Đề thi thử môn Ngữ văn 9 số 12 – có đáp án

Bài văn mẫu

Câu 1: (3,0 điểm)
Đại dịch Covid – 19 đã buộc con người thay đổi một số thói quen trong cuộc sống.

Em hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về vấn đề trên.

Bài làm

Dịch Covid-19 đến thời điểm này đã ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của nước ta, gây ra những hệ lụy không nhỏ dù chưa thể thống kê bằng các con số. Tuy vậy, nhìn ở góc độ tích cực, dịch bệnh này có thể tác động đến một số mặt của từng cá nhân, từng gia đình, thậm chí cả cộng đồng. Đây có thể là một khía cạnh của hiện tượng “cái khó ló cái khôn” mà cũng là một hình thức tự thích nghi trong hoàn cảnh đặc biệt.

Trước hết, về mặt kinh tế, dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại có thể không phải chỉ khắc phục được trong thời gian ngắn. Nhưng dịch bệnh này đã chỉ ra khá rõ những hạn chế, thậm chí khuyết tật của nền kinh tế. Chẳng hạn, trong sản xuất nông nghiệp thì chưa đề cao quy hoạch vùng, còn chạy theo phong trào, ít chú ý đến lợi thế so sánh; biết là lệ thuộc đầu ra từ phía Trung Quốc nhưng biện pháp khắc phục ít được chú ý một cách triệt để nên dẫn đến việc phải “giải cứu” liên tục. Hay trong chế biến, từ “giải cứu” đã gợi mở cho một số người hướng sản xuất những mặt hàng mới, gắn sản xuất nông nghiệp và chế biến, mà bánh mì thanh long, bánh tráng thanh long, bún dưa hấu… là những sản phẩm nổi bật. Việc phải tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, chú trọng nhiều hơn đến quản lý rủi ro… cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm và thực hiện. Cả trong điều hành kinh tế vĩ mô, chắc chắn cũng có những tác động để có sự điều chỉnh phù hợp hơn trong thời gian tới.
Trong đời sống xã hội, nhiều hoạt động, thói quen đã được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Như trong giáo dục, với cách dạy và học truyền thống, một bộ phận giáo viên và học sinh, sinh viên có tâm lý thụ động, lặp lại, một chiều, nhưng việc phải nghỉ học dài ngày, nhiều trường đã tổ chức dạy và học trực tuyến. Đây là một cơ hội để cả người dạy và người học phải điều chỉnh, đổi mới. Giáo viên không thể dùng một giáo án để dạy cho nhiều lớp, không thể chỉ có dạy mà ít quan tâm đến phản hồi và sự tiếp thu của người học, bởi cách dạy trực tuyến buộc thầy và trò phải làm việc nhiều hơn, phải chủ động và tích cực hơn, nếu muốn kết quả học tập thực sự khả quan. Hay việc giãn thời gian học quá lâu, buộc ngành giáo dục phải có những tính toán sao cho linh hoạt nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh mà không phá vỡ các mục tiêu của năm học.

Đối với thói quen của nhiều người, sau giờ làm việc hay bù khú bạn bè, cà phê hoặc nhậu nhẹt có thể coi là một biểu hiện chưa mấy tích cực. Bởi số người lãng phí thời gian vào những việc này là không ít, chưa kể không tiết kiệm về tài chính và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Nhưng dịch Covid-19 đã hạn chế gần như tối đa số người tụ tập, kể cả đi bar, hát karaoke… Việc “lập hội” tán dóc với nhau của các “hội bà tám” cũng giảm hẳn. Trong việc ăn uống, thói quen uống chung nhau ly bia, ly rượu, gắp thức ăn cho nhau, chấm chung chén chấm, uống xong thì bắt tay nhau… giờ cũng vắng hẳn, từ đây có thể tập dần một thói quen mới lịch sự hơn, vệ sinh hơn.

Thói quen hiếu kỳ, chen chân vào đám đông cũng giảm rõ rệt vì hầu như ai cũng ý thức được rằng ở đám đông đó đầy rủi ro nhiễm bệnh. Hay ở các chỗ đông người, trong các không gian công cộng, việc “đi nhẹ nói khẽ” cũng được thể hiện nhiều hơn, không chỉ từ sự tự điều chỉnh mà còn do… vướng cái khẩu trang!
Việc hạn chế la cà, tụ tập gắn liền với việc dành thời gian cho gia đình và bản thân nhiều hơn, có thể tác động đến việc tạo ra sự gắn kết gia đình nhiều hơn, đồng thời hình thành nên các thói quen tốt như chơi với con cái, chăm đọc sách, tập thể dục, tự giải trí ở nhà…
Hoặc thái độ có trách nhiệm với cộng đồng cũng được đề cập nhiều, khi một hành vi gây nguy hiểm cho nhiều người có thể bị lên án mạnh mẽ. Một khi có ý thức tốt về điều này thì thái độ với bản thân sẽ tích cực hơn.
Điểm rõ nhất có thể thấy là ý thức về vệ sinh và tự bảo vệ sức khỏe của bản thân của từng người được nâng lên. Thói quen ít rửa tay hoặc rửa tay qua loa vốn có ở nhiều người giờ được tác động mạnh mẽ để thay đổi; việc đưa tay chạm vào bề mặt đồ vật rồi thoải mái chạm vào người, cọ vào mắt vào miệng… vốn có thói quen gần như vô thức cũng được cân nhắc để hạn chế hơn; hay một số người vô ý khạc nhổ giờ phải đeo khẩu trang cũng tự kiềm chế thói quen đó
Khi được khuyến cáo phải tăng sức đề kháng để chống lại Covid-19, không ít người chú trọng việc tập thể dục thường xuyên, lựa chọn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, đó là cũng là một biểu hiện tốt. Nhiều người cũng quan tâm việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là chú ý dọn dẹp sạch sẽ nơi ở, nơi làm việc của mình. Tích cực hơn, thói quen này cũng có xu hướng tác động, thúc đẩy đến người khác nhiều hơn, tức là làm lan tỏa nhiều hơn để nhiều người cũng thay đổi hơn.
Dĩ nhiên, thói quen thường được hình thành trong một thời gian dài, qua một đợt dịch bệnh thì khó làm chuyển biến căn bản nhưng rõ ràng với nhiều người, chính thời gian này sẽ làm họ tự ý thức hơn, tự bảo vệ hơn, bước đầu có thể tạo nên những thói quen mới. Không chỉ vậy, trải qua một thời gian khó khăn, phải ứng phó với nhiều thử thách, có thể một số người sẽ có thái độ sống tích cực hơn, biết quan tâm đến người khác hơn, biết tự chăm sóc bản thân hơn, biết cách phòng tránh các rủi ro cao hơn… Không ai mong muốn có dịch bệnh để làm thay đổi các thói quen chưa tốt, nhưng qua đây, sự thích nghi đã hình thành nên nếp sống mới tốt hơn thì cũng nên ghi nhận đó là một khía cạnh tích cực của một rủi ro!

Sen Biển ( biên soạn)

 

Rate this post