Đồng chí Vũ Kỳ – Ngườ thư ký tận tụy của Bác Hồ | KHOA LICH SU – TRUONG DAI HOC KHOA HOC
Đồng chí Vũ Kỳ – Ngườ thư ký tận tụy của Bác Hồ
ĐỒNG CHÍ VŨ KỲ – NGƯỜI THƯ KÝ TẬN TUỴ CỦA BÁC HỒ
Bảo tàng Hồ Chí Minh chuẩn bị kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của đồng chí Vũ Kỳ (26-9-1921 – 26-9-2011), người thư ký trung thành, tận tụy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã góp phần giữ gìn và phát huy di sản của Bác Hồ, đã được Chủ tịch nước Tôn Ðức Thắng tặng Bằng khen vì đã “Tận tụy phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống”. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của đồng chí Chu Ðức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh về đồng chí Vũ Kỳ.
Ðồng chí Vũ Kỳ, người thư ký của Bác Hồ, đồng thời cũng là người gìn giữ và phát huy Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị là Phó Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, và Giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ðồng chí Vũ Kỳ đảm nhiệm nhiều chức vụ do Ðảng và Nhà nước giao phó: Chánh Văn phòng Chủ tịch nước, Thư ký riêng của Bác Hồ, Ủy viên Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh…
Sau một thời gian thử thách trong phong trào cách mạng, ngày 25-10-1940, đồng chí đã vinh dự được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương (tức Ðảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) khi vừa tròn 19 tuổi. Tháng 8-1941, được tổ chức bố trí, đồng chí đã thoát ly gia đình cùng một số đồng chí khác tìm đường đến Quảng Tây (Trung Quốc) để dự Lớp huấn luyện cán bộ quân chính do Ðảng ta tổ chức, nhằm đào tạo cán bộ quân sự chuẩn bị cho Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 sau này.
… Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, đồng chí có vinh dự lớn là được tổ chức chọn vào giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa ở chiến khu về Hà Nội, khi đó, đồng chí vừa tròn 24 tuổi. Làm thư ký cho Chủ tịch Hồ Chí Minh là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của đồng chí. Bắt đầu từ đây, đồng chí có được may mắn, niềm hạnh phúc lớn lao được làm việc và gắn bó với một người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.
Trong những ngày cuối năm 1945, đầu năm 1946, tình thế nước ta “nghìn cân treo sợi tóc”, công việc bề bộn, căng thẳng và đầy thử thách, với vinh dự lớn và trách nhiệm cao, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc các công việc được giao, vừa là bí thư chi bộ Ðảng, vừa là thư ký, vừa là người giúp việc. Luôn ở bên cạnh Bác trong những ngày gian khó nhất, những trang nhật ký công tác của đồng chí viết vội sau mỗi ngày làm việc, giữa những lần di chuyển chỗ ở để bảo đảm an toàn, bí mật, đã giúp chúng ta hình dung phần nào những ngày Bác làm việc căng thẳng, tranh thủ thời gian, ứng phó với tình hình thay đổi, chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc kháng chiến.
Năm 1946, Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí Vũ Kỳ cùng các đồng chí khác trong cơ quan trở lại Việt Bắc. Một tiểu đội rất gọn nhẹ, có tám người theo Bác đi kháng chiến, kiêm nhiệm tất cả công việc, từ thư ký, liên lạc, hậu cần… và đồng chí là người chịu trách nhiệm của tiểu đội đó. Trên đường hành quân để giữ bí mật, Bác đã đặt tên cho các đồng chí giúp việc gần gũi, theo phương châm của cuộc kháng chiến là “Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Ðịnh, Thắng, Lợi”. Vũ Long Chuẩn được đặt là Kỳ, và từ đó, cái tên Vũ Kỳ được Bác Hồ đặt cho đã gắn bó suốt đời với đồng chí.
Tháng 1-1950, do yêu cầu công việc, đồng chí được điều động về làm Chủ nhiệm Ban Chính trị Mặt trận Hà Nội và được bầu vào Ban Chấp hành Ðảng bộ TP Hà Nội. Tháng 3-1953, sau khi dự lớp chỉnh Ðảng do Trung ương tổ chức cho cán bộ trung, cao cấp tại Việt Bắc, đồng chí được Bác giao cho phụ trách một đội TNXP mới thành lập, trực thuộc Chính phủ.
Từ một người giúp việc cho Bác Hồ, đồng chí Vũ Kỳ được điều sang một vị trí công tác mới, chỉ huy hàng nghìn đội viên trực tiếp làm các nhiệm vụ hết sức nặng nề là mở đường lên Tây Bắc, trực tiếp phục vụ chiến dịch Ðiện Biên Phủ, tiếp tế súng đạn, cáng tải thương binh, thu dọn chiến trường, mở đường, rà phá bom, san lấp hố bom, vận chuyển lương thực…, vượt mọi khó khăn gian khổ, nhiệm vụ nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, Bác Hồ cùng Trung ương Ðảng và Chính phủ trở về Thủ đô Hà Nội. Tháng 4-1956, đồng chí được điều động về làm Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch và trực tiếp làm thư ký riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí đã dồn tất cả thời gian và sức lực để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt này. Những cố gắng và sự đóng góp của đồng chí đã được ghi nhận trong Bằng khen của Chủ tịch nước: “Tận tụy phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống” do Chủ tịch nước Tôn Ðức Thắng ký tặng.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Trung ương có gợi ý bố trí công tác cho đồng chí một chức vụ tương xứng trong Chính phủ, nhưng đồng chí đã báo cáo với Trung ương, tình nguyện được tiếp tục công việc giữ gìn các di sản của Bác Hồ để lại. Ðây là một quyết định vô cùng đúng đắn và sáng suốt của đồng chí. Nếu như tiểu sử cuộc đời của đồng chí từ khi làm thư ký cho Bác gắn liền với những sự kiện lịch sử trong cuộc đời hoạt động của Người, thì những trang tiếp theo của cuộc đời Vũ Kỳ gắn liền với quá trình xây dựng Lăng Bác, sự hình thành, phát triển của Bảo tàng Hồ Chí Minh, của hệ thống di tích lưu niệm và các bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh trong cả nước, từ Pác Bó đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số di tích của Người trên thế giới. Một phần ba thế kỷ tiếp tục làm việc tận tụy và hết mình, trên cương vị Ủy viên Ban chỉ đạo xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, Phó Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh – cơ quan trực thuộc Trung ương Ðảng và Hội đồng Bộ trưởng, rồi Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, đồng chí đã để lại dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị Di sản Hồ Chí Minh.
Song song với các nhiệm vụ chuẩn bị cho Bảo tàng Hồ Chí Minh ra đời, đồng chí dành nhiều thời gian để viết sách, viết báo kể lại những kỷ niệm sâu sắc của những tháng ngày hạnh phúc, được làm một “chú tiểu đồng” của Bác Hồ.
Ðồng chí có cách nói, cách viết nhẹ nhàng, trong sáng, giản dị, lại là người gần gũi Bác hơn ai hết nên những điều đồng chí viết đều làm chúng ta càng nhớ Bác Hồ hơn. Ðồng chí đã có hàng nghìn trang viết về Bác Hồ, gần một chục cuốn sách, hàng trăm bài đăng trên các báo và tạp chí, rất nhiều cuộc nói chuyện với các tầng lớp nhân dân, với bạn bè quốc tế yêu mến Bác Hồ.
Qua hơn 60 năm hoạt động, dù ở cương vị nào, dù ở lĩnh vực công tác nào, đồng chí Vũ Kỳ luôn luôn thể hiện là một người cộng sản trung kiên, vững vàng trong mọi thử thách, nêu cao trách nhiệm trước nhân dân, tận tụy với công việc, đoàn kết thân ái với đồng chí, dìu dắt giáo dục và đào tạo thế hệ cán bộ kế tục.
Ghi nhận những cống hiến của đồng chí, Ðảng, Nhà nước ta đã tặng thưởng đồng chí nhiều huân, huy chương: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huân chương Chiến thắng hạng nhì, Huy hiệu 60 năm tuổi Ðảng và nhiều phần thưởng vinh dự khác.
Các thế hệ cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh nguyện học tập tấm gương làm việc tận tụy hết mình của đồng chí, người thư ký của Bác Hồ, người thủ trưởng kính mến của cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Ðảng và Nhà nước giao phó, tiếp tục gìn giữ và phát huy Di sản Hồ Chí Minh tới đồng bào, đồng chí và bạn bè năm châu trên toàn thế giới.
Theo Báo Nhân dân điện tử