Hai lần Bác Hồ đến thăm và kỷ niệm của con trai Giáo sư Nguyễn Xiển
Lời tòa soạn: Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Đảng và đất nước: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Quốc khánh.
Nhằm chào mừng các ngày trọng đại, đặc biệt của đất nước, VietNamNet triển khai loạt bài “Những người con của lịch sử”. Đây là những nhân chứng lịch sử – những người đã trải qua thăng trầm của khi đất nước mới giành được độc lập, xây dựng tiến lên chủ nghĩa xã hội và đến hiện tại khi đất nước ở trong thế và lực mới.
Họ là con của những nhà cách mạng tiền bối, những người thân cận từng làm việc với Bác Hồ, hay chính bản thân họ từng có thời gian hoạt động cách mạng.
Một buổi sớm tháng Tám, khắp phố phường đỏ rực cờ, biểu ngữ chào mừng 75 năm Quốc khánh, bóng dáng một người đàn ông gần 80 tuổi mặc đồ thể thao, chậm chậm bước đi. Nếu không vì dịch Covid-19 có lẽ giờ này nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Lưu (79 tuổi) đang “vi vu” khám phá một miền đất nào đó.
Sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước, ông Nguyễn Lưu là con thứ 7 trong gia đình 9 anh chị em. Cha ông là cụ Nguyễn Xiển, một nhà khoa học, chính khách nổi tiếng Việt Nam, tên cụ đã được đặt cho một con đường phía Tây Nam Hà Nội và ở nhiều tỉnh, thành.
Căn nhà trên phố Lạc Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là nơi con trai giáo sư Nguyễn Xiển dành một không gian lớn để gìn giữ tất cả kỷ niệm về người cha và Bác Hồ. Những bức ảnh đen trắng nhuốm màu thời gian treo trang trọng cùng những cuốn sách về cha được ông Lưu bảo quản cẩn thận. “Tôi bây giờ 79 tuổi, chỉ mong sao đủ sức khỏe để học thêm được nhiều điều từ Bác và bố tôi”, ông Lưu mở đầu câu chuyện.
Kể về cơ duyên giữa Bác Hồ với gia đình, ông Lưu cho biết: “Gia đình tôi cũng giống như nhiều gia đình trí thức yêu nước khác, trước cách mạng có may mắn được Bác quan tâm và được Bác phân công công việc, phục vụ đất nước. Đó là niềm tự hào của bao thế hệ con cháu chúng tôi sau này”.
Giáo sư Nguyễn Xiển sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho học, yêu nước có tiếng của xứ Nghệ. Khi học ở trường Bưởi, vì tham gia bãi khóa trong cuộc vận động để tang cụ Phan Chu Trinh nên ông bị cấm thi tú tài bản xứ. Năm 1928, ông Nguyễn Xiển thi tú tài Tây và giành được học bổng đi Pháp.
Những năm theo học, ông chịu ảnh hưởng tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của Cách mạng Pháp. Về nước, năm 1937, ông Nguyễn Xiển được nhận làm việc ở Đài khí tượng Phủ Liễn (Kiến An, Hải Phòng), đây cũng là nơi nhà báo Nguyễn Lưu sinh ra.
Khi đó tin tức về Mặt trận Việt Minh không nhiều, nhưng ở Hải Phòng cũng đã “rậm rịch”. Giống như nhiều trí thức lúc bấy giờ, Nguyễn Xiển nhận thấy thực dân đã hết thời, phát xít Nhật mới đặt chân đến Đông Dương gây nhiều tội ác, làm căm phẫn dân chúng.
“Năm tôi 3 tuổi, khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, bố tôi bố trí cả gia đình chuyển đến An Dương (Hải Phòng), còn mình ông lên Hà Nội để xem sự thể ra sao. Khắp Hà Nội khi đó không khí cách mạng lan tỏa, bố tôi đến đúng lúc quần chúng bao vây Bắc Bộ phủ”, ông Lưu kể.
Mô tả tâm trạng khi đó, trong hồi ký, Giáo sư Nguyễn Xiển viết: “Trong lòng rất phấn khởi trước khí thế cách mạng của nhân dân, vui mừng còn có phần vì đã quyết định theo tình cảm tự nhiên của mình, ngả về phía quần chúng, không chần chừ ngay trong giây phút vừa qua”.
Ngày 21/8/1945, các sinh viên cứu quốc đã mời ông Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như KonTum và Nguyễn Xiển đến khu nhà Đông Dương học xá để nói chuyện, hô hào các bạn trẻ ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh.
Ngày hôm sau các ông Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển, Hồ Hữu Tường (nhóm 4 người đánh điện) đã bàn nhau đánh điện vào Huế yêu cầu Bảo Đại thoái vị, giao cho Việt Minh thành lập chính phủ để tránh nội chiến.
Sau khi đã giành được chính quyền, ngày 24/8/1945, một cán bộ đến mời ông Nguyễn Xiển lên gặp Ủy ban dân tộc giải phóng và được ông Võ Nguyên Giáp đề nghị nhận Bộ Giao thông công chính trong Chính phủ lâm thời.
Ông Nguyễn Lưu cho hay: “Bố tôi hơn bác Giáp 5 tuổi, từ hồi còn học ở trường Bưởi 2 người đã thân thiết với nhau, nên không câu nệ gì. Bác Giáp khi đó khuyên bố tôi rằng: Chúng tôi biết anh là trí thức tự do, có lòng yêu nước, nay nước nhà giành độc lập, chúng tôi muốn mời anh tham gia chính phủ”.
Nhưng ông Nguyễn Xiển vẫn một mực từ chối với lý do chưa làm được gì cho cách mạng, mới chỉ gửi điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị mà nhận một ghế Bộ trưởng thì dễ “mang tiếng”.
Nhưng ngày hôm sau, lại có người đến mời ông Nguyễn Xiển đến gặp Bác Hồ. Kể lại chuyện này ông Nguyễn Lưu không khỏi xúc động: “Bố tôi trân quý khoảnh khắc đó vô cùng, ngày còn trẻ bố tôi đã đọc nhiều sách báo của Bác nhưng chưa bao giờ nhìn thấy Người. Đây là lần gặp đầu tiên”. Bác mặc quần áo kaki, đi giày vải, trán cao, đôi mắt tinh anh, giọng nói xứ Nghệ đã nhẹ đi nhiều nhưng đầy ấm cúng, cử chỉ nhanh nhẹn. Cảm giác ban đầu Bác rất lịch sự, thân mật.
Bác Hồ nói với Nguyễn Xiển rất ngắn gọn, đại ý là: Đã là trí thức yêu nước thì phải nhận trách nhiệm trước lịch sử, không nhận làm Bộ trưởng thì phải nhận Ủy ban hành chính Bắc Bộ… Trước lời lẽ giản dị và sáng suốt ấy cùng thái độ tin cậy của Bác Hồ, ông không còn lý do để từ chối nữa. Ngày 28/8/1945, Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban nhân dân Bắc Bộ do ông Nguyễn Xiển làm Chủ tịch, phụ trách chung; Phó Chủ tịch là ông Nguyễn Văn Trân.
Ông Lưu khẳng định, Cách mạng tháng Tám thành công không chỉ xây dựng lên nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – nhà nước kiểu mới ở Đông Nam Á, trong khía cạnh hẹp cuộc cách mạng đó cũng đã làm “đổi đời” một loạt những trí thức yêu nước trong đó có bố ông. Chính do tác động của Bác Hồ mà bố ông đã một lòng vững tin đi theo cách mạng.
“Cách Bác Hồ dùng người những năm đầu cách mạng khiến tôi đầy khâm phục. Bố tôi khi đó mới 38 tuổi. Bác dùng người làm được việc, có trình độ, có trái tim với đất nước thì phân công công việc, những trí thức đó gần như Bác không bỏ sót một ai”, ông Lưu bày tỏ.
Kể về những lần tiếp xúc với Bác Hồ, ông Lưu cho biết gia đình có 2 lần vinh dự được đón Bác đến thăm. Lần đầu tiên khi ông còn nhỏ vẫn đang bế ẵm trên tay, nhưng qua lời kể của bố mẹ và bà ngoại, Bác Hồ hiện lên giản dị như người thân trong gia đình.
“Ngay sau Quốc khánh năm 1945, Bác đến nhà tôi khi đó ở trên phố Hàng Vôi để thăm gia đình. Bác gặp hết, trò chuyện với từng người trong gia đình. Gặp bà ngoại tôi, Bác hỏi thăm hết sức ân cần: “Tôi chúc cụ sống lâu muôn tuổi”. Bà tôi cũng rất tự nhiên chúc lại Bác sống lâu muôn tuổi”, ông Lưu kể.
Bác Hồ từng dùng cơm ở nhà ông Nguyễn Xiển và dành lời khen tặng tài nấu nướng của vợ ông – bà Nguyễn Thúy An. Biết bà ứng xử khéo léo, học nữ công gia chánh bài bản, Bác gợi ý rằng: “Thím phải viết ngay cuốn sách về nữ công gia chánh để lại cho hậu thế”. Nghe theo lời Bác Hồ, bà An đã viết cuốn sách “Món ăn thường thức” và cuốn “Làm bánh” cùng với nữ sĩ Vân Đài. Bà còn được mời dạy môn Nữ công gia chánh nhiều năm ở trường nữ sinh Trưng Vương. Bà An sau này cũng là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Đến ngày 2/9/1960, trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, Bác Hồ đã đến nhà ông Nguyễn Xiển lần thứ hai, lúc này nhà ông chuyển đến sống trên phố Tràng Tiền. “Khi đó tôi 18 tuổi, đã nhận thức rõ. Lần gặp Bác Hồ đó là kỷ niệm cả đời tôi không quên, vừa vui và cũng buồn”, ông Lưu bồi hồi.
Chuyện Bác đến thăm chỉ có bố ông biết trước, cả nhà vẫn sinh hoạt như bình thường. Bác Hồ cùng ông Trần Duy Hưng, ông Vũ Kỳ đi trên xe Pobeda đến lúc sáng. Sau khi hỏi han từng người trong gia đình, Bác thăm nom nhà cửa, xuống dưới bếp, thấy chàng trai trẻ đứng trong bếp, Bác nhìn Nguyễn Lưu trìu mến liền hỏi: “Cháu là đứa thứ mấy”, ông Lưu đáp “Cháu con thứ 7”. Bác lại hỏi “Nhà đây có cháu nào được huy hiệu của Bác không”?.
Đó là huy hiệu có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người dành tặng thưởng cho các gia đình, cán bộ, chiến sỹ, nhân dân có thành tích chiến đấu, lao động sản xuất.
Lúc này ông Lưu mới ngớ người xấu hổ, do tính ham chơi, nghịch ngợm nên không được huy hiệu. Vì câu nói này của Bác mà cả năm trời ông bà Nguyễn Xiển luôn canh cánh trong lòng khi con mình chưa được như ý Bác.
Biết con gái ông Nguyễn Xiển thông minh, sáng láng, Bác hỏi: “Chú có muốn cho cháu làm cái nghề khí tượng thiên văn không?”. Lúc ấy, ông Nguyễn Xiển nói rằng: “Thưa Bác, cái này cũng do nó mà thôi”. Và cuối cùng, bà Nguyễn Thị Hoài Châu không đi theo ngành thiên văn, mà theo ngành Vật lý chất rắn, trở thành tiến sĩ khoa học.
Trước khi về Bác còn cho anh chị em ông Lưu gói kẹo nội được bọc trong giấy bóng. Vì quý mến và trân trọng nên mấy anh chị em chỉ dám cất đi để giành, không dám ăn kẹo Bác Hồ cho.
Ấn tượng của nhà báo Nguyễn Lưu về cách dùng từ của Bác Hồ khi chuyện trò, luôn giản dị, trong sáng, dễ hiểu, nghe là nhớ, không lý luận cao xa nhưng rất sâu sắc. Qua lần gặp Bác, hình ảnh và những lời căn dặn của Người vẫn in sâu trong tâm trí của từng thành viên đại gia đình Giáo sư Nguyễn Xiển.
Thực hiện lời căn dặn đó, gia đình ông Lưu nỗ lực phấn đấu trong công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những kỷ niệm về Bác được nhà báo Nguyễn Lưu cất giữ như tài sản vô giá. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho những câu chuyện về Bác Hồ mỗi lần nói chuyện với con cháu và mọi người.
Trần Thường
Ảnh: Tư liệu, Gia đình cung cấp
Bài viết có tham khảo cuốn sách “Giáo sư Nguyễn Xiển: Cuộc đời và sự nghiệp”
Bữa cơm đặc biệt ở ven đô trước ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập
Nằm sâu trong con ngõ An Dương Vương (Tây Hồ, Hà Nội) có một ngôi nhà đặc biệt, được coi là “địa chỉ đỏ”, vinh dự được đón Bác Hồ từ Việt Bắc về trước khi Người đọc Tuyên ngôn độc lập.