De Rossi – võ sĩ giác đấu cuối cùng của thành Rome
Khép lại sự nghiệp khiêm tốn về danh hiệu đầu năm 2020, nhưng Daniele de Rossi được nhớ đến với tính cách chính trực và sự trung thành với AS Roma.
Với số đông cầu thủ, những chức vô địch của tập thể và các giải thưởng cá nhân là thước đo cụ thể nhất cho thành công sự nghiệp. Và De Rossi là một trong số ít ngoại lệ. Ở cấp CLB, anh chỉ có hai Cup Italy và một Siêu Cup Italy trong sự nghiệp chuyên nghiệp kéo dài 19 năm (từ 2001 đến 2020). Nhưng khi anh thông báo treo giày ở Boca Juniors hôm 6/1, không chỉ những CĐV của AS Roma tiếc nuối và gửi lời tri ân tới “võ sĩ giác đấu cuối cùng của thành Rome”.
De Rossi khi còn thi đấu cho Roma – đội bóng anh gắn bó gần như trọn vẹn sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp.
Khi được tờ The Guardian (Anh) mời viết bài đánh giá về đội tuyển Italy tại World Cup 2006, HLV Claudio Ranieri không ngần ngại chỉ ra riêng một cái tên làm điểm nhấn: “Hãy theo dõi De Rossi – một Lampard của tuyển Italy”. Trong một đội hình đầy rẫy tài năng như Andrea Pirlo, Gennaro Gattuso, Fabio Cannavaro hay Francesco Totti, Ranieri vẫn đặt niềm tin vào chàng tiền vệ khi ấy mới 22 tuổi và so sánh anh với học trò cũ tại Chelsea: “De Rossi là tiền vệ trung tâm toàn diện nhất của Italy. Cậu ấy có thể tấn công lẫn phòng ngự và là một trong những người trẻ hay nhất ở vị trí của mình trên toàn thế giới. Cậu ấy rất giống Lampard ở cách phối hợp với các tiền vệ còn lại. De Rossi phòng ngự tốt hơn Lampard và có thể chơi ngay trước hàng thủ. Nhưng cậu ấy cũng sở hữu những phẩm chất tấn công của Lampard khi chơi đá tiền vệ con thoi”.
Sau khi chơi tốt ở trận ra quân gặp Ghana, De Rossi được đá chính trong trận thứ hai gặp Mỹ. Nhưng ngay từ phút 28, De Rossi đã nhận một thẻ đỏ trực tiếp sau pha thúc cùi trỏ vào mặt Brian McBride. Đó là một pha tranh chấp bóng bình thường và động tác vung tay của tiền vệ mang áo số 4 là hoàn toàn không cần thiết, khiến đồng nghiệp người Mỹ phải khâu ba mũi. Dù sau trận McBride cho biết anh tha thứ cho De Rossi sau khi cầu thủ của Italy chủ động tìm tới phòng thay đồ đội tuyển Mỹ để xin lỗi, FIFA vẫn quyết định xử nghiêm De Rossi với án treo giò bốn trận.
Án phạt kể trên đồng nghĩa với việc cách duy nhất De Rossi còn có thể tiếp tục ra sân tại World Cup 2006 là Italy lọt vào trận chung kết. Và bất chấp bê bối Calciopoli nổ ra trước giải đấu khiến Italy chịu nhiều hoài nghi, đội quân Thiên Thanh vẫn lầm lũi tiến sâu vào tận trận đấu cuối cùng, mang tới cho De Rossi cơ hội thứ hai. Anh được tung vào sân thay đàn anh Francesco Totti ở phút 61 và là người thực hiện thành công lượt sút luân lưu thứ ba, góp phần giúp Italy giành chiến thắng trước Pháp.
Ở tuổi 22, De Rossi là thành viên trẻ nhất trong số 23 cầu thủ Italy vô địch World Cup 2006. Những phẩm chất tốt nhất lẫn cả điểm yếu của De Rossi được phơi bày trong giải đấu mà Italy lần thứ tư lên đỉnh thế giới. Anh là một tiền vệ phòng ngự với nguồn năng lượng tưởng như vô tận, sở hữu khả năng đọc trận đấu tuyệt hảo, như một sự kết hợp giữa Pirlo và Gattuso. De Rossi cũng cho thấy tâm lý vững vàng trước sức ép khi là một trong năm người được chọn để thực hiện lượt đá luân lưu với Pháp. Nhưng pha bóng thô bạo trước McBride cũng cho thấy sự nhiệt huyết đôi khi thái quá của De Rossi khiến anh nhận những thẻ phạt không đáng có.
Xuyên suốt sự nghiệp, De Rossi đã chứng tỏ mình là một trong những tiền vệ hay nhất lịch sử AS Roma nói riêng và bóng đá Italy nói chung. Anh có thể chơi mọi vị trí ở tuyến giữa, từ tiền vệ phòng ngự, trung tâm cho tới hoạt động như một tiền vệ con thoi. Là một chuyên gia trong những tình huống cố định, De Rossi còn là tiền vệ ghi bàn nhiều nhất cho Italy giai đoạn hậu Thế chiến II với 21 bàn. Đây không phải điều gây ngạc nhiên bởi anh vốn khởi nghiệp ở vị trí… tiền đạo và thần tượng Eric Cantona, trước khi được đưa về tuyến giữa giống một thần tượng khác: Roy Keane.
Trong những tình huống đội bóng thiếu người, De Rossi thậm chí còn có thể chơi như một trung vệ quét và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tại vòng bảng Euro 2012, De Rossi từng thay thế Andrea Barzagli gặp chấn thương để chơi sơ đồ ba trung vệ cạnh Giorgio Chiellini và Leonardo Bonucci trong hai trận đầu vòng bảng, trước khi trở lại hàng tiền vệ trong phần còn lại của giải đấu. Một trong những phẩm chất hàng đầu của De Rossi là kỹ năng giành lại bóng từ đối phương. Anh thậm chí còn xăm lên chân mình hình ảnh một pha tắc bóng được đặt trong tấm biển cảnh báo, như muốn nắn gân đối phương: De Rossi không phải là đối tượng để đùa!
Trang Bleacher Report nhận xét: “Có những cầu thủ khéo léo hay nhanh hơn De Rossi. Anh ấy không thể chuyền như Pirlo hay rê bóng qua các hàng phòng ngự như El Shaarawy. Nhưng giá trị của De Rossi nằm ở sự toàn diện và khả năng truyền cảm hứng cho đồng đội. Anh ấy là trái tim của mọi đội bóng mình khoác áo. Đam mê của anh ấy truyền lửa theo cách rất ít thủ lĩnh làm được và lối chơi thông minh giúp anh ấy là hạt nhân xây dựng đội bóng. De Rossi là một thủ lĩnh bẩm sinh với sự kết hợp giữa cả thể chất lẫn đầu óc. Về nhiều mặt, anh ấy là một tiền vệ hoàn hảo: từ tắc bóng, chuyền bóng, kiến tạo, dứt điểm cho tới lãnh đạo!”.
De Rossi thể hiện sự mạnh mẽ và quyết liệt trong một pha tranh cấp với Cesc Fabregas của đội tuyển Tây Ban Nha.
Năm 2011, Man City từng cố chiêu mộ De Rossi từ AS Roma – đội bóng mà anh đã gắn bó từ đội trẻ năm 2000. HLV của City khi đó là Robert Mancini cho rằng: “Cậu ấy là một cầu thủ hàng đầu và nằm trong danh sách ít ỏi những cầu thủ có thể đá chính tại những đội bóng mạnh nhất thế giới. Cậu ấy là một tiền vệ toàn diện, với cả kinh nghiệm lẫn đẳng cấp. Nếu một ngày nào đó cái tên De Rossi xuất hiện trên thị trường chuyển nhượng, Man City sẽ sẵn sàng, giống như Real Madrid, Chelsea và tất cả những đội bóng lớn khác”.
Nhưng ngày đó đơn giản là không thể xảy ra trong những năm tháng đỉnh cao sự nghiệp của De Rossi. Đơn giản là việc rời bỏ đội bóng quê nhà không nằm trong suy nghĩ của De Rossi. Anh từng tâm sự trên trang chủ Roma năm 2016: “Cách đây vài năm, có rất nhiều tin đồn về việc tôi sẽ chuyển tới Manchester City, nhưng tôi chưa bao giờ muốn rời khỏi Rome. Điều duy nhất khiến tôi phấn khích về việc tới Manchester là tôi có thể gặp trực tiếp nhóm nhạc thần tượng Oasis”.
Không chỉ Man City, những đại gia như Real hay Man Utd đều từng liên hệ với De Rossi. Nhưng anh vẫn trung thành ở lại Roma, để mang biệt danh trớ trêu: Capitan Futuro (Đội trưởng tương lai).
De Rossi là một thủ lĩnh bẩm sinh. Ngày 15/3/2006, De Rossi lần đầu được đeo băng đội trưởng Roma trong trận gặp Middlesbrough tại cúp UEFA khi mới 22 tuổi. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, tiền vệ này thậm chí còn được HLV Marcello Lippi đặt niềm tin sớm hơn khi chọn anh làm đội trưởng trong trận giao hữu gặp Iceland tháng 3/2005, dù trong đội hình có những cầu thủ lớn tuổi hơn như Marco Materazzy hay Luca Toni.
Sau khi De Rossi tuyên bố giải nghệ, đồng đội cũ El Shaarawy đã tri ân anh bằng cách đăng tải một video phòng thay đồ Roma trong trận cuối cùng anh đeo băng đội trưởng. De Rossi đi quanh các cầu thủ, hô to và nhận lại sự hưởng ứng từ đồng đội:”Chúng ta chạy vì cái gì? Roma! Chúng ta chiến đấu vì cái gì? Roma! Chúng ta sẵn sàng chết vì cái gì? Roma! TIẾN LÊN ROMA!”.
Ngay cả khi không hiểu tiếng Italy, người xem vẫn có thể sởn da gà trước cái uy từ De Rossi. Không phải ngẫu nhiên mà một trong những trận đấu hay nhất lịch sử AS Roma tới khi De Rossi là thủ lĩnh trên sân. Trong trận tứ kết lượt về Champions League mùa giải 2017-18, cơ hội đi tiếp của Roma là vô cùng mong manh sau khi đã bị Barcelona đánh bại 4-1 ở lượt đi. Nhưng De Rossi cùng các đồng đội đã làm nên màn lội ngược dòng kỳ vĩ khi đánh bại gã khổng lồ xứ Catalan 3-0, với người đội trưởng trực tiếp ghi bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0.
Sở hữu tố chất thủ lĩnh như vậy nhưng trong gần hai thập niên khoác áo Roma, De Rossi vẫn chấp nhận cảnh làm kép phụ cho Totti. Người đàn anh sinh năm 1976 đã đeo băng đội trưởng từ năm 1998 và tất cả đều hiểu chiếc băng đội trưởng sẽ chỉ đổi chủ khi Totti giải nghệ. Biệt danh “Capitan Futuro” của De Rossi tồn tại suốt nhiều năm khi ngày Totti giã từ sân cỏ vẫn ở thì tương lai.
Nhưng với De Rossi, việc làm đội phó suốt nhiều năm dù đủ khả năng và cái tầm để làm đội trưởng không phải một vấn đề. Anh chia sẻ với Sky Sport Italy năm 2013: “Viễn cảnh tôi sẽ nhận băng đội trưởng khi Francesco giải nghệ không hề vui đối với cả tôi lẫn người hâm mộ. Sẽ chẳng ai ăn mừng cái ngày mà De Rossi trở thành đội trưởng. Trái lại, tất cả chúng tôi đều sẽ rất buồn bởi đó là ngày cầu thủ hay nhất lịch sử Roma treo giày. Thực tế thì bạn chẳng cần một chiếc băng trên tay để cảm thấy hạnh phúc. Với tôi, việc được các đồng đội xem như một người bạn và là biểu tượng trong mắt người hâm mộ đã là quá viên mãn”.
Chỉ tới mùa giải 2017-18 khi Totti đã chính thức lui vào hậu trường, De Rossi mới trở thành thủ quân chính thức của AS Roma. Sự trung thành và kiên nhẫn của De Rossi không phải lý do duy nhất khiến người ta nể phục anh. Trong trận play-off giành vé tới World Cup 2018 với Thụy Điển trên sân nhà, tuyển Italy cần ít nhất một bàn thắng để quân bình tổng tỷ số. Nhưng khi thời gian hiệp hai dần trôi qua, đội tuyển Thiên thanh vẫn bế tắc trong đường tới mành lưới đối phương.
Thay vì bổ sung hàng công, HLV Giampiero Ventura lại đề nghị De Rossi ở ngoài sân khởi động để vào sân. Ống kính truyền hình đã ghi lại được cảnh lão tướng này nổi đóa và đặt câu hỏi: “Tại sao lại đưa tôi vào sân cơ chứ? Chúng ta đâu cần hòa, chúng ta cần một trận thắng cơ mà?”. Anh vừa nói vừa chỉ tay vào tiền đạo Insigne đang ngồi cùng mình trên băng ghế dự bị, như một thông điệp gửi tới Ventura rằng đó mới là người nên được vào sân.
Dù bức xúc, cuối cùng De Rossi vẫn cởi áo khoác để khởi động. Anh không được đưa vào sân sau đó và phải chứng kiến Italy lần đầu vắng mặt tại World Cup sau 60 năm. Ngay sau trận đấu, anh tuyên bố giã từ màu áo đội tuyển quốc gia và không quên xin lỗi những khán giả đã phải chứng kiến hành động bức xúc của mình. Nhưng trong mắt dư luận, Ventura mới là kẻ đáng trách và De Rossi chỉ đơn thuần nói lên điều mà mọi tifosi đều thấy.
De Rossi sẵn sàng bày tỏ quan điểm, ngay cả khi điều đó không có lợi cho anh.
Với De Rossi, lợi ích tập thể luôn được đặt lên hàng đầu. Và trong một tập thể, bất kỳ ai cũng được nhớ tới, dù tầm quan trọng có khác nhau. Điều này được thể hiện khi người phụ trách đồ thi đấu của tuyển Italy tại World Cup 2006 Pietro Lombardi qua đời năm 2016. Lúc sinh thời, ông được các cầu thủ đặt biệt danh là “Spazzolino” (Chiếc bàn chải) nhờ khả năng vệ sinh các đôi giày ra sân sáng bóng.
Ngay khi hay tin về sự ra đi của Lombardi ở tuổi 92, De Rossi đã rời Rome để tới Florence dự tang lễ ông. Sau khi chào tạm biệt ông lần cuối, De Rossi đã đặt chiếc huy chương World Cup 2006 lại trong quan tài. Chiếc huy chương vô địch World Cup là giấc mơ biết bao cầu thủ, nhưng De Rossi sẵn sàng dành tặng nó cho người quá cố như một sự tri ân cao nhất.
Chơi bóng hay, cống hiến tới cùng cho đội bóng và sở hữu nhân cách đáng nể – Daniele De Rossi thực sự là một của hiếm của thế giới bóng đá. Roma có thể có những cầu thủ tài năng trong tương lai, song không phải ai cũng có thể trung thành và đặt lợi ích, sự đoàn kết của đội bóng lên trên hết như De Rossi. Như lời HLV Fabio Capello: “Bạn không thể mua được nhân cách như vậy tại siêu thị”.
Thịnh Joey