ĐỨC GIÊSU LÀ AI? – Dòng Mân Côi Bùi Chu

ĐỨC GIÊSU LÀ AI?

THỨ NĂM TUẦN VI -TN

(Gc 2, 1-9; Mc 8, 27-33)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Máccô trình thuật lại việc Chúa Giêsu “thử tai” các môn đệ đã nghe người ta nói như thế nào về Ngài: “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8, 27). Điều các ông nghe đơn giản là: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8, 28). Câu hỏi của Chúa Giêsu cho các môn đệ cũng là câu hỏi mà từng ngày Chúa Giêsu hỏi mỗi người chúng ta. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng: Nhiều khi chúng ta biết và theo Chúa rất chung chung, theo những gì chúng ta nghe từ người khác. Chúng ta như những người chạy theo phong trào, hay là sống đời “cây tầm gửi”. Nói cách cụ thể, chúng ta để cho tiếng nói và lối sống của đám đông quyết định tương quan của chúng ta với Chúa hơn là sự gặp gỡ cá vị của chúng ta với Ngài. Chúng ta cần đến người khác giúp chúng ta để biết Chúa, nhưng chúng ta phải “nội tâm hoá” những điều chúng ta nghe từ người khác. Hãy dừng lối sống đạo, sống đời thánh hiến cách “chung chung”! Nhưng vun đắp một tương quan thật thân tình và cá vị với Chúa Giêsu nếu chúng ta muốn biết Ngài đích thật là ai.

Thật vậy, để biết Đức Giêsu Kitô là ai, chúng ta không thể chỉ dựa vào những gì chúng ta nghe từ người khác, nhưng quan trọng là “nghe lời Ngài và đem ra thực hành.” Chỉ nghe lời “con người” thì không đủ để biết chân tính thật của Chúa Giêsu, nhưng phải lắng nghe và đem ra thực hành lời của “Con Người.” Nói cách khác, chúng ta phải biến những điều chúng ta nghe và thấy từ “Con Người” thành “xương thịt” của riêng mình. Đây chính là điều Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ khi Ngài hỏi họ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Ông Phêrô trả lời: Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8, 29). Trong cùng cách thức ấy, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta có một câu trả lời thật cá vị, là của riêng mình, dựa trên những kinh nghiệm cá vị của mình về Ngài. Những ai không cảm nghiệm được tình yêu cá vị của Chúa Giêsu sẽ không hiểu và không thể đáp lại tình yêu của Ngài cách trọn vẹn vì họ chỉ yêu Ngài cách chung chung. Theo triết học, con người là hữu thể cá vị và hiện hữu một lần duy nhất trong thế giới: Trước nó, không ai giống, và sau nó không ai giống nó. Như vậy, tình yêu chung chung sẽ không bao giờ là tình yêu trung thành vì nó không thể dẫn đến việc dấn thân trọn vẹn cho người mình yêu.

Bước ngoặt của bài Tin Mừng hôm nay nằm ở câu: “Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người” (Mc 8, 30). Đây là câu quan trọng để chúng ta hiểu việc Chúa Giêsu quở trách Phêrô là Xatan. Tại sao Chúa Giêsu lại cấm các môn đệ không nói cho ai biết Ngài là Đấng Messia? Trong nghệ thuật viết Tin Mừng của mình, Thánh Máccô đưa ra lý do cho câu hỏi trên là: vì Chúa Giêsu sợ các môn đệ và người khác hiểu lầm về Ngài. Hình ảnh Messia mà Chúa Giêsu nói đến chính là: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8, 31). Đây không phải là hình ảnh của Đấng Messia mà Phêrô tuyên xưng và dân Do Thái đang mong đợi. Đối với họ, Đấng Messia sẽ đến trong uy quyền để giải phóng dân Israel khỏi đô hộ của người Rôma. Khi nghe Chúa Giêsu trình bày hình ảnh của một Đấng Messia quá khác với hình ảnh mình mong đợi, “ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người” (Mc 8, 32): Ông quở trách Chúa Giêsu vì Ngài không làm theo điều mà ông đã “lên chương trình” cho Ngài phải làm; ông trách Chúa Giêsu vì Ngài không đi theo con đường mà ông đã vạch ra và hằng mong đợi; ông trách Chúa Giêsu vì Ngài trình bày một hình ảnh của Đấng Messia quá khác với hình ảnh ông quá quen thuộc về Ngài; ông trách Chúa Giêsu vì ông quá quan tâm đến lợi ích cá nhân của mình hơn là lợi ích của muôn người. Đây cũng là điều chúng ta thường làm trong ngày sống của mình khi mọi sự Chúa muốn không xảy ra như chúng ta mong muốn. Ngay cả những người sống đời thánh hiến, là những người tuyên khấn chỉ đi tìm một mình Chúa là gia nghiệp và chỉ thực hành thánh ý Ngài, cũng nhiều lần quở trách Chúa Giêsu vì điều Ngài muốn không giống với điều mà họ muốn. Vì lý do đó, việc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu là một ý tưởng không thể chấp nhận vì nó đòi hỏi quá nhiều đau khổ và phải chết đi cho chính mình quá nhiều. Những ai muốn tìm thấy ý Thiên Chúa, hãy bỏ đi lối suy nghĩ, lối hành động và lối sống “máy móc” của mình!

Thay vì quở trách Chúa Giêsu, thì Phêrô bị Ngài quở trách: “Xatan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8, 33). Câu này là lời nhắc nhở cho các môn đệ về vị trí của mình khi Chúa Giêsu gọi các ông, đó là: “Hãy theo thầy!” – “Hãy đi đằng sau Thầy vì Thầy là Đường, là Người dẫn đường!” Khi Phêrô ngăn cản Chúa Giêsu và muốn dẫn Ngài đi theo con đường mà ông đã vạch ra thì ông cũng đánh mất chân tính của mình là “người môn đệ” – người theo Chúa Giêsu. Điều này cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta. Chúng ta đánh mất căn tính của mình là người Kitô hữu hoặc người thánh hiến cho Thiên Chúa khi chúng ta từ chối “đi theo” con đường Ngài muốn chúng ta đi, hoặc khi chúng ta muốn dắt Ngài đến những nơi chúng ta muốn và làm theo ý của chúng ta. Hãy để Chúa là người dẫn chúng ta đi. Hãy luôn là chính mình, là người đi theo vì chúng ta không phải là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống (x. Ga 14, 6).

Hoa Ven Đường

Rate this post