Dàn phi tần lộng lẫy nhất trong các phim cổ trang Hoa ngữ mà bạn không thể bỏ qua – BlogAnChoi
Chuyện Hậu cung của các Hoàng đế Trung Hoa cổ đại chưa bao giờ thiếu đi sức hút của mình trong lòng công chúng, ẩn sau những bức tường thâm nghiêm của Tử Cấm Thành là Hậu cung “ba nghìn mĩ nữ” của các Hoàng đế Trung Hoa với cung vàng, điện ngọc, lụa là, gấm vóc của cả thế gian và hàng trăm, hàng nghìn giai thoại kỳ thú khác. Đánh vào tâm lí này, các bộ phim về đề tài Hậu cung chưa bao giờ hạ nhiệt. Bên cạnh đó, sức hút khổng lồ từ các bộ phim đề tài cung đấu còn đến từ dàn diễn viên tuyệt sắc, khung cảnh hoành tráng và những bộ trang phục được phục dựng vô cùng lộng lẫy.
Mị Nguyệt truyện (2015)
Lịch sử Trung Hoa đã kể cho thế giới rất nhiều về Từ Hi Thái hậu nhà Thanh và Võ Tắc Thiên nhà Đường, hai người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử Trung Hoa, nhưng có lẽ ít ai biết đến nhân vật Mị Nguyệt cho đến khi “Mị Nguyệt truyện” ra mắt vào năm 2015.
Bộ phim “Mị Nguyệt truyện” xoay quanh cuộc đời đầy thăng trầm của Mị Nguyệt (Tôn Lệ) – vị Thái hậu đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa – xen với bối cảnh những cuộc thư hùng nảy lửa giữa bảy nước chư hầu của Trung Hoa thời Chiến quốc. Xuất thân từ một Công chúa của nước Sở, theo chân chị gái – trưởng Công chúa Mị Xu (Lưu Đào)- gả sang nước Tần trong một cuộc hôn nhân mang đậm màu sắc chính trị với Tần vương, từ đó mọi khổ đau của Mị Nguyệt bắt đầu: phản bội, mất mát, bị đày đọa về thể xác lẫn tinh thần và có lúc phải tha phương cầu thực nơi giá rét, tưởng chừng như mọi thứ đã đẩy nàng đến đường cùng nhưng Mị Nguyệt vẫn can trường, từng bước vượt qua hiểm nghèo, đưa con trai nhỏ của mình lên ngai vàng và trở thành vị Thái hậu đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Kể từ đây lịch sử Trung Hoa đã có khái niệm thế nào là một “Thái hậu chuyên quyền” vì chính Mị Nguyệt là người nắm thực quyền của Triều đình nước Tần trong tay trong suốt 40 năm. Nhưng cho dù ở trên ngôi vị cao nhất, nàng vẫn có những nỗi canh cánh trong lòng về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi, điều dằn vặt nàng suốt cả cuộc đời.
Bộ phim được đạo diễn bởi Trịnh Hiểu Long với sự góp mặt của Tôn Lệ, Lưu Đào, Hoàng Hiên, Tưởng Hân… Bộ phim không quá xoáy mạnh vào đề tài tranh đấu chốn thâm cung mà nghiêng hẳn về các mưu đồ chính trị, quân sự giữa bảy nước chư hầu đầy khốc liệt trong thời kì Chiến quốc của Trung Hoa. Điểm nhấn của Mị Nguyệt truyện là những bộ trang phục cho toàn bộ các nhân vật được đoàn làm phim nghiên cứu vô cùng kĩ lưỡng để vừa có thể tái hiện lại trang phục thời Chiến quốc vừa mang nét thẩm mĩ mãn nhãn người xem. Điểm cộng lớn nữa của bộ phim chính là bối cảnh được đầu tư công phu, mang đậm nét cổ xưa của các công trình thời Chiến quốc và các đại cảnh chiến đấu giữa các nước chư hầu vô cùng hoành tráng.
Võ Tắc Thiên Truyền kì (2013)
Võ Tắc Thiên có lẽ là người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử Trung Hoa, là vị nữ Hoàng đế đầu tiên và duy nhất, người soán ngôi nhà Đường, lập ra triều đại Võ Chu. Cuộc đời của bà là vô số những giai thoại lạ kì, những truyền thuyết thú vị: từ khi còn là cô bé Võ Chiếu đến khi thành Tài nhân Võ Mị Nương của Đường Thái Tông Lí Thế Dân, xuất gia đi tu tại Cảm Nghiệp tự, sự trở về thành Trường An đầy tranh cãi và trở thành Chiêu nghi của Đường Cao Tông Lí Trị – con trai của Lí Thế Dân, từng bước lên ngôi, giết chết Võ Hoàng hậu và Tiêu Thục phi trở thành Hoàng hậu rồi Thiên hậu của Đại Đường, buông rèm nhiếp chính khuynh đảo triều chính, khuynh loát Đường Cao Tông, ra tay sát hại những phe cánh chống đối để rồi cuối cùng đường đường bước lên ngôi Hoàng đế, sáng lập triều đại Võ Chu.
Có thể nói, cuộc đời đầy rẫy những uẩn khúc và tranh cãi của Võ Tắc Thiên là một kho tàng và nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà làm phim hậu thế đưa lên màn ảnh truyền hình. Hàng chục bộ phim truyền hình và phim điện ảnh thậm chí cả kịch, tiểu thuyết, … đều ra sức phác họa cho khán giả về người phụ nữ đầy quyền lực này. Nhiều diễn viên kì cựu đều đã thử sức với vai diễn này, tiêu biểu có Ân Đào, Tư Cầm Cao Oa, Phan Nghinh Tử, Lâm Tâm Như và gần đây nhất chính là Phạm Băng Băng. Diễn xuất của Phạm Băng Băng trong bộ phim có thể chưa bằng các bậc tiền bối nhưng không ai có thể bàn cãi về mức độ hoành tráng, lộng lẫy tột bậc mà Phạm gia đã chi cho “Võ Tắc Thiên truyền kì” với con số lên đến 50 triệu USD.
Tính đến giờ, có lẽ ít có bộ phim nào có thể bì được với Võ Tắc Thiên truyền kì về mức độ chịu chi và đầu tư cho trang phục với hơn 3000 bộ trang phục, mỗi bộ đều vô cùng cầu kỳ, đi kèm với hàng loạt phụ kiện đầy xa hoa, tái hiện một cách hoa lệ cung đình thời Đường. Một trong những bộ phim ghi dấu ấn của Phạm gia bên cạnh Trương Đình, Trương Quân Ninh, Trương Hinh Dư,…
Nữ y Minh phi Truyện (2016)
Nếu đã căng não với những âm mưu chốn Hậu cung thì có lẽ “Nữ y Minh phi truyện” là một luồng gió tươi mới của nền điện ảnh cổ trang Hoa ngữ. Thay vì xoay quanh bốn bức tường của Tử Cấm Thành, thì bộ phim lại nói về một khía cạnh khá mới mẻ với khán giả: Y học. Chuyện phim xoay quanh nữ thần y Đàm Doãn Hiền thuở nhỏ bị những lễ giáo phong kiến nặng nề bó buộc không thể cho một người con gái theo đuổi ước mơ làm một Lương y chữa bệnh cho mọi người, nhưng với lòng quyết tâm và đam mê cháy bỏng với nghề Y và trái tim thương yêu bệnh nhân không phân biệt, Đàm Doãn Hiền đã phá bỏ những định kiến và hủ tục để trở thành một Nữ Lương y của Triều đình nhà Minh và hơn thế nữa là Quý phi của Hoàng đế. Bên cạnh đó, chuyện phim còn xoay quanh tình cảm sóng gió của Đàm Doãn Hiền (Lưu Thi Thi) với hai anh em Hoàng đế Minh Anh Tông (Hoắc Kiến Hoa) và Minh Đại Tông (Hoàng Hiên).
Bộ phim còn được đánh giá rất cao về mặt chuyên môn trong việc phục dựng trang phục nhà Minh tương đối chính xác và đúng với lịch sử. Chính sự việc này đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi khá buồn cười khi rất đông khán giả “tố cáo” bộ phim “đạo nhái” trang phục của phim cổ trang Hàn Quốc. Đến khi phát hiện ra sự thật rằng thực chất chính trang phục của Triều đình Joseon (Hàn Quốc thời xưa) mới bị ảnh hưởng sâu đậm từ trang phục của Trung Hoa thời nhà Minh thì cuộc tranh cãi mới ngã ngũ.
Hậu cung Chân Hoàn truyện (2011)
Có vẻ không ngoa khi nói rằng Hậu cung Chân Hoàn truyện là đỉnh cao của thế loại phim cung đấu và là một tượng đài khó có thể vượt qua của loạt phim thể loại này. Kịch bản của phim do Lưu Liễm Tử chấp bút đã trở thành kinh điển: Chân Hoàn (Tôn Lệ) từ một cô gái hiền lành xinh đẹp và tài năng được nhập cung trong kì thi tuyển chọn tú nữ và nhanh chóng trở thành phi tần được sủng ái nhất của Hoàng đế Ung Chính. Tất nhiên, Chân Hoàn nhanh chóng thành cái gai trong mắt của Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp Nghi Tu (Thái Thiếu Phân) và Hoa phi Niên Thế Lan (Tưởng Hân) cũng như vô số phi tần khác trong cung và từ đó mọi chuyện đảo điên diễn ra liên tục, chưa lúc nào sóng yên biển lặng. Cuối cùng, Chân Hoàn ngây thơ ngày nào đã trở thành Hi Quý phi Nữu Hổ Lộc của Hoàng đế Ung Chính và Thánh mẫu Hoàng Thái hậu – mẹ ruột và là người đưa Hoàng đế Càn Long lên ngai vàng.
Nội dung phim là những mối quan hệ chồng chéo nhau chốn Hậu cung được dàn dựng cực kì xuất sắc với các nút thắt và nút mở liên tục trong từng tập phim chắc chắn sẽ làm những fan khó tính nhất của thể loại phim tranh đấu Hậu cung cũng phải hài lòng và xem lại nhiều lần.
Trang phục thời Thanh của dàn phi tần trong phim được nghiên cứu và phục dựng tương đối thành công và công phu, bối cảnh tại phim trường Hoành Điếm mô tả gần như chính xác “Đông – Tây lục cung” ngày xưa cùng một nội dung không thể nào hấp dẫn hơn chắc chắn sẽ khiến “Hậu cung Chân Hoàn truyện” luôn đứng đầu trong danh sách của đa số fan thể loại phim cung đấu.
Hậu cung Như Ý truyện (2017)
Dù vẫn chưa được công chiếu và vẫn đang trong quá trình ghi hình trên trường quay, nhưng fan của thể loại phim cung đấu nói chung và “Hậu cung Chân Hoàn truyện” nói riêng chắc chắn đều nóng lòng chờ đón sự ra mắt của dự án phim truyền hình đình đám: “Hậu cung Như Ý truyện”, phần tiếp theo của “Hậu cung Chân Hoàn truyện”.
Kịch bản phim được độc giả đánh giá là thậm chí còn hay hơn cả Hậu cung Chân Hoàn truyện kể về cuộc đời thăng trầm của Ô Lạt Na Lạp Thanh Anh – Như Ý, Kế Hoàng hậu của Hoàng đế Càn Long cùng những cuộc đấu đá bất tận để giành sự sủng ái của Hoàng đế. Đây là một dự án phim đình đám với sự góp mặt của Hoắc Kiến Hoa trong vai vị Hoàng đế đào hoa Càn Long và “ảnh hậu” Châu Tấn trong vai nữ chính.
Những hình ảnh rò rỉ từ hậu trường cũng như hình ảnh được đoàn làm phim chính thức tung ra cũng đủ làm cho người hâm mộ đứng ngồi không yên và nóng lòng chờ đón sự xuất hiện của Hậu cung Như Ý truyện được dự đoán sẽ phát sóng vào cuối năm 2017.
Đại Thái giám (2012)
Lịch sử Trung Hoa ghi nhận một hạng người đặc biệt: đó chính là các Thái giám. Đa phần người đời nghĩ về các Thái giám với ý nghĩ không tốt vì họ là những người không bình thường về mặt tâm sinh lí, phần đông họ lên phim đều được khắc họa là những con người cay nghiệt, tàn nhẫn và luôn khó chịu với mọi người. Hơn thế nữa, lịch sử cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp Thái giám lộng quyền, ỷ nhận được sự ân sủng của Hoàng đế trở nên kiêu căng, lấn lướt quyền hành của Hoàng đế thậm chí nhiều thái giám còn là một trong những nguyên nhân cho sự sụp đổ của cả một triều đại (điển hình là nhà Đường và nhà Minh). Và bộ phim “Đại Thái giám” của TVB cho chúng ta một cái nhìn đa chiều về thân phận của Thái giám, để cho ta biết được, họ cũng là con người, cũng có yêu ghét và khát khao tình cảm như bao người.
TVB đã khá thành công khi xây dựng nên hình ảnh Thái giám Lí Liên Anh và Từ Hi Thái hậu trong những năm trị vì của Hoàng đế Đồng Trị vào cuối đời Thanh. Là mô tuýp cung đấu thường thấy nhưng bộ phim có góc nhìn khá thú vị khi có cái nhìn vũ đài chính trị của Trung Hoa cuối thế kỉ 19 hoàn toàn do Từ Hi Thái hậu thao túng qua con mắt của các cung nữ và Thái giám trong cung. Từ Hi Thái hậu – Lí Liên Anh cũng qua đó phần nào được phán xét bằng cái nhìn khách quan hơn và có phần cảm thông hơn.
Tuy nhiên chính vì sự cảm thông có phần thái quá này mà bộ phim cũng nhận không ít sự chỉ trích từ khán giả khi quá “tô vẽ” hai nhân vật Từ Hi Thái hậu và Lí Liên Anh thành hai con người tốt đẹp trái ngược hoàn toàn với sự thật lịch sử. Tuy nhiên, sau Thâm cung Nội chiến, Vạn phụng chi vương tuy nội dung hấp dẫn nhưng trang phục và bối cảnh không tương xứng thì TVB thực sự đã có một bộ phim Đại thái giám thành công từ nội dung lẫn tạo hình.
Thương khung chi mão (2011)
Nếu có một bộ phim đã khắc họa gần như chân thực nhất về hình ảnh Từ Hi Thái hậu thì đó chỉ có thể là Thương khung chi mão. Tiếp tục là một dự án phim truyền hình xuất sắc về cuộc đời của người phụ nữ đầy tai tiếng này, Thương khung chi mão là một bối cảnh xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ 20 đầy hỗn loạn và một triều đại nhà Thanh mục ruỗng và suy đồi, song song với đó là sự đối lập và đấu tranh dữ dội giữa hai phe phái trong triều đình: bảo thủ (do Từ Hi Thái hậu (Tanaka Yuno) đứng đầu) và duy tân (do Hoàng đế Quang Tự khởi xướng) để rồi chỉ có thể đưa triều đình từ sự hỗn loạn này đến hỗn loạn khác.
Chuyện phim qua đó đã vẽ nên hình ảnh một Từ Hi cực kì tinh tế, trên triều là một người phụ nữu đầy mưu mô, lão luyện và già dặn về chính trị, tàn nhẫn ra tay với bất kì ai chống đối khiến cả thiên hạ khiếp sợ, đến khi trở về Trữ Tú cung lại trở về thành một bà lão ưa thích cái đẹp và xem hát bội. Mạch phim là những sự mâu thuẫn dày đặc đan xen và đấu đá lẫn nhau kéo dài bất tận khiến khán giả dễ dàng bị cuốn theo những mưu toan chính trị của Từ Hi Thái hậu và từ đó xót thương, tiếc nuối cho những cơ hội bị bỏ ngõ của Đại Thanh. Xen vào đó là các mối quan hệ tình cảm giữa các tuyến nhân vật làm mạch phim thêm cuốn hút.
Tạo hình nhân vật, phục trang và phục sức của Thương khung chi mão thậm chí được đánh gía còn chỉn chu hơn cả “Hậu cung Chân Hoàn truyện” khi bám rất sát với tư liệu lịch sử. “Thương khung chi mão” không những là một bộ phim hay mà còn có thể được dùng làm tư liệu lịch sử ở một chừng mực nào đó.