Giáo sư Toán học Lê Anh Vinh: Tôi dạy trẻ phải tự học
GS Lê Anh Vinh đọc sách cùng các con tại phố sách Hà Nội – Ảnh: NVCC
Cuộc phiêu lưu của Jenny ở Vương quốc Ham Chơi và bộ 4 tập Giải đố giải ngố (NXB Kim Đồng) của GS Lê Anh Vinh là một trong những bộ sách nổi bật được giới thiệu tới các bạn đọc nhỏ tuổi trong mùa hè này.
Bên cạnh những câu chuyện thú vị, những trang sách còn lồng ghép nhiều kiến thức toán học bổ ích.
Anh trò chuyện với Tuổi Trẻ: “Các thầy cô khi dạy toán thường quy về các dạng toán để giúp học sinh giải nhanh. Nhưng quan trọng không phải kỹ năng giải toán mà là khả năng tư duy, khả năng suy nghĩ logic của trẻ, là phải giúp đứa bé yêu thích việc học, thấy việc học có ý nghĩa với mình trong cuộc sống.
Cuốn sách của tôi không có mục đích gì khác là buộc trẻ phải suy nghĩ, rèn cho trẻ thói quen suy nghĩ và tư duy logic”.
Nhìn lại ý nghĩa của việc học toán
* Anh đã viết các cuốn sách này như thế nào?
– Đầu tiên là vì hồi bé tôi rất thích đọc sách, và cuốn sách yêu thích của tôi là cuốn Thuyền trưởng đơn vị của một nhà toán học người Nga (bản in của NXB Cầu Vồng và NXB Kim Đồng).
Bộ truyện kể về cậu bé số 0 thích phiêu lưu, mạo hiểm. Một ngày cậu nhìn thấy tờ quảng cáo về chuyến hải trình khám phá của bác thuyền trưởng đơn vị, cậu đã gọi điện cho bác để xin đi theo. Điều thú vị là mỗi điểm đến của chuyến đi đều gắn với một chủ đề toán học thú vị.
Tôi đọc khi học đầu cấp 1 và học được nhiều điều thú vị. Tôi rất thích và luôn tự hỏi tại sao lại có cuốn sách hay như vậy, có thể giúp trẻ con yêu thích học toán như thế? Sau này có con, các con tôi thích nghe kể chuyện, tôi kể chuyện cho con nghe mỗi tối.
Ban đầu thì đọc truyện cho con, nhưng rồi bọn trẻ không thích nghe đọc truyện nữa, đòi bố phải kể chuyện. Vậy là tôi bắt đầu biến các con tôi thành các cô bé lạc vào “Vương quốc Ham Chơi” với nhiều điều kỳ lạ.
Ở vương quốc này, không ai phải đi học, không có nhà trường, thư viện hay tủ sách, người dân trở nên ngốc nghếch và thiếu logic (nhưng vẫn rất dễ thương). Các cô bé chỉ cần sử dụng những kiến thức toán học ít ỏi mình học được ở trường cũng có thể giải quyết được một số vấn đề đau đầu ở đây khá dễ dàng.
Tôi kể các câu chuyện để các con nhận ra rằng đi học có thể giúp ích rất nhiều trong cuộc sống. Thấy bọn trẻ rất hào hứng nên tôi nghĩ đến việc phải viết lại cho những bạn nhỏ khác được đọc.
* Anh thấy trẻ con bây giờ học toán có khác cách thế hệ của anh không?
– Trẻ con bây giờ rất giỏi, làm toán rất nhanh, hơn chúng tôi ngày xưa nhiều. Nhưng tôi từng hỏi các em học sinh tiểu học rằng các con học toán thì thích nhất bài toán nào? Ít bạn trả lời được lắm. Vậy là các bạn không cảm thấy yêu thích, dù trong đó có những bạn học rất giỏi.
Nhưng có một bạn học sinh lớp 3 đã trả lời rằng con thích nhất bài toán trung bình cộng vì nó giúp con biết con đang ở đâu so với các bạn, biết bạn nào thiệt thòi hơn để giúp đỡ, chia sẻ với bạn. Nghe câu trả lời ấy sẽ khiến những người thầy, người cô phải suy nghĩ.
Khi chúng ta dạy trẻ con, chúng ta có nói với trẻ ý nghĩa của phép chia là chia sẻ chứ không chỉ là chia phần hay không? Hay nó đơn giản chỉ là một phép tính? Trẻ con có thể thực hiện phép chia rất nhanh, nhưng điều đó có quan trọng hay không?
Khi một đứa trẻ hiểu rằng phép chia không phải là chia phần, hay chỉ đơn giản là một phép tính, mà nó còn có ý nghĩa là sự chia sẻ, thì đấy mới là ý nghĩa của việc học toán.
Đối với tôi, việc trả lời câu hỏi “tại sao” quan trọng hơn câu hỏi “cái gì” hay “như thế nào”. Nếu không hiểu tại sao và ý nghĩa của việc mình làm thì khó có thể đi được đến tận cùng lắm.
Nuôi dưỡng trẻ bằng truyện cổ tích
* Vậy cha mẹ phải giúp con học tập như thế nào?
– Tôi nhớ một lần đến chơi nhà một người quen. Ăn cơm xong, người mẹ liền vào phòng ngồi học cùng con, được một lúc thì mẹ như bốc hỏa, con thì nước mắt đầm đìa. Tôi rất ngạc nhiên về cách giáo dục ấy. Thế hệ chúng tôi không ai “được” hay “bị” bố mẹ ngồi kèm cặp học bài như vậy.
Thế hệ ngày nay thì cha mẹ kèm cặp nhiều quá. Bố mẹ bắt con làm quá nhiều thứ trong khi thời gian có hạn thôi. Phải để con từ từ khám phá, trải nghiệm dần dần. Hãy để trẻ tự học, làm sao để con kiên trì học tập chứ không phải là ngồi học cùng con.
Ở nhà tôi, cái duy nhất tôi dạy trẻ con là phải tự học, không bao giờ yêu cầu con làm cái này đi, học cái này đi. Quan điểm của tôi đối với trẻ con là phải tự giác. Con tôi phải tự đặt chuông đồng hồ tự dậy buổi sáng, tự xuống nhà ăn sáng rồi đi học.
* Còn việc đọc sách cùng con thì sao?
– Đọc sách cùng con đặc biệt quan trọng ở giai đoạn đầu đời của trẻ, và nên đọc truyện cổ tích vì cổ tích có tính nhân văn rất cao, có giá trị trường tồn qua bao thế hệ. Tôi tin rằng đứa bé được nuôi dưỡng bằng những truyện cổ tích thì khi lớn lên trẻ sẽ thành người tốt.
Nhiều khi mình nói với con rằng con không được làm việc này, không được làm việc kia không có tác dụng, nhưng lại có thể dạy con những bài học cuộc sống qua truyện cổ tích.
Bộ sách của GS Lê Anh Vinh dành cho các bạn nhỏ – Ảnh: T.Đ
GS Lê Anh Vinh cho biết, với Cuộc phiêu lưu của Jenny ở Vương quốc Ham Chơi, anh may mắn gặp được Lê Thắm – một đạo diễn phim hoạt hình yêu thích viết lách đã chấp bút cho những truyện kể của anh – và họa sĩ minh họa Đốm Đốm, những người bạn đồng hành với trái tim rộng mở đã giúp những câu chuyện trở nên bay bổng và hấp dẫn hơn phiên bản “chuyện kể” rất nhiều.
Còn bộ Giải đố giải ngố anh làm cùng học trò Vũ Văn Luân (Lê Thắm kể lại, Mai Anh minh họa), tiếp tục mạch bộ Học toán qua truyện cổ tích anh từng viết trước đây.
Bộ sách kể lại những truyện ngụ ngôn một cách ngắn gọn, nhẹ nhàng, lồng vào đó những bài toán đố, phủ hết các nội dung toán dành cho học sinh đầu cấp tiểu học.
Ghi dấu yêu thương bằng những điều giản dị