Đàm đạo về minh họa thời trang, nghề ‘cũ người, mới ta,’ cùng hai họa sĩ Việt trẻ – Sài·gòn·eer
Nhắc tới những bản vẽ thời trang, đa số mọi người sẽ nghĩ ngay tới thiết kế thời trang. Giờ đây, hãy thử làm quen với một khái niệm mới mẻ hơn là minh họa thời trang (hay fashion illustration) — một nghề nghiệp hứa hẹn có xu hướng phát triển tại Việt Nam trong tương lai không xa.
Nếu như các bài hát cover thành công thường có cả giá trị nghệ thuật lẫn thương mại thì bức vẽ “cover” của một thiết kế thời trang cũng vậy. Trong giới thời trang, những người chuyên tái hiện các sản phẩm thành những bản vẽ đẹp mắt được gọi là họa sĩ minh họa thời trang.
Chỗ đứng nào cho những bản “cover” thú vị của làng mốt?
Eris Trần, chàng họa sĩ minh họa từng có cơ hội bắt tay các ông lớn trong ngành thời trang như Dior, Versace, Moschino, v.v. cho biết: “Bản minh hoạ thời trang là bản vẽ diễn tả một bộ trang phục hoặc phụ kiện như giày dép, túi xách, v.v. sẵn có sao cho thu hút và bắt mắt người xem. Còn bản thiết kế là những bản vẽ ra đời trước khi bộ trang phục của các nhà thiết kế xuất hiện. Nhiệm vụ của nhà minh hoạ là thể hiện lại các thiết kế có sẵn của nhà thiết kế thành những bức tranh tuyệt đẹp.”
Kiquy Phạm, giảng viên Học viện Thời trang Việt Nam, cũng đã có 5 năm theo nghề nói thêm: “Minh họa thời trang thiên về hướng marketing hơn, chủ yếu dùng để quảng cáo, quảng bá cho các sản phẩm của nhà thiết kế. Việc minh họa cũng có nhiều phong cách. Ví dụ có họa sĩ chuyên mô tả chất liệu, họa tiết, có người lại chú trọng xây dựng câu chuyện trong bức tranh chứ không chỉ đơn thuần vẽ lại một người mẫu mặc đồ đẹp, tạo dáng trên nền trắng.”
Thêm một điều đặc biệt thú vị về quá trình sáng tạo của loại hình mới mẻ này đó là đôi khi họa sĩ sẽ tác nghiệp ngay tại show trình diễn, ở khu vực hậu trường hoặc thậm chí được ngồi trên hàng đầu tiên của show như một KOL, bắt các khoảnh khắc của người mẫu và vẽ live tại chỗ. Hiện nay, Việt Nam hiện có rất ít họa sĩ theo nghề minh họa thời trang chuyên nghiệp với số lượng chỉ chưa tới 10 người. Ngay chính bản thân Eris hay Kiquy cũng chỉ tình cờ bước chân vào công việc này trước khi thực sự biết minh họa thời trang là gì.
Nghề tự do đòi hỏi kỷ luật và tự giác cao
Eris Trần sinh năm 1995, bắt đầu được chú ý nhờ các bản vẽ minh họa thời trang từ khoảng năm 2016. Theo học chuyên ngành marketing nhưng Eris lại có đam mê với thời trang và môn vẽ. Ban đầu anh chủ yếu mày mò, tự tập luyện qua sách và những video hướng dẫn trên YouTube suốt 2 năm liên tục. “Ngoài ra, nguồn thông tin lớn từ các trang như Pinterest và Instagram hỗ trợ mình khá nhiều. Mình cũng có tham khảo một số khóa học online và cả offline của các giảng viên nước ngoài,” Eris kể lại quãng thời gian lúc nhập môn.
Đến với minh họa thời trang bằng niềm say mê kỳ lạ và chưa hề biết tới cơ hội phát triển của nghề nên khi nhận được lời mời từ một cửa hàng thư từ ở nước Mỹ xa xôi, Eris Trần cực kỳ hào hứng: “Họ yêu thích những tác phẩm trắng đen của mình trên Instagram và chủ động liên hệ. Đối với mình, mức thù lao 300 USD ở thời điểm năm ba đại học là một khoản vô cùng lớn và cũng mở đường cho mình đến với lĩnh vực minh hoạ thời trang.”
Kể từ đó, Eris đầu tư cho những bức vẽ của mình hơn, nghiêm túc với con đường vẽ minh họa. Ban đầu là những cửa hàng, nhãn hiệu vừa và nhỏ, dần dần các thương hiệu lớn đã để mắt tới nét vẽ sắc sảo, đầy quyến rũ của anh. Thương hiệu có tiếng đầu tiên liên hệ cộng tác cùng Eris Trần là nhà mốt nước Ý Alberta Ferretti.
Với Eris Trần, điều khó khăn nhất trong nghề minh họa thời trang là hiểu được trọn vẹn ý tưởng của nhà thiết kế trong những yêu cầu khó. “Ví dụ như lần làm việc cho một cuốn sách của nhà mốt Iris Van Herpen. Nhiệm vụ của mình là vẽ lại những bản thiết kế 3D của hãng. Mình đã cố gắng hết sức. Tuy có nhiều bản vẽ rất tốt nhưng vẫn có một số bản vẽ chưa tốt và mình thật sự không hiểu được cách xử lý chất liệu của bộ trang phục nên mình bị loại mất tầm 4, 5 bản trên tổng số 25 bản vẽ,” chàng họa sĩ chia sẻ. Như vậy, có thể nói khá nhiều tâm huyết của anh đã bị phủi sạch và đây cũng không phải chuyện gì hiếm gặp.
Báo giá lại là điều khó khăn với Kiquy trong quá trình làm việc. Cô cần phải ước lượng được thời gian, công sức và chất xám bỏ ra cho sản phẩm để đưa ra mức giá hợp lý. Dĩ nhiên, đối tác có thể thương lượng lại và thuận mua vừa bán thì hai bên sẽ tiến hành. Còn việc sáng tạo hay hiểu được yêu cầu, mong muốn của khách hàng không phải vấn đề lớn với cô nàng bởi “nếu có gì vướng mắc, mình sẽ trao đổi hết với khách rồi đưa ra một, hai bản phác thảo. Họ duyệt rồi mình mới bắt đầu lên màu.”
Dù số lượng các họa sĩ minh họa thời trang không nhiều, sự cạnh tranh trong giới không lớn nhưng để các tác phẩm gây ấn tượng thị giác mạnh với người xem, các họa sĩ đều cần sở hữu phong cách và lối thể hiện riêng biệt. Eris Trần vốn là một chàng trai rất chú trọng tiểu tiết nên các chất liệu vải, chi tiết trên trang phục và cách phối màu được anh chăm chút rất kỹ càng. “Chất liệu mình thường dùng là màu marker. Thỉnh thoảng, mình sử dụng thêm màu sáp, màu chì hay màu nước để tạo điểm nhấn,” anh chia sẻ.
Hay như gương mặt của những người mẫu trong tranh của Kiquy Phạm đều được nhấn nhá phần má rất thú vị, tạo nên nét mạnh mẽ và có phần hơi nổi loạn. “Mình thích những gì vui vui, ngộ nghĩnh, ăn mặc lộng lẫy nhưng khuôn mặt đanh đá chứ nhìn hiền quá mình không thích,” Kiquy bật cười tiết lộ. Theo cô, việc tạo ra “đặc điểm nhận dạng” riêng trong hội họa không phải chuyện một sớm một chiều. Bản thân cô đã từng loay hoay suốt một thời gian khá dài cho tới khi điều đó đến một cách tình cờ và tự nhiên nhất. “Bạn không cần cố tình hay gắng gượng tạo ra sự khác biệt. Cứ là bản thân mình thôi đã đủ đặc biệt rồi,” cô nàng khẳng định.
Hạt giống lạ nhưng hứa hẹn sẽ lớn nhanh
Nhờ nỗ lực, đam mê, tài năng và mối duyên đặc biệt với giới thời trang, Eris Trần mau chóng được nhiều nhân vật, thương hiệu nổi tiếng nhắc tới trên mạng xã hội. Tới nay, số người theo dõi anh trên trang Instagram đã cán mốc hơn 225,000. Trong vài năm qua, Eris Trần đã có cơ hội bắt tay nhiều tên tuổi nổi bật tại làng mốt trong và ngoài nước như thương hiệu Versace, Dior, Moschino, Iris Van Herpen, Ivy Moda, Đỗ Mạnh Cường, Võ Công Khanh, v.v.
Đầu năm 2020, Eris Trần đã xuất bản cuốn sách cá nhân mang tên Dressing in dreams với hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung. Không lâu sau đó, anh trình làng sản phẩm búp bê giấy thuộc dự án Dệt nên triều đại — cuốn sách song ngữ nói về cổ phục của người Việt thời Lê Sơ. Hiện tại, Eris đang dành hết tâm sức cho cuốn sách ký họa thời trang thứ hai của mình.
Sau hơn 4 năm lăn lộn, Kiquy Phạm hiện đang có hơn 13,700 người theo dõi trên Instagram. Cô đã bắt tay với nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước như Prada, Charles & Keith, Mujosh, Viktor & Rolf, Pedro, Môi Điên, v.v. Đặc biệt, cô đang là đại sứ thương hiệu cho hãng máy tính HP. Chưa hết, Kiquy còn là giảng viên Học viện Thời trang Việt Nam (Vietnam Fashion Academy). Cô cũng vận hành một website riêng và mở những khóa học ngắn hạn dành cho các bạn có sở thích vẽ minh họa thời trang.
Hiện tại, ở Việt Nam, nghề minh họa thời trang vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ, trái ngược với thị trường quốc tế đầy sôi động. Bởi lẽ minh họa thời trang ở nước ta vẫn chỉ đang gói gọn trong một môn học ở trường đại học và cũng ít trường giảng dạy bộ môn này. Trong khi đó, nhiều trường trên thế giới lại có hẳn chuyên ngành riêng đào tạo minh họa thời trang, đồng thời cũng có vô số show và sự kiện cho lĩnh vực thời trang.
“Ở Việt Nam, cơ hội việc làm sẽ khá rộng mở cho các bạn trẻ đam mê vẽ và thời trang vì đây còn là một ngành mới lạ. Thách thức lớn chính là việc tìm kiếm khách hàng,” Eris Trần nhận định. Nhiều người từng hỏi bí quyết thành công của Eris Trần là gì, anh lập tức trả lời: “Theo mình để theo đuổi được nghề minh họa thời trang, các bạn cần phải nắm được các kỹ năng về phác thảo trang phục, con người, chất liệu và màu sắc, đặc biệt là sự am hiểu về xu hướng và niềm yêu thích lớn với thời trang. Bên cạnh đó, bạn cần rất, rất nhiều sự kiên trì luyện tập và thể hiện được ngôn ngữ phác họa riêng.”
Đồng quan điểm với Eris, Kiquy Phạm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên trì: “Thời gian đầu, bạn cần phải kiên trì rất nhiều. Song song đó, hãy đọc thêm nhiều thông tin liên quan tới nghề, nắm bắt xu thế và theo dõi các họa sĩ minh họa thời trang khác để học hỏi.”
“Đừng đặt nặng vấn đề danh tiếng hay thu nhập khủng, bạn cứ đủ đam mê, nhiệt huyết và nghiêm túc với nghề thì mọi thứ sớm muộn sẽ tự tìm tới,” cô tin tưởng vào sự phát triển của ngành nghề mới tại Việt Nam.
Trong những năm gần đây, ngành thời trang ở Việt Nam ngày một khởi sắc với những show diễn và triển lãm được đầu tư công phu của cả nhiều thương hiệu quốc tế lẫn nhà thiết kế trong nước. Sự đa dạng và tính hội nhập của làng thời trang chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các họa sĩ minh họa thời trang trong một vài năm tới. Đây không chỉ là nghề nghiệp có tiềm năng phát triển trong nước mà còn có thể là con đường rộng mở cho các bạn trẻ nhiệt huyết muốn đặt chân vào thời trang thế giới.