Giáp mặt sát thủ giết trùm xã hội đen Dung Hà

j

Thiếu tá Nguyễn Đại Sơn (đi giữa) và trung tá Đặng Văn Chính (bìa phải) dẫn giải sát thủ Nguyễn Việt Hưng. Ảnh tư liệu của công an.

Nguyễn Việt Hưng (Hưng “Mi Nhon”) là hung thủ trực tiếp bắn chết Vũ Hoàng Dung (Dung “Hà”, đối trọng của Năm Cam trước đây). Sau khi gây án, Hưng mang theo khẩu rulô bỏ trốn. Cuối năm 2001, vụ án Năm Cam nổ ra.

Hiện cả nước có 17.000 người có lệnh truy nã còn lẩn trốn, trong đó có 4.000 trường hợp nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Từ lời khai của Nguyễn Tuấn Hải (Hải “Bánh”), ban chuyên án xác định Nguyễn Việt Hưng là mắt xích quan trọng nhất của vụ án. Bắt được Hưng thì nút thắt sẽ được tháo gỡ, đồng nghĩa với việc chứng minh vai trò chủ mưu của Năm Cam sẽ trở nên dễ dàng hơn. Lệnh truy nã đặc biệt (truy nã đỏ) Nguyễn Việt Hưng được phát trên toàn quốc.

Các mũi trinh sát được tung đi khắp nơi, nhưng thông tin về Hưng ngày càng mờ mịt. Do biết “đại ca” Hải “Bánh” (bị bắt) và “chiến hữu” Nguyễn Xuân Trường (đầu thú) khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, Hưng như con thú cùng đường tìm cách lẩn trốn sự truy đuổi gắt gao của công an.

Giữa lúc tình hình đang “dầu sôi lửa bỏng”, ban chuyên án nhận tin, tại bãi vàng Khe Tăng, huyện miền núi Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) xuất hiện một nhân vật tên Hùng “Trọc” có đặc điểm nhận dạng khá giống Nguyễn Việt Hưng. Tên này nghiện nặng và có dấu hiệu chuẩn bị rời khỏi bãi vàng. Ban chuyên án xác định đây chính là sát thủ Nguyễn Việt Hưng.

Nhiệm vụ truy bắt Nguyễn Việt Hưng được giao thiếu tá Nguyễn Đại Sơn và trung tá Đặng Văn Chính, điều tra viên Cục Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C16). Thiếu tá Sơn còn có lợi thế 20 năm công tác tại Công an Quảng Nam nên rất thông thạo địa bàn và có mối quan hệ sâu rộng với cơ sở.

Đích thân trung tướng Nguyễn Việt Thành (trưởng ban chuyên án) trực tiếp triển khai kế hoạch và truyền đạt mệnh lệnh của thượng tướng Lê Thế Tiệm (thứ trưởng Bộ Công an): “Bằng mọi giá phải bắt bằng được Hưng nhưng phải bảo đảm chính xác, an toàn và tuyệt đối bí mật”.

Vào “hang cọp”

Chuyến đi của hai điều tra viên được giữ bí mật tuyệt đối, kể cả đồng đội và người thân. Sau bữa cơm chiều vội vã với gia đình, hai điều tra viên ra sân bay Tân Sơn Nhất để kịp chuyến bay đi Đà Nẵng. 19h ngày 29/1/2002, họ đáp xuống sân bay Đà Nẵng, một chiếc xe du lịch chờ sẵn đón hai người lao nhanh về hướng thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam).

Trên xe, ngoài tài xế còn có thiếu tá Nguyễn Hữu Lài, cán bộ PC14 Công an Đà Nẵng, được ban chuyên án tăng cường hỗ trợ tổ công tác. 6h, các anh đến thị trấn Phước Sơn. Các anh vào chợ mua balô, giày vải, nước uống, lương khô…, cải trang thành ba người đi bán kíp mìn để thâm nhập bãi vàng. 8h, trời lác đác mưa, tổ công tác men theo con đường mòn của dân đãi vàng mà đi.

Tại cửa rừng, các anh gặp một “chốt” kiểm tra chặn lại. Một người giơ cao chiếc gậy trước mặt thiếu tá Sơn: “Tụi bay đi đâu?”. Thiếu tá Sơn hạ giọng: “Tụi em lên bãi vàng”. “Mỗi thằng một trăm nghìn”. Sơn ngơ ngác hỏi: “Tiền gì?” thì được trả lời: “Tiền đường chứ tiền gì”. Sơn móc túi 300.000 đồng bỏ vào chiếc mũ để sẵn (từ cửa rừng lên bãi vàng các anh còn phải nộp “tiền đường” đến tám lần).

Mờ sáng hôm sau (31/1/2002), tổ công tác tiếp tục lên đường. 4h ngày 1/2/2002, tổ công tác đặt chân đến chân núi Khe Tăng. Xác định vị trí lán “tướng” (cai vàng), Sơn ép mình bò sát vào. Qua khe cửa, anh nhìn thấy hơn chục người đang ngủ say. Sơn gõ nhẹ lên cánh cửa liếp. Một giọng nói bực tức vọng ra: “Cái gì đấy?”.

Sơn nhỏ nhẹ: “Anh ơi, chúng em có mấy trăm kíp mìn muốn bán rẻ để có tiền về quê ăn tết”. Một gã đàn ông ló mặt ra cửa nhìn Sơn chằm chằm. Sơn nhận ra đó chính là Hát (“phó tướng” khét tiếng ở bãi vàng). Hát hất hàm: “Bao nhiêu một kíp?”. Sơn đáp: “Dạ bốn nghìn” (giá mua tại bãi vàng là năm nghìn đồng). Hát quát lớn: “Cút cho tao ngủ”, rồi đóng sập cửa.

Trời chuyển dần về sáng. Sơn hội ý nhanh với đồng đội rồi quay lại lán. Lần này anh đập thật mạnh lên tấm cửa liếp. Tên Hát tức giận vùng dậy thò đầu ra định “tung chưởng” vào kẻ dám phá giấc ngủ của y, nhưng thiếu tá Sơn đã nhanh tay chụp lấy cổ áo, đồng thời thọc họng súng K54 vào bụng: “Hát, mở cửa. Chúng tao đi bắt tội phạm nguy hiểm. Nếu chống cự tao bắn”.

Hát run rẩy: “Các anh đừng bắn, để em mở cửa”. Cánh cửa vừa bật ra, các điều tra viên ào vào giở mặt từng tên một nhưng không thấy Hưng. Sơn đưa hình Nguyễn Việt Hưng cho từng người nhận dạng. Hát cho biết người trong hình hao hao giống tên Hùng “Trọc”, mới lên cách đây hai tuần. “Thằng này rất hung dữ. Nó mới vào bãi mấy hôm mà đã thành “tướng” rồi, tụi em không quản nổi”, Hát nói.

Thiếu tá Sơn khống chế buộc Hát dẫn đường đi tìm Hùng “Trọc”. Đến lán quân, tổ công tác mất gần 15 phút tìm kiếm nhưng bóng dáng Hưng vẫn bặt tăm. Các anh ra hiệu cho Hát dẫn lên lán khác. Đến lán thứ ba, tổ công tác phát hiện bên trong có khoảng 20 người đang trùm chăn ngủ. Sơn nhẹ nhàng lách người vào trong. Anh giở mặt từng người một kiểm tra. Người thứ nhất, thứ hai không phải Hưng.

Đến người thứ ba, Sơn dừng lại vài giây. Gã thanh niên này trông giống Hưng. Để chắc ăn, anh lật áo lên xem. Trên ngực gã thanh niên hiện ra con đại bàng đang sải cánh, bên cánh tay trái xăm hình con rồng, tay phải xăm mũi tên xuyên qua quả tim, hai bắp đùi là hai con hổ, mười ngón chân là mười con bò cạp. Đây là sát thủ Nguyễn Việt Hưng.

Sơn móc còng số tám bập vào hai tay gã thanh niên. Tên này tỉnh giấc vùng dậy như con hổ, la lớn: “Cháu có tội gì mà bắt cháu”. Sơn quát lớn: “Có phải mày là Nguyễn Việt Hưng không?”. Gã thanh niên ngoan cố: “Không phải, cháu là Hùng”. Sơn móc tiếp chiếc còng thứ hai bập vào hai chân Hưng đề phòng y bỏ chạy. Sau vài động tác nghiệp vụ, gã thanh niên cúi đầu thừa nhận là sát thủ Nguyễn Việt Hưng. Mọi người thở phào nhẹ nhõm.

Lúc này đồng hồ chỉ 5h35 ngày 1/2/2002. Tổ công tác đưa Nguyễn Việt Hưng rút nhanh ra khỏi bãi vàng nhằm tránh những tình huống bất trắc có thể xảy ra. Trên đường đi, hai lần Hưng lên cơn nghiện sùi bọt mép.

Chiều 3/2, tổ công tác quay ra Đà Nẵng đón chuyến bay đi TP HCM. Xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chiếc xe đặc chủng của cảnh sát chở Hưng lao nhanh về trại giam Bộ Công an. Tại “tổng hành dinh” ban chuyên án, tướng Nguyễn Việt Thành nở nụ cười tươi khi thấy bóng dáng hai sĩ quan lành lặn trở về.

Chiều 4/1/2002, sau một đêm được dẫn giải về trại giam Bộ Công an, Nguyễn Việt Hưng được gọi lên lấy lời khai. Từ đây, cơ quan điều tra đã củng cố hồ sơ và làm rõ vai trò chủ mưu của Năm Cam trong vụ giết Dung “Hà”.
Ngày 3/6/2004, tại trường bắn quận 9 (TP HCM), Nguyễn Việt Hưng cùng đồng bọn đã phải đền tội trước những gì mà chúng đã gây ra.

(Theo Tuổi Trẻ)

Rate this post