GS.TS.TTND Trần Duy Anh: “Nhiệm vụ của KTS là tạo ra những không gian an toàn, hiệu quả, bền vững…” – Tạp chí Kiến Trúc

Hình dáng bên ngoài của Bệnh viện (BV) có ý nghĩa quan trọng đối với bố cục chung. Nếu có một kiến trúc BV tối ưu về công năng và có tính thẩm mỹ cao sẽ làm cho nhân viên cảm thấy sảng khoái, hãnh diện, tự hào khi được làm việc ở đó. Họ sẽ trách nhiệm và gắn bó với BV, làm việc với hiệu quả chất lượng cao hơn và ít sai sót hơn.

Đặc điểm văn hóa dân tộc cần được phản ánh trong môi trường kiến trúc của BV. Nó là sức mạnh vô hình rất quan trọng cho cả bệnh nhân và nhân viên. Việt Nam có nền văn hóa lúa nước, đình chùa, làng xóm gia đình gắn kết khá chặt chẽ. Ví dụ: Khi có người bị ốm là cả gia đình có thể ở cùng người thân trong BV, hay người nông dân rất thích mầu trầm của chùa, màu xanh của cây lúa… Không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu kiến trúc tòa nhà phù hợp với nền văn hóa Á Đông, nhưng cố gắng đảm bảo tối đa sự hài hòa theo văn hóa truyền thống này.

Kiến trúc phải có tính thẩm mỹ cao và độc đáo mang tính riêng biệt. Đáp ứng với các chức năng nhiệm vụ của BV, truyền thống bề dày xây dựng và phát triển của BV. Chú ý đến điều kiện khí hậu tạo ra không gian giao tiếp, tâm lý, đạo đức, thể hiện thông qua hình thức, ánh sáng, kết cấu, vật liệu và màu sắc – kết hợp để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và văn hóa. Tạo ra những không gian an toàn, hiệu quả, bền vững và đáp ứng nhu cầu chuyên môn cao và kinh phí tối thiểu.

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ chăm sóc sức khỏe, thiết kế BV hiện nay phải đối mặt với rất nhiều loại trang thiết bị máy móc hiện đại, diện tích xây dựng cần có chỗ đủ cho việc tích hợp những máy móc cần thiết. Nói cách khác, thiết kế BV hiện đại đòi hỏi một tòa nhà có đủ mặt bằng cần thiết tương ứng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ mới. Ngoài ra cần chú ý, BV hiện đại phải liên tục sẵn sàng để phát triển, biến hình và tiếp nhận những chức năng bổ sung mới.

Nhất thiết phải nghiên cứu kỹ “Nhiệm vụ thiết kế” của chủ đầu tư, nó cần được viết rất đầy đủ, chi tiết, logic, không có chi tiết phủ nhận nhau. Càng chi tiết, càng khoa học thì càng dễ thiết kế và bố trí mặt bằng. Cố gắng phân khu chức năng hài hòa với giao thông nội bộ. Tận dụng thiết kế kiểu modul để tạo sự thống nhất và thuận tiện cho khám chữa bệnh.

Xu hướng hiện nay là tạo ra các môi trường chữa bệnh thoải mái thư giãn, đồng thời đảm bảo cho công năng vận hành hợp lý. Tất cả các yếu tố trên phải kết hợp hài hòa trong tổng thể thống nhất. Giống như các cơ quan trong cơ thể nằm rất sát nhau, không có khoảng trống thừa, nhưng đủ không gian cho các chức năng sinh lý hoạt động hài hòa đồng bộ với nhau, và cả khi bệnh lý (có khối u) thì vẫn đủ chỗ nhất định cho nó phát triển và các chức năng của các cơ quan khác hoạt động bình thường.

Thanh Hương (ghi)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2020)

 

Rate this post