Điều chuyển ông Lương Ngọc An sau vụ Dạ Thảo Phương
Trên trang web của Hội nhà văn cũng mới đăng thông báo của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam về kỳ họp thứ 4 khóa X. Theo đó, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã tiến hành kỳ họp lần thứ 4 do Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều chủ trì, với sự tham gia đầy đủ của các Ủy viên Ban Chấp hành: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Khuất Quang Thụy, Trần Hùng, Nguyễn Thị Thu Huệ, Bích Ngân, Phan Hoàng, Hữu Việt, Lương Ngọc An, Vũ Hồng.
Ngoài việc điểm lại các hoạt động của Hội Nhà văn, phần công tác nhân sự Ban Chấp hành quyết định điều động nhà thơ Lương Ngọc An thôi giữ chức vụ Phó Tổng biên tập, Thư ký toà soạn Báo Văn Nghệ để nhận nhiệm vụ mới kể từ ngày 1/5/2022.
Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều phát biểu khai mạc kỳ họp lần thứ 4 Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Vanvn
Trước đó ngày 6/4, trên trang cá nhân, nhà thơ Dạ Thảo Phương từng công tác tại báo Văn nghệ đã đăng thư tố bị ông Lương Ngọc An tấn công tình dục từ 23 năm trước.
Theo đó, cô đã viết bản tường trình gửi tới Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Báo Văn nghệ và các nhà văn, nghệ sĩ, trí thức, tất cả những người yêu văn chương nghệ thuật lời tố cáo mà cô đã im lặng trong khoảng thời gian dài.
Ông Lương Ngọc An.
Sau đó hơn một tuần, ông Lương Ngọc An chia sẻ với VietNamNet và cũng đăng tải trên trang cá nhân xác nhận mình đã trình báo sự việc lên công an nhờ can thiệp vì bị vu khống. Trên trang cá nhân, ông Lương Ngọc An viết: ”Hơn một tuần qua với tôi thật dài. Sững sờ trước những gì diễn ra vào buổi tối 6/4 không phải chỉ vì tên mình, hình ảnh của mình, cùng những bài thơ vô tội đang bị đem ra mổ xẻ, phê phán một cách gay gắt trên mạng xã hội mà còn bởi vì tôi không hiểu nổi vì sao bỗng dưng lại xảy ra chuyện đó. Một câu chuyện tôi không muốn nhắc lại thêm một lần nữa không phải chỉ vì sự đúng sai, bởi dù đúng hay sai thì cũng chẳng vui vẻ gì.
Tôi đã từng trả giá cho những sai lầm của mình từ hơn 20 năm qua. Suốt hơn 20 năm qua, ai dám bảo sự im lặng là không có sóng…. Vì câu chuyện này mà gia đình, người thân, bạn bè cũng phải chịu đựng bao uất ức, áp lực từ dư luận trên mạng xã hội. Mà uất ức ấy, áp lực ấy có đáng không? Tệ hơn nữa, có những người xưa nay chẳng oán thù gì bỗng nhân chuyện này mà nhảy ra nói những điều oan nghiệt, dựng chuyện vu khống chẳng ngượng mồm. Bất nhân quá. Chuyện người ta có thể giết nhau bằng lời nói là có thật. Nhưng có lẽ chết vì lời thì không dễ thế… Tôi xin được giải quyết việc này theo cách tôi cho là cần thiết”.
Ngay sau thông báo sẽ đưa việc này tới công an nhờ can thiệp của ông Lương Ngọc An, nhà thơ Dạ Thảo Phương cũng trả lời riêng VietNamNet, nếu được như thế, cô hy vọng thông tin về phiên toà này sẽ được lan toả rộng hơn, khích lệ các nạn nhân bị xâm hại tình dục khác còn đang phải giấu nỗi đau của mình trong im lặng hoang mang.
Dạ Thảo Phương được đánh giá là nhà thơ nổi tiếng với giọng thơ lạ vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX. Tác phẩm làm nên tên tuổi của cô là Bài thơ về năm chiếc lá được sáng tác khi Dạ Thảo Phương mới 17 – 18 tuổi.
Tình Lê