Đạo diễn Nguyễn Đức Long và tình yêu dành cho biển đảo quê hương

Với tình yêu dành cho biển đảo quê hương, đạo diễn Nguyễn Đức Long đã mất hai năm để làm mô hình cột mốc Trường Sa đúc bằng đồng khối. Mô hình này vừa được anh trao tặng lại cho Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chiều ngày 3-6 vừa qua.

Đạo diễn Nguyễn Đức Long (thứ hai từ phải sang) cùng Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và các đại biểu tham dự chương trình “Tổ quốc nhìn từ biển”. Ảnh: T.L

Giáo dục giới trẻ bằng phim lịch sử

Chọn cho mình một hướng đi riêng với thể loại phim ký sự, phim tài liệu lịch sử, đạo diễn Nguyễn Đức Long – Giám đốc hãng phim Việt Long được xem là người thích lội ngược dòng trong thị trường phim ảnh hiện nay.

Anh tâm sự: “Trong thời buổi hiện nay, người người nhà nhà đổ xô làm phim thị trường để  đạt lợi nhuận cao kiếm lời, còn tôi làm về thể loại phim lịch sử thì vô cùng khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm không bỏ cuộc…”.

Đạo diễn Nguyễn Đức Long tặng mô hình cột mốc Trường Sa đúc bằng đồng khối cho Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Ảnh: T.L

GS.TS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: “Nguyễn Đức Long là một nghệ sĩ, một đạo diễn tâm huyết với dòng phim lịch sử nước nhà. Anh còn nghiên cứu thực hiện mô hình cột mốc Trường Sa để thể hiện tình yêu biển đảo của mình, tôi thật sự rất trân trọng tấm lòng của anh. Tôi mong muốn các cơ quan ban ngành nên có hình thức biểu dương, khen thưởng Nguyễn Đức Long để khích lệ tinh thần, cũng như làm động lực cho anh đi đến tận cùng với những tâm huyết mang đầy tính giáo dục mà mình đang thực hiện…”.

Bộ phim ký sự đầu tay Đường Trường Sơn huyền thoại thời hòa bình dài 20 tập của Nguyễn Đức Long đã được Trung tâm Xác lập kỷ lục Việt Nam xác lập là “Bộ phim ký sự nhiều tập lần đầu tiên do hãng phim tư nhân sản xuất”. Bộ phim tài liệu lịch sử Triều đại Quang Trung – Nguyễn Huệ dài 18 tập cũng được các nhà sử học và giới chuyên môn đánh giá rất cao.

“Điều tôi mong muốn nhất là đóng góp một chút công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp phát triển phim ảnh của nước nhà nói chung và thể loại phim lịch sử nói riêng. Vì tôi nghĩ ngoài thị trường phim giải trí, cần phải có những bộ phim lịch sử cho công chúng xem, nhất là giới trẻ hiện nay hiểu thêm về quá khứ hào hùng của những nhà cách mạng lớn của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là nghĩa cử uống nước nhớ nguồn để cho thế hệ hôm nay, mai sau gìn giữ và phát huy…” – đạo diễn Nguyễn Đức Long tâm tư!

Tình yêu dành cho biển đảo quê hương

Không chỉ tâm huyết với những bộ phim tài liệu lịch sử, đạo diễn Nguyễn Đức Long còn ấp ủ một bộ phim về Trường Sa thân yêu. Để thể hiện tình yêu của mình, anh đã mất hai năm tìm tòi, thiết kế để làm mô hình cột mốc Trường Sa. Lúc đầu, anh chọn làm bằng chất liệu nhôm rồi đến kính, pha lê nhưng đều thất bại. Chỉ khi anh chọn đúc bằng đồng khối thì mô hình này mới thật sự thành công.

Chiều 3-6, tại Văn phòng Quốc hội (Hà Nội), Đại tướng – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã có buổi gặp mặt đoàn đại biểu tham dự chương trình “Tổ quốc nhìn từ biển” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, đây là việc làm cần thiết để góp phần tiếp tục khơi dậy truyền thống, trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đối với Việt Nam, vùng biển, đảo không chỉ là một bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà cùng với đất liền, còn tạo ra môi trường sinh tồn, phát triển đời đời của hàng triệu người dân Việt Nam.

Nguyễn Đức Long là đạo diễn duy nhất của TP.HCM được mời ra tham dự chương trình. Ngoài việc bày tỏ tình yêu biển đảo của mình, cũng như mong muốn toàn dân luôn hướng trái tim mình về biển đảo, đạo diễn Nguyễn Đức Long đã quyết định tặng mô hình cột mốc Trường Sa đúc bằng đồng khối lại cho Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

“Là một công dân Việt Nam, một nghệ sĩ, một đạo diễn tâm huyết với lịch sử nước nhà, yêu quê hương, biển đảo nên tôi cảm thấy rất tự hào khi đã làm được điều này. Tôi càng hạnh phúc hơn khi nhận được lời khen của Đại tướng về mô hình cột mốc cũng như các đại biểu tham dự chương trình… Điều đó càng giúp cho tôi có thêm nhiều động lực để làm tốt hơn nữa những tâm huyết của mình đối với quê hương…” – đạo diễn Nguyễn Đức Long chia sẻ!

Hiện, đạo diễn Nguyễn Đức Long đang thực hiện bộ phim tài liệu Cơ nghiệp nhà Trần dài 30 tập gồm hai phần (mỗi phần 15 tập). Sắp tới, anh cũng sẽ đưa bộ phim tài liệu lịch sử Triều đại Quang Trung – Nguyễn Huệ tham gia các cuộc thi lớn như: Bông sen vàng, Cánh diều vàng, Liên hoan phim truyền hình toàn quốc…

Tiền Giang

Rate this post