Đức Phật Và Phạm Thiên

ĐỨC PHẬT

PHẠM THIÊN

Toàn Không

 

1)- ĐẤU TRÍ VỚI PHẠM THIÊN:

Một thời đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc,
nước Xá Vệ. Bấy giờ có một Phạm Thiên Vương ở cõi Trời Phạm, nghĩ rằng: “Chỗ
này là thường hữu, chỗ này là thường hằng, chỗ này trường tồn, chỗ này quan
yếu, chỗ này là pháp không hoại diệt, chỗ này là xuất yếu, ngoài xuất yếu này
không còn xuất yếu nào khác nữa, mà có bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng”.

Lúc ấy, đức Phật bằng trí biết cùng khắp
(Tha Tâm trí), biết rõ tâm niệm của Phạm Thiên kia đang nghĩ. Ngài liền nhập
định biến (Như Kỳ Tượng Định), chỉ trong khoảng thời gian co duỗi cánh tay,
Ngài biến mất khỏi vườn Cấp Cô Độc, tới ngay chỗ vị Trời ấy tại cõi Trời Phạm.
Phạm Thiên trông thấy đức Phật liền chào nói:


Kính chào Đại Tiên Nhân, rồi Phạm Thiên nói những lời giống như đã nghĩ ở trên.

Đức Phật nói:


Này Phạm Thiên, cái không thường Ông bảo là thường, cái không hằng Ông bảo là
hằng, cái không trường tồn Ông bảo là tường tồn, cái không quan yếu Ông bảo là
quan yếu; cái hoại diệt Ông bảo là không hoại diệt, cái không xuất yếu Ông bảo
là xuất yếu. Ông còn bảo: ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào khác, mà có
bậc tối thắng,

tối diệu, tối thượng. Này Phạm Thiên, Ông có cái
vô minh này, Ông đang chìm đắm trong vô minh này.

Lúc
đó có Thiên Ma Ba Tuần nói:


Này Sa Môn, chớ nên trái lời Phạm Thiên, chớ có chống đối Phạm Thiên; nếu Ông
không nghe lời lại còn chống đối, cũng như người gặp hên may mà lại xua đuổi
đi, lời Sa Môn nói ra cũng như vậy. Cho nên ta bảo Ông chớ trái lời, chớ chống
đối Phạm Thiên; nếu Ông chống trái lời Phạm Thiên, Ông cũng như người từ núi
cao rơi xuống vực sâu thẳm, tuy dang hai tay hai chân bám vào hư không, nhưng
chẳng bám được gì. Lời Sa Môn nói ra cũng như vậy.

Này Sa Môn, ta bảo chớ chống trái lời Phạm
Thiên, vì sao? Vì Phạm Thiên có phúc lớn (phước hựu), là bậc hóa sinh, là đấng
tối tôn, tạo dựng tất cả, là Tổ phụ của tất cả chúng sanh đã sinh và sẽ sinh,
tất cả đều do Ngài sanh ra; những gì Ngài thấy biết là trọn thấy biết.

Này Đại Tiên Nhân, nếu có Sa Môn, Phạm Chí
nào ghê tởm hủy báng địa đại (đất), thì khi chết chắc chắn sinh làm Thần kỹ
nhạc trong chốn hạ tiện nhất. Cũng thế, nếu ai ghê tởm, chống đối, hủy báng
Phạm Thiên, sau khi qua đời chắc chắn sinh làm Thần kỹ nhạc trong chốn hạ tiện
nhất.

Trái lại, này Đại Tiên Nhân, nếu có ai ưa
thích tán thán Phạm Thiên, thì sau khi chết (mạng chung) chắc chắn sinh làm bậc
tối thượng cõi Phạm Thiên; này Đại Tiên Nhân, Ông há không thấy đại quyến thuộc
của Phạm Thiên như bọn tôi đang ngồi đây sao?

Lúc ấy, đức Phật nghĩ rằng: “Ma Ba Tuần
này chẳng phải Phạm Thiên, cũng chẳng phải quyến thuộc Phạm Thiên, nhưng lại tự
xưng là Phạm Thiên. Nếu bảo rằng có Thiên Ma Ba Tuần thì đây chính là Ma Ba
Tuần”, biết rõ như vậy rồi, Ngài bảo:


Này Ma Ba Tuần, Ông chẳng phải Phạm Thiên, cũng chẳng phải là quyến thuộc Phạm
Thiên, nhưng lại tự xưng Phạm Thiên; nếu cho rằng có Ma Ba Tuần, thì chính Ông
là Ma Ba Tuần.

Ma Ba Tuần liền nghĩ: “Thôi rồi, Sa Môn Cù
Đàm đã biết ta, Như Lai đã biết ta”; biết như thế, Ma Ba Tuần rất đỗi buồn rầu,
rồi vụt biến mất.

Bấy giờ vị Phạm Thiên Vương ấy nói lại lời
nói trước đó, đức Phật cũng nói y như đã nói: là lời Phạm Thiên nói là sai là
vô minh.

Nghe vậy, Phạm Thiên nói:


Này Đại Tiên Nhân, thuở xưa có Sa Môn, Phạm Chí mạng sống rất lâu dài, còn Ông
thọ mạng quá ngắn, Ông không biết sự ngồi yên trong khoảnh khắc của các vị Sa
Môn, Phạm Chí kia, vì sao? Vì các vị ấy biết trọn vẹn, thấy trọn vẹn thật sự
chỗ này không hoại, là nơi xuất yếu, ngoài chỗ này không còn chỗ nào khác tối
yếu hơn, nơi đây có bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng.

Này Đại Tiên Nhân, đối với chỗ xuất phát
ra tất cả chúng sanh, Ông bảo là không phải; đối với chỗ không phải là chỗ xuất
phát ra tất cả chúng sanh, Ông bảo là phải; như vậy, Ông sẽ không có xuất yếu
và trở thành đại si, vì sẽ không bao giờ có cảnh giới ấy cho Ông.

Này Đại Tiên Nhân, nếu có Sa Môn, Phạm Chí
nào ưa địa đại, tán thán địa đại, thì vị ấy tùy sự tự tại của ta, làm theo ý ta
muốn, vâng theo lệnh ta sai. Cũng thế, bất kỳ ai, nếu ai ưa thích Phạm Thiên,
tán thán Phạm Thiên, vị ấy tùy sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo
lệnh ta sai. Ông nếu ưa thích địa đại, tán thán địa đại, thì Ông cũng tùy theo
sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai.

Đức Phật bảo:


Này Phạm Thiên, theo cái gọi là “Chân Đế” mà Ông vừa nói, nếu Ta theo đó mà ưa
thích tán thán, thì những điều ấy vẫn như thế. Này Phạm Thiên, Ta biết rõ Ông
từ đâu đến đây và sẽ đi đâu. Nếu có Phạm Thiên thì Phạm Thiên ấy có Thần thông biến hóa (đại như ý túc), có vô số công đức (đại oai đức), có phước vô số (đại
phúc hựu), có uy nghi tự tại (đại oai thần).

Phạm Thiên nói:


Này Đại Tiên Nhân, Ông làm sao biết được điều ta biết, làm sao thấy được điều
ta thấy? Ta như mặt trời, tư tại soi sáng cả nghìn thế giới, Ông làm sao biết
rõ được, Ông có được tự tại không, Ông có biết những nơi nào không có ngày đêm
không và Ông đã có lần nào qua chốn đó chưa?

Đức Phật nói:


Này Phạm Thiên, như mặt trời soi sáng khắp nơi, bao trùm cả ngàn thế giới,
trong nghìn thế giới Ta được tự tại, và biết nơi không có ngày đêm, và đã qua
lại rất nhiều lần.

Này Phạm Thiên, có ba cõi Trời là Quang
Thiên, Tịnh Quang Thiên, và Biến Tịnh Quang Thiên; nếu ba loài Trời này có tri
kiến gì thì Ta cũng có tri kiến ấy, nếu ba loài Trời này không có tri kiến
khác, Ta vẫn có tri kiến khác ấy.

Này Phạm Thiên, Ông và quyến thuộc của Ông
có tri kiến gì, Ta cũng có tri kiến đó, nếu Ông và quyến thuộc của Ông không có
tri kiến khác, Ta vẫn có tri kiến khác ấy. Thế nên: Ông và quyến thuộc của Ông
không thể bằng Ta về tất cả, đối với Ông và quyến thuộc của Ông, Ta là tối
thắng, tối diệu, tối thượng.

Nghe vậy, Phạm Thiên nói:


Này Đại Tiên Nhân, do đâu Ông dám nói như thế, Ông có phải là nói khoác lác
không? Sau khi nói xong, không biết có tăng sự ngu si chăng, vì sao? Vì biết rõ
vô lượng cảnh giới, nên có vô lượng tri kiến, vô lượng chủng loại phân biệt;
trái lại, ta biết riêng rẽ từng cái: Là địa đại ta biết đó là địa đại. Với thủy
đại, hỏa đại, phong đại, thần ngã, chư Thiên, v.v…, cũng giống như thế, là
Phạm Thiên ta biết đó là Phạm Thiên.

Bấy giờ đức Phật bảo:


Này Phạm Thiên, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào đối với địa đại nghĩ rằng: “Địa là
ta, địa là của ta, ta là của địa đại” thì đã chấp địa đại là ta rồi, nên vị ấy
không thực biết địa đại.

Ngược lại,
nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào đối với

địa đại nghĩ rằng: “Địa không phải là ta, địa không

phải là của ta, ta không phải là của địa đại”; nhờ

không
chấp nhận địa là ta, nên vị ấy mới thực biết địa đại.

Đối với thủy đại (nước), phong đại (gió),
hỏa đại (lửa), thần ngã (thức), chư Thiên, Phạm Thiên, vô phiền Thiên, vô nhiệt
Thiên, tịnh Thiên, v.v… biết tất cả chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta,
ta chẳng phải là của các thứ ấy; nhờ không chấp nhận, các thứ ấy không phải là
ta, nên ta mới thực sự biết về các thứ ấy.

Nghe xong, Phạm Thiên nói:


Chúng sanh ai cũng ưa thích có (hữu), muốn có, chỉ riêng Ông không ưa thích có.

Rồi Phạm Thiên nói kệ:

Nơi có thấy

sợ hãi

, Không có thấy sợ gì? Cho nên đừng ưa có, Có làm sao chẳng dứt?

LỜI BÀN:

Trước hết, chúng ta nên biết chương trình
làm việc hàng ngày của đức Phật, ngoài giờ giảng đạo cho bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ
Kheo Ni, Cư sĩ Nam, Cư sĩ Nữ, hoặc tiếp các ngoại đạo đến hỏi đạo hay luận bàn,
hoặc đi khất thực hay đi thụ thực cúng dàng. Thời giờ còn lại, đức Phật thường
ngồi Thiền vào đại Định quán sát khắp thế gian, để xem xét; nếu nhận thấy cần
đến nơi ấy, Ngài liền dùng Thần thông tới liền, việc như thế đã từng xảy ra rất
nhiều lần. Nhưng lần này, do Kinh Phạm Thiên, chúng ta được biết đức Phật đã
quán sát cả các tầng trời nữa chứ không chỉ riêng đối với chúng sinh trên mặt
đất. Do đó mới có cuộc luận bàn giữa Phạm Thiên Vương và đức Phật.

Cuộc luận bàn này, có lẽ xảy ra khi đức
Phật thành Đạo chưa bao lâu, nên các Phạm Thiên Vương chưa biết nhiều về Ngài,
do đó mới có cuộc tranh luận này.

Trước khi phân tích cuộc tranh luận, thiết
tưởng chúng ta cũng nên biết sơ qua về cõi Trời Phạm. Cõi Phạm Thiên gồm ba
tầng:

– Đại Phạm Thiên: Ở tầng cao nhất.

Vị Đại Phạm
Thiên vi diệu, đẹp đẽ, uy nghi, tự tại, hạnh phúc, có ánh sáng cực kỳ rực rỡ; vị
Đại Phạm-Thiên có các vị Phạm-Thiên thân cận, và Phạm-Chúng-Thiên bao quanh.
Tuổi thọ của Đại Phạm-Thiên là một 1 Tiểu kiếp rưỡi = 16,798,000 + 8,399,000 =
25,197,000 năm của trái đất.

– Phạm-Thiên: Ở tầng giữa.

Phạm Thiên
là những vị Trời thân cận Đại Phạm-Thiên, kém vị Đại Phạm-Thiên một chút, ví
như các vị quan đại-thần; các vị Phạm-Thiên sống lâu một Tiểu kiếp = 16,798,000
năm của trái đất.

– Phạm-Chúng-Thiên: Ở tầng thấp.

Là các vị
Trời tùy tùng các vị Phạm-Thiên, cũng có đầy đủ thần thông, nhưng không bằng
các vị Phạm-Thiên; Phạm-Chúng-Thiên sống lâu một nửa Tiểu kiếp = 16,798,000 / 2
= 8,399,000 năm của trái đất.

Có 18 tầng
trời Sắc giới hết thảy, cõi Phạm Thiên là cõi Sắc giới thấp nhất; ba tầng của
Phạm Thiên tương ưng với Sơ Thiền Sắc giới. Ba tầng bên trên là Quang Thiên,
tương ưng với Nhị Thiền Sắc giới; rồi đến ba tầng Tịnh Thiên Sắc giới cao hơn,
tương ưng với Tam Thiền Sắc giới. Rồi đến các tầng khác cao hơn nữa, tương ưng
với Tứ Thiền Sắc giới; Chư Thiên Sắc giới có hình sắc rất đẹp, nhưng không có
dục tính.

Bên trên các
cõi Sắc giới là 4 tầng Trời Vô Sắc giới, các vị Trời này không có hình sắc gì
cả. Bên dưới các cõi Sắc giới là 6 tầng trời Dục giới, các vị Trời Dục giới
cũng đẹp nhưng không đẹp bằng các vị Trời ở các cõi Sắc giới, các vị Trời cõi
Dục giới có tham ngũ dục nên gọi là Trời Dục giới; tổng cộng có 28 tầng trời cả
thảy.

Khi đức Phật nghe Thạm Thiên Vương nói lời
tà kiến, nên Ngài đã đến ngay chỗ vị Phạm Thiên; vị Phạm Thiên nói: “Chỗ này là thường hữu, chỗ này là hằng hữu,
chỗ này trường tồn, chỗ này quan yếu, chỗ này là pháp không hoại diệt, chỗ này
là xuất yếu, ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào hơn nữa, mà có bậc tối
thắng, tối diệu, tối thượng.

Nghĩa
là chỗ này luôn luôn có, chỗ này vĩnh cửu, chỗ này còn mãi mãi, chỗ này tối
quan trọng, chỗ này là nơi không hư hoại, chỗ này là nơi xuất sinh tối quan
trọng, ngoài chỗ này không còn chỗ nào xuất sinh tối yếu hơn nữa, mà nơi đây có
bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng vậy; tại sao Phạm Thiên nói thế?

Tại vì, như chúng ta đã biết, đời sống của
Phạm Thiên vô cùng lâu dài, nên họ không thấy sự chết, họ tưởng rằng ở cõi ấy
không có chết, thường hằng, trường tồn nên mới nói như thế.

Tuy nhiên có những Phạm Chúng
Thiên chết rồi sinh xuống trần gian, nhưng họ lại không cho đó là chết, mà chỉ
là chuyển đổi sinh ra ở thế gian mà thôi; do đó, Phạm Thiên nói “chỗ này là xuất yếu, ngoài xuất yếu này
không còn xuất yếu nào hơn nữa
” là vậy.

Đức Phật bảo Phạm Thiên, đại ý nói:

Cái
không thường, không hằng, không trường tồn, không quan yếu, Ông lại bảo là
thường là hằng, là trường tồn, là quan yếu. Cái hoại diệt, cái không quan yếu,
Ông lại bảo là không hoại diệt, là quan yếu… Này Phạm Thiên, Ông có cái vô
mình này, Ông đang chìm đắm trong vô minh này

Tại sao đức Phật nói vậy? Bởi vì Phạm
Thiên có đời sống lâu dài, tưởng rằng mình là thường hằng trường tồn, tưỏng
rằng nơi ấy là chỗ độc nhất xuất sinh ra loài ngưòi; nên đức Phật đã bảo Phạm
Thiên là sai lầm, sự thực không phải như thế, tại sao? Vì Phạm Thiên hết tuổi
thọ rồi phải chết, còn tái sinh ở đâu là tùy nghiệp, chứ không phải chỉ xuống
cõi người; do đó Ngài bảo Phạm Thiên: “Ông
có cái vô minh này, Ông đang chìm đắm trong vô minh này
” là vậy.

Riêng về Thiên Ma, chúng ta thấy những lời
của Ma toàn là lời đe dọa, dụ dỗ, mong đức Phật nghe lời Phạm Thiên; nhưng khi
Ma bị Ngài nói trúng tên thì buồn rầu mà biến đi.

Khi đấu trí về sự hiểu biết, Phạm Thiên
hỏi đức Phật:

“- Này
Đại Tiên Nhân, Ông làm sao biết được điều ta biết, làm sao thấy được điều ta
thấy? Ta như mặt trời, tự tại soi sáng cả nghìn thế giới, Ông làm sao biết rõ
được, Ông có được tự tại không? Ông có biết những nơi nào không có ngày đêm
không, Ông đã có lần nào qua chốn đó chưa?

Đức Phật nói:

”- Này Phạm Thiên, như mặt trời soi sáng
khắp nơi, bao trùm cả ngàn thế giới, trong nghìn thế giới Ta được tự tại, và
biết nơi không có ngày đêm, và đã qua lại rất nhiều lần”.

Về điểm này: chúng ta thấy có một vấn đề
cần nêu lên, đó là “Nơi không có ngày
đêm
”; thế nào là nơi không có ngày đêm? Nơi không phải ban ngày mà cũng
chẳng phải ban đêm, đây là nơi nào, vị nào biết được thử đoán xem là nơi đâu?

Đời sống của con người luôn luôn trải qua
hết ngày đến đêm, hết đêm đến ngày, luân phiên mãi như thế. Lúc giao điểm giữa
ngày và đêm không thể nói là “nơi không có ngày và đêm” được, nơi ấy phải là
nơi không có ánh sáng chiếu tới.

Những ai có thể đến được nơi không có ngày
đêm? Chư Phật đến được là chắc chắn rồi như đức Phật đã minh xác, chư đại Bồ
Tát chắc chắn cũng đến được, và cả một số chư Thiên nữa như Đại Phạm Thiên
chẳng hạn, cũng đến được; vậy thì chỗ không có ngày đêm ở đâu?

Người viết thiết nghĩ, những vùng biên
giữa cõi Phật này (giải Ngân Hà này) và cõi Phật khác ở quá cách xa nhau, không
có ánh sáng, chỉ mờ mờ nên không có ngày mà cũng chẳng có đêm, là vậy.

Rồi đức Phật nói tiếp:

“- Này Phạm Thiên, có ba cõi Trời là
Quang Thiên, Tịnh Quang Thiên, và Biến Tịnh Quang Thiên; nếu ba loài Trời này
có tri kiến gì thì Ta cũng có tri kiến ấy, nếu ba loài Trời này không có tri
kiến khác, Ta vẫn có tri kiến khác ấy.

Này Phạm Thiên, Ông và quyến thuộc của Ông có tri kiến gì, Ta cũng có
tri kiến đó, nếu Ông và quyến thuộc của Ông không có tri kiến khác, Ta vẫn có tri kiến khác ấy. Thế nên, Ông và quyến thuộc của Ông không thể bằng Ta về tất
cả; đối với Ông và quyến thuộc của Ông, Ta là tối thắng, tối diệu, tối thượng”.

Về điểm này, đức Phật chứng tỏ cho Phạm
Thiên biết rằng trên cõi Phạm Thiên còn có cõi Trời khác có nhiều sự hiểu biết
(tri kiến) hơn nữa, nhưng những tri kiến của cõi ấy cũng còn kém tri kiến của
Ngài, Đức Phật khẳng định tri kiến của cõi Phạm Thiên còn thua xa tri kiến của
Phật.

Tới phần tranh luận cuối, để trả lời khi
Phạm Thiên nói:

“- Này Đại Tiên Nhân, nếu có Sa Môn,
Phạm Chí nào ưa địa đại, tán thán địa đại, thì vị ấy tùy sự tự tại của ta, làm
theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai; cũng thế, bất kỳ ai, nếu ai ưa thích Phạm Thiên, tán thán Phạm Thiên, thì vị ấy tùy sự tự tại của ta, làm theo ý ta
muốn, vâng theo lệnh ta sai. Ông nếu ưa thích địa đại, tán thán địa đại, thì
Ông cũng tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai”.

Đức Phật bảo:

“- Này Phạm Thiên, nếu có Sa Môn, Phạm
Chí nào đối với địa đại nghĩ rằng: “Địa là ta, địa là của ta, ta là của địa
đại” thì đã chấp địa đại là ta rồi, nên vị ấy không thực biết địa đại.

Ngược lại, nếu có Sa Môn Phạm Chí nào đối với địa đại nghĩ rằng: “Địa
không phải là ta, địa không phải là của ta, ta không phải là của địa đại”. Nhờ
không chấp nhận địa là ta, nên vị ấy mới thực biết địa đại.

Đối với thủy đại (nước), phong đại (gió), hỏa đại (lửa), thần ngã
(thức), chư Thiên, Phạm Thiên, vô phiền Thiên, vô nhiệt Thiên, tịnh Thiên,
v.v… biết tất cả chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, ta chẳng phải là của
các thứ ấy; nhờ không chấp nhận, các thứ ấy không phải là ta, nên ta mới thực
sự biết về các thứ ấy.”

Tại sao thế? Vì mọi hiện tượng tâm lý tinh
thần và vật lý vật chất không có cái gì có một chủ thể độc lập hay thường còn
cả, nên nó là “vô thường”, nó là “vô ngã”, không có ta. Ý nghĩ cho rằng có
“ta”, có “người”, có “cái của ta”, là những đơn vị độc lập không phụ thuộc vào
nhau, chính là vô minh, chính là si mê.

Vì chấp sắc thân và tâm là ta nên không
biết thân tâm, tại sao? Vì Sắc thân gồm các bộ phận thân thể, mà các bộ phận
được cấu tạo bởi “đất, nước, gió, lửa”, bốn thứ này luôn luôn thay đổi không
ngừng, chúng không có chủ thể, nên không có gì gọi là ta được cả. Tâm gồm: các
cảm giác (thọ), nghĩ tưởng nhớ (tưởng), suy nghĩ khởi muốn, khởi làm (hành), và
phân biệt so sánh (thức), mà có. Tất cả: thọ, tưởng, hành, thức, đều thay đổi không
có chủ thể, nên tâm cũng chẳng phải là ta; như vậy, thân tâm đều chẳng phải là
ta, nó vô ngã, nên chẳng có cái gì là của ta được, và ta cũng chẳng thuộc về
cái gì cả, hiểu được như vậy là hết vô minh, hết si mê.

Câu đức Phật nói:: “Nhờ không chấp nhận các thứ là ta, không chấp nhận các thứ là của ta,
nên ta mới thực sự biết các thứ ấy”,
là sao?

Nghĩa là nếu hoàn toàn “vô ngã” rồi, không
còn một chút nào tham lam, ái dục, keo kiết; không còn một tí nào sân hận giận
hờn, tật đố ghen tị; không còn một dấu vết nào của kiêu căng, ngạo mạn, khinh
người v.v… thì đạt quả Thánh; người đã đạt tới quả Thánh rồi nhìn mọi sự ở
đời đều biết như thật vậy.

Cuối cuộc luận bàn, chúng ta thấy Phạm
Thiên đuối lý, nên mới nói bài kệ theo ý luận của đức Phật, nhưng Phạm Thiên
chưa chịu hàng phục hẳn đâu. Chúng ta tiếp tục theo dõi đoạn Kinh kế tiếp xem
Phạm Thiên trổ tài gì?

2)- THI TÀI BIẾN HÓA:

Sau khi nói kệ, Phạm Thiên nói:


Này Đại Tiên Nhân, nay ta muốn ẩn hình.

Đức Phật bảo:


Này Phạm Thiên, nếu Ông muốn ẩn hình thì tùy ý Ông.

Phạm Thiên liền biến hình (tàng hình), đức
Phật liền nói:


Ông ở chỗ này, Ông đến chỗ kia, Ông lại vào chỗ giữa này.

Mỗi chỗ Phạm Thiên di chuyển đến, Ngài đều
chỉ không sai; Phạm Thiên muốn ẩn hình, nhưng chẳng qua được mắt Phật, nên phải
hiện hình trở lại, bấy giờ đức Phật nói :


Ta cũng muốn ẩn hình, Ông xem Ta ở chỗ nào?

Đức Phật liền nghĩ: “Ta hãy hiện Như Ý Túc
Như Kỳ Tượng, phóng hào quang cực sáng chiếu rọi khắp cõi Phạm Thiên, rồi ẩn
hình trong đó, khiến Phạm Thiên và quyến thuộc chỉ nghe tiếng Ta mà không thấy
hình Ta”; nghĩ xong, Ngài liền thực hành.

Bấy giờ, Phạm Thiên và quyến thuộc, ai
cũng nghĩ rằng: “Sa Môn Cù Đàm thực là kỳ diệu, thật là hy hữu, có đại như ý
túc (biến hóa), có đại oai đức, có đại phúc hựu (phúc lớn), có đại oai thần, vì
sao? Vì đang phóng hào quang cực sáng chiếu khắp cõi Trời Phạm, rồi ẩn mình ở
trong, khiến chúng ta không thể thấy mà chỉ nghe tiếng thôi”.

Lúc ấy, đức Phật biết tâm ý Phạm Thiên và
quyến thuộc, nên Ngài nghĩ: “Ta đã cảm hóa được Phạm Thiên này và quyến thuộc
rồi, Ta nên thu hồi Như ý túc”. Nghĩ rồi, Ngài liền thu hồi Thần túc và ở giữa
cõi Phạm Thiên.

Bấy giờ Thiên Ma Ba Tuần thấy thế liền
nói:


Này Đại Tiên Nhân, Ông thật khéo biết, khéo thấy, khéo thông suốt, nhưng Ông
chớ nên giáo huấn đệ tử, chớ nên nói pháp vi diệu cho đệ tử, chớ nên yêu thương
(ái luyến) đệ tử. Ông hãy sống vô vi (sống đạo lý, sống tùy tự nhiên) mà hưởng
thụ cuộc đời an nhàn, vì sao?, vì những việc làm ấy sẽ gây phiền nhọc, và khi
chết sẽ sinh vào làm Thần kỹ nhạc thấp kém.

Đức Phật bảo Ma:


Này Ma Ba Tuần, Ông chẳng phải mong thiện lợi cho Ta, chẳng phải mong cầu ích
lợi cho Ta, cũng chẳng phải mong cầu an lạc cho Ta mà nói như thế. Này Ma Ba
Tuần, Ta biết Ông nghĩ rằng: “Sa Môn Cù Đàm nói pháp cho đệ tử nghe, các đệ tử
ấy sẽ ra khỏi cảnh giới của ta, ta sẽ không chi phối được họ nữa”, cho nên Ông
mới nói như thế.

Này Ma Ba Tuần, nếu có Sa Môn Phạm Chí nào
đã giáo hóa đệ tử, nói pháp cho đệ tử nghe và yêu thương đệ tử, nên sau khi qua
đời đã sinh vào làm Thần kỹ nhạc thấp kém, thì Sa Môn, Phạm Chí ấy chẳng phải
là Sa Môn mà tự xưng là Sa Môn, chẳng phải Phạm Chí, mà tự xưng là Phạm Chí,
chẳng phải A La Hán mà tự xưng là A La Hán, chẳng phải bậc Chính Đẳng Giác mà
tự xưng là Chính Đẳng Giác (Bậc giác ngộ cao nhất).

Này Ma Ba Tuần, Ta tự biết là Sa Môn nên
mới xưng Sa Môn, Ta thực sự biết là A La Hán nên mới xưng là A La Hán, Ta thực
sự biết là Chính Đẳng Giác nên mới xưng là Chính Đẳng Giác.

Này Ma Ba Tuần, nếu Ta có nói pháp hay
không thì Ông cũng nên đi đi, Ta tự biết nên nói pháp hay không nên nói pháp là
tùy ở nơi Ta.

LỜI BÀN:

Khi luận bàn về trí tuệ, Phạm Thiên thấy
rõ trí của mình không thể bằng đức Phật nên mới nói bài kệ ở đoạn trên theo ý
của Phật, nhưng chưa chịu khuất phục hẳn, mà còn muốn so tài cao thấp trong sự
biến hóa, tại sao? Vì từ hồi nào tới lúc ấy Đại Phạm Thiên thường trổ tài với
các tầng Trời Dục giới, không có ai sánh kịp, nên kiêu hãnh cho mình là nhất.
Bấy giờ gặp Phật chưa biết ra sao nên muốn thử tài, nhưng như chúng ta đã biết
kết quả rồi, và từ đó trở đi, Phạm Thiên mới coi đức Phật là bậc tối thắng, tối
diệu, tối thượng vậy.

Nói về Thiên Ma Ba Tuần, là Vua cõi Trời Ma La Thiên, cõi Dục giới tầng cao nhất trong 6 tầng Trời Dục giới; với bản
tính của Ma là luôn luôn ngăn cản làm điều tốt lành, xúi giục làm điều quấy ác,
chúng ta không còn lạ gì nữa.

Một dấu ngoặc để biết thêm về cõi Phạm
Thiên, đó là đạo Bà La Môn, mà ngày nay gọi là Ấn Độ giáo; trên nguyên tắc, đạo
Bà La Môn thờ Phạm Thiên, Phạm Thiên là Thượng Đế, Thượng Đế sinh ra mọi người.
Người đạo Bà La Môn đều cho rằng mình là con của Phạm Thiên, nên thường phải
cúng tế Thượng Đế. Vị Đại Phạm Thiên chính là Thượng Đế của đạo Bà La Môn vậy.

Còn các đạo khác như Do Thái giáo (Israel)
và Cơ Đốc giáo (Christian) thờ cùng một Thượng Đế, và Hồi giáo (Muslim) thờ một
Thượng Đế khác. Người viết chưa hân hạnh được biết nên không thể viết ra được,
rất tiếc; không biết hai vị Thượng Đế của họ là ai và hiện nay ở đâu có ai biết
không?

Toàn
Không


Rate this post