Đại tướng Hoàng Văn Thái – những kỷ niệm trong tôi

Những kỷ niệm của tôi với Đại tướng, tôi muốn kể không phải về các chiến công của Đại tướng, mà về ông trong cuộc sống thường ngày: về những điều làm ông như mọi người khác và những gì ở ông khác với nhiều người.

Buổi đầu gặp gỡ

Lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng Hoàng Văn Thái là trong bữa trưa với Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Liên Xô mùa hè năm 1983. Đó là bữa ăn nhân dịp Đại tướng cùng phu nhân và cô con gái đến Liên Xô nghỉ một thời gian. Tôi khi đó là Thượng úy được cử phục vụ Đại tướng trong tư cách là người phục vụ và phiên dịch riêng.

Điều đầu tiên tôi nhận thấy là tính cách lịch sự trí thức bẩm sinh của con người này. Tất nhiên, ông biết mình đang ở trên đỉnh cao quyền lực quân sự của Việt Nam, nhưng ông rất bình dị. Giờ đây sau 35 năm, tôi không còn nhớ rõ hôm đó mọi người đã nói những gì, song bầu không khí thân mật quan tâm đến nhau thì tôi nhớ mãi.

Tôi bị bất ngờ khi tướng Hoàng Văn Thái nói ra những suy nghĩ của mình rõ ràng và dễ hiểu đến như vậy. Chỉ người có trình độ cao, hiểu biết nhiều mới có thể nói như vậy được. Giọng nói rõ ràng, dứt khoát. Từ ngữ vô cùng đơn giản và dễ hiểu. Song ông nói có hình tượng, rất hay và nhiều cảm xúc, nhưng không quá hùng hồn. Có lẽ, đây là kết quả của kinh nghiệm quân sự phong phú, khi người chỉ huy cần phải đưa ra mệnh lệnh làm sao để người khác không thể lý giải hoặc hiểu cách khác được.

Ngày đầu tiên tôi được làm quen với Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và gia đình ông đã kết thúc, và sáng hôm sau chúng tôi lên máy bay đi Biển Đen, tới nhà nghỉ của Bộ Quốc phòng Liên Xô.

Tác giả đặt lên mộ Đại tướng Hoàng Văn Thái bó hoa cẩm chướng đỏ - biểu tượng của Cách mạng và Đấu tranh ở Liên Xô.

Tác giả đặt lên mộ Đại tướng Hoàng Văn Thái bó hoa cẩm chướng đỏ – biểu tượng của Cách mạng và Đấu tranh ở Liên Xô.

20 ngày tại nhà nghỉ của Bộ Quốc phòng Liên Xô

Tại nhà nghỉ, tôi ở cùng phòng với bác sĩ riêng của đồng chí Hoàng Văn Thái. Lúc gần 8 giờ tối, ông xin lỗi ngừng cuộc nói chuyện với tôi, rồi nhanh chóng thay trang phục và đúng 20 giờ 00 phút ông sang phòng bên cạnh của Đại tướng Hoàng Văn Thái nghỉ cùng gia đình. Trước khi đi ông bảo tôi: “Đồng chí Đại tướng là người rất kỷ luật”. Đối với tôi, điều này hơi lạ lùng. Tôi đã tưởng được nghe kiểu như: “Đại tướng rất không thích ai đó đến muộn” hoặc “Đại tướng yêu cầu tất cả mọi người phải tôn trọng kỷ luật”. Tức là ông yêu cầu điều gì đó ở người khác. Thế mà lại là “Đồng chí Đại tướng là người rất kỷ luật”…

Trong suốt thời gian ở nhà nghỉ, tôi thấy rất rõ điều này. Trách nhiệm của tôi là luôn có mặt bên cạnh Đại tướng. Tướng Hoàng Văn Thái không một lần đến muộn và không lần nào đến sớm 1 phút trước khi bắt đầu hoạt động chính thức đã báo trước. Đại tướng Hoàng Văn Thái thực sự là người có bản tính kỷ luật rất cao. Và phẩm chất không hề phô trương này của ông đã có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến những người có mặt gần ông. Tôi thấy rõ điều này qua kinh nghiệm của bản thân. Trước mặt ông, tự nhiên mọi việc muốn làm nghiêm túc, chính xác. Không phải để được khen, mà bởi vì hiểu rằng PHẢI làm như vậy.

Hậu phương vững chắc của Đại tướng

Trong quân đội Liên Xô, mọi người nói là người sĩ quan cần phải có hậu phương tin cậy, có nghĩa là gia đình vững chắc. Đồng chí Đàm Thị Loan thực sự là người bạn và chỗ dựa cho Đại tướng. Đồng chí là Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, song nhìn người phụ nữ xinh đẹp, ăn mặc duyên dáng này, không ai có thể nghĩ được rằng đây là một quân nhân. Bà hoàn toàn không phải là một “bà tướng” nhân danh chồng ra lệnh cho cấp dưới của chồng.

Một lần vào buổi tối, khi chúng tôi đi dạo trên bờ biển, Đại tướng dừng lại, mỉm cười rồi hỏi tôi: “Alexandr, anh nghĩ câu “Nhà tôi không có ở nhà” nghĩa là sao”? Lúc đó Đại tướng đã biết rõ là tôi có thể kể bằng tiếng Việt thành phần của tiểu đoàn, trung đoàn gồm những đơn vị nào hoặc khẩu AK có những chi tiết gì. Còn về phần ngôn ngữ sinh hoạt đời thường thì tôi vẫn còn đang “ngụp lặn”. Tất nhiên tôi hiểu chữ “nhà” theo đúng nghĩa đen trực tiếp là “ngôi nhà”, và thế là trong đầu tôi bắt đầu lựa chọn mọi khả năng có thể. Nhưng nếu câu đó là “ngôi nhà của tôi không có trong nhà” thì không làm sao hiểu nổi.

Đồng chí Hoàng Văn Thái một lần nữa mỉm cười rồi bá vai bà Loan và rất chân tình và dịu dàng nói: “Nhà tôi không chỉ là nơi tôi sống, mà còn là vợ tôi, đó cũng là nhà tôi, song tất nhiên quan trọng hơn nhiều ngôi nhà tường gạch, mái tôn”. Ánh mắt của ông bà gặp nhau, và tôi thấy trong đó ngọn lửa rạng rỡ như của chàng trai cô gái tuổi đôi mươi đang yêu!

Về sau, tôi nhiều lần suy nghĩ, tại sao tướng Hoàng Văn Thái lại nêu với tôi câu hỏi đó? Phải chăng ông muốn cho tôi thấy lỗ hổng trong kiến thức của mình? Không, đó không phải là tính cách của ông. Vậy thì tại sao? Nhiều năm tháng trôi qua và tôi hiểu ra rằng, vào thời điểm đó vị tướng muốn nói với vợ mình rằng ông yêu bà như thế nào. Phong cách lịch sự thông minh không cho phép ông nói thẳng ra điều đó, và ông đã tìm cách thổ lộ như vậy.

Đại tướng Hoàng Văn Thái và phu nhân (ảnh tư liệu).

Đại tướng Hoàng Văn Thái và phu nhân (ảnh tư liệu).

Lại nói về tác phong bình dị và lịch lãm…

Thực sự là ngay trong những ngày đầu tiên tại nhà nghỉ dưỡng, Đại tướng đã có thể chinh phục cảm tình của tất cả mọi nhân viên và hướng dẫn viên du lịch làm việc ở đây.

Tại nhà ăn, Đại tướng luôn chào hỏi các nhân viên phục vụ, thường thăm hỏi họ về sức khỏe, về tình hình gia đình. Và ông làm điều này một cách thân thiết như người nhà, hoàn toàn không chút hình thức. Sau khi ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối xong, không bao giờ gia đình Đại tướng rời bàn ăn ngay. Mọi người đợi chị phục vụ đến, rồi Đại tướng nói: “Cảm ơn chị!”, sau đó mọi người mới ra về.

Vào ngày thứ ba hay thứ tư, chúng tôi ở nhà nghỉ, hướng dẫn viên thể thao có hỏi tôi tại sao phu nhân Đại tướng không xuống bể bơi. Tôi hỏi tướng Hoàng Văn Thái về điều này thì được ông trả lời là nước trong bể bơi hơi lạnh với bà và bà sợ bị cảm. Tôi nhắc Đại tướng là bể bơi có thiết bị đun nóng nước và hỏi sao ông không nói với tôi về vấn đề này. Ông bảo: “Chúng tôi không muốn làm phiền các anh chị phục vụ”. Tôi chuyển những lời này đến hướng dẫn viên thể thao. Ông ngạc nhiên đến tột độ: “Đại tướng không muốn làm phiền nhân viên phục vụ sao?!”. Sau đó nước trong bể bơi được đun cho ấm lên trước khi gia đình tướng Hoàng Văn Thái đến, và cả Đại tướng, cả vợ và con gái ông vui vẻ bơi trong suốt thời gian dành cho gia đình là 45 phút.

Mấy hôm sau hướng dẫn viên thể thao tìm đến tôi và nói: “Tôi muốn làm điều gì đó cho Đại tướng và gia đình ông. Phải chăng ông sẽ không từ chối đề nghị cả gia đình đi bộ lên núi và tôi là người hướng dẫn?”.

Và đó là một cuộc dạo chơi kỳ diệu! Chúng tôi băng qua các bụi cây, đi theo những lối mòn rậm rạp, hít thở không khí trong lành và đùa vui với ánh nắng mặt trời. Đại tướng không phải là thủ trưởng, còn người hướng dẫn viên bình thường không phải là “nhân viên phục vụ”. Đúng hơn đây là cuộc trò chuyện của  Đại tướng và hướng dẫn viên như cuộc trò chuyện của 2 người bạn cũ sau nhiều năm không được gặp nhau.

Mấy ngày trước khi đoàn rời nhà nghỉ, người hướng dẫn viên nhờ tôi dịch cho Đại tướng như sau: “Đồng chí Hoàng Văn Thái kính mến! Tôi và nhà tôi xin được mời gia đình đồng chí đến dự bữa cơm gia đình có món thịt nướng tại đèo Baidar. Đó là nơi các đoàn tham quan chính thức không được đưa đến, nhưng tôi mời đồng chí đến thưởng ngoạn cảnh đẹp của nơi này và thử món thịt nướng tuyệt vời”. Và tất nhiên chúng tôi đã đến đó. Ngôi nhà thờ bên bờ vách đá dựng đứng, không khí ban chiều trong vắt, mùi thịt nướng và cuộc trò chuyện của những người bạn cũ về mọi thứ trên đời. Tôi tin rằng tất cả mọi người có mặt tại cuộc gặp đó đều cảm thấy bình đẳng thoải mái.

Năm nay, trước dịp ngày sinh của Đại tướng Hoàng Văn Thái, tôi đã tới Nghĩa trang Mai Dịch, tìm đến ngôi mộ của ông. Tôi đặt lên mộ một bó hoa cẩm chướng đỏ – biểu tượng của Cách mạng và Đấu tranh ở Liên Xô. Tôi đứng rất lâu bên mộ ông, tưởng nhớ với lòng kính trọng một vị Tướng, một con Người.

Tác giả bài viết là Kapitokhin Alexandr Alexandrovich, sinh năm 1956, quốc tịch Nga, hiện nay đang sống tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ quân đội năm 1980, là phiên dịch – tư vấn (tiếng Việt và tiếng Anh). Ông có 20 năm (1974-1994) phục vụ trong quân đội Liên Xô (7 năm tại Việt Nam, trong đó 3 năm làm việc tại Cơ quan tùy viên quân sự thuộc Đại sứ quán Nga), cấp bậc trung tá. Ông có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh với Việt Nam. Thời gian làm việc tại Việt Nam tổng cộng là 15 năm. Từ 8/2017 đến nay là chuyên gia tại Ban Phát thanh tiếng Nga, Đài Tiếng nói Việt Nam và VTV4, hiệu đính bản dịch ra tiếng Nga; trực tiếp dịch các tài liệu phát thanh, viết bài phục vụ chương trình…        

Rate this post