Đăng Khoa “vòng quanh thế giới”: “Xe đắt hay rẻ là do nhu cầu trải nghiệm”
–
Thứ sáu, 12/02/2021 07:00 (GMT+7)
Trần Đặng Đăng Khoa – phượt thủ vòng quanh thế giới và đi xuyên Việt bằng xe máy chia sẻ với Lao Động về hành trang cho mỗi chuyến đi đường dài, nhu cầu lựa chọn xe phù hợp với mỗi người.
Phượt thủ vòng quanh thế giới và đi xuyên Việt Đăng Khoa. Ảnh: NVCC.
Anh từng chia sẻ, mình chỉ sử dụng 1 chiếc xe máy để đi vòng quanh thế giới? Anh dùng loại nào và vì sao?
– Chiếc xe mà tôi dùng đi vòng quanh thế giới là Honda Wave mang động cơ 97 phân khối. Nó là người bạn đường thân thuộc của tôi từ trước đến nay. Tôi dùng nó đi phượt vì xe đơn giản, dễ sửa và tiết kiệm xăng.
Tuy nhiên, khuyết điểm của nó là động cơ yếu và đi chậm, nhưng như vậy sẽ an toàn cho người sử dụng. Chiếc xe này đã gắn bó với tôi quá lâu và như một người bạn đồng hành của tôi vậy.
Theo anh, giá xe máy càng cao có phải càng bền và giúp đi phượt tốt?
– Xe đi phượt có rất nhiều loại khác nhau. Bạn cần xác định rõ là đi đường nhựa hay đi đường gồ ghề để lựa chọn dòng xe cho phù hợp. Không phải xe phân khối lớn càng đắt tiền sẽ càng tốt.
Dĩ nhiên là xe đắt tiền của những hãng nổi tiếng sẽ bền hơn, công suất mạnh hơn, có nhiều công nghệ hỗ trợ hơn. Nhưng không phải vì như vậy mà mình sẽ đi vui hơn. Những chiếc càng thấp tiền tuy nó dễ hư hỏng, nhưng những cái trục trặc đó lại là cái đáng nhớ trong chuyến hành trình của mình. Xe đắt hay rẻ còn là do nhu cầu trải nghiệm.
Quan trọng là quỹ tiền của mình, mình muốn đi nhanh hay chậm, đi xa hay gần, muốn chạy thong dong trên đường nhựa chụp ảnh, ngắm cảnh hay vào bản làng thì sẽ có nhiều các lựa chọn khác nhau.
Trần Đặng Đăng Khoa. Ảnh: NVCC.
Khi mua xe máy đi phượt, theo anh ngoài giá cả, cần chú ý điều gì?
– Đầu tiên, ngoài việc xác định tầm giá bao nhiêu, đầu tư bao nhiêu cho chiếc xe mình chọn thì cũng cần dò trước địa hình mình sẽ đi là trong hay ngoài nước. Tiếp theo là phụ tùng có dễ kiếm hay không? Nếu một chiếc xe “ngon” nhưng lại phụ tùng không dễ mua thì rất khó xử lí khi gặp trục trặc.
Ngoài ra, cần theo dõi các trang xe tin cậy, review uy tín của những người sử dụng các hãng xe đó để tham khảo.
Nếu không có tài chính nhiều, cần xem xét tỉ lệ tiết kiệm xăng của các xe, chăm sóc bảo quản xe trong chuyến đi như độ hao mòn: vỏ, sên, bố thắng và thay nhớt thường xuyên… Đèn, xi nhan… có đủ tiêu chuẩn lưu thông hay không?
Anh thường mang vật dụng gì cho mỗi chuyến đi phượt để phòng trường hợp xe bị hư?
– Khi đi phượt lâu lâu phải kiểm tra, rửa xe thường xuyên.. Trước khi đi, nổ máy để xem đèn còi, thắng có tốt không, xe có bị cán đinh hay không? Sau đó, cần mang những vật dụng mà có thể xe hay bị hao mòn hoặc nhanh hư để thay như bugi, xăm, lốp… Một số đồ vá khẩn cấp như cờ lê, ốc vít,…
Hành trang để đi khắp thế giới của Trần Đặng Đăng Khoa – Ảnh: NVCC
Với những người đam mê phượt và xe máy giống anh, anh có lời khuyên gì cho họ?
– Mỗi người có một kiểu chơi xe khác nhau, tôi không dám dành quá nhiều lời khuyên, tôi chỉ nghĩ nếu bạn cảm thấy ưng ý và thích thì cứ sử dụng loại nào thấy phù hợp nhất với bản thân. Không có gì là đúng và sai cả. Mình ưng xe nào và có điều kiện thì chứ hãy mua sử dụng.
Tết Tân Sửu 2021 này, anh có kế hoạch đổi xe không?
– Chắc là không, chiếc Honda Wave đã cùng tôi đi vòng quanh thế giới. Nó là người bạn tri kỉ, tôi không muốn “phản bội” tình bạn này của mình.
Cảm ơn chia sẻ của anh!