Hai VĐV bóng chuyền Việt từng ghi dấu ấn ở châu Á

Bóng chuyền Việt có hai VĐV rực sáng khi xuất ngoại đầu quân cho các CLB hàng đầu châu lục là ‘oanh tạc cơ’ Ngô Văn Kiều và ‘sếu vườn’ Nguyễn Thị Ngọc Hoa. 

Ngô Văn Kiều từng tỏa sáng ở giải vô địch Indonesia.

Ngô Văn Kiều từng tỏa sáng ở giải vô địch Indonesia.

Tại SEA Games 2007, chủ công 19 tuổi cao tới 1,96 m Ngô Văn Kiều lần đầu xuất hiện và lập tức gây chấn động với lối chơi hừng hực máu lửa, những pha bật cao dứt điểm “xé toang” mọi dàn chắn để đưa đội tuyển bóng chuyền nam đoạt tấm HC bạc lịch sử. Trong đó, Kiều có một trận đấu để đời khi ghi tới 31 điểm để gần như một mình đả bại chủ nhà Thái Lan, cũng là đương kim vô địch tới 3-0 ở trận bán kết. Có tới 17 điểm của anh đến từ những pha dứt điểm trái phá sau vạch ba mét, điều vô cùng hiếm ngay cả với những tay đập hay nhất thế giới.

Nhiều lãnh đạo, HLV các đội bóng trong khu vực khi đó đánh tiếng muốn mời tay đập được ví như một “oanh tạc cơ” sang khoác áo. Nhanh chân nhất, CLB số một Indonesia là Samator Group liên hệ với Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và CLB Khánh Hòa để có được Văn Kiều. Đội còn mau mắn trả cho Liên đoàn khoản lệ phí chuyển nhượng 1.000 USD, thậm chí còn ký hợp tác toàn diện với CLB chủ quản của chủ công quê Hà Nam.

Với mức lương 2.000 USD một tháng, từ cuối tháng 4/2008, Kiều sang Indonesia thi đấu và khẳng định được giá trị. Trong một đội hình tập hợp tới 8 tuyển thủ quốc gia Indonesia, lại thêm hai ngoại binh Nhật Bản và Thái Lan, Kiều vẫn giành được vị trí chính thức. Cả hai mùa giải tại đây, Kiều thi đấu không thiếu một phút nào, luôn nằm trong ba chủ công ghi được nhiều điểm nhất giải, với hiệu suất trung bình 25 điểm mỗi trận.

Do chấn thương, cũng như CLB Khánh Hòa muốn anh tập trung cao độ cho các mục tiêu trong nước, cuộc chinh phục xứ người của anh sớm dừng lại. Tuy nhiên, Văn Kiều cũng hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của “người mở đường” cho bóng chuyền và cả thể thao Việt Nam. Chuyến du đấu của cựu đội trưởng tuyển bóng chuyền Việt Nam được ngành thể thao ghi nhận, bởi thực sự mang tính chuyên môn, có thành quả thực tế.

Ngọc Hoa giúp Bangkok Glass giành ngôi vô địch châu Á.

Ngọc Hoa giúp Bangkok Glass giành ngôi vô địch châu Á.

Trong khi đó, từ năm 2005, phụ công sinh năm 1987 quê Long An Nguyễn Thị Ngọc Hoa đạt tới đẳng cấp quốc tế, được đánh giá có thể thi tài sòng phẳng ở bất cứ nền bóng chuyền hùng mạnh nào. Nhiều năm sau đó, người đang giữ kỷ lục về số trận, số điểm ở đội tuyển quốc gia thường xuyên nhận được lời mời ra nước ngoài đấu thuê từ các CLB của Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan. Một đội bóng của Mỹ còn sẵn sàng cấp học bổng toàn phần, bao cấp toàn bộ chi phí, cộng thêm một khoản lương tháng “khủng” để Hoa vừa du đấu kết hợp với học Đại học.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, phải đến 2014, chuyện du đấu của Ngọc Hoa mới thành hiện thực, cũng chỉ ngay tại Thái Lan, mà cũng chỉ theo dạng “tranh thủ” khi cô vẫn phải gánh vác trọng trách ở đội bóng quê nhà Bình Điền Long An.

Qua ba mùa giải tranh tài trên đất Thái, tài năng cao 1,83 m vươn tới đỉnh cao với một Siêu Cup Thái Lan trong màu áo của Ayutthaya, hai chức vô địch quốc gia cùng Bangkok Glass.

Năm 2015, tuyển thủ quê miền Tây cũng lập công lớn giúp Bangkok Glass bước lên bục cao nhất của giải CLB nữ châu Á. Về mặt cá nhân, Hoa cũng được vinh danh qua danh hiệu phụ công hay nhất Thai League ba mùa liên tiếp. Dù thi đấu ở vị trí phụ công sở trường hay chủ công, thậm chí đối chuyền hai, Ngọc Hoa vẫn luôn thể hiện cô là ngôi sao hàng đầu của giải, kể cả về điểm số ghi được, khả năng tổ chức và sức ảnh hưởng tới cả đội. Trung bình mỗi trận, tuyển thủ số một Việt Nam khi đó đóng góp tới 15 điểm.

Ngọc Hoa chính là trường hợp xuất ngoại thành công nhất của làng thể thao Việt. Giới chuyên môn còn tiếc cho Hoa bởi cô còn có thể thành công hơn nữa, nâng tầm hơn nữa nếu chơi bóng ở Nhật Bản hay Mỹ.

Chính Ngọc Hoa cũng dẫn dắt để đàn em cùng CLB Bình Điền Long An là Thanh Thúy gia nhập và thi đấu thành công tại Bangkok Glass ngay từ mùa 2016. Đây chính là bước ngoặt để “khủng long” 1,93 m Thanh Thúy vươn lên mạnh mẽ, đạt tới đẳng cấp cao như hiện tại. Mới 22 tuổi, Thúy được kỳ vọng còn có thể tiến xa, nhất là khi được rèn luyện ở một môi trường như giải vô địch của nền bóng chuyền đang xếp hạng 6 thế giới là Nhật Bản.

Minh Thư

Rate this post