EIGHT GALLERY | ARTISTS & WORKS
Article tiếng Việt
Cha là nhà nho, mẹ nội trợ.
Lên bảy tuổi mồ côi cha. Mẹ ở vậy nuôi ba con nhỏ bằng gánh hàng rau.
Chín tuổi học thầy đồ trong làng.
Mười ba tuổi, theo thầy dạy vẽ đi khắp miền quê Nghệ An, Hà Tĩnh.
Mười bốn tuổi giúp mẹ kiếm sống bằng cách vẽ tranh thờ, nặn tò he bằng đất sét bán ở chợ quê vào dịp tết.
1911 Trở thành thầy đồ dạy chữ ở quê.
Nghỉ dạy, đi học trường Pháp Việt ở tỉnh Hà Tĩnh, thi đỗ bậc tiểu học.
1922 Thi đỗ trường Sư Phạm ở Huế.
1923 Tốt nghiệp trường Sư Phạm. Dạy học ở trường tiểu học Đống Ba, Huế. Một năm sau kết hôn với cô hàng xén mười sáu tuổi, quê ở tỉnh Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
1925 Là thí sinh duy nhất ở miền Trung thi đỗ khóa đầu tiên của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Ra Hà Nội học. Vợ ở quê sinh con gái đầu lòng – Nguyễn Nguyệt Tú.
1928 Nhận giải thưởng đầu tiên trong sự nghiệp tại cuộcthi tem do Sở Dây Thép Đông Dương và Cao Đẳng Mỹ Thuật tổ chức.
Con tem Ruộng Lúa (quen gọi là tem người đi cấy) trở thành chiếc tem thư đầu tiên của Đông Dương thuộcPháp.
1929 Hoàn thành các bức tranh sơn dầu: Trục Lúa, Mẹ bày các con đan len.
Thành công với các bức tranh lụa đầu tiên: Bữa cơm Chải tóc.
1930 Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương.
Được giữ lại trường dạy học, là giáo sư không chính ngạch.
1931 Lần đầu tiên tranh lụa An Nam được trưng bày tại Đấu Xảo thuộc địa ở Paris, Nguyễn Phan Chánh nổi tiếng với các tác phẩm: Rửa rau cầu ao, Em bé cho chim ăn, Bữa Cơm, Người hát rong, Lên đồng và Chơi ô ăn quan.
Dạy học tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, rồi trường Trung Học Bảo Hộ (tức trường Bưởi).
1932 Không được bổ nhiệm chính ngạch, cùng gia đình trở lại quê nhà. Kiếm sống bằng nghề vẽ truyền thần và tiếp tục vẽ tranh lụa.
1933 Đem tranh ra Hà Nội trưng bày tại triển lãm Đấu Xảo hàng năm, bị từ chối.
Tự mở triển lãm cá nhân lần đầu tiên tại Địa Ốc Ngân Hàng Hà Nội. Bán hết 40 tranh trong ba ngày.
1935-1936 Tham gia các cuộc triển lãm tranh do Hội Chấn Hưng Mỹ Thuật và Kỹ Thuật (SADEA) tổ chức ở Hà Nội.
1938 Triển lãm cá nhân lần thứ hai tại Hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội; được công chúng Hà Nội đánh giá cao với các tác phẩm tiêu biểu: Thiếu Nữ trên cành đào, Thiếu nữ trước biển, Nhảy dây, Chăn trâu trong rừng, Đôi chim bồ câu, Những người thợ cấy, Đi chợ tết, Rạng đông vạn chài. Tranh có sự chuyển hướng về màu sắc.
Tham gia triển lãm bộ ba: Nguyễn Phan Chánh-họa sĩ, Võ An Ninh-nhiếp ảnh và Julien Bate-họa sĩ tại hội Trí Tri Bắc Kỳ, Hà Nội.
1939 Gửi sang Pháp các tác phẩm lụa cỡ lớn: Mở đông đi cày, Chim sổ lồng, Chị em đùa cá.
Mất toàn bộ số tranh này trong Đại chiến thế giới thứ hai.
Tiếp tục đi lấy ký họa và vẽ truyền thần.
1945 Tham gia cách mạng. là Ủy viên Ban chấp hành Hội văn hóa cứu quốc tỉnh Hà Tĩnh. Vẽ tranh tuyên truyền cổ động phục vụ cách mạng. Các tác phẩm tiêu biểu: Phá khám lớn Sài Gòn, Đốt kho bom Thị Nghè, Cây đuốc sống.
1949 Vẽ tranh sơn dầu Nữ cán bộ đi công tác.
1955 Sau hòa bình, trường Cao Đẳng Mỹ Thuật được thành lập. Được mời làm giảng viên hội họa của trường. Ra Hà Nội, sống tại nhà tập thể của Hội Liên hiệp Văn Học nghệ thuật Việt Nam, số 55 Nguyễn Thái Học Hà Nội.
Tác phẩm tiêu biểu: Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn, Nam Bắc một nhà, Cán bộ về Tết, Thiếu Nhi kết hoa ảnh Bác, Chữ Phúc.
1956 Trở lại sáng tác tranh lụa.
Thể nghiệm sáng tác theo phương pháp “nhất bút thế” (vẽ liền một nét, không rửa lụa, không tô lại) qua hai tác phẩm: bừa tập đoàn và chống hạn tập đoàn. Không thành công, bỏ lối vẽ này.
1957 Được bầu là Ủy viên ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, khóa 1. Các tác phẩm tiêu biểu: Trong sân đình Kim Liên, Trước Đình Kim Liên, Cô Hàng Xén, Cô thêu, Mẽ con nhà thỏ, sau giờ lao động, chống hạn.
1958 Tham gia triển lãm nghệ thuật tạo hình các nước Xã hội chủ nghĩa với tác phẩm lụa Sau giờ lao động.
1959 Sáng tác tranh lụa: Học tổ, Nhóm trẻ hợp tác, Chị hàng hoa, Nhà máy dệt kim.
1960 Dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc với các tác phẩm tranh lụa: Sau giờ lao động, Nhóm trẻ hợp tác, Bữa cơm vụ mùa thắng lợi, Rê lúa, Tổ đan mây…
1962 Đại biểu đại hội liên hoan anh hùng và Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ III.
Triển lãm cá nhân tại số 10 Hàng Đào, Hà Nội do Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật và hội mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Các tác phẩm chính: Chân dung tự họa, Sau giờ lao động, Vườn trẻ nông thôn.
Trở lại đỉnh cao sáng tác tranh lụa.
1964 Đại biểu quốc hội khóa III nước Việt Nam dân chủ Cộng Hòa.
1965 Đi vẽ ký họa ở Phú Thọ, Bắc Ninh.
1967 Tác phẩm lụa đầu tiên về cuộc kháng chiến chống Mỹ: Sau giờ trực chiến.
1968 Sáng tác tranh lụa: Trăng tỏ, Hạnh phúc.
1969 Sáng tác tranh lụa: Tắm cho con.
1970 Sáng tác tranh lụa: Trăng Lu, Chống hạn gặp mưa, Rạng sáng cho con bú.
1971 Các tác phẩm chính: Chị chăn vịt, Hộ đê, Múa ong bò vẽ.
1972 Triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam nhân ngày sinh nhật lần thứ 80. Triển lãm được tổ chức dưới tầng hầm của bảo tàng Mỹ Thuật vì lúc này Mỹ vẫn đang ném bom tại Hà Nội. Sau đó triển lãm tại số 10 Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội, trụ sở của Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các sáng tác mới: Cưỡi bò qua sông, Tối về cho con bú, Cô gái học võ.
Vẽ lại tranh: Chơi ô ăn quan, Em bé cho chim ăn, Rửa rau cầu ao, Lên Đồng (những tranh này vẽ lần đầu năm 1931) theo đề nghị của Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam.
1973 Những sáng tác lụa cuối cùng về chủ đề tắm: Lội suối, Kiều tắm, Tiên Dung tắm, Tiên Dung và Chử Đồng Tử.
1974 Tham dự triển lãm tranh tượng về đề tài lực lược vũ trang với tranh lụa Sau giờ trực chiến.
1978 Triển lãm cá nhân lần thứ hai tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam nhân ngày sinh nhật lần thứ 85.
1982 Triển lãm cá nhân tại Praha, Bratislava, Budapest, do bộ văn hóa tổ chức nhân ngày sinh nhật lần thứ 90.
1983 Triển lãm cá nhân tại Matxcơva, Vacsava, Bucaret do bộ văn hóa tổ chức.
1984 Mất ngày 22 tháng 11 tại Hà Nội. An táng tại nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội.
1996
Được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng giải thưởng cao quý nhất: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật.
“Ai có thể nói rằng một bức lụa dù đẹp đến đâu có thể tồn tại mãi mãi. Màu sắc tươi tắn đến mấy rồi cũng phai. Nét vẽ dù đẹp đến mấy cũng không thể giữ mãi. Bản thân người nghệ sỹ rồi cũng mất. Cái còn lại mãi với thời gian là tình người. Tình người đã giúp tôi vượt qua giông bão của cuộc đời. Tình người trong nghệ thuật của tôi đã tạo nên niềm cảm thông giữa tôi và bè bạn trong nước cũng như ngoài nước”
Nguyễn Phan Chánh đã mất cách đây 26 năm, trong khoảng thời gian đó xã hội Việt Nam có biết bao thay đổi. Đó là sự tan biến của văn minh làng xã, những ngôi làng, đình đền chùa cổ, những người nông dân biến thành thị dân, và vì thế những bức tranh của ông còn mãi mang theo niềm bâng khuâng của một quá khứ nhà quê, mà mới ngày nào còn là hình ảnh thân thương với mọi người dân Việt.
Đầu thế kỷ 20, tại Việt Nam xu hướng Âu hóa đã xuất hiện. Những thành thị mới ra đời, nhà máy và công xưởng, villa và âu phục tân thời. Đời sống người nông dân lao đao vì nông nghiệp đình đốn, bất đắc dĩ đi phu phen ở các đồn điền. Lớp trí thức và tư sản mới hình thành, đã dẫn đến một nền văn hóa mới trong các thành thị. Từ một thầy đồ dạy chữ ở quê, Nguyễn Phan Chánh là thí sinh duy nhất ở Miền Trung thi đỗ khóa đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trong quá trình học tập, những giáo sư, nghệ sỹ người Pháp có con mắt bình đẳng và tinh tường, họ thấy ông khó thành công với bút pháp cổ điển hay Ấn tượng trên tranh sơn dầu, và họ khuyên ông tìm một con đường khác. Con đường nghệ thuật vốn có sẵn trong truyền thống văn hóa phương Đông và Việt Nam, chỉ cần tiếp nhận thêm những kiến thức cơ bản trong nghệ thuật phương Tây. Và một Nguyễn Phan Chánh đã trở thành danh họa ngay từ những năm 1930, với hình ảnh người nông dân Việt trên nền tranh lụa.
Đời sống thị dân và nông thôn nửa đầu thế kỷ trước không quá khác biệt, ngay trong các thành thị vẫn tồn tại nhiều làng mạc và những tập tục hoàn toàn nguyên chất. Hà Nội từ những năm 1900 đến 1960 chỉ ra khỏi trung tâm chừng 5 cây số đã là làng mạc. Tuy nhiên nếp sống thị dân vẫn dần phát triển. Lớp họa sỹ đầu tiên của Trường Cao Đảng Mỹ Thuật Đông Dương phần nhiều xuất thân từ những gia đình nông dân khá giả và thị dân đã hướng nghệ thuật vào đời sống của chính mình. Thời gian này, đề tài nông dân dường như ít được đề cập trong nghệ thuật, trừ vài tiểu thuyết hiện thực phê phán. Nguyễn Phan Chánh không chỉ vẫn đề cập đến họ, bởi nếu chỉ có thế ông đã không thành danh họa, mà bản thân họa sỹ luôn có tư chất nông dân trong hội họa của mình. Cái tư chất ấy từng làm nên giá trị của chùa Bút Tháp, chùa Mía, chùa Tây Phương và đặc biệt là những ngôi đình xứ Bắc, cái tư chất mà phải đến cuối thế kỷ 20 người ta mới thấy hay và quý hiếm, khi nền nghệ thuật hiện đại quá dư thừa sự mầu mè kiểu cách của lối sống đô thị.
Việc tiếp nhận lối tạo hình phương Tây cho các họa sỹ Việt Nam truyền đạt chính xác hơn những gì nhìn thấy, thay vì lối vẽ ước lệ tượng trưng cổ truyền. Tuy nhiên các họa sỹ Việt Nam không thể thích hợp ngay với hình họa cổ điển, họ vẫn thực hiện tốt những bài tập như vậy trong nhà trường, khi sáng tác họ tìm thêm một con đường khác kết hợp khả năng tả thực và tính tượng trưng ước lệ phương Đông. Ngay từ đầu một mạch ngầm dân tộc đã xuất hiện và âm thầm chẩy trong nền hội họa hiện đại. Có lẽ nó trở nên một phong cách hiện thực mới hình thành trong nửa đầu thế kỷ 20, và cũng chính nó giúp các họa sỹ biểu hiện đời sống của dân tộc mình, có một ngôn ngữ Việt trong nghệ thuật hội họa.
Nếu như người vẽ sơn dầu được tiếp sức bởi các bài học từ hai người thầy như Tardieu, Inguimberty, những nghệ sỹ Châu Âu có tình cảm đặc biệt với Việt Nam đến mức có thể nhập vào tâm hồn người Việt để vẽ ra những cảnh vật và con người Việt. Thì ở tranh sơn mài và tranh lụa, tuy là những chất liệu có sãn từ truyền thống, nhưng người vẽ phải tự lực rất nhiều trên con đường của mình.
Diễn tả không gian ba chiều trên chất liệu sơn mài và lụa tương đối khó khăn, không giống như sơn dầu. Trong lịch sử hội họa phương Đông không gian ba chiều cũng không phải là đối tượng được quan tâm. Tuy nhiên hầu như chưa bao giờ các họa sỹ phương Đông vẽ được chiều sâu như họa sỹ Phục hưng, mà chỉ có thể vẽ không gian hai chiều, sau trở thành đặc điểm của hội họa phương Đông, một thứ không gian quan niệm nhiều hơn tái hiện sự thật. Nhiều người cho rằng Nguyễn Phan Chánh không hợp với hội họa cổ điển phương Tây. Bản thân những ông thầy Pháp đã nhìn thấy ở họa sỹ một thiên hướng khác, mang tính phương Đông, và khuyến khích ông tìm lại con đường truyền thống. Xem nhiều bức ký họa của ông, ta thấy rõ từng phần được tả thực nhưng cái toàn thể vẫn mang tính ước lệ. Cách vẽ này trùng hợp với lối họa phương Đông truyền thống, trong đó các họa sỹ nhấn mạnh việc miêu tả sự vật ba chiều từng phần và không quá quan tâm đến không gian.
Diễn tả được sự vật không phải là điều mà nghệ thuật phương Đông quan tâm. Nguyễn Phan Chánh hiểu rõ điều này qua quá trình nghiên cứu nghệ thuật phương Đông nói chung, nghệ thuật Trung Hoa nói riêng. Sự vật khách quan chỉ là ảo ảnh, tâm không ứng thì vật không thành hình và vô nghĩa, tâm ứng thì vật được phản chiếu, và khi nào tâm vận động theo bút thì lấy hình sẽ không sai. Có một phần học thuật phương Tây, một tinh thần nghệ thuật phương Đông, và cái tâm hướng về đời sống đơn sơ của người nông dân Việt Nam, Nguyễn Phan Chánh tự mình hình thành một nền hội họa tranh lụa mang đầy đủ những tinh thần nghệ thuật trong thời buổi giao lưu văn hóa Đông – Tây, mà ông tiếp nhận được. Nói như nhà văn Nguyễn Tuân : Trong cái nền nghệ thuật sơ khai của xứ này, ông đã tìm được một chỗ gọn để đặt tên. Cái “chỗ gọn” ấy có tên là nền hội họa mới của người Việt Nam, hay nền hội họa của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, và tên là Nguyễn Phan Chánh.
Tuy nhiên điều lý thú lại nằm ở chỗ Nguyễn Phan Chánh chẳng vẽ giống ai trong các họa sỹ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Người ta thường nhắc đến bốn danh họa lớp đầu : Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn (Nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn) và bốn danh họa lớp cuối Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái và Dương Bích Liên (Nghiêm, Liên, Sáng, Phái). Nguyễn Phan Chánh không có tên trong danh sách nào, bởi ông là một quả núi riêng, độc lập so với tất cả những người khác. Vấn đề không chỉ là phần lớn các họa sỹ hướng về đời sống thị dân, còn ông thì hướng về đời sống nông thôn, mà Nguyễn Phan Chánh luôn có tinh thần hiện đại ngay khi trình bầy một đời sống lạc hậu và nguyên chất nhất của người Việt Nam.
Nguyễn Phan Chánh được đào tạo cách vẽ tranh sinh hoạt với bố cục hình lớn của hội họa phương Tây, lối đơn giản hình thể thành từng mảng lớn không phụ thuộc vào cấu trúc cơ thể cũng đã được các họa sỹ Ấn tượng và Lập thể tìm tòi, và với chủ nghĩa Hiện đại (Modern art), lúc bấy giờ chưa chính thức vào Việt Nam nhưng đã nổi danh trên thế giới. Hội họa đang có xu hướng quay lại không gian hai chiều. Suốt năm sáu mươi năm giữa thế kỷ 20, nhiều họa sỹ Việt Nam cố gắng tìm cách tả thực trên chất liệu sơn mài và lụa. Bức tranh Giờ học tập, (Sơn mài – 1960 – 80×120 cm) của họa sỹ Nguyễn Sáng (1923 – 1988) là một ví dụ cho thấy tranh sơn mài phần nào bị hạn chế khi phải diễn tả khối, chiều sâu và ánh sáng. Tranh lụa thâm trầm, sâu lắng và gợi ý, còn tranh sơn mài vẻ lộng lẫy được thăng hoa, đôi khi dẫn tới cảm giác trừu tượng. Tranh sơn mài và tranh lụa đều hợp với không gian hai chiều và tính ước lệ ba chiều. Hiện thực được thể hiện một cách tượng trưng, gợi ý luôn giúp ta cảm thấy nhiều hơn là nhận ra một sự thật. Điều mà Nguyễn Gia Trí nhận thức rất rõ ràng trong tranh sơn mài và Nguyễn Phan Chánh trong tranh lụa. Các ông hiểu những đặc tính của hai chất liệu đó, hiểu giá trị tinh thần mà nó có khả năng biểu cảm, hiểu con đường phương Đông không có sẵn mà cần đi đúng hướng bởi đôi bàn chân hướng về cội nguồn nhưng không chậm tiến.
Chọn nông dân và đời sống nông thôn để vẽ là con đường được vạch ra ngay từ đầu, không thay đổi kể cả khi sống ở Hà Nội. Nguyễn Phan Chánh là họa sỹ nông dân một cách thuần khiết. Ông xây dựng những nhân vật của mình thành hình tượng con người Việt Nam, cũng như Bùi Xuân Phái vẽ phố cổ đến mức trở thành ký ức về Hà Nội của rất nhiều người. Đời sống nông thôn chính là xuất thân của họa sỹ, nhưng quê hương Hà Tĩnh của ông không phải làng quê quá trữ tình hay trù phú như các làng quê đồng bằng Bắc bộ, trái lại nó rất nghèo, khắc nghiệt, nhưng cũng rất đặc trưng để hun đúc ra con người nông dân dẻo dai, chịu khó và chân chất. Một vùng đất nhỏ hẹp nhưng có sơn có thủy, có đồng bằng và thừa mưa xa nắng đốt. Hà Tĩnh cũng là đất của nhiều danh nhân như Nguyễn Du, Phan Đình Phùng…nơi cái bản chất văn nghệ được tạo lập một cách đặc biệt trong những cá tính cũng đặc biệt. Nguyễn Phan Chánh cảm nhận sâu sắc cái hiền lành thô phác của người nông dân, những tập tục cấy trồng, chăn thả và đời sống tín ngưỡng hoang đường bao giờ cũng gắn với các truyền thuyết của họ. Giấm vải xuống bùn để nhuốm mầu đen, mài củ nâu để nhuộm nâu, dùng hoa hòe nhuộm vàng, lúa và hoa mầu, cây cối xanh tươi và thay lá trong bốn mùa, rơm rạ mùa gặt vàng ươm…những mầu sắc thường thấy trong cảnh sắc nông thôn. Phối hợp giữa mầu nền của tấm lụa với mầu thuốc nước đơn giản, tranh của Nguyễn Phan Chánh thực ra chỉ thuần sắc mà rất ít mầu. Những mầu đen, nâu, vàng được phối hợp nhuần nhuyễn trong trẻo, loại bỏ sự đối chọi gay gắt… Và tất cả được ẩn dấu dưới vẻ mặt rất nhu thuần, dưới một sắc mầu nâu, đen của y phục, mầu xanh của cây cỏ, mầu vàng của rơm rạ và dường như chỉ có thế làm nên bảng mầu chính trong tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh.
Mỗi khuôn mặt nhân vật, Nguyễn Phan Chánh thường chỉ nhận diện một cách khái quát, nét vẽ của ông tinh tế, nên chỉ rất đơn sơ đã ra thần thái của đối tượng. Mắt, mũi, miệng chỉ được gợi rất nhẹ trên khuôn mặt không tả kỹ, và cũng không tô mầu gì, nơi họa sỹ thường để nguyên nền lụa. Các phần khác, chủ yếu là y phục được khái quát thành mảng lớn, luôn ôm lấy những cơ thể khỏe mạnh của người nông dân. Khăn mỏ quạ, áo nâu sồng, váy hay quần chùng thâm, yếm sồi là những gì rất đặc trưng cho diện mạo người nông dân. Những cô gái chơi ô ăn quan, cô gái bên lồng chim, cô gái hái rau muống, cô hàng xén, cô gái cưỡi trâu…những con người đi vào trong tranh ông một cách bình thản, như một cắt cảnh tự nhiên ngoài đời sống đưa vào tranh. Họa sỹ dường như không phải cố gắng, thấy sao vẽ vậy, nhẹ nhàng nhận biết, thể hiện cũng kiệm mầu, kiệm hình như cuộc sống. Chính cái ngẫu nhiên và ngẫu hứng này làm nên những hình tượng nghệ thuật trong tranh Nguyễn Phan Chánh. Cuộc sống của một xã hội nông nghiệp, đương nhiên hình ảnh người nông dân không còn gì lạ lùng, nhưng ta cần nhìn nhận họ dưới góc độ văn hóa, dưới sự tích tụ của văn minh nông nghiệp, sự đặc trưng của các tính cách Việt, đó mới là công việc và sức mạnh của nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật thị giác.