HẬU THẾ NÊN CÔNG TÂM VỚI CHÚA TRỊNH SÂM – Trang thông tin điện tử xã Yên Phú – Huyện Yên Định – tỉnh Thanh Hóa

HẬU THẾ NÊN CÔNG TÂM VỚI CHÚA TRỊNH SÂM

Khi thế sự đổ bể, người ta sẽ thêu dệt lịch sử cho vương triều suy vi ấy trở thành các bức tranh phù phiếm nhanh hơn tên bắn.

Page Content

Ở bài viết này, chúng tôi muốn bàn về một con người là Tĩnh Đô Vương, Thánh Tổ Thịnh Vương Trịnh Sâm (1739 – 1782), là vị Chúa thứ 9 trên 12 vị chúa họ Trịnh với công lao lãnh đạo đất nước trong tư cách nhà Chúa (tương đương thủ tướng chính phủ), được lịch sử đánh giá là người có công mở cõi đất nước xuống phía Nam, có công cải cách hành chính, bình trị nội chiến và tác động văn học vĩ thanh tôn vinh danh thắng đất nước… nhưng chỉ vì “phốt lỗi” qua một cuộc chơi cung đình được nêu trong cuốn sách “Hoàng Lê nhất thống chí” với cảnh “ăn chơi xa xỉ” đã dập vùi ông, gia đình và thế lực của ông trong câu chuyện rất mặc nhiên ở chốn cung đình ấy, làm người nay hiểu lầm và cấu thành số đông chấp cháp, số đông dễ quên đi cái công lao phụng sự đất nước và dân tộc của nhà chúa nói chung, của Trịnh Sâm nói riêng.

Có thể vì một trong các lý do này và khác mà người xưa đã ra một quy ước không thành văn là các vua chúa, quan lại cao cấp đều dùng thân tín làm ma cho mình bằng phép “Mật táng” (giấu mộ chí). Ở thời Hậu Lê (Lê Sơ và Lê Trung hưng) cũng vậy, theo số liệu nghiên cứu cho thấy, nhà Hậu Lê có 31 di thể vua Lê được mật táng, Chúa Trịnh có 13 di thể được mật táng trên đất quê hương ở Thanh Hóa. Riêng nhà Chúa, từ khoảng 1980 tới nay đã phát lộ 4 ngôi mộ chúa, do xây dựng, khai thông thủy lợi và đa phần là kẻ xấu đào trộm lấy của, tác động đến sự phát lộ. Đó là ngôi mộ Thành Tổ Triết Vương, Bình An Vương Trịnh Tùng ở xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa (Nhà nước và họ Trịnh đã cho xây dựng lăng tẩm); chúa An Đô Vương, Hy Tổ Nhân Vương Trịnh Cương ở xã Yên Giang; Minh Đô Vương, Nghị Tổ Ân Vương Trịnh Doanh (thân phụ của chúa Trịnh Sâm) ở xã Yên Thịnh và Tĩnh Đô Vương, Thánh Tổ Thịnh Vương Trịnh Sâm ở xã Quý Lộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã và đang làm con cháu nội ngoại họ Trịnh mong muốn được phát tâm, đồng lòng kêu gọi bà con phối hợp với nhà nước cần đóng góp tôn tạo, phục hồi các di tích này.

CHẾT VẪN CHƯA YÊN

Thật đáng buồn khi ngôi mộ của chúa Trịnh Sâm phát lộ vào năm 1987, tại khu đất xưa là cánh đồng Kua Rèn (nay là đất của gia đình ông Nguyễn Chí Sơn, thuộc xóm 4, xã Quý Lộc). Ngôi mộ hướng gối đầu ở Núi Mầu, minh đường nhìn núi Đan Nê ven bờ Sông Mã. Khi phát lộ đã bị cán bộ của cơ quan chức năng (ngày đó) đánh giá là “mộ ông Chúa có tội”? Dân quân tự vệ xã đã dịch chuyển di hài về núi Đùm Cơm Quả Cà, cách chỗ phát lộ khoảng 500 mét, vài ngày sau mới được bà con họ Trịnh trong xã an táng lại trong thầm lặng. Khoảng năm 2001, ông Trịnh Hải (Lê Hợp Hải) ở Hà Nội đứng ra chỉ đạo quyên góp chuyển dịch mộ “Cụ Chúa” lên sườn núi, cách chỗ cũ khoảng 7 mét rồi cho ghép đá màu hình tháp vuông 5 bậc 

Sáng ngày 28/2/2017, chúng tôi gồm ông Trịnh Đình Hưng, Chủ tịch Hội đồng họ Trịnh Việt Nam, họa sĩ Trịnh Yên, Họa sĩ Trịnh Quang Vũ, PGS TS KTS Trịnh Hồng Đoàn, nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Tiến và số người khác (phụ trách về di sản họ Trịnh) cùng họp với lãnh đạo xã Quý Lộc, lãnh đạo Phòng văn hóa thông tin huyện là ông Văn Định và Chủ tịch Hội đồng họ Trịnh huyện Yên Định là ông Trịnh Xuân Tấn cũng đại diện Hội đồng họ Trịnh tỉnh Thanh Hóa và những người khác đều chung khát vọng sẽ có một ngày nhà nước và họ Trịnh trong và ngoài nước phát tâm tôn tạo cho Chúa Trịnh Sâm ngôi thờ xứng đáng với ông, như người có công với dân với nước, như sử sách đã ghi và đã thừa nhận.

Chiều cùng ngày chúng tôi và đại diện xã Quý Lộc lại khảo sát ở xã Yên Phú, cách xã Quý Lộc 12 km, được ông Lê Thế Cường, Phó Chủ tịch HĐND xã Yên Phú dẫn tìm hiểu các di tích liên quan đến chúa Trịnh Sâm, liên quan đến Tuyên phi Đặng Thị Huệ ở địa phương này. Tại cánh đồng Bái Lăng vẫn còn nền móng các tòa thờ bằng đá cùng các pho tượng voi, ngựa, vũ sĩ, phỗng chầu bằng đá xanh đứng, ngồi hai hàng uy nghi, hoành tráng trước đền thờ Thánh Tổ Thịnh Vương Trịnh Sâm với tổng diện tích khoảng 5.000 mét vuông, ông Cường miêu tả trước đây tại di tích này còn có khu nhà thờ bằng đá, theo các cụ nói di tích còn nguyên vẹn tới thời cải cách ruộng đất (1955), mãi sau chiến tranh chống đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc (1965 – 1975) di tích mới bị người dân “khai thác” lấy đá nung vôi. Cách nền ngôi đền đá khoảng 200 mét về bên phải là ngôi mộ cũ của chúa Trịnh Sâm vẫn còn vết tích khoang mộ có kết cấu bê tông vôi mật. Ông Cường cho biết, theo lời truyền khẩu của nhân dân địa phương, trước khi quân Tây Sơn đánh chiếm Thăng Long (1786), con cháu họ Trịnh đã bí mật di chuyển ngôi mộ này về xã Quý Lộc, vì ngại điều bất trắc xảy ra. Việc Tuyên phi Đặng Thị Huệ được kể lại sau khi chúa Trịnh Sâm mất, mâu thuẫn nội phủ càng phát sinh nghiêm trọng nên Bà Chúa Chè (dân gọi Tuyên Phi Đặng Thị Huệ) bị đày về đây trông nom phục dịch mộ chồng. Bà suốt ngày im lặng làm việc hương khói và quét dọn lăng mộ cùng ngôi đền thờ Chúa. Nhân ngày giỗ chúa đoạn tang, bà tuẫn tiết bằng thuốc độc và được an táng cách mộ chúa khoảng 600 mét. Khu mộ của bà hiện tại ở gần trụ sở UBND xã Yên Phú. Lời truyền khẩu của nhân dân tại đây còn nói thêm về tình yêu tha thiết và tính chung thủy của Tuyên Phi chẳng hề biết mình bị đọa đày, quản thúc hoặc không coi đọa đày, quản thúc là phiền mặc, chỉ một lòng suốt ba năm giời ra quét dọn ngôi đền thờ và trông nom mộ chúa để thường xuyên được kể lể với chúa (Trịnh Sâm) câu chuyện vợ chồng, câu chuyện trong cung, ngoài phủ cùng lẽ thuận, nghịch nơi biên niên thiên địa trần gian này vốn lắm trù dập khôn nguôi…cho đến ngày mãn tang chồng, Tuyên Phi đã tuẫn tiết theo chúa, khi chết gương mặt của bà vẫn đẹp, vẫn mỉm cười với cõi đời chật hẹp, khó thấm tình khoan dung…

TRỊNH SÂM, MỘT VỊ CHÚA ĐA TÀI

Sử sách có ghi ông là người thông minh, quyết đoán, do được quan tâm dạy dỗ chu đáo, 13 tuổi được chính thức lập làm thế tử, bổ dụng Tham tụng Nguyễn Công Thái giữ chức Sư phó để dạy dỗ. Năm 18 tuổi, được phong làm Tiết chế thủy bộ chư quân, chức Thái úy, tước Tĩnh Quốc Công, được mở phủ Lượng Quốc, quyết định công việc nhà nước. Năm 28 tuổi chính thức lên ngôi chúa…

Nhiều người qua các thời xưa nay thường quên công phụng sự đất nước và dân tộc của ông mà tập trung luận “tội” và cho rằng lỗi của ông có tổ chức một cuộc ăn chơi xa xỉ nhằm chiều ý Tuyên phi Đặng Thị Huệ ở tuổi 40 của ông với lần đầu tiên tự cho phép đình thần của mình “chúc mừng công trạng” cho ông trên hồ Long Trì chứ không phải cho ông “nịnh” Tuyên phi Đặng Thị Huệ (thực ra Tuyên phi và những thê thiếp khác của ông chỉ là người tháp tùng mà thôi). Nói vậy là chúng ta nên biết các bậc nguyên thủ xưa nay, vì lý do ngoại giao hay quốc thể, vì quyền lợi được hưởng thụ theo chế độ cung đình thì quyền mở tiệc khoản đãi nội phủ, hay ngoại giao cung đình là lẽ bình thường của chính sách bình thường. Thực tế, ngay sách Hoàng Lê nhất thống chí cũng viết về ông khá trân trọng: “Thịnh Vương là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán, sáng suốt, trí tuệ hơn người, có đủ tài về văn lẫn võ, đã xem khắp kinh sử, biết làm văn làm thơ. Sau khi Thịnh Vương lên nối ngôi chúa, từ kỷ cương trong triều đến chính trị trong nước, hết thảy đều được sửa đổi; bao nhiêu tướng giặc, đảng nghịch, đều lần lượt bị dẹp tan, Chúa có cái chí chủ động và nhân nghĩa, nào diệt giặc Trấn Ninh, nào phá bọn Công Chất (đây là hai cuộc khởi nghĩa nông dân lớn ở thế kỷ 18. Cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật ở vùng Thanh – Nghệ, lấy Trấn Ninh làm căn cứ, kéo dài 32 năm (1738-1770). Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất ở vùng Sơn Nam và Tây Bắc, kéo dài 30 năm (1739-1769)], quân nhà chúa đã đến, “không chỗ nào là không thắng và vỗ về an dân”.

Không chỉ thân chinh cầm quân đánh đông dẹp bắc, mở cõi xuống phía Nam, ngay sau khi lên ngôi, ông định rõ thể lệ kiện tụng, cho phép người nào thấy bản án xử lý không đúng có thể xin xử lại. Ông còn giảm thiểu biên chế quan lại, sáp nhập để bỏ bớt 4 phủ, 29 châu huyện. Ông có tài thu phục, dùng nhiều người tài giỏi như Nguyễn Nghiễm (cha Nguyễn Du), nhà bác học Lê Quý Đôn…; lại ra lệnh mỗi tháng cứ ngày mồng Một và ngày Rằm tập văn; mỗi năm cứ 4 tháng trọng thi khảo xét duyệt; ai vượt trội thì cất nhắc trao cho quan chức; ngoài các trấn cũng vậy. Chính chúa Trịnh Sâm bỏ lệ kiêng tên húy từ khoa thi năm 1769. Do đó, học trò phấn chấn, sĩ tử được đề cao, văn chương phát triển. Đầu năm 1768, Trịnh Sâm phong thầy của mình là Nguyễn Hoàn làm Quốc sư… và ông là một trong những vị chúa biết cách đền đáp công ơn thầy dạy đủ cả hai vế tinh thần và vật chất…

Tuy Hoàng Lê nhất thống chí có nhận định: “Lúc đó bốn phương yên ổn, kho đụn đầy đủ, chúa dần dần sinh bụng kiêu căng, xa xỉ, phi tần thị nữ kén vào rất nhiều, mặc ý vui chơi thoả thích”, nhưng thực ra lại chỉ tập trung chứng minh mối tình khăng khít của chúa Trịnh Sâm với Tuyên phi Đặng Thị Huệ để người đời sau quên cái nghĩa, cái tình thủy chung vợ chồng của họ mà chỉ nhấn vào tình tiết bi kịch phát sinh từ đây. Xét thấy cả đời chúa Trịnh Sâm chính chiến mở cõi, trị vì tích cực cải cách hành chính, sự việc chỉ diễn ra trong dăm năm cuối đời, nếu Trịnh Sâm có mối tình sâu nặng như thế với Tuyên phi Đặng Thị Huệ thì chắc không thể còn “vui chơi thoả thích” với rất nhiều cung tần mỹ nữ như “Hoàng Lê nhất thống chí” đã vu cho ông ngày ấy. Việc ông không lập con trưởng mà lập con thứ làm Thế tử cũng không nên quy tội, bởi nó đã diễn ra ở nhiều vua, chúa đời trước và nhà Trịnh, cụ thể là chúa Trịnh Sâm có xu hướng chọn người thực tài để đảm đương trọng trách chứ không máy móc phải lập con trưởng. Ít nhiều ông cũng có lý khi Hoàng Lê nhất thống chí đánh giá người con trưởng là “tính Thế tử ham võ nghệ, không thích học hành”, còn người con thứ lại được khen hết mực “Lúc Vương tử Cán đầy tuổi tôi, cốt cách tướng mạo khôi ngô, đẫy đà, khác hẳn người thường. Đến khi biết nói, Vương tử Cán đối đáp gãy gọn, cử chỉ không khác gì người lớn. Mỗi khi các quan văn võ vào thăm, Vương tử tiếp đón với dáng bộ nghiêm chỉnh. Có người cách hàng năm mới gặp, Vương tử cũng vẫn nhớ rõ họ, tên, kể lại chuyện cũ vanh vách. Chúa sai quan từ hàn làm bài tụng 16 chữ, để viên a bảo (viên quan trông nom việc nuôi nấng, dạy dỗ con cái của vua chúa) dạy truyền miệng cho vương tử. Vương tử chỉ nghe qua một lượt là đọc thuộc liền”. Ngoài ra, ông cũng đã “ươm” sẵn một người cháu để cho lên ngôi (Trịnh Bồng, là con của người anh ruột tức chúa Trịnh Giang) nếu người con trai thứ hai (Trịnh Cán) không xứng đáng. Nếu ý đồ của chúa Trịnh Sâm sau khi mất, được người con trưởng và một số quan lại thực thi nghiêm túc thì loạn kiêu binh chưa chắc xảy ra và đất nước chưa chắc đã rơi vào cảnh vô chính phủ, vua chúa phải theo kiêu binh, để kiêu binh hoành hành ngang tàng như vậy.

MỘT NHÀ THƠ YÊU ĐẤT NƯỚC – MỘT NGƯỜI BIẾT THƯƠNG DÂN – MỘT TRÍ TUỆ THÀNH KÍNH TÍN NGƯỠNG PHẬT:

Không chỉ giỏi cầm quân, võ nghệ, Trịnh Sâm còn là một thi nhân rất yêu danh lam thắng cảnh, đạo Phật và đã góp phần làm thăng hoa thi tứ, văn chương ở rất nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước bằng những bài thơ khắc đá (thạch thi) của ông. Chỉ riêng Chùa Hương, ông có cả một chùm thơ, có những câu thơ nhiều thi nhân mơ ước, đến nay còn lay động lòng người: “Kìa kìa quy phượng ngong kinh bối/ Nọ nọ lân long lắng giáo Thiền/ Cảnh lạ thú màu khôn kể xiết/ Thanh kỳ đệ nhất chốn Nam thiên” (Trích Chơi động Hương Tích). 

Những câu thơ ông tả về núi Hinh Bồng ở Chùa Hương cũng thật tài tình: “… Sườn non phơ phất cây lồng bóng/ Khe suối long lanh nước lộn trời/ Ráng đỏ nghìn lần như gấm dệt/ Mầm non muôn nhũ tưởng châu rơi/ Sự vui chốn đó đâu bay đến/ Cảnh đẹp khôn đem họa hết lời”. 

“Khôn văn tế, dại văn bia”, người đời từ lâu đã đúc kết như vậy. Thế nhưng từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến Ninh Bình, Nghệ An…, có biết bao bài thơ khắc đá của chúa Trịnh Sâm để lại cho muôn đời hậu thế, chứng tỏ ông phải có một tầm nhìn thiên thu, một tâm hồn đôn hậu, một trí tuệ siêu việt và một bản lĩnh phi thường, biết cảm thụ cái đẹp, yêu đất nước lắm mới làm được các trước tác như vậy. Những bài thơ này thường là sản phẩm của các cuộc tuần du kinh lý, khảo sát sự kiện của ông, như Đại Việt sử ký tục biên từng chép: “Xem núi sông, coi trấn sở, xét quan lại, thăm hỏi ân tình đến nhân dân…”. Ví như, năm Giáp Ngọ (1774), Trịnh Sâm tuần hành ở biên giới trở về, đến xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) nhìn non nước xanh tươi, ông đã đặt tên cho ngôi chùa ở đây là Bích Động (Động Ngọc Xanh) và giao cho Nguyễn Nghiễm viết hai chữ Hán “Bích Động” khắc trên vách núi Chùa Trung. Thăm ngôi chùa trong hang động thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn có nhiều nhũ đá đẹp lung linh, Trịnh Sâm đã đặt tên là Chùa Địch Lộng (sáo thổi nghe lộng gió thiêng). Đến thăm chùa Bàn Long ở xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, thấy trong động có nhũ đá dáng hình như con rồng ngồi nên đề ba chữ lớn trên cửa động: “Bàn Long tự” – bệ đá rồng ngồi. Từ đó đến nay chùa có tên là “Bàn Long”. Hang Luồn được ông đặt tên cho là “Động Xuyên Sơn”, lại còn làm một bài thơ, cho khắc trên vách núi kể rõ sự tình: “Mùa Đông năm Canh Dần (1770), ta đi tuần thú cõi Tây, lúc quay thuyền trở về, đi tắt tới đất Tràng An thăm cảnh Hoa Lư. Ngoảnh nhìn bốn phía núi xanh, một dòng nước biếc, cửa khoá mấy lần, từng bước đều là thành vàng và hào nước nóng. Non sông của ta hùng tráng, hình thắng to lớn này thật là do trời đất tạo nên vậy đáng ân, đáng quý. Xem dấu vết của triều Đinh thì tường đổ miếu hoang lạnh lùng xơ xác… khiến ta cảm khái làm một bài thơ để tả nỗi lòng:

“Quay thuyền về tới bến Trường Yên,

Nhác thấy Hoa Lư cũng thuận miền.

Như tấm lụa chăng, hang giội nước,

Có từng núi mọc, cửa chồng then.

Cố đô đã mấy hồi thay đổi,

Thiên phủ còn nguyên dấu vững bền.

Hưng phế xưa nay bao chuyện cũ

Lòng dân đáng sợ chớ nên quên.”

Nhật Nam Nguyên chủ đề

Bề tôi là Cao Đàm vâng mệnh viết chữ
(Đinh Gia Thuyết dịch).
Thử hỏi, nếu không được giáo dục đào tạo bài bản, có ý thức trách nhiệm cao, tinh thần yêu nước, yêu cái đẹp mãnh liệt, chỉ biết sống sa đoạ hưởng lạc, liệu ông có làm được những bài thơ để đời như thế?

NÊN TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY NHỮNG DI SẢN VĂN HÓA MÀ CHÚA TRỊNH SÂM ĐỂ LẠI 

Thánh nhân đã dạy nên biết cách nhìn nhận con người và thế sự một cách công bằng và chính tâm. Muốn vậy, cần phải nhìn tứ phía chứ không phải một, hai mặt của vấn đề nhưng chí ít cách nhìn hai mặt trước sau, trên dưới, nghịch và thuận, công và tội cũng đạt được công tâm tương đối rồi, biết thấy cái mạnh để phát huy và những hạn chế để khắc phục, rút kinh nghiệm cho mình, cho đời. 

Nếu chúng ta lại soi “cách nhìn bậc bốn”, thấy được cả “cơ trời, lẽ đất”, cho người đời hiểu thấu lẽ căn nguyên của cách nhìn tứ phía thế sự – để ngẫm, thấy rõ nhà Lê – Trịnh đã trị vì đất nước suốt 256 năm, dài nhất trong lịch sử các vương triều, trong đó đạt 249 năm bình an chính thể, không có giặc ngoại xâm, lại còn mở cõi, nhằm khuếch trương văn hóa, đạo lý, phong tục dân tộc như ta được sống trên toàn giải đất chữ S ngày nay,… Dù thế sự có suy vi ở giai đoạn cuối thì cũng chỉ kéo dài 7 năm, sau khi Chúa Trịnh Sâm mất, với 3 đời chúa kế nhiệm là Trịnh Cán (6 tháng), Trịnh Khải (4 năm) và Trịnh Bồng (3 năm), phải chăng mô hình quyền lực lưỡng đầu chế của nhà Lê – Trịnh đã hết vai trò lịch sử? Nhưng đến nay, việc ứng dụng lãnh đạo đất nước của nhiều quốc gia vẫn là “Lưỡng đầu chế” tức có vua và có thủ tướng đồng lãnh đạo.
Vì thế nếu chỉ xem bộ phim “Đêm hội Long Trì” mà đánh giá chúa Trịnh Sâm ăn chơi xa xỉ là cách nhìn một chiều, phiến diện và không trung thực với lịch sử với nhân cách của chúa Trịnh Sâm nhưng chính nó đã để lại ấn tượng không tốt cho những cá nhân mà còn cho một chính thể tiến bộ bị mất điểm chỉ vì một đêm hội ăn chơi trong giai đoạn nhân dân vẫn đang no ấm hay sao?. 

Nhân kỷ niệm 235 năm ngày mất của Tĩnh Đô Vương, Thịnh Vương Trịnh Sâm (13/9), Nhân dân và bà con họ Trịnh nơi đây luôn khao khát Nhà nước và Nhân dân thập phương hưởng ứng cùng địa phương tôn lập ngôi đền thờ, bảo lưu các di sản “thạch thi” của chúa Trịnh Sâm tại vùng đất có khu mộ chí của ông. Đây cũng là một việc làm đền ơn đáp nghĩa người có công với nước, nhằm hồi danh cho ông là ông chúa trị vì xuất sắc, nhà thơ của đá, cho nên thiết kế ngôi thờ cho ông phải đủ bộ kiến trúc như những ngôi đền có kiến trúc trong chữ CÔNG, ngoài chữ QUỐC, có 3 tòa tiền tế, trung cung và hậu cung, ngoài sân chầu đủ bộ thần, vật hai hàng cung ngênh, nên có thêm hai tòa giải vũ sẽ cho trưng bày các tác phẩm “thạch thi” của ông. Lãnh đạo xã Yên Phú cũng mong muốn có dự án tôn tạo phục hồi khu di tích ngôi đền chất liệu đá cho ông và bảo lưu các di tích đền, mộ của ông và Bà Chúa Chè trong điều kiện đổi mới, công bằng và kiến tạo, đoàn kết để đi lên của đất nước. Hiện con cháu họ Trịnh và họ Đặng đang phối hợp làm dự án trùng tu tôn tạo ngôi mộ và khu di tích này (xem ảnh).

Trải hơn hai thế kỷ đã qua, mọi công trạng có thịnh có suy của thời Lê – Trịnh đã đi vào lịch sử, trở thành di sản, nên biến những giá trị văn hoá tâm linh quý báu của dân tộc thành nguồn lực để phát triển các bài học lịch sử, các đáp ứng du lịch văn hoá, tín ngưỡng anh hùng và danh nhân văn hóa của hôm nay và mai sau./.

Rate this post