Giòng Nước Ngược – Tú Mỡ – Nhóm Thân Hữu NNHN
Giòng Nước Ngược
Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu)
.
Chân dung Thi sĩ Tú Mỡ
Sơ lược tiểu sử Thi sĩ Tú mỡ
Tú Mỡ, tên thật là Hồ Trọng Hiếu (1900-1976), là một bậc thầy về thơ trào phúng Việt Nam.
Tú Mỡ sinh ngày 14 tháng 3 năm 1900 tại phố Hàng Hòm (Hà Nội), trong một gia đình lao động nghèo.
Lên 5 tuổi, ông học chữ Hán với ông nội. Khi ông nội mất, ông mới học chữ quốc ngữ.
Năm 14 tuổi (1914), ông đỗ đầu bằng sơ học Pháp-Việt, nên năm sau được vào học tại trường Bưởi (nay là Trung học phổ thông Chu Văn An).
Năm 16 tuổi (1916), ông bắt đầu làm thơ.
Năm 17 tuổi (1917), ông bắt đầu yêu một cô gái 15 tuổi ở Hàng Bông, làm được bài thơ tình đầu tiên (theo thể thất ngôn bát cú) có tên là “Tương tư.”
Năm 18 tuổi, ông đỗ bằng Thành Chung và cuối năm đó, ông xin vào làm thư ký trong Sở Tài chính (Hà Nội) cho đến 1945.
Năm 1926, ông bắt đầu có thơ đăng trên Việt Nam Thanh Niên tạp chí, Tứ Dân tạp chí.
Sau khi gặp gỡ Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), được nhà văn này phát hiện năng khiếu làm thơ trào phúng của ông, năm 1932, Tú Mỡ tham gia Tự Lực Văn đoàn, rồi được cử phụ trách mục “Giòng nước ngược” trên tờ Phong Hóa, một tờ báo chuyên về văn chương, hài hước và trào phúng của bút nhóm này.
Tháng 12 năm 1946, chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, Tú Mỡ lên chiến khu, tham gia kháng chiến. Thời kỳ này, Tú Mỡ ký tên là Bút Chiến Đấu. Trong lúc kháng chiến, có lần ông bị đối phương bắt nhưng đã tìm cách thoát được.
Năm 1954, chiến tranh kết thúc, ông tiếp tục sáng tác trong giai đoạn mới.
Năm 1957, ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, và làm Ủy viên thường vụ Hội nhà văn Việt Nam.
Tú Mỡ mất lúc 13 giờ ngày 13 tháng 7 năm 1976 tại Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi.
(Theo Wikipedia Bách khoa)
___________
Tập I (1934)
Mục Lục:
- “
Điếu” đức tụng
-
“Phở” đức tụng
-
Ông cụ non
-
Ông nghị đi hội đồng về
-
Bài phú “thầy phán”
-
Bầu cử
-
Bốn lần đi thi
-
Chồng gàn
-
Duyên con vồ
-
Giầu và nghèo
-
Hồ Gươm phú
-
Hư danh
-
Khai bút rông
-
Khuyên ai kén vợ
-
Kiệu bay
-
Kinh tế khủng hoảng phú
-
Mề đay
-
Mỡ mà chẳng… mỡ
-
Mười thương
-
Nhắn nhủ ông nghị
-
Phụ bạc
-
Quan phán
-
Tú Mỡ với Quan Ôn
-
Tủi cho bà Tú Mỡ
-
Tự thuật
-
Trời đầy Nguyễn Khắc Hiếu
-
Vợ chồng đời nay
-
Văn tế bảo hộ
-
Xoay hòn đất
LỜI TỰA
VĂN BÁC HỌC VÀ VĂN BÌNH DÂN
Cũng như nhiều nền văn minh cổ kim, văn chương nước ta có rõ rệt hai giòng: Giòng bác học và giòng bình dân.
Giòng bác học, ta có thể ví với con sông, hai bên bờ có đê kiên cố để làn nước không tự do tràn ra đồng bằng được, phải lặng lẽ theo lòng sông mà chảy thẳng ra biển. Chỗ nào ngòng ngoèo quá thì người ta đào lạch cho nước thông mau, chỗ nào nông quá thì người ta khơi sâu thêm cho nước dễ thoát.
Trái lại, giòng bình dân chỉ ví như cái suối chảy trong vùng đồi núi hoang vô, quanh co, lượn khúc cạnh rừng lau mọi rợ hay bên bờ rậm dầy cỏ sắc hoa dại, có khi thì thầm róc rách trong khe, có khi ầm ầm đổ xuống thành ngàn thành thác, lại có khi gặp tảng đá lớn ngáng giữa giòng, hung tợn vọt ngược lên cao.
Đê và lạch đối với con sông, cũng như, đối với nền văn chương bác học những luật lệ qui tắc nhất định mà các văn nhân đạo mạo tự bắt buộc phải theo. Ở nước ta, tuy không có những sách văn pháp như ở bên Thái Tây, song đời đời người ta cứ lề lối cũ của Tàu mà bắt chước, không hề dám suy suyển. Văn sách, kinh nghĩa phải thế nào, thi phú, từ khúc phải thế nào, đặt câu bằng bằng trắc trắc ra sao, làm bài phá thừa luận kết ra sao, nhất nhất không dám mảy may thay đổi.
Văn chương bình dân thì chẳng mấy khi theo luật lệ qui tắc. Khi nào miễn cưỡng theo, cũng hục hặc phá phách như con ngựa bất kham, vì dùng vần thất niêm thất luật be bét, dùng chữ và tiếng sai nghĩa lung tung. Song, chính nhờ đómà nền quốc văn đã có lắm chữ mới và lối văn mới đặt rất bạo, thí dụ như những thổ ngữ, những thi ca lục bát, song thất lục bát, tứ tự, cùng là các lối vè có vần ở giữa câu.
Về hình thức thì thế, mà về ý tưởng cũng vậy. Trong văn chương bác học, ta thấy đầy những điển tích chép nhặt trong các sách Tàu. Trong một bài diễn văn, ông Lê Dư đã bênh vực cho nền văn bác học bằng một câu rất có ý nghĩa: “Văn không có điển tích không phải là văn,” Nào chỉ có điển tích. Văn chương bác học nước ta lại còn phải ở trong khuôn phép thánh hiền, không bao giờ được vượt ra ngoài những tư tưởng luân lý, như tam cương, ngũ thường.
Không dùng điển tích, không hề đạo mạo, đó là hai tính cách cốt yếu của văn chương bình dân. Và tuy cũng theo luân lý cổ nhưng văn chương bình dân xiết bao giản dị với những tính tình chân thành, với những nguyện vọng thiết thực. Khi bọn bình dân gặp một sự gì trái ngược với tính tình và nguyện vọng của họ, họ liền mạnh bạo thốt ra những lời văn oán trách chẳng chút rụt rè che đậy bằng những ý tứ mập mờ, bóng bảy, cao xa. Ta hãy nghe bài hát sau này của một người đàn bà nhà quê, về thời vua Minh Mệnh:
Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì bóc lột quần chồng sao đang
Có quần ra quán bán hàng
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan.
Lời văn thành thực giản dị mà táo bạo và ngộ nghĩnh ấy, không hề thấy có trong văn chương bác học, tuy văn chương bác học cũng nhiều khi nhiễm tư tưởng trào phúng, – cái trào phúng nặng nề đầy điển tích và nhút nhát rụt rè đối với kẻ có quyền thế.
Vì vậy, muốn biết tập quán, phong tục trong dân về thời nào, không gì bằng đọc văn bình dân, nghĩa là những ca dao tục ngữ của thời ấy: Đó là những cái gương phản chiếu tính tình và nguyện vọng của cả một thời đại. Hát một câu ca dao hay, ta biết cổ nhân vui hay buồn, sung sướng hay khổ sở. Ta ngậm ngùi rằng tác giả không để tên để tuổi lại hậu thế. Song đó cũng là một tính cách bình dân: Sống không để ai biết đến, có danh vọng cũng không cần ai hay. Những áng văn vô danh kia, đời đời ta truyền khẩu cho nhau, không bao giờ để mai một đi, như thế cũng đủ làm hài lòng bọn bình dân rồi, vì họ đã lưu được lại cái linh hồn chân thật của cả một nòi giống.
Song tuy thế mà thỉnh thoảng ta vẫn thấy một vài tác giả có chân tài trong phái bình dân. Đó là một sự rất hiếm trong văn giới nước ta, vì bọn học giả mình thường chỉ biết ngày xưa theo văn Tàu, ngày nay theo văn Tây, – có khi theo một cách nô lệ, – mấy ai đã lưu ý đến văn chương bình dân.
Mà thực ra thì ta vẫn khao khát được đọc văn bình dân, ta vẫn quý trọng các nhà văn bình dân. Cô Hồ Xuân Hương tuy lẳng lơ nhưng vẫn được ta yêu tài và truyền tụng những bài thơ cợt nhả. Vì cô là một nhà văn bình dân. Ông Tú Xương tuy mỉa đời mà vẫn được đời kính mến. Vì ông là một nhà văn bình dân. Và ngày nay Tú Mỡ tuy tinh nghịch đùa bỡn, chế nhạo mà vẫn không mấy người ghét được. Vì Tú Mỡ cũng là một nhà văn bình dân.
So sánh Tú Mỡ với ông Tú Xương và cô Xuân Hương, hẳn có người cho là hơi quá, vì họ thấy hai bậc văn hào kia tuy viết văn giản dị song đều ở trong phái nho học, còn Tú Mỡ thì lại là một nhà Pháp học. Nhưng văn bình dân không cần cỗi rễ ở đâu hết, quý hồ tả được tính tình và cốt cách của cả một dân tộc là đủ rồi.
Mà văn Tú Mỡ thì cũng như văn ông Tú Xương, văn cô Hồ Xuân Hương, cũng như những câu ca dao tục ngữ, quả thực hoàn toàn có tính cách An Nam.
Khái Hưng
Ngày 25 tháng 9 năm 1934
*
Đề tặng
Ít lời lẽ ngang phè
Mấy vần thơ lỗ mỗ
Tặng anh Nguyễn Tường Tam
Ðáp tấm ơn tri ngộ
Ngày 27 tháng 5 năm 1934
Tú Mỡ
° ° °
“Điếu” đức tụng
Người Việt Nam phải lấy thuốc lào làm quốc tuý
Còn thú vị nào hơn thú vị yên vân!
Từ vua, quan, đến hạng bình dân,
Ai là chẳng bạn thân với điếu…
Từ ông thừa, trở lên cụ thiếu,
Đi ngoài đường, phi điếu bất thành quan.
Ngồi công đường, vin xe trúc nghênh ngang,
Hút mồi thuốc, óc nhà quan thêm sáng suốt.
Nhà thi sĩ gọt câu văn cho chuốt,
Tất phải nhờ điếu thuốc gọi hồn thơ.
Lại những khi óc mỏi, mắt mờ,
Nhờ điếu thuốc mới có cơ tỉnh tớm…
Dân thuyền thợ thức khuya, dậy sớm,
Phải cần dùng điếu đóm làm vui.
Khi nhọc nhằn lau trán đẫm mồ hôi,
Vớ lấy điếu, kéo một hơi thời cũng khoái.
Dân cày cấy mưa dầm, nắng dãi,
Bạn tâm giao với cái điếu cầy.
Lúc nghỉ ngơi, ngồi dưới bóng cây,
Rít mộì thuốc, say ngây say ngất.
Rồi ngả lưng trên đám cỏ tươi xanh ngắt,
Dễ thiu thiu một giấc êm đềm.
Bạn nhà binh canh gác thâu đêm,
Nhờ điếu thuốc mới khỏi lim dim ngủ gật.
Nội các thức say sưa nghiện ngập,
Ngẫm mà coi, thú nhất thuốc lào.
Nghiện thuốc lào là cái nghiện thanh tao,
Chẳng hại tiền của, mà chẳng hao sĩ diện.
Chốn phòng khách, anh em khi hội kiến,
Có thuốc lào câu chuyện mới thêm duyên.
Khi lòng ta tư lự không yên,
Hút mồi thuốc cũng giải phiền đôi chút.
Nghe tiếng điếu kêu ròn, nhìn khói bay nghi ngút,
Nỗi lo buồn theo khói vút thăng thiên.
Cái điếu cùng ta là bạn chí hiền,
Từ thiên cổ tơ duyên chặt kết.
Cũng có kẻ muốn dứt tình khăng khít,
Vùi điếu đi cho hết đa mang.
Nhưng nỗi nhớ nhung bứt rứt tấm gan vàng,
Chút nghĩa cũ lại đa mang chi tận tuỵ.
Cho nên: bảo điếu thuốc lào là quốc tuý,
Thật là lời chí lý không ngoa.
Thuốc lào, ta hút điếu ta,
Điếu ta thọ với sơn hà muôn năm…
*
“Phở” đức tụng
Trong các món ăn “quân tử vị,”
Phở là quà đáng quý trên đời.
Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi,
Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ.
Náy bánh cuốn, này thịt bò, này nước dùng sao nhánh mỡ,
Ngọn rau thơm, hành củ thái trên.
Nước mắm, hồ tiêu, cùng dấm, ớt điểm thêm,
Khói nghi ngút đưa lên thơm ngát mủi.
Như xúc động tới ruột gan bàn phổi,
Như giục khơi cái đói của con tì.
Dẫu sơn hào, hải vị khôn bì,
Xới một bát nhiều khi chưa thích miệng.
Kẻ phú quý cho chí người bần tiện,
Hỏi ai là đã nếm không ưa,
Thầy thông, thấy phán đi sớm về trưa,
Điểm tâm phở, ngon ơ và chắc dạ.
Cánh thuyền thợ làm ăn vất vả,
Phở xơi no cũng đỡ nhọc nhằn.
Khách làng thơ đêm thức viết văn,
Được bát phở cũng đỡ băn khoăn óc bí…
Bọn đào kép, con nhà ca kỹ,
Lấy phở làm đầu vị giải lao.
Chúng chị em sớm mận tối đào,
Nhờ có phở cũng đỡ hao nhan sắc.
Phở là đại bổ, tốt bằng mười thang thuốc bắc,
Quế, phụ sâm, nhung chưa chắc đã hơn gì.
Phở bổ âm, dương, phế, thận, can, tì,
Bổ cả ngũ tạng, tứ chi, bát mạch.
Anh em lao động đồng tiền không rúc rích,
Coi phở là môn thuốc ích vô song.
Các bậc vương tôn thường chả phượng, nem công,
Chưa chén phở, vẫn còn chưa đủ món.
Chớ chê phở là đồ ăn hèn mọn,
Dẫu sao thành Ba-Lê còn phải đón phở sang.
Cùng các cao lương vạn quốc phô trương,
Ngon lại rẻ, thường hay quán giải.
Sống trên đời, phở không ăn cũng dại,
Lúc buông tay ắt phải cúng kem.
Ai ơi, nếm thử kẻo thèm.
*
Ông cụ non
Nhớ thuở còn hàn vi,
Chửa nên danh phận gì.
Trí anh to tát lạ,
Chẳng thẹn tiếng nam nhi.
Bàn tính những công cuộc,
Lợi dân cùng ích nước.
Lưu danh cùng núi sông,
Mới thỏa lòng ao ước.
Nay ngoáp chiếc lương to,
Yên thân được ấm no.
Đã quăng chí nguyện cũ,
Khối óc như thò lò.
Nghiễm nhiên mặt trưởng giả,
Thờ chủ nghĩa nhàn hạ,
Đội mũ ni che tai,
Việc đời thây kệ cả!
Ngày bốn buổi đi về,
Ăn no lại ngủ khè.
Ngoài câu truyện bếp nước,
Chắng thiết để tai nghe.
Làm bạn với non bộ,
Uốn cành cây cổ thụ.
Hết trưa lại đến chiều,
Lẩn thẩn như ma xó.
Uống rượu rồi ngâm thơ,
Say sưa khéo phỡn phờ.
Khác chi đồ cổ hủ,
Xác sống mà hồn mơ.
Người ta khi phú quý,
Càng phải phấn tâm trí.
Anh mới nếm phong lưu,
Cớ sao vội chết dí!
Non bộ kia nên xếp,
Chơi gì cảnh nhỏ hẹp.
Nọ giang sơn Việt Nam,
Mới thật là xinh đẹp.
Túi thơ thắt lại thôi,
Nậm rượu quẳng cho rồi.
Cái thứ đùi rung nẩy,
Chờ khi sáu bảy mươi.
*
Ông nghị đi hội đồng về
– Ông ơi, ông đi đâu về
Có vẻ phỡn phè, phấn chấn hỡi ông?
– Rằng tôi đi họp hội đồng
Mỗi năm một bận, hết lòng vì dân
Gật gù, nghe đọc diễn văn
Vì dân giáng sức mấy lần vỗ tay
Trăm công, nghìn việc, nặng thay!
Vì dân nên phải đêm ngày miên man
Bao chương dự toán luận bàn
Vì dân sái cổ gật tràn đòi phen
Nhờ trời công việc đã yên
Vì dân phải xuống Khâm Thiên giải sầu
Quản gì thức mấy đêm thâu
Vì dân khai trí mấy chầu tổ tôm
Mỗi năm vất vả mươi hôm
Một bầu nhiệt huyết vẫn ôm kè kè
*
Bài phú “thầy phán”
(Tự trào)
Sở có một thầy:
Mặt mũi khôi ngô
Hình dung chững chạc
Quần là ống sớ, áo vận khuy vàng
Khăn lượt vành giây, ô che cán bạc
Bảnh bao lắm mốt, trời nắng, mưa: giầy nọ, giầy kia
Lịch sự đủ vành, mùa rét, nực: mũ này, mũ khác
Ra phết quan thông, quan phán, đua ngón phong lưu
Rập rìu tài tử, giai nhân, điểm mùi đài các
Trong đóm ngoài đuốc, trông ra mầu mỡ riêu cua
Tiếng cả nhà thanh, xét kỹ thân hình pháo xác
Cuối tháng ba mươi, ba mốt, giấy bạc rung rinh
Qua ngày mười một, mười hai, ví tiền rỗng toác
Sổ tiêu tính phác, hy hoay cộng cộng, trừ trừ
Lương tháng thấy vèo, tuyu nguỷu ngơ ngơ, ngác ngác
Ấy cũng bởi vung tay quá trán, mới đâm đầu vương lấy nợ như lông lươn
Mà lại còn quen thói bốc trời, chết đến đít vẫn coi tiền như cỏ rác
Ăn toàn ăn sỏi, khi Hiệp Thành, khi Nguyên Lợi, khi Đông Hưng, khi Nhật Tân
Chơi cũng chơi sành, tối Pa-lát, tối Pa-tê, tối Sán Nhiên, tối Quảng Lạc
Bè bạn những sừ tham, sừ ký, một bọn trai lơ
Nhân tình nào con hát, con đào, cùng phường đĩ rạc
Chức đệ tam chi thư ký, nhà nước cấp bằng
Hàm điển tịch chi hàn lâm, trào đình ban sắc
Tiếng Lang-sa thoắng trơn nước chẩy, những “uẩy” cùng “nông”
Câu Hán tự giốt đặc cán mai, đọc “tộ” hoá “tác”
Giở những giọng văn chương sốc nổi “tam tổ thánh hiền”
Bàn những điều nghĩa khí viển vông “thiên hô bát sát”
Hai buổi đến ung dung ư buồng giấy, sổ to, sổ nhỏ bày liệt, bày la
Mấy giờ ngồi chễm chệ ư ghế mây, mực đỏ, mực đen viết chi, viết chát
Lỡ buổi đi trưa, nhìn trước nhìn sau lấm lét, rụt rè như rắn ráo mồng năm
Lỡ khi lầm lỗi, đứng lên ngồi xuống băn khoăn, ủ rũ như diều hâu tháng chạp
Hễ động lúc luôn tay bận bịu, mặt nặng bằng đá đeo, gắt ỏm mắm tôm, cau cau có có, kêu ca việc này khó, việc nọ dài
Chẳng bù khi khểnh cẳng ngồi rồi, cười ròn như nắc nẻ, tán nhăng phó-mát, cợt cợt, bông bông, bình phẩm xếp kia lành, xếp ấy ác
Truyện nào có ra chuyện, giở dại giở khôn
Đùa nào có ra đùa, nửa nạc nửa mỡ
Vắng mặt chủ nghịch nô như quỷ sứ, tầm váo, tầm vênh
Thấy hút Tây vờ vĩnh khéo ma bùn, nhớn nhơ, nhớn nhác
Chỉ những ước được thưởng mề đay năm bẩy chiếc, sở nguyện thầy cũng khá cao xa
Lòng chỉ mong xơi lên lương bổng bốn năm đồng, hy vọng thầy thật là to tát
Nhiên nhi:
Luống hợm mình thế kia thế khác, lập loè sĩ diện với bà con
Còn đắc chí ta đây kẻ giờ, khinh khỉnh vênh vang cùng xóm mạc
Sự nghiệp có thế thôi, người ngoài cuộc tưởng rằng ghê gớm, chẳng trách nào ai cũng ước ao!
Công danh không mấy hột, kẻ qua cầu mới biết giở giang, dám nhắn nhủ khách đừng khao khát
*
Bầu cử
Thiên hạ nôn nao họ rủ nhau:
Người ra ứng cử, kẻ đi bầu.
Phen này lắm cậu gia tài vỡ,
Mà chức “Ông dân” (1) đã chắc đâu!
Họ kéo từng đàn xuống xóm hát,
Lu bù ngày ấy sang đêm khác
Phen này ông quyết xuống KT (2)
Mở tiệm cô đầu có lẽ phát
Họ mời nhau chén tại cao lâu
Thả cửa sâm panh với rượu Tầu
Các chú (3) phen này càng béo bở
Annam còn lắm cuộc đi bầu!
Lẳng lặng mà nghe họ diễn thuyết:
Công tâm công ích lời tâm huyết…
Phen này mở hiệu viết văn thuê
Dẫu chẳng làm giầu cũng đỡ kiết
Họ quẳng tiền ra để cạnh tranh
Nghe đâu mỗi vé một “rồng xanh” (4)
Phen này có lẽ mưa ra bạc,
Mà nghị viện ta lắm phỗng sành!
Họ lại ra công làm quảng cáo
Đen ngòm cả cột mấy tờ báo
Chương trình đem đọc thật là kêu,
Thử nghĩ sau này ai nói láo.
Họ kể xấu nhau như hát hay,
Hàng rau, hàng cá cũng thua tài,
Phen này bào chế tha hồ đắt:
Thuốc tím 5 cần mua để rửa tai.
Xem cuộc mua danh thực dữ dội,
Người hay, kẻ dở, trò thơm thối…
Quốc dân được lợi cuộc mua vui,
Chẳng phải mất tiền xem hát bội.
–Bài thơ này có phỏng theo bài Chúc Tết của Tú Xương.
*
Bốn lần đi thi
(Tả cảnh một ông phán làm việc ở tỉnh xa, bốn lần về Hà thành thi tham biện)
Lần đầu về thi tại Hà thành
Anh em tấp nập đến tiễn hành
Tiệc rượu linh đình thật vui vẻ
Chén thù chén tạc chúc công danh
Đi về tốn bao tiền phí lộ
Thế mà thi cử lại cóc đỗ
Lời chúc hôm xưa chẳng được thành
Anh em an ủi chia buồn hộ
Cách một năm sau lại về thi
Được tiệc trà soàng tiễn chân đi
Bạn rằng: “Khoa trước anh đã rủi
Chắc hẳn công danh đến khoá nhì”
Tại mình, tại trời, hay tại số
Mà đến khoa này lại vô bổ?
Bạn lại hỏi thăm chỉ lắc đầu
Không ai chê cười mà sấu hổ
Năm sau, đi thi lần thứ ba
Được vài bốn anh tiễn ra ga
Suông tình đưa mấy lời chúc tụng
Mất cả tiệc rượu lẫn tiệc trà
Khoa này tưởng khác hai khoa trước
Chẳng may trời làm trượt vẫn trượt
Giở về, bạn hỏi thi thế nào?
Cay đắng đáp rằng: “Tớ lại bước!”
Đến bận thứ tư về Hà thành
Bạn hỏi làm gì, nói dối quanh
Không tiệc, không trà, không kẻ tiễn
Một mình lủi thủi lối công danh
Một mình đi thi, một mình biết
Chẳng khiến ai mừng cùng ai tiệc…
Con đường danh lợi, đường chông gai
Phen này có bương đỡ tha thiết
Kết luận
Cái cuộc ganh đua khó lạ nhường
Thấy ai lận đận nghĩ mà thương
Vinh hoa là bả cho người thật!
Một bước công danh, bước đoạn trường
*
Chồng gàn
Mợ thấy chồng người lên chức “tham”
Xe nhà ngất ngưởng ngự đi làm
Lương sơi mỗi tháng hàng gang bạc
Mợ tưởng danh lừng khét đất Nam
Mợ về mợ dục tôi xoay học
Khuân sách trong hòm chúi mũi đọc
Nhà nước sang năm mở khoá thi
Vác cây bút sắt ra cầy cục…
Thấy tôi chỉ mải viết văn thơ
Mợ mắng tôi rằng: “Khéo vẩn vơ!
Luyện tập làm gì văn quốc ngữ
Lao tâm, tổn trí, mất thì giờ!”
Mợ bắt tôi theo đời vật chất
Học mong thi đỗ, nhờ hòn đất
May ra ngoáp được con ruồi xanh
Mợ sẽ lên bà “tham biện tắt”
Tôi vốn trời sinh tính khác người
Không ưa bôn tẩu như ai ai
Phàm danh, tục lợi lòng không bợn
Chỉ thích cuộc đời dản dị thôi
Áo quần ưa mặc the cùng vải
Ghét rượu, ghét chè, ghét trai gái
Thuốc phiện, bạc bài lại rất kiêng
Lương dẫu không cao vẫn thừa thãi
Ơn trời mắt sáng, chân tay lành
Xe đạp trèo lên phóng rất nhanh
Hà tất xe nhà đầy tớ kéo
Chẳng là không hợp lẽ trời sinh
Đời người bóng ngựa nhoáng qua sổ
Không lẽ chỉ lo thi với đỗ
Nếu chẳng góp gì với núi sông
Trăm năm cũng mục như cây cỏ
Hai chữ công danh chán lắm rồi
Làm ăn cứ miễn đủ tiêu thôi
Tôi van, đừng bắt tôi thi nữa
Xin để linh hồn tôi thảnh thơi!
*
Duyên con vồ
“Me tây” kia trở về già
Vớ anh phán kiết la cà kết duyên
Anh thời say chị lắm tiền
Chị mê anh trẻ, có duyên mặn mà
Trúc mai xum họp một nhà
Rõ rằng trúc mọt, mai già sánh đôi
Mình mình với lại tôi tôi
Anh làm cho chị tưởng đời còn xuân
Chị thời vỗ đức lang quân
Sắm cho xe ngựa, áo quần bảnh bao
Ngờ đâu anh thắng bộ vào
Anh đi sớm mận, tối đào lung thiên
Một lần chị để anh yên
Hai lần chị nổi cơn ghen tam bành
Ba lần chị phát lôi đình
Lót tay lá chuối lôi anh phú về…
*
Giầu và nghèo
(Độc vần)
Đồng bạc sinh ra kẻ khó, giầu
Vụng xoay thời khó, khéo thời giầu
Giầu đeo tiếng xấu không bằng khó
Khó giữ danh thơm chẳng kém giầu!
Chớ hợm mình giầu khinh bỉ khó
Đừng than thân khó ghét ghen giầu
Ai ôi, giữ lấy lòng trong sạch
Bận bịu làm chi nỗi khó, giầu
*
Hồ Gươm phú
Tặng cô Thoại Ngữ, người bạn xa chưa quen biết. (Hội Khai trí Tiến Đức có mở cuộc thi văn chương, trong các môn thi có bài phú Hồ Gươm, hạn vần: “Hồ đó, gươm đâu?” Tú Mỡ thấy đầu đề hay, cũng hứng bút viết chơi. Viết chơi thôi, không dự thi, và cố nhiên không lấy thưởng…!)
Nghìn năm văn vật
Nhất chốn kinh đô.
Tuy nhiều thắng cảnh,
Đâu đẹp bằng hồ…
*
Thợ Tạo đã tài xếp đặt,
Công người cũng khéo điểm tô.
Giữa trần tục xen nơi tiên cảnh,
Trong thị thành nổi đảo san hô.
Sỏng biếc lăn tăn, lấp lánh vàng gieo ngấn nước,
Cây xanh rườm rạp, lơ thơ liễu rủ quanh bờ.
Đền Ngọc Sơn tháp bút nguy nga, tôn cảnh non bồng tịch mịch.
Cầu Thê Húc màu son đỏ thắm, chắn làn nước cuốn lô xô.
Nào những khi gió nồm hây hẩy, nào những khi sương toả lở mờ,
Xuân, hạ, thu, đông, mỗi mùa một vẻ,
Nào những lúc nắng mới rung rinh, nào những lúc trăng soi vằng vặc,
Sáng, trưa, chiều, tối, bao cảnh nên thơ.
Qua tỉnh Hà đây,
Dạo hồ Kiếm đó,
Ngắm cảnh ngày nay,
Nhớ hồi sử cũ:
Diệt vua nguỵ Quý Ly,
Gớm tướng Minh Trương Phụ,
Giả danh nghĩa hiệp khôi phục Trần gia,
Giở ngón gian hùng đoạt thâu Việt thổ.
Dân lành hai nhăm triệu, rắp đem làm kẻ tì nô;
Nước cũ bốn nghìn năm, dìm đặt dưới quyền đô hộ.
Trên, bọn quan quân tàn bạo, chỉ lo vơ vét, thoả dạ tham ô;
Dưới, dân sưu dịch nặng nề, cam chịu lầm than, nhiều bề cực khổ.
Nào xuống bể mò trai, lấy ngọc, ai oán vô cùng.
Nào lên rừng tróc tượng, săn tê, căm hờn quá độ.
May sao:
Nhà nông Lê Lợi,
Kẻ sĩ Lam Sơn,
Thấy dân khốn đốn,
Động lòng xót thương
Quyết chí lớn tảo trừ giặc nước
Dựa thần thiêng trao tặng lưỡi gươm.
Hào kiệt ra tay phất cờ cứu quốc,
Anh hùng lập nghiệp, khởi nghĩa xưng vương.
Trận Tuy Động, Vương Thông kinh hồn, mảnh giáp chẳng còn, bon về cố quốc.
Ải Chi Lăng, Liễu Thăng bỏ xác, đầu lâu lăn lóc tại chốn sa trường.
Vùng vẫy ngoại mười năm, quét sạch non sông quân Bắc tặc;
Lẫy lửng trong vạn thuở, mở mang bờ cõi đất Nam. Phương.
Ôi!
Nghìn thu đất nước
Một cuộc bể dâu
Hồ Gươm vẫn đó.,
Thần kiếm chìm đâu?
Chỉ thấy tượng đồng cao chót vót,
Đứng trông làn nước vẩn xanh ngầu!
Toà nhà Khai trí ben đền, trống bài điếm chát tom, thái bưởng quá nhỉ!
Vườn cảnh Bônbe trước mặt, khách phồn hoa nhộn nhịp, vui vẻ xiết bao!
*
Hư danh
Bác kia, ruộng cả ao liền
Lắm bạc, nhiều tiền, chạy tước, mua danh
Bài ngà với áo thụng xanh
Súng sa súng sính như anh phường chèo
Về làng khao vọng ỉ eo
Ăn trên, ngồi trốc, eo sèo thịt sôi
Bây giờ cơ nghiệp đi đời
Thẻ ngà, giấy sắc đem mài mà ăn
*
Khai bút rông
Là văn sĩ chẳng lẽ không khai bút
Chẳng hay ho cũng nặn nọt một bài
Ngót hai năm xổng bút mỉa mai đời
Thì Tết đến cũng phải có bài thơ… rắc rối
Rót thêm mực, thay ngòi bút mới
Thảo mấy dòng cảm khái sau đây
Thơ rằng:
Tú chi tú ấy nực cười thay!
Chẳng phải Nho mà chẳng phải Tây!
Rửng mỡ trêu đời, văn mách qué
Thế mà cũng tiếng… bấy lâu nay!
Ngồi ngâm nga, đùi rung chuyển nghế mây
Rồi chép lại, rắp thả ngay “Giòng nước ngược”
Bắt chước cụ Tú Xương thủa trước
Hỏi mợ Tú rằng: “Nghe được hay chăng?”
Bĩu môi, mẹ đĩ phê rằng
“Nôm na mắch qué, lố lăng, ngược đời!”
Đầu năm đã bị rông rồi
Chắc là văn viết ngược đời quanh năm!
–Bài này nhại theo bài “Tết đến dán câu đối” của Tú Xương.
*
Khuyên ai kén vợ
I
Lấy vợ khuyên ai kén vợ hiền
Kén người đức hạnh, bậc chân chuyên
Tốt duyên gặp được người như nguyện
Giá nọ nhà vàng đúc cũng nên
II
Lấy vợ khuyên ai kén vợ soàng
Cần chi giầu có với quan sang
Quý hồ nội trợ tề gia giỏi
Cái cảnh gia đình mới vẻ vang
III
Lấy vợ khuyên ai cốt chữ tình
Xin đừng vụ lợi, chớ ham danh
Mấy người tiểu kỷ vì danh lợi
Khó trọn cùng nhau nghĩa tử sinh
IV
Lấy vợ không nên kén vợ giầu
E rằng ỷ của lại khinh nhau
Hổ thay! cái tiếng nhờ lưng vợ!
Tiếng ấy anh hùng há chịu đâu!
V
Lấy vợ không nên lấy ả đầu
Hoa tàn, nhị rữa, tiết còn đâu
Chỉ quen nghề nghiệp nhà son phấn
Chẳng trách phương ngôn đã có câu…! (6)
VI
Lấy vợ không nên lấy vợ nhiều
Một bà thôi cũng đủ thương yêu
Ai về nhắn nhủ phường tham thịt
Cả lẽ làm chi, tổ ỷ eo…!
*
Kiệu bay
Đám rước làng ta đã tới đền
Vía bà động cỡn, tốc bay lên
Các cô chân kiệu siêu lơ chạy
Mấy mụ đồng quan lẽo đẽo rên
Pháo đốt, nhang bay mù đảo địa
Con công, cái bán lễ huyên thiên
Thánh bà mới biết linh thiêng thật
Gặp cái ô tô, kiệu đứng liền!
*
Kinh tế khủng hoảng phú
Ghê thay nạn kinh tế!
Ghê thay nạn kinh tế!
Nguyên bởi từ đâu?
Hại sao đến thế!
Trong vạn quốc, từ nhỏ đến to
Khắp muôn dân, cả lớn lẫn bé
Cũng băn khoăn vì tài chính lung lay
Đều nhăn nhó bởi bán buôn tắc bế
Làm ăn lủng củng, dưới con dân khôn nỗi xoay xu
Xuất nhập hụt hao, trên nhà nước khó đường thu thuế
Hạng quan lại đang ăn tiêu rộng rãi, cũng cắn răng vâng lệnh sụt lương
Bọn sinh viên vừa thi đỗ vênh vang, đành bấm bụng đóng vai vô nghệ
Sĩ đã buồn tênh
Nông càng quẫn tệ
Mừng được năm hoà cốc phong đăng
Rủi gặp lúc thông thương đình trệ
Tiền hòm rỗng tuếch, lấy chi mà nộp thuế, nộp sưu
Thóc vựa chứa chan, lo để đấy mọc mầm, mọc rễ
Bởi nông phu tiền thiếu gạo thừa
Nên thương mại khách thưa hàng ế
Buôn thua bán lỗ, hiệu nhỏ to vỡ nợ đùng đùng
Mượn quịt vay lường, kẻ hơn thiệt kiện nhau chí choé
Nhà kỹ nghệ hàng không trôi chẩy, giảm bớt nhân công
Bọn thợ thuyền việc ít nằm khàn, khó tìm sinh kế
Việc tuy không sẵn, miệng vẫn phải ăn
Gạo chẳng ai cung, hàm không nhẽ trễ
Túng phải tính liều
Đói đâm ê trệ
Nẩy nòi trộm cướp, khó giữ cho yên
Vỡ tổ ăn mày, cứu sao cho suể
Kinh tế khủng, ái tình cũng khủng, lo ế chồng phụ nữ chổng mông gào
Sự nghiệp suông, loan phụng đành suông, hoãn lấy vợ nam nhi quay mặt… kệ!
Cả đến sóm hoa đưa liễu đón, vừa độ nào anh yến sôn sao
Cũng trải phen phách mốc đàn meo, nay đã thấy làng chơi vắng vẻ
Nghĩ cũng lo thay
Nguy khôn xiết kể
Mới trong ít độ, tứ dân đà tấn tới rật lùi
Cứ thế này lâu, nhân loại sẽ văn minh tắc tị
Chấn hưng kinh tế, hỏi ai nào đại thánh ra tay?
Cứu vãn tiền đồ, còn đợi có phúc tinh giáng thế
*
Mề đay
Ông phán cành cạch (7) mươi năm nay
Mà được bốn, năm chiếc mề đay
Những khi tết nhất hoặc yến tiệc
Ông đeo trước ngực hai dẫy đầy
Cái bạc, cái vàng, đủ các hạng
Này cái “Cao-mên”, cái “Vạn Tượng”
Này cái “Danh dự”, cái “Rồng Nam”
Thiên hạ trông vào thực là choáng
Ông hỏi tôi rằng: “Cớ làm sao
Tôi cũng đi làm, chức cũng cao
Chẳng xin lấy độ răm mười chiếc
Để dương danh giá với đồng bào?”
– Thưa ông: Tôi đây cũng vẫn biết
Huy chương nhà nước là quý thiệt!
Để thưởng công lao kẻ tận tâm
Khuyến khích lòng người cho được việc
Tôi tự xét tôi đứa bất tài
Công danh sự nghiệp chẳng bằng ai
Chỉ biết đi, về ngày bốn buổi
Cuối tháng lĩnh lương mang về nhai
Nếu ông không phải người lỗi lạc
Nếu cũng như tôi, như kẻ khác
Mà cũng được một mớ huy chương
Tôi xin chịu ông người quái quắc
Dám xin hỏi ông: “Sự trạng gì?
Hoặc là cứu khổn với phò nguy
Hoặc là hi sinh vì nghĩa vụ
Hoặc là… hoặc là… cái chi chi?”
*
Mỡ mà chẳng… mỡ
Tặng bạn Nam Hương
(Thơ thất ngôn thập nhị cú)
Tú Mỡ, nghe tên rõ chướng phè
Làm thiên hạ tưởng béo xù ghê
Chẳng thua cụ Ỷ lườn nung núc
Cũng hệt ông Vâm bụng lặc lè
*
Mà hoá người thon như cái nhái
Té ra mình sác tựa con ve
Đôi hàng sườn sụn da căng sát
Hai hũm quai xanh nước đỏ be
Màu mỡ vì chưng ra cả bút
Thân hình nên mới ngẳng như que
Tú này béo mép, người không béo
Há phải như ai tướng lợn xề…!
*
Mười thương
Một thương tóc lệch đường ngôi,
Hai thương quần trắng, áo mùi, khăn san.
Ba thương hôm sớm điểm trang,
Bốn thương răng ngọc hai hàng trắng phau.
Năm thương lược Huế cài đầu,
Sáu thương ô lục ngả màu thanh thiên.
Bảy thương lắm bạc nhiều tiền,
Tám thương động tí nữ quyền giở ra.
Chín thương cô vẫn ở nhà,
Mười thương… thôi để mình ta thương mình…
*
Nhắn nhủ ông nghị
Áo sa, khăn nhiễu, giầy ban
Kính trắng gọng vàng, tay cắp cặp da
Ấy là ông nghị vùng ta
Súng sa súng sính đi ra hội đồng
Mấy lời nhắn nhủ cùng ông
Có ra hội đồng thì miệng phải to
Xin đừng khúm núm co ro
Nói không ra tiếng họ cho rằng đần
Cũng đừng ngẩn mặt tần ngần
Ngồi nghe diễn thuyết ngủ dần thiu thiu
*
Phụ bạc
Nhớ xưa còn thủa hàn vi
Chàng thời đi học, thiếp đi chạy hàng
Sớm hôm đầu đội vai mang
Yên phận bần hàn, kiếm gạo nuôi nhau
Lần hồi bữa cháo bữa rau
Chàng lo học tập mai sau thành tài
Công danh tiến bước kịp người
Mở mặt với đời, thiếp cũng hiển vinh
Bây giờ chàng đã nên danh
Chê thiếp vụng dại, nỡ đành phụ công
Khi nghèo còn vợ còn chồng
Đến khi phú quí, chồng đông, vợ đoài
*
Quan phán
Rất sang quan phán đầu toà
Ngất ngưởng xe nhà, chân bắt chéo khoeo
Ắn chơi xa xỉ đến điều
Đêm đêm nhà hát, chiều chiều cao lâu
Ở nhà mặc cảnh túng, sầu
Vợ, con, cha, mẹ cơm rau là thường
Chầu rượu quan chi cực sang
Tiền nuôi cha mẹ cưa gan từng đồng
*
Tú Mỡ với Quan Ôn
Xuân đã sang hè, trời nắng rát
Trong xóm, thấy mấy ông “Kỳ nát”
Lục tục kéo nhau đi quyên tiền
Để mà sắm sửa lễ Kỳ yên
Đút lót Quan Ôn khỏi tác ác
Người răm ba hào, kẻ đồng bạc
Các ông thu được món tiền to
Đi mua đồ giả đốt ra tro
Nào là vàng mã, nào mũ mãng
Nào là voi ngựa, nào lính tráng
Nào cờ, nào biển, nào thuyền rồng
Văn minh thêm khẩu súng thần công!
Voi ngựa rỗng lòng, thuyền thủng đáy
Thần công tắc tị, bánh không chạy
Các ông man trá cả quỷ thần
Phúc chả thấy đâu, tội vào thân!
Còn về phần riêng tôi, Tú Mỡ
Đừng hòng quyên tiền tôi mà nhỡ!
Tính tôi thẳng tuột, lòng tôi ngay
Chẳng lừa hại ai, chẳng quắt quay
Trần đời ghét nhất thói ăn lễ
Quan Âm, quan Dương thời cũng thế!
Tôi tôn thần thánh, kính Phật Trời
Nhưng chẳng sợ ai, chẳng lễ ai
Ăn uống chơi bời, tôi điều độ
Năng tập thể thao, giạn nắng gió
Quan Ôn dù có muốn lôi thôi
Thời cũng khó lòng bắt nổi tôi…
*
Tủi cho bà Tú Mỡ
(Báo Phụ Nữ Thời Đàm mới tái thế đã có bài tán tụng những đức tính của bà thượng Phạm Quỳnh, khen nức, khen nở, khen thở chẳng được. Tú Mỡ nghĩ đến cái “nái sề” đức tính chẳng kém gì ai, mà chẳng thấy ai khen nên có bài thơ cảm.)
Vừa rồi báo Phụ Nữ
Khen bà Lớn kia dữ!
Nức nở đức Bà hiền
Hiền hơn bà Khổng Tử…
Khen bà khéo đẻ con
Mát mẻ đẻ con khôn
Cô cậu như tranh, đối
Như tiên chốn núi Non…
Khen bà giỏi nội trợ
Bến nước chăm non khá!
Cơm dẻo lại canh ngon,
Một tay săn sóc cả.
Khen bà tính nhu mì
Nhũn tựa con chi chi
Bà ký… lên… bà Thượng
Chẳng kiêu mà chẳng kỳ
Chị em khen nức nở
Một tấm gương rờ rỡ…
Tôi nghĩ đến nhà tôi,
Tủi cho bà Tú Mỡ.
Cũng khéo đẻ xon xon
Ba vuông lại bảy tròn
Cũng chăm việc bếp nước
Cơm dẻo mà canh ngon.
Tính nết cũng nhu mì
Nhũn rừ há kém chi…!
Mợ Hàn kiêm mợ Tú
Chẳng bắc bậc kiêu kỳ
Nào thấy ai đăng báo
Treo gương làm quảng cáo?
Hoạ chăng chỉ có tôi
Rủ rỉ khen láo quáo…
À…! Lỗi tại thằng tôi,
Chỉ quen thơ thẩn thôi
Chẳng làm nên cụ Lớn,
Nên thế vậy, than ôi…!
*
Tự thuật
(Thất ngôn thập bát cú)
Ở sở “Phi-Năng” (8) có một thầy
Người cao dong dỏng lại gầy gầy
Mặc thường soàng sĩnh, ưa lành sạch
Ăn chỉ thều thào, thích tịnh chay
Tom chát quanh năm vài bốn bận
Say sưa mỗi tháng một đôi ngày
Tính vui trò chuyện cười như phá
Lòng thẳng căm hờn nói toạc ngay
Siên sỏ vào tay hơi khá khá
Ở ăn thì nết cũng hay hay!
Yêu người chân thật, người hào hiệp
Ghét kẻ chui luồn, kẻ quắt quay
Võ vẽ hay làm văn quốc ngữ
Sì sồ ít nói tiếng Âu Tây
Bạn mà bàn đến thi cùng cử
Thời vội van luôn: Tớ lạy mày!…
Bởi tính ngang phè như chánh bứa
Già đời chẳng được cái mề đay
1925
*
Trời đầy Nguyễn Khắc Hiếu
Trong phòng khách cụ Trời
Cậu nhỏ dâng văn bôi
Xẩy tay đánh rơi vỡ
Nguyễn Khắc Hiếu ra đời
Từ khi Hiếu xuất thế
Vẫn nhớ cảnh thiên tiên
Bữa cơm thường phải rượu
Nhưng túi lại rỗng tiền
Liền xoay nghệ văn chương
Viết bừa bán phố phường
Thơ chay tha hồ uống
Say khướt suốt đêm trường
Rượu ngon thức nhắm ngon
Giọng văn lại càng giòn
Khối tình con, tình lớn
Giấc mộng lớn, mộng con.
Thích chí nằm ngâm nga
Tiếng động vang Ngân Hà
Trời hỏi: “Ai ngâm thế?”
Muôn tâu: Ấy Tản Đà!
Trời nổi trận lôi đình
Rằng: “Cái thằng tiên ranh
Ta đầy xuống hạ giới
Cho hắn chịu nhục hình
Ai ngờ hắn vẫn nhàn
Ngày tháng ngâm thơ tràn
Các người ai có cách
Bắt hắn phải gian nan?”
Chư tiên đồng thanh nói:
“Tội nặng nhất trần phàm
Là bắt anh Khắc Hiếu
Làm chủ báo An Nam”
*
Vợ chồng đời nay
Bây giờ thời buổi văn minh
Phu phụ chi tình có vẻ khác xưa
Mợ tham, mợ đốc nhởn nhơ
Lấy chồng ngồi ruỗi, ăn nhờ chiếc lương
Suốt ngày son phấn điểm trang
Tiêu khiển đêm trường: nhà hát, tổ tôm
Con thời sẵn vú nuôi ôm
Nước, cơm sẵn bếp tận mồm bưng lên
Phong lưu, chồng vợ là tiên
Hễ cậu kém tiền, giở luật cởi duyên
Tung hô “nam nữ bình quyền !”
*
Văn tế bảo hộ
A ha! Bảo hộ! Bỗng nhiên trời hại!
Suy thịnh lẽ thưởng, nào ai ái ngại?
Đọc bài điếu này, dạ ta thiết tha,
Ngươi có khôn thiêng chớ oán giận ta.
Nhớ ngươi thuở trước, xâm chiếm Đông Dương,
Mưu tinh chước quỷ, nham hiểm khôn lường.
Trước thả cố đạo, sau dắt con buôn,
Rốt đến binh lính, trăm khéo nghìn khôn.
Bá Đa mở lối, Đồ Phổ theo đường;
Gia Long mắc bợm, Tự Đức phải nhường.
Sự sinh sình sự, muốn yên chẳng yên,
Được chân lấn cổ, có voi đòi tiên;
Chiến tranh lẵng nhẵng, hiệp ước lung tung
Rốt cuộc công lý, phải thua bạo hung.
Nhớ ngươi đô hộ, đủ khoé gian ngoan,
Giả vờ nhân nghĩa, che đậy tham tàn.
Miệng rằng: khai hoá, sách viết: văn minh;
“Khai” mòn sản vật, “hoá” tận dân tình.
Nhớ người cai trị, thật tối dã man:
Trong là địa ngục, ngoài bảo thiên đàng;
Núi sông khai thác, ruộng đất mở mang,
Chẳng qua tư lợi, há vì dân gian;
Học hành giỏ giọt, trường có công khai,
Chỉ đủ đào tạo một số tay sai.
Nhớ người thâm thiểm: dĩ man, trị man
Nuôi đàn ưng khuyển, dung bọn ô quan,
Cho dễ bóp nặn đám dân hiền lành,
Cho dễ đàn áp bọn sĩ tinh anh.
Nhớ ngươi vơ vét, đã hả dã tâm,
Xấu xa đậy điệm, độc địa ngấm ngầm
Nay đến cực điểm, trăm họ lầm than:
Binh lửa thảm khốc, sinh linh điêu tàn;
Sưu cao thuế nặng, lột da róc xương,
Thóc gạo tích trữ, đói chết đầy đường.
Ngươi tưởng cùng ta, nợ báo còn dài,
Nhưng nhìn dĩ vãng, hòng gì tương lai!
Trời nào chứng mãi cho người rông càn:
Hại nhân nhân hại, thiên địa tuần hoàn.
Nước ngươi đổ nát, nhà ngươi tan tành;
Vận ngươi đã mạt, số ngươi đã đành.
Giữ mình chẳng nổi, còn bảo hộ ai?
Nay ngươi bị diệt, âu cũng lòng Trời.
Tám mươi năm lẻ, đã biết nhau rồi!
Tiếc than chi nữa, đời thế là thôi.
Tây phương cực… nhục, hồn ngươi đi về.
Nước ta giải phóng, dạ ta hả hê.
Ba hồn bảy vía, ngươi chóng siêu sinh.
Biến về nước mẹ, cùng ta dứt tình.
Ngươi có khôn thiêng, hiểu thấu lòng ta.
Chớ còn lẩn quất, Nam quốc sơn hà.
A ha! Sướng thay!
Thượng hưởng!
19-3-1945
*
Xoay hòn đất
Có một anh,
Biếng lười như hủi,
Cờ bạc như tinh.
Rượu chè như quỉ,
Trai gái như ranh.
Mà cứ muốn,
Làm giàu làm có,
Nên giá nên danh.
Sinh con gái tốt,
Đẻ con trai lành.
Nghĩ đến câu,
Tất tươi tất tả,
Lật đà lật đật.
Thầy địa cố tìm,
Mồ cha lo cất,
Có người bà con,
Mách cho thầy khách.
Ăn nói đắn đo,
Nước cơm hạch sách.
Thôi thì,
Rượu nồng dê béo,
Của ngon vật lành.
Món xào đồ nấu,
Cháo lòng tiết canh.
Cung lão địa lý,
Quá ông thân sinh.
Ăn no lòi kèn,
Uống say nứt ruột.
Thầy tỏ lời khen:
“Anh nầy bụng tốt”
Cảm tấm lòng thành,
Cho ngôi đất sộp.
Nào hổ, nào rồng
Về sau kết phát,
Hẳn quá ước mong.
Giàu to danh lớn,
Con đàn cháu đông.
Lo xoay ngôi mộ,
Trả xong công thầy.
Chứa chan hi vọng,
Mong mỏi đêm ngày.
Cho hòn đất phát,
Đợi thời vận hay.
Thế mà,
Đông đi xuân lại,
Tháng trọn ngày qua.
Vẫn trần như nhộng,
Vẫn xác như vờ.
Cô độc cô quả,
Cầu bất cầu bơ…
Người đời, ngu dại,
Nghĩ mà ngùi thương.
Toàn vẹn thân xác,
Hòng nhờ nắm xương.
Đào lên chôn xuống,
Đặt dọc xoay ngang.
Để cầu phú quý,
Khéo chuyện hoang đường.
Giòng nước ngược – Tập I, Trung Bắc Tân Văn, 1934.
Sách này in tại Trung Bắc Tân Văn, 61-63 Hàng Bông, Hanoi.
Ngoài những quyển thường có in 20 quyển bằng giấy Vergé Baroque Crême, đánh số từ 1 đến 20.
——————————–
Chú thích:
-
Ông dân đối lập với thằng dân (ông dân biểu).
-
Xóm cô đầu Khâm Thiên ở Hà Nội.
-
Chú khách. Người Việt thường gọi Hoa kiều là chú khách.
-
Tờ giấy bạc Đông Dương 5 đồng vẽ con rồng xanh.
-
Thuốc sát trùng.
-
Lấy quan, quan cách; lấy khách, khách về Tầu; lấy nhà giầu, nhà giầu hết của.
-
Tục ngữ mới: “Cành cạch như ông phán gãi giấy,”
-
Tiếng Pháp: Sở Tài chính.
___________
Tập II (1941)
Mục Lục:
-
Bút sắt cưới bút lông
-
Các quan được tăng lương
-
Thiên tai
*
Bút sắt cưới bút lông
“Le mariage de la plume et du pinceau”
Đầu đề bài diễn thuyết của văn sĩ Nguyễn Tiến Lãng diễn tại trường cao đẳng ngày 24-4-1936.
Anh sắt mà cưới chị Lông
Mối manh ai mách? Tơ hồng nào se?
Khi xưa mới cưới nhau về
Chồng yêu vồn vã, vợ e sượng sùng
Đông Tây buổi mới lạ lùng
Bởi chưng ngôn ngữ bất đồng chán nhau
Sì sồ anh nói làu làu
Ngẩn ngơ chị cứ lắc đầu rằng “không,”..!
Dần dà ăn đụng ở chung
Năm mươi năm lẻ, Sắt Lông miệt mài
Bây giờ bén tiếng quen hơi
Phụng loan như đã sánh đôi đề huề
Tới tuần mãn nguyệt khai huê
Đẻ ra cu cậu Tắc kẻ cọc đuôi
*
Các quan được tăng lương
Các ngài quan bé với quan to
Cứ tương lương sù, bổng lộc to
Ai có ngờ đâu quan cũng túng
Như nhiều công chức sống quanh co
Các ngài nhăn nhó phát đơn kêu:
Lương chẳng vừa ăn chẳng đủ tiêu
Bóp bụng không sao cung cấp nổi
Quan bà cậu ấm với cô chiêu
Tiền đâu mà chạy chữa xe hơi
Mà trữ sâm banh với rượu mùi
Để thết ông to và cụ lớn
Khi ngày quá bộ đến dinh chơi?
Tiền đâu bà lớn sắm tư trang
Hoa, nhẫn kim cương, với hạt vàng
Gấm vóc, lụa là, đồ phục sức
Làm tôn mình ngọc của bà quan?
Tiền đâu tậu ruộng lại mua nhà
Làm của tây riêng dưỡng tuổi già
Và để ngày sau con cái hưởng
Gia tài kết sụ, khỏi lo xa?
Cảnh túng nhà quan nghĩ đáng thương
Cho nên nhà nước đã tăng lương
Các quan hỉ hả mừng rơn nhé!
Sung sướng! Tha hồ sống đế vương!
Quan được tăng lương, dân cũng tăng…
Tăng sưu, tăng thuế, đến nhăn răng!
Còn manh khố rách, càng thêm rách
Đời sống lầm than ai thấu chăng?
Quan đã lương cao, bổng hậu rồi
Hãy thương dân với các ngài ôi!
Từ nay của đút đừng moi nữa
Dân chỉ xin ngài có thế thôi
*
Thiên tai
Dân Bắc năm nay khốn đốn hoài!
Bao lần thuỷ hoạ với thiên tai
Ba chìm bẩy nổi, vừa xong lụt
Đến nạn khô khan nắng cháy trời
Trái tiết trời thu mà nắng hạ
Suốt ngày ba tháng thiêu ròng rã
Ruộng, vườn nứt nẻ, hồ ao khô
Héo hắt mùa màng đi đứt cả
Sống về thế kỷ thứ hai mươi
Khoa học làm xoay chuyển cuộc đời
Ngán nỗi dân đen cầy đất Việt
Ăn thua vẫn phó mặc cơ trời
Đê mà tức nước thời đê vỡ
Dù các kỹ sư Sở lục lộ
Tram khéo nghìn khôn cũng bó tay
“Quy hàng trước sức thần mưa, gió…”
Ông Sứ đương thời ở Bắc Ninh
Tỏ ra thâm hiẻu thấu dân tình
Trời làm hạn hán, ông bèn sức
Cho khắp dân quê… mở cửa đình…
Sửa lễ vi thiềng, trâu, rượu, đủ…
Khua chiêng, gõ trống để cầu vũ
(Chịu quan Đại Pháp nước văn minh
Cũng biết duy trì phong tục cũ!)
Ngọc Hoàng nỡ tệ xử ngang tàng
Chẳng nể chiều lòng các quý quan
Pháp-Việt đề huề cầu cúng thế
Mà sao trời vẫn nắng chang chang?
Hay bởi lòng thành, nhưng lễ bạc
Tam sinh không có, rượu ti nhạt
Cho nên lá sớ dân cầu mưa
Chưa đến tay Trời đã bị bác?
___________
Tập III (1945)
Giòng nước ngược – Tập III của Tú Mỡ, do Trương Xuân Miễn trông nom về ấn loát, ngoài những cuốn giấy thường, có in thêm 100 cuốn giấy bản đặc biệt: 50 bản ghi chữ HTH 1 đến HTH 50, và 50 bản ghi chữ MD 51 đến MD 100; 17 cuốn in trên giấy quý chia ra như sau này: Giấy dó lụa sông Thao 2 bản ghi chữ TVR-TM, 2 bản chi chữ TTB-TTL, 1 bản ghi chữ NTL, đánh số từ I đến V, riêng về 5 bản này, mỗi bản có một bức hoạ tác giả, do hoạ sĩ Nguyễn Tường Lân tự tay vẽ. In trên giấy trắng quý: 2 bản đóng bìa da ghi chữ GNN-NXBMD và 10 bản ghi chữ NXT-TNV-NXP-KH-TL-NKH-TXM-TTO-PPH-NTL đánh số VI đến XVII. Những cuốn sách quý đều mang chữ ký của tác giả.
Hoạ sĩ Nguyễn Tường Lân trình bày, Nhà xuất bản Minh Đức 34 Phố Mới Hà-Nội, in ngày 30-IX-1945 xong ngày 20-X-1945 ở nhà in Ngày nay đường Quan Thánh.
Mục Lục:
-
Dân ngu phú
-
Đóng thuế thân
-
Mừng ông Hàn La và ông Cửu Bổng
-
Ông Táo xin miễn chầu
-
Phu kéo xe
-
Tầu bay bảo hộ
-
Tượng lo
*
Dân ngu phú
Nghĩ đến thôn dân
Ngán thay hủ tục!
Ròi tự trong xương
Rột từ trên nóc
Việc làng nát tựa tương dầm
Trí dân tối như hũ bọc
Dưới, đàn em một lũ ngu đần
Trên, kẻ cả những phường ô trọc
Quốc hồn, quốc túy, khư khư giữ mớ lễ nghi quèn
Thói tục, thường lề, nhất nhất theo pho hương mốc
Ðường sinh sống, chẳng lo bề chỉnh đốn, quả kiếp chân bùn tay lấm, vất vả lầm than
Cách ở ăn, không biết phép vệ sinh, tấm thân lưng đen khố cao, lôi thôi nhem nhuốc
Cơm khoai, gạo hẩm, bữa thường ăn khổ, ăn kham
Vách đất, nhà tranh, kiếp tội ở chui, ở rúc
Cám cảnh anh nhiêu, chị xã, luộm thuộm đầu bù tóc rối, đâm rụi đâm xo
Thương tình cái đĩ, thằng cu, trần truồng bụng ỏng đít meo, bò nheo bò nhóc
Áo ôm khố rách, kẻ nghèo nàn cực khổ điêu linh
Chín đụn mười trâu, người giầu có căn cơ ngu ngốc
Nằm trên đống của, bo bo chẵng biết lối tiêu sài
Chôn chặt cóng tiền, thấp thỏm chỉ lo quân cướp bóc
Duy chỉ biết giỗ lớn ma to, để trang trải nợ mồm quanh xóm mạc, nhắm no uống say
Hoặc chỉ lo ngôi cao bậc cả, để vểnh vang bộ mặt chốn đình trung, ăn trên ngồi trốc
Miếng giữa làng bằng sàng só bếp, ghen hơi tức khí, chỉ vì phần đĩa thịt nắm xôi
Tiền vào quan như than vào lò, bại sản khuynh gia, thường bởi miếng phao câu bù dục
Cải lương hương tục, tưởng chừng to tát như trời
Cách thức thi hành, rút cục chẳng ra cái cóc!
Bọn hương chức học hành dốt nát, tài cán cóc khô
Lũ kỳ hào lý sự ngang phè, khôn ngoan rùa mộc
Ðộng hội họp là ngả mâm đánh chén, dĩ thực vi tiên!
Hơi chi tiêu là nhờ gió bẻ măng, lợi mình làm gốc!
Học hành, công nghệ, việc ích chung ai là kẻ lo toan?
Ðình đám, hội hè, sự tai hại sao lắm người lăn lóc!
Ngán vậy thay!
Vì dân ươn hèn?
Chẳng qua kém học!
Báo chẳng buồn xem
Sách không chịu đọc
Ðiều văn minh gác bỏ ngoài tai
Thói hư hại ăn sâu trong óc
Chốn bùn lầy nước đọng, làm cho dân mở trí tinh khôn
Người bổng hậu quyền cao, nào ai kẻ cầm cương giáo dục
*
Đóng thuế thân
Biết cơ đầu tháng tiền chưa cạn
Toà thuế Hà Thành rất mẫn cán
Giục giã các thầy đóng thuế thân
Khiến mình trong dạ đâm ngao ngán!
Ơn nhờ cái miệng mấy “ông dân”
Sưu tớ năm nay gấp bộn phần:
Hai chục bảy đồng, đau quá hoạn!
Cắn răng nộp vậy, dám lần khân
Lấy bát họ con vừa giốc ống
Gạt thầm giọt lệ đem đi cống…
Làm tròn bổn phận một thằng dân
Có những đoàn trùm vô sở vọng
Ngẫm nghĩ, song le cũng tự hào
Dân mình há chịu kém ai sao!
Tự do bình đẳng tuy thua thiệt
Nhưng đã bằng người cái… thuế cao!
*
Mừng ông Hàn La và ông Cửu Bổng
Xin mừng ông Bổng với ông La
Làm vẻ vang làng báo nát ta!
Tuy chẳng phỡn phè no lộc nước
Cũng là thấm thía chút ơn vua
Hàn La giải chiếu thành La bổng
Cửu Bổng tùng văn hoá Bổng la!
Ăn cánh cân đai cùng bố tử
Đủ vây giấy sắc lại bài ngà
Công lênh chắc hẳn to, to lắm
Danh giá thơm lừng khắp, khắp xa!
Chú nó tay trong luồn lọt khá
Anh mày mặt rạng nở hẳn ra
Đi đâu cũng thấy người ta nói:
Một kẻ làm quan, cả họ nhờ!
*
Ông Táo xin miễn chầu
Tiểu chức Táo Công
Kính trình Thượng Đế
Năm nay dương thế
Lâm nạn đao binh
Khói lửa chiến tranh
Bùng lan Âu Á
Cõi trần loạn sạ
Trên đất ngoài khơi
Đáy bể lưng trời
Đầy mù sát khí
Khiến thần lo nghĩ
Đến việc hành trình
Lên được Thiên đình
Năm nay thực khó
Sợ nạn tầu bay
Phòng thủ đêm ngày
Thần công cao sạ
Thấy chi là lạ
Lơ lửng trên không
Thời súng đùng đùng
Chĩa lên tua tủa
Hạ thần lo sợ
Cưỡi cá lên mây
Chúng ngỡ tầu bay
Bắn lên loạn sạ
Nếu thần bị nã
Nguy thậm chí nguy
Tính mệnh còn gì!
Thân già bao quản
Nhưng còn công cán
Sứ mệnh trời trao
Thần mệnh hệ nào
Lấy ai đảm nhận?
Vậy xin cẩn thận
Thảo sớ dâng lên
Xin với Hoàng Thiên
Trong thời tranh biến
Cho thần được miễn
Khỏi phải lên chầu
Công việc hoàn cầu
Điều lành điều ác
Hăm ba tháng chạp
Thần sẽ chép biên
Làm sớ gửi lên
Bằng… vô tuyến điện
Thật là rất tiện
Thiên địa giao thông
Cúi lạy Cửu Trùng
Chiểu tình châm chước
Miễn sao cho được
Vạn sự an toàn
Kính chúc Thiên Hoàng
Thiên thiên vạn tuế!
(Hạ giới ngày 23 tháng chạp năm Kỷ Mão 1940)
*
Phu kéo xe
Xưa nay các học trò lười
Mẹ cha mắng mỏ, nặng lời mỉa mai
Rằng: “Mày lêu lổng. rông rài
Nhớn lên thời đến suốt đời kéo xe!”
Bây giờ thời buổi khắt khe
Kéo xe cũng hoá ra nghề khó khăn!
Cu ly cũng phải lấy… bằng
Của toà đốc lý chứng rằng… chính tông
Là người da sắt, xương đồng
Khoẻ chân, cứng gối, vốn giòng kiện nhi
Danh trong, giá sạch như li
Chẳng khi can án, chưa khi ngồi tù
Bao lần giấy, bấy lần… xu
Mới làm nên chức đại “phu xe hàng”
Phải đâu là việc dễ dàng!
*
Tầu bay bảo hộ
Tầu bay bảo hộ rất oai hùng
Phành phạch vang trời máy nổ bung!
Báo động khôn hồn chuồn mất tích
Coi yên làm phách lượn bay tung
Nạt dân hống hách quen tàn sát
Nghênh địch lơ mơ biếng vẫy vùng
Nghệ Tĩnh, Cổ Am còn vết đó…
Đông Dương nuôi hại đội phòng… không
*
Tượng lo
A di đà Phật!
Bụt trên toà ngồi ngất bệ sen
Tưởng rằng nhà Bụt chí hiền
Từ bi từ tại, ai phiền nhiễu chi!
Nào nhờ gặp thời kỳ tranh chiến
Cõi phàm trần tai biến lung tung
Loạn đằng Tây, loạn đằng Đông
Cảnh từ bi cũng hãi hùng, tượng lo…
Cũng là bởi duyên do vạ vịt
Tự anh chàng họ Hít tên Le
Dùng dấu hiệu thực éo le
Trăm nghìn vạn dấu, thiếu gì dấu hay
Mà lại chọn nhằm ngay chữ thập
Dấu hiệu riêng nhà Phật từ bi
Để sinh ra chuyện hồ nghi
Giận cá chém thớt, biết thì tại sao?
Chữ thập ngoặc ghép vào quốc cấm
Phướn, cờ còn giấu dấm được chăng
Khắc vào tượng gỗ, mần răng?
Có khi bị đẽo, nên rằng… tượng lo
Năm 1939, nước Pháp hục hặc với nước Đức của Hitler, chính phủ cấm dùng dấu hiệu chữ thập ngoặc giống dấu hiệu của Đảng quốc xã Đức. Có lẽ lo rằng ta sẽ… thân Đức.
Nguồn: https://www.thivien.net/T%C3%BA-M%E1%BB%A1/Gi%C3%B2ng-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ng%C6%B0%E1%BB%A3c/group-3rka5nJ32sG5EegyKl6Xng
Trần Văn Giang (St)
*
*
Bài đọc thêm:
Một Vài Ký Ức Về Cụ Nhạc Phụ Tú Mỡ
(by Doãn Quốc Sĩ)
Doãn Quốc Sĩ
Hôm nay tôi xin được kể một vài điều mà tôi con nhớ về cụ nhạc phụ Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu.
Nhà thơ trào phúng Tú Mỡ- Hồ Trọng Hiếu là thân phụ của bà nhà tôi – Hồ Thị Thảo. Cụ Tú Mỡ có 8 người con, mà cụ đã kể ra trong hai câu thơ:
Năm trai ba gái tám tên
Trung, Hiền, Thảo, Dũng, Hùng, Chuyên, Vĩ, Cường.
Bà nhà tôi là con gái thứ ba trong thứ tự này.
Nhà cụ Tú Mỡ ở ngoại thành Hà Nội, thuộc làng Láng, nằm trên con đường Láng, chạy dọc theo con sông Tô Lịch, rất gần địa danh lịch sử Cầu Giấy. Làng Láng có đặc sản được nhiều người biết đến là rau húng Láng thơm đặc biệt. Về danh lam thắng cảnh thì có Chùa Láng, một trong những ngôi chùa cổ rất nổi tiếng của Hà Nội. Còn nhà của tôi thì thuộc làng Cót, cách nhà cụ Tú Mỡ chừng hơn một cây số, dọc theo con sông Tô Lịch.
Tôi và bà nhà tôi quen nhau qua sự mai mối của cô em ruột của tôi là Doãn thị Chừng. Trong ngày cưới, tôi còn nhớ khi mình đứng trước bàn thờ chuẩn bị làm lễ gia tiên, cụ Tú Mỡ tiến đến gần tôi hỏi khẽ: “Có biết lễ không?…” Thì ra, cụ vẫn nghi ngờ là những thanh niên theo Tây học như tôi thời bấy giờ chắc là không biết lễ bái theo đúng truyền thống. Tôi trả lời là: “Dạ thưa có ạ!” Thế là cụ đứng sang một góc, kín đáo nhìn tôi lễ trước bàn thờ, thấy tôi lễ bộ, lên gối xuống gối đàng hoàng, cụ mới yên tâm sau đó.
Cụ Tú Mỡ là nhà thơ trào phúng nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam trong Tự Lực Văn Đoàn. Một trong những bài thơ của cụ mang tính chất ngụ ngôn mà tôi rất thích, đó là bài Tú Mỡ Đi Xe Bình Bịch như sau:
Tú rửng mỡ cưỡi xe bình bịch
Máy nổ vang xình xịch chạy như bay
Bóp còi toe như quát tháo dương vây
Khách đường cái vội giãn ngay tăm tắp
Tú nhớ thuở còn đi xe đạp
Một thứ xe chậm chạp hiền lành
Trên đường đông dù chuông bấm liên thanh
Khách đủng đỉnh làm thinh không chịu tránh
Ồ ngán nhỉ ở trên cõi tục
Con người ta bất độc bất anh hùng
Một trong những bài thơ không có tính chất trào phúng nhưng nổi tiếng vào bậc nhất của cụ Tú Mỡ là bài Khóc Người Vợ Hiền, viết để tiễn đưa bà Tú Mỡ về nơi cõi vĩnh hằng. Có đoạn cuối mà tôi rất thích, và tôi cũng đã đọc lên trong ngày tiễn linh cửu bà nhà tôi về cõi Phật cách đây hai năm:
Bà đi rồi nhưng tôi phải ở,
Công việc đời còn dở chút thôi,
Bao giờ nhiệm vụ xong xuôi,
Về nơi cực lạc, lại tôi với bà…
Có một chi tiết mọi người ít biết đến, đó là cụ Tú Mỡ không hề vào đảng Cộng Sản Việt Nam. Nghe nói là vì cụ cho rằng vào đảng thì không còn làm thơ châm biếm được nữa. Cụ có làm một bài thơ nói về việc này như sau:
Đồng chí chết cũng ra ma,
Quần chúng chết cũng đưa ra ngoài đồng.
Miễn là làm việc gắng công,
Vì dân, vì nước một lòng trung kiên.
Cứ gì có thẻ Đảng viên,
Kè kè giắt túi mới nên con người
Không biết có phải vì thế mà mãi cho đến ngày hôm nay, Hà Nội vẫn chưa có con đường nào mang tên Tú Mỡ. Con cháu của cụ ở HÀ Nội thì cho rằng cũng có thể tại gia đình không có ai “chạy chọt, lo lót” chính quyền về chuyện này. May sao, ở trong Sài Gòn, cách đây chừng 10 năm có một con đường nhỏ được mang tên Hồ Trọng Hiếu, nằm ở Ngã Ba Cây Thị, Quận Gò Vấp. Ngay tại ngã ba này có căn nhà của người em ruột của cụ Tú Mỡ là cụ Hồ Trọng Phú, mà tôi và bà nhà vẫn gọi là chú Tư Phú, người cũng di cư vào Nam đợt 1954 giống như gia đình tôi. Hy vọng sự sắp đặt cho dù là tình cờ này cũng an ủi phần nào cho con cháu của cụ Tú Mỡ, một nhà thơ trào phúng độc đáo của nền văn học Việt Nam.
Doãn Quốc Sĩ
*
Một bài thơ khác đáng được lưu ý
(by Trần Văn Giang)
Ông Cụ thân sinh của tôi, không phải là một thi sĩ, lúc sinh thời đã nhớ nằm lòng một bài thơ mà cụ vẫn quả quyết với tôi rằng tác giả bài thơ này phải là của Tú Mỡ. Đây là một bài thơ trào phúng và rất độc đáo, vì được viết theo thể liên hoàn (2 chữ cuối câu trước được nói lái và dùng cho 2 chữ bắt đầu của câu sau?!) Thú thật, cho đến bây giờ (2020), tôi chưa hề thấy một bài thơ trào phúng nào viết theo thể tương tự như vậy (?) – Hay là tôi không biết!
Chỉ vì bài thơ độc đáo và ngắn, tôi mặc dù chỉ nghe ông Cụ tôi đọc một vài lần mà tôi vẫn còn nhớ mặc dầu trí nhớ của tôi đã bắt đầu có vấn đề ở tuổi thất thập.
Tôi tạm đặt tên bài thơ là “Đợi Chờ” như sau:
Đợi Chờ
Trót hứa nên em phải đợi chờ
Chợ đời em hỡi đã buồn chưa?
Chừa buôn chừa bán chừa ân ái
Ai ấn mà em đã vội chừa…
Ngoài ra, cần nói thêm, tôi đã đọc hết từng bài một trong cả 3 tập thơ của Thi sĩ Tú Mỡ (Tập I, Tập II, và Tập III) nhưng tôi không tìm thấy có bài thơ này ở đâu cả!!! Hay là ông Cụ tôi nhớ lầm?!
Trần Văn Giang (ghi lại)
Giòng Nước Ngược – Tú Mỡ