Đầu năm 2017, thời trang Việt ghi dấu ấn đẹp
–
Chủ nhật, 12/02/2017 15:00 (GMT+7)
Những ngày đầu năm 2017, lĩnh vực thời trang của Việt Nam liên tiếp đón nhận tin vui. Lần đầu tiên, một hoa hậu quốc tế diện trang phục của nhà thiết kế Việt ở khoảnh khắc đăng quang, đánh dấu bước khởi đầu tốt đẹp của một năm thời trang Việt bước ra thế giới. Cùng với đó, trang phục áo dài cũng được tôn vinh, ưa chuộng và lăng-xê mạnh mẽ, dù trong bước chuyển mình vẫn còn những xung đột giữa truyền thống và cách tân.
Đầu năm 2017 hình thành trào lưu mặc áo dài cách tân.
Rầm rộ trào lưu diện áo dài du xuân
Không sang chảnh hàng hiệu, những hình ảnh được sao Việt cập nhật và khoe nhiều nhất trên trang cá nhân trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua chính là việc diện áo dài đi chơi tết. Chưa bao giờ áo dài lại được các sao cả nam lẫn nữ “đua nhau” diện bất kể đi diễn, quay hình, tham gia sự kiện hay dạo phố, mang đến nét đẹp nền nã và đậm chất Việt Nam. Không ít nghệ sĩ còn là người khởi xướng và phát động những phong trào “Tết Việt mặc áo dài”, để kêu gọi người hâm mộ cùng hưởng ứng.
Sáng mùng 1 Tết, MC Phan Anh cùng nhiều nghệ sĩ, bạn bè mặc áo dài đi dạo Bờ Hồ. Nhiều sao nữ như Thanh Hằng, Đông Nhi, Tóc Tiên, Trang Nhung, Lan Ngọc, Nhã Phương, Hạ Vi cũng nhận được lời khen ngợi của người hâm mộ khi mặc áo dài đi dạo phố. Một cách vô tình, sự lựa chọn trang phục áo dài của sao Việt đã trở thành “mốt” và xu thế thời trang hot nhất những ngày đầu năm. Từ những em nhỏ, thiếu nữ cho đến những người trung niên đều xúng xính diện áo dài đi chơi, đi lễ chùa.
Đây là tín hiệu vui, khi những năm qua nhiều nhà thiết kế, nhà văn hóa đang nỗ lực đưa áo dài Việt trở thành thương hiệu văn hóa và kêu gọi người dân mặc trong những dịp lễ quan trọng. Trong năm 2017 này, TPHCM cũng đang rục rịch tổ chức sự kiện “Thành phố áo dài”, khởi động vào đầu tháng 3 tới. Hà Nội cũng từng bước đưa Lễ hội áo dài thành sự kiện thường niên, để tôn vinh trang phục truyền thống, giữ gìn bản sắc trong quá trình hội nhập, nhất là trong lĩnh vực thời trang.
Lệ Hằng táo bạo chọn trang phục không phải là áo dài cho phần thi Trang phục dân tộc tại Hoa hậu Hoàn vũ.
Xung đột giữa cách tân và truyền thống
Từ đầu năm 2016, các kiểu áo dài cách tân đã được nhiều chị em lựa chọn, nhưng chưa bao giờ được nhắc nhiều và gây ra nhiều tranh cãi như dịp xuân Đinh Dậu này. Khác áo dài truyền thống, áo dài cách tân với màu sắc, chất liệu và kiểu dáng đa dạng, không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt mà còn giúp người mặc dễ dàng, thoải mái khi cử động. Năm nay xuất hiện thêm kiểu trang phục phía trên là hình ảnh giống chiếc áo dài, nhưng lại được mặc với váy xòe, váy ngắn trên đầu gối. Trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều cuộc tranh cãi, có người còn chỉ ra rằng trang phục này là sự lai căng giữa áo sườn xám của Trung Quốc và váy đụp của người Việt xưa và cho rằng không được gọi trang phục này là áo dài, kể cả là áo dài cách tân.
“Bộ quần áo này nhà thiết kế họ ngẫu hứng nghĩ ra, chị em thấy hợp, vui mắt thì mặc. Đây không phải cuộc thi, không phải đợt trình diễn mang tính biểu trưng của dân tộc, chỉ là những bộ quần áo nhập từ nước ngoài về, sao cứ ép nó phải mang tên “áo dài cách tân”. Chính vì ép nó phải có tên cứng nhắc nên người ta mới phân tích, mổ xẻ xoay quanh chủ đề áo dài và lôi quốc phục ra làm thước đo. Trong khi tên áo là gì hoàn toàn do sự ngẫu hứng và sáng tạo của người thiết kế và bán hàng” – một blogger đã bình luận như vậy khi chứng kiến cuộc tranh luận gay gắt của giới chuyên môn về chuyện cách tân áo dài.
Cuộc tranh cãi chưa giảm nhiệt, nhưng suy đi tính lại thì bộ trang phục lạ mắt này chỉ là 1 xu thế thời trang của năm, hoặc một thứ “mốt”. Mà đã là “mốt”, là thời trang thì liên tục biến đổi từng ngày. Bây giờ chuộng, sang năm lại có mẫu khác nên cũng không nên đặt nặng quá vấn đề “phá hoại truyền thống” hay “phá nát áo dài”.
2017 – thời trang Việt bước ra thế giới
Cũng liên quan đến thời trang, ngay ngày đầu năm, đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ 2016 đã lọt top 4 thí sinh có trang phục dân tộc đẹp và ấn tượng nhất. Điều lạ là trang phục được tôn vinh đó không phải là áo dài – dù chưa được coi là quốc phục nhưng luôn được các người đẹp lựa chọn để tham dự các cuộc thi sắc đẹp thế giới. Trang phục mà Lệ Hằng chọn có tên “Nàng mây”, lấy ý tưởng “cái đẹp bắt nguồn từ sự giản dị” và từ những chất liệu dân dã, quen thuộc về làng nghề truyền thống đan lát. Những chiếc lờ bắt cá có dáng dấp như bông lúa, được kết lại tạo hình thành bông sen khắc họa được hình ảnh một đất nước nông nghiệp với bản sắc văn hóa, phong tục khó trộn lẫn với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.
“Nàng mây” của Lệ Hằng tỏa sáng trên sân khấu Hoa hậu Hoàn vũ cũng đánh dấu bước chuyển mình trong suy nghĩ về việc chọn trang phục truyền thống cho các người đẹp đi thi thế giới, bên cạnh tà áo dài truyền thống. Các nhà thiết kế Việt đã bắt đầu nghĩ đến việc làm ra những trang phục lạ mắt, kết tinh từ văn hóa dân tộc, đủ sức tạo ấn tượng với thế giới.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, thời trang Việt cũng đón tin vui khi lần đầu tiên sản phẩm sáng tạo của một nhà thiết kế Việt được một hoa hậu quốc tế mặc trong khoảnh khắc đăng quang. Nhà thiết kế Hoàng Hải chính là người sáng tạo nên chiếc đầm lấp lánh mà Hoa hậu Iris Mittenaere mặc ở đêm bán kết và chung kết của cuộc thi. Hoàng Hải đã được chính BTC hoa hậu Pháp lựa chọn, mời thiết kế trang phục cho hoa hậu của họ đi thi quốc tế, trong khi rất nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới xin được tài trợ trang phục. Đó là sự ghi nhận của họ với một tài năng Việt. Sau sự kiện này, nhiều người mới bắt đầu rũ bỏ những nghi kỵ, để tin thời trang Việt có thể sánh vai với các thương hiệu đình đám thế giới. Cũng sau tin vui này, nhiều cơ hội sẽ mở ra với Hoàng Hải khi có điều kiện tiếp cận và làm việc với những chuyên gia về thời trang trên thế giới, để tiếp tục phát huy tài năng, góp phần quảng bá để ngày càng nhiều người biết đến các thương hiệu của thời trang Việt, nhà thiết kế Việt.
Thách thức và cơ hội
Thời trang lâu nay vẫn được coi là ngành mang lại giá trị lớn. Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu dệt may, nhưng thời trang Việt, thương hiệu thời trang, nhà thiết kế Việt vẫn còn rất mới, thậm chí còn xa lạ trên bản đồ thời trang thế giới. Dù chúng ta có sẵn “kho” nguyên phụ liệu khổng lồ, nhiều nhà thiết kế trẻ tài năng và sáng tạo, nhưng thời trang Việt vẫn chưa bứt phá.
Năm 2017 này nhiều nhà thiết kế trẻ mang tham vọng đi chinh phục làng thời trang thế giới, trong khi giới thiết kế thời trang tại Việt Nam lại bế tắc trên chính sân nhà. Không ít người sáng tạo nên những sản phẩm chưa mang tính ứng dụng, hoặc hướng đến một đối tượng thượng lưu, hay còn mang nặng tính trình diễn chứ chưa hướng đến số đông. Thêm một nguyên nhân nữa, NTK Hoàng Hải cho rằng giới thiết kế Việt nói chung chưa có nhiều cơ hội, bởi ngay bản thân người Việt không tin người Việt và không chấp nhận tài năng của nhau. “Chúng ta phải học cách tin nhau như người Hàn Quốc tin vào anh em của họ; phải học cách tự hào nhau như người Nhật Bản đã làm với dân tộc của họ; phải học cách bảo vệ và nâng nhau lên như người Trung Quốc. Ngay cả tên tuổi như Phạm Băng Băng với một thảm đỏ danh giá, cô ấy cũng đã không ít lần sử dụng những sáng tạo của các NTK trong nước để tôn vinh và quảng bá” –Hoàng Hải chia sẻ. Anh cũng cho rằng để ngành thời trang Việt phát triển, thì chính người Việt nên tôn trọng và sử dụng hàng của Việt Nam, những người nổi tiếng thay vì sử dụng những món đồ xa xỉ của các thương hiệu thế giới thì nên sử dụng sản phẩm của các nhà thiết kế Việt để động viên họ sáng tạo.