường 

Chiều 13-12-1888, con tàu Biên Hòa (tàu chuyên dùng để chở binh lính) đã đưa Quận công Ưng Lịch (kể từ đây, người Pháp và triều đình Đồng Khánh buộc dân chúng không còn được gọi là vua Hàm Nghi nữa) rời cảng Thuận An sang Algeria. Trên đường đi, tàu ghé qua Sài Gòn, vua Hàm Nghi phải lưu lại đây gần nửa tháng chờ nhà chức trách Pháp làm thủ tục lưu đày. Trước lúc tàu tiếp tục hải trình, toàn quyền của Pháp ở Đông Dương đã điện về cho Bộ Thuộc địa, yêu cầu bộ này chỉ thị cho toàn quyền Pháp ở Algeria phải đối xử tử tế với “ông vua kháng chiến” Hàm Nghi để có thể dụ ngài sau này đưa về Huế làm vua trở lại thay cho vua Đồng Khánh.

Sau gần một tháng lênh đênh trên biển, ngày 13-1-1889, con tàu cập bến Alger, thủ đô Algeria. Nghe tin vua Hàm Nghi bị đày qua đây, nhiều bà con Việt kiều và lưu học sinh người Việt ở Algeria đã tìm cách đến chào ngài. Thời gian đầu mới đặt chân lên Alger, vua Hàm Nghi quay lưng với tiếng Pháp vì ngài cho rằng tiếng Pháp là thứ tiếng của dân tộc đã cướp nước An Nam. Tuy nhiên, qua tiếp xúc và quan sát, dần dần ngài đã nhận ra người Pháp ở Algeria không giống với người Pháp ở xứ An Nam. Ở đây, họ đối xử thân tình và giúp đỡ ngài rất nhiều trong cuộc sống. Từ đó, nhà vua bắt đầu chú tâm học tiếng Pháp và nghiên cứu văn hóa Pháp. Vua Hàm Nghi thường nói với những người Pháp: “Lịch sử nước Pháp rất hấp dẫn tôi, nhưng lịch sử của nước tôi cũng hấp dẫn tôi không kém!” (Nguyễn Đắc Xuân, “Vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số tháng 8-2008, tr.37). Nhờ có tư chất thông minh và ham học hỏi nên vua Hàm Nghi từ chỗ “tẩy chay” đã sớm thông thạo tiếng Pháp và hiểu biết khá nhiều về văn hóa Pháp. Nhờ đó mà nhà vua đã quen biết, giao du và chiếm được cảm tình của khá nhiều trí thức cũng như quan chức nổi tiếng của Pháp. Họ rất nể trọng tinh thần yêu nước và phong cách sống đậm chất phương Đông của vua Hàm Nghi. Là người hiểu khá sâu sắc về văn hóa và mỹ thuật Pháp, vua Hàm Nghi rất yêu hội họa và trở thành một họa sĩ tài hoa nơi xứ người. Sống ở phương Tây nhưng nhà vua vẫn giữ truyền thống văn hóa và nếp sống theo tập tục dân tộc, ngày ngày, ngài vẫn đầu búi tóc, diện quần the, áo dài Việt Nam.

Vua Hàm Nghi bị lưu đày và mất ở xứ người. Cho đến nay, ngày mất của nhà vua vẫn chưa được biết một cách chính xác, mỗi tài liệu chép một khác, chỉ biết là ngài mất vào năm 1943. 

TRẦN VĨNH THÀNH

Rate this post