GS.TS.NGND Lê Văn Lân – nhà giáo, nhà thơ và nhà khoa học
Nguyễn Hương Ngọc
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN
https://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Trong số các thầy cô giáo giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Văn Lân là một trường hợp khá độc đáo. Ông không chỉ là một người thầy, một nhà khoa học, mà còn là một nhà thơ tài hoa. Ngoài cái tên Lê Văn Lân thường được khai trong lý lịch chính thống, ông còn mang bút danh Mã Giang Lân, cái tên gắn với một vùng đất nên thơ oanh liệt một thời của xứ Thanh: chả là quê ông nằm ngay cạnh Nam Ngạn, Hàm Rồng, cây cầu đã từng đi vào lịch sử nước ta thời chống Mỹ…
Một người thầy hết lòng vì sự nghiệp giáo dục
Thầy Lê Văn Lân gắn bó với Khoa Văn học hơn bốn mươi năm và từng giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại trong một thời gian dài. Nay dù đã ở ngoài tuổi “cổ lai hi”, thầy vẫn lên lớp truyền lại cho các thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh những chân trời tri thức tổng hợp và sâu sắc, với một dáng vẻ trầm tĩnh, nhẹ nhàng và tác phong làm việc vừa nghiêm túc, vừa cởi mở.
Những bài giảng với hàm lượng tri thức vừa phong phú, vừa chuyên sâu của thầy đã tiếp thêm niềm say mê văn học Việt Nam, đặc biệt là thơ ca hiện đại cho sinh viên các thế hệ. Thầy đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của các phương pháp, thao tác khoa học trong nghiên cứu văn học, nghiên cứu thi ca. Bài giảng của thầy chủ yếu hướng tới việc định hướng cho người học một tư duy khoa học trong việc nghiên cứu các hiện tượng văn chương khác nhau. Cách giảng bài của thầy không hào sảng mà nhẹ nhàng như những lời tâm sự, sẻ chia với học trò khiến những kiến thức hàn lâm, uyên bác, vừa phổ quát lại vừa chi tiết, cụ thể dễ dàng đi sâu vào tâm trí sinh viên. Trên lớp, thầy thường xuyên gợi mở nhiều câu hỏi khó đòi hỏi tư duy sâu và khả năng khái quát cao. Trong quá trình giải đáp các câu hỏi đã đặt ra ấy, thầy không bao giờ áp đặt cho học với một lời giải thích duy nhất mà thường dùng cách trả lời mang ý nghĩa như một sự “gợi ý”. Từ đó, thầy khuyến khích học trò phải biết làm việc độc lập, sáng tạo dựa trên sự kế thừa những thành quả của người đi trước. Có như vậy, kết quả của việc nghiên cứu mới sâu sắc và có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Đồng thời, quá trình người học tự tìm tòi, rèn luyện ấy chính là lúc họ sẽ tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm nhất. Đó là tác phong làm việc vô cùng cần thiết và quan trọng của một người học và xa hơn là của một người nghiên cứu mà một người thầy có tầm nhìn xa trông rộng đã truyền lại cho học trò của mình.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Lê Văn Lân
Trong giảng dạy, GS.NGND Lê Văn Lân luôn là người biết kết hợp những kiến thức mang tầm khái quát về thực tiễn văn học với các tri thức lí luận trong nghiên cứu, khiến bài giảng của thầy dễ dàng thu hút và luôn mang lại hiệu quả cao với các thế hệ sinh viên. Trong quá trình giảng dạy, thầy còn có tầm nhìn xa khi đào tạo lớp học trò kế cận. Có lẽ nhờ sự dẫn dắt đó mà nhiều học trò từng được thầy chỉ bảo đã đạt được những thành công đáng kể trên con đường sự nghiệp. Không ít người trong số họ hiện đang giữ các cương vị cao trong các nhà xuất bản, cơ quan báo chí truyền thông hay các trường đại học, viện nghiên cứu. Nhờ thành tích đó mà năm 2010, thầy đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, danh hiệu cao quý nhất dành cho những người dạy học.
Một nhà khoa học nghiên cứu không ngừng nghỉ
Sự gắn bó của GS.NGND Lê Văn Lân với văn học không chỉ thể hiện trong tư cách một nhà giáo mà còn được bộc lộ sâu sắc và bền bỉ trong tư cách một nhà khoa học. Thực ra, với thầy, việc giảng dạy và nghiên cứu tuy hai mà một. Làm khoa học là một cách vừa để khái quát hóa, tổng hợp và nâng cao thông tin, kiến thức, song vừa để phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Đồng thời, việc dạy học cũng chính là quá trình cụ thể hóa những vấn đề đã được thầy dành nhiều thời gian và tâm sức nghiên cứu.
Trong hơn bốn mươi năm làm việc của mình, GS.NGND Lê Văn Lân đã công bố hàng chục công trình khoa học bao gồm sách chuyên luận, giáo trình, bài báo, tạp chí, và kỷ yếu khoa học. Tất cả các công trình đó là kết quả của quá trình tìm hiểu lâu dài các vấn đề liên quan đến văn học Việt Nam hiện đại mà trọng tâm nghiên cứu là thơ ca. Ngay cả khi đã bước vào tuổi thất thập, lứa tuổi “xưa nay hiếm”, song thầy vẫn không ngừng lao động, tìm tòi và sáng tạo để có những phát hiện thể hiện trình độ tư duy sâu sắc, nhạy bén cùng phương pháp làm việc có hệ thống, mạch lạc. Trong các vấn đề nghiên cứu rộng lớn của văn học, GS.NGND Lê Văn Lân đặc biệt quan tâm đến sự hình thành, vận động, phát triển, những xu thế, đề tài, kĩ thuật viết, phong cách sáng tác thơ ca như một bộ phận quan trọng bậc nhất của tổng thể văn học Việt Nam. Các công trình của thầy, khởi đầu chỉ là những khảo sát được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân, nhưng về sau đã sâu sắc hơn rất nhiều nhờ việc ứng dụng các lý thuyết, trường phái thơ ca phương Tây vào thực tiễn thơ ca dân tộc. Có thể nêu ra đây một vài ví dụ để thấy được tầm kiến văn rộng lớn, ngòi bút sâu sắc và tư duy linh hoạt của GS.NGND Lê Văn Lân trong lĩnh vực này. Trong các giáo trình như Văn học Việt Nam 1945 – 1954 (1990), Văn học Việt Nam 1954 – 1964 (viết chung) (1990), Tìm hiểu thơ (1997), Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam (2000), văn học Việt Nam hiện đại đã được nhìn nhận dưới điểm nhìn có tính lịch đại khái quát và hệ thống. Điều đó cho thấy tác giả là người có sự am hiểu rất rộng và sâu nền văn học các giai đoạn đó nói riêng và tổng thể nền văn học nói chung. Công trình Thơ – Hình thành và tiếp nhận xuất bản gần đây hơn lại cho thấy khả năng đi sâu tìm hiểu quá trình hình thành tác phẩm dựa trên phương diện tâm lý học sáng tạo thể loại, với tầm kiến văn sâu rộng của một nhà khoa học nghiêm túc. Với công trình Những cuộc tranh luận văn học nửa đầu thế kỉ XX, từ sự thống kê, khái quát nội dung của các cuộc tranh luận văn học những năm đầu thế kỉ XX, thầy đã đưa ra những phân tích, đánh giá khách quan, sâu sắc của cá nhân mình. Công trình không chỉ thể hiện được tầm hiểu biết rộng mà còn cho thấy một ngòi bút đủ ở độ chín có khả năng đi sâu khai phá những vấn đề phức tạp, từng gây tranh cãi trong lịch sử văn học. Còn trong Những cấu trúc của thơ, thầy lại hướng tới tìm hiểu một số cấu trúc của thơ (gồm cả cấu trúc tổng thể và cấu trúc bộ phận) và qua đó đặt lại một số vấn đề có tính cốt lõi về thơ như: khái niệm thơ, bài thơ, câu thơ, ngôn ngữ thơ, nhịp điệu thơ; từ đó chỉ ra mối quan hệ giữa câu thơ và dòng thơ, giữa câu thơ và lời thơ. Hầu hết các vấn đề của chuyên luận đã được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Sau khi thành sách, các tạp chí như Thơ, Hồn Việt đã trích in lại nhiều phần của chuyên luận. Từng có thời gian dài làm công tác tư liệu trước khi chuyển sang giảng dạy, GS-NGND Lê Văn Lân rất quan tâm đến tính xác thực, tỉ mỉ trong quá trình khảo cứu. Cũng chính vì thế mà có những công trình viết về văn học trước năm 1945 song thầy đã sử dụng những tư liệu văn học rất mới, hiện đại mà ở thời điểm thầy viết chưa từng có ai nhắc đến…
Đọc các công trình của GS.NGND Lê Văn Lân, độc giả có thể nhận thấy ở đó một năng lực thẩm bình thơ văn tinh tế, nhạy cảm cùng tư duy lý luận mạch lạc, rõ ràng và phổ quát. Thầy đề cao sự tự tìm tòi trong nghiên cứu, không chấp nhận những lối đi sáo mòn, dễ dãi, hay những cách hiểu mơ hồ hoặc áp đặt khiên cưỡng lên các hiện tượng văn chương, hướng tới giải mã chúng dưới một góc nhìn khách quan, khoa học cùng với một tâm hồn cảm thơ văn đặc biệt đặc biệt nhạy bén. Những nền tảng tri thức mà thầy đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu ấy đã đem đến cho lớp lớp thế hệ học trò một ý thức học tập nghiêm túc, khoa học và luôn giữ niềm tin, niềm yêu thích với văn chương.
Thầy là Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (1986-2010).
Một tâm hồn thơ bền bỉ với thời gian
Ngoài tư cách là một nhà giáo tận tụy, một nhà khoa học chuyên tâm, giáo sư Lê Văn Lân còn được biết đến như một tên tuổi của nền thơ ca Việt Nam đương đại. Bút danh Mã Giang Lân mà thầy sử dụng gắn bó chặt chẽ với miền quê sông Mã của thầy. Chặng đường sáng tác thơ của thầy cũng dài và bền bỉ như con đường nghiên cứu khoa học. Thầy đã xuất bản 6 tập thơ: Bình minh và tiếng súng (1975), Hoa và dòng sông (1979), Một tình yêu như thế (1990), Những mảnh vỡ tiềm thức (2009), Về một cây cầu (2010), Những lớp sóng ngôn từ (2013). Nhìn vào sự nghiệp ấy, có thể thấy con đường sáng tạo của thầy có sự ngắt đoạn nhưng ngòi bút thơ, cảm xúc tâm hồn trong đó thì gần như chưa bao giờ ngừng nghỉ.
Những tập thơ thời kỳ đầu của Mã Giang Lân mang đậm không khí và tinh thần thời đại của một thế hệ thanh niên đầy nhiệt huyết, khí thế và khát vọng cống hiến với đất nước. Hồn thơ lúc này chân thành ánh lên một tình quê chân chất, giản dị, mà hình ảnh dòng sông quê hương và cầu Hàm Rồng đã trở thành hai hiểu tượng nghệ thuật có giá trị xuyên suốt. Chính điều đó đã đem đến cho thầy giải ba cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969. Trong các tập thơ sáng tác ở những thời điểm sau này, thầy vẫn giữ được sự chân thật vốn có song đã hàm chứa một sự thay đổi trong tư duy nghệ thuật, ấy là một tư duy ngày càng hiện đại hơn, nghiêng về trừu tượng, khái quát hóa hơn. Trong hành trình thơ của mình, nhà thơ Mã Giang Lân đã làm mới những thể thơ truyền thống thông qua việc tạo ra một cách viết thơ lục bát mới. Đó là cách gieo vần tại chữ thứ sáu của câu tám song điều đặc biệt là chữ thứ sáu đó thuộc về một cụm từ láy. Để gieo vần được như thế đòi hỏi người sáng tác phải có một vốn ngôn từ tiếng Việt phong phú, tư duy nhạy bén.
Cùng với đó thầy tiến tới thể nghiệm mình với thơ văn xuôi, một loại thơ không dễ viết và cũng không dễ đọc, dễ hiểu song lại chứa đựng một hàm lượng tri thức và nghệ thuật cao. Đây là sự bứt phá hết sức đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của thầy, đánh dấu bước chuyển mình mới mẻ theo hướng hiện đại. Sự kết hợp giữa một tâm hồn giản dị, chân thật và lối tư duy theo kiểu phương Tây đã giúp tập thơ Những lớp sóng ngôn từ được tôn vinh tại Giải thưởng văn học của Hội nhà văn Việt Nam năm 2013. Thơ thầy ý nhị, tinh tế, ẩn chứa trong đó là một tâm hồn thanh cao và tư duy nghệ thuật sắc sảo. Trong thơ của thầy, độc giả có thể dễ dàng nhận thấy cách viết hiện đại có sự hòa quyện giữa tư duy chặt chẽ của một nhà khoa học kết hợp với sự mơ mộng, lãng mạn, sáng tạo của một nghệ sĩ. Giọng thơ thầy mang âm hưởng trầm buồn, nghiêng về suy tư, chiêm nghiệm, triết lý.
***
“Ba con người”, nhà giáo, nhà thơ, nhà khoa học tồn tại hài hòa, bổ sung cho nhau trong con người GS.NGND Lê Văn Lân.Ở bất cứ vai trò nào, một nhà giáo, nhà khoa học hay một nhà thơ, thầy vẫn thể hiện được tầm kiến văn rộng lớn, khả năng nắm bắt vấn đề nhạy bén và một trái tim bao dung, nhân hậu. Con đường khoa học mà thầy đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục đi đem đến nhiều giá trị cho thế hệ sau kế thừa, học hỏi và tiếp nối. GS-NGND.Lê Văn Lân thực sự là hình ảnh cao đẹp về tinh thần làm việc không mệt mỏi, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, và một tâm hồn mơ mộng sáng tạo, một tấm gương cho thế hệ sau ngưỡng vọng, noi theo.
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN LÊ VĂN LÂN
- Năm sinh: 1941.
- Quê quán: Thanh Hóa.
- Tốt nghiệp đại học ngành Văn học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1965.
- Nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Văn học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1985.
- Thời gian công tác tại Trường: từ năm 1965-2006.
+ Đơn vị công tác: Khoa Văn học.
+ Chức vụ quản lý: Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (1986-2010).
- Được công nhận chức danh Giáo sư năm 2002.
- Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2002.
- Được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2010.
- Các hướng nghiên cứu chính: Văn học Việt Nam thế kỷ XX, thể loại văn học tập trung vào thơ.
- Các công trình và giải thưởng khoa học tiêu biểu:
Văn học Việt Nam 1945 – 1954 (viết chung). Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1990. Nxb Giáo dục tái bản 1998.
Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam. Nxb Giáo dục, 2000, 2001, 2004.
Thơ – Hình thành và tiếp nhận. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.
Văn học hiện đại Việt Nam – Vấn đề – Tác giả, Nxb Giáo dục, 2005.
Những cấu trúc của thơ, NXB ĐHQGHN, 2011.