ĐOÀN THANH LAM (ca sỹ Thanh Lam, con gái của nhạc sỹ Thuận Yến) – Họ Đoàn Nghệ An – Việt Nam

Thanh Lam

Họ và tên Đoàn Thanh Lam (sinh ngày 19 tháng 6 năm 1969) là một nữ ca sĩ nhạc nhẹ nổi tiếng của Việt Nam. Cô đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Thanh Lam được xem là một trong những giọng ca nữ hàng đầu của Nhạc Nhẹ Việt Nam

Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Lam sinh ngày 19 tháng 6 năm 1969 tại Hà Nội, quê gốc ở tỉnh Quảng Nam, cha là nhạc sĩ Thuận Yến, mẹ là nghệ sĩ âm nhạc dân tộc Thanh Hương. Thanh Lam là một trong những nữ ca sĩ nhạc nhẹ nổi tiếng của Việt Nam được báo giới không chính thức công nhận là một trong bốn giọng hát phía Bắc với danh hiệu Diva bên cạnh Hồng Nhung, Mỹ Linh và Trần Thu Hà. Thanh Lam cũng là ca sỹ tự do đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào ngày 11 tháng 1 năm 2007.

Đôi mắt sáng và giọng hát truyền cảm, trần đầy sức sống, Thanh Lam bao giờ cũng đằm thắm trong các nhạc phẩm thể hiện của mình. Là con gái của nhạc sĩ Thuận Yến, thành danh cũng từ bài hát của cha viết tặng, cho đến bây giờ nhắc đến Thanh Lam người ta không thể không nhắc tời ” Chia tay hoàng hôn”. Từng cầm bút tự hoạ, từng đóng phim, chị luôn đem đến những điều bất ngờ cho người nghe.

Cuộc đời

Năm 1978, cô theo học đàn tỳ bà tại Nhạc viện Hà Nội hệ 11 năm, đồng thời bắt đầu tham gia ca hát trong đội Chim Sơn Ca của đài Tiếng nói Việt Nam và đội Họa Mi của Cung Văn hoá Thiếu nhi Hà Nội. Cô thu được những thành công đầu tiên trong sự nghiệp ca hát nhờ những bài do cha cô sáng tác như Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời, Màu hoa đỏ…

Năm 1989, Thanh Lam đã đoạt giải Ca sỹ được yêu thích nhất tại Festival âm nhạc Lahavan – Cuba. Năm 1991, với bài hát Chia tay hoàng hôn, cô đã đoạt giải thưởng Lớn cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc lần I. Cô lập gia đình với nhạc sĩ Quốc Trung, anh đã sáng tác nhiều ca khúc phù hợp với chất giọng của Thanh Lam và hoà âm phối khí cho album Mây trắng bay về của cô. Album này được đánh giá cao với nhiều bài hát được nhiều người yêu thích như Đố tình, Gọi anh, Hồ trên núi, Lời tôi ru…

Thanh Lam được xem là một trong bốn diva của nhạc trẻ Việt Nam, cùng với Mỹ Linh, Hồng Nhung, Hà Trần [1]. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng Thanh Lam là diva số 1 [2], còn với nhạc sĩ Tuấn Khanh thì cô là diva duy nhất[3].

Năm 2004, sau khi ly hôn với Quốc Trung và gây ra một vài sự kiện ồn ào trên báo chí liên quan đến việc sở hữu bài hát của Quốc Trung, Thanh Lam bắt đầu hợp tác với nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Sự hợp tác này đem đến cho Thanh Lam các album như Nắng lên, Em và đêm, Thanh Lam – Trọng Tấn, Giọt… Lam. Các album này đã có được nhiều sự quan tâm của các khán giả nghe nhạc, được cả sự ủng hộ và sự phản đối… Mối quan hệ của cô với Lê Minh Sơn cũng thu hút sự chú ý của báo chí và là đề tài bàn tán của nhiều forum.

Ngày 11 tháng 1 năm 2007, Thanh Lam là ca sỹ hát tự do đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú[4].

Ca sĩ Thanh Lam còn hợp tác làm album với một số ca sĩ khác như Hà Trần, Trọng Tấn và sắp tới là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

Ngày 25 tháng 9 và 26 tháng 9 năm 2009, ca sĩ Thanh Lam tổ chức “Đêm nhạc tặng cha” biểu diễn các bài hát của nhạc sĩ Thuận Yến tại Nhà Hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của các ca sĩ Khánh Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Tùng Dương.[5]

Tuổi thơ

Thanh Lam, tên khai sinh là Đoàn Thanh Lam, quê gốc ở tỉnh Quảng Nam, sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, cha là nhạc sĩ Thuận Yến, mẹ là nghệ sĩ âm nhạc dân tộc Thanh Hương.

Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, 3 tuổi, Thanh Lam đã được cha dạy hát và nghe đàn piano. 7 tuổi, mẹ dạy cô chơi đàn thập lục, hát dân ca Việt Nam.

Năm 1978, 9 tuổi, Thanh Lam được tuyển chọn vào Nhạc viện Hà Nội theo học môn đàn tỳ bà hệ 11 năm. Cùng lúc đó, Thanh Lam cũng bắt đầu tham gia ca hát trong đội Chim sơn ca của Đài tiếng nói Việt Nam và đội Họa Mi của Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội. Cô thu được những thành công đầu tiên trong sự nghiệp ca hát nhờ những ca khúc của cha mình như Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời, Màu hoa đỏ, ..

Năm 1985, Thanh Lam chuyển sang học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Đây là một bước ngoặt quan trọng có tính chất quyết định cho con đường nghệ thuật của cô sau này.

Sự nghiệp

1984, Thanh Lam tham gia biểu diễn tại Festival Thanh niên thế giới.

1989, Thanh Lam đoạt giải ca sỹ được yêu thích nhất tại Festival âm nhạc Lahavan, Cuba.

1991, với bài hát Chia tay hoàng hôn, Thanh Lam đoạt giải thưởng Lớn cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc lần 1. Trong khoảng thời gian này, Thanh Lam lập gia đình với nhạc sĩ Quốc Trung, con trai của NSND Trung Kiên.

Năm 1997, Thanh Lam phát hành album “Bài hát ru cho anh”

Năm 1998, Thanh Lam phát hành album “Em và tôi”, “Lá thư”, “Nơi mùa thu bắt đầu”

Năm 2000, Thanh Lam phát hành album “Khát vọng”

Năm 2001, Thanh Lam phát hành album “Đợi chờ” và “Mây trắng bay về”. “Mây trắng bay về” là album được báo giới và công chúng đánh giá là đỉnh cao không chỉ của sự hợp tác Quốc Trung – Thanh Lam mà còn là đỉnh cao của chính Thanh Lam. Âm nhạc của album phảng phất nét hiện đại pha lẫn nét chất phác của âm nhạc dân tộc cộng thêm giọng hát khỏe khoắn của Thanh Lam đang ở độ chín muồi đã tạo nên hiệu ứng đặc biệt của album. Tuy nhiên mãi tận gần 10 năm sau khi phát hành giá trị của album mới được xác định.

Năm 2004, Thanh Lam phát hành album “Tự sự” của riêng mình và “Thanh Lam & Hà Trần” cùng với Trần Thu Hà. Cũng trong thời gian này, Thanh Lam chia tay Quốc Trung sau thời gian dài chung sống.

2005, Thanh Lam kết hợp cùng nhạc sĩ Lê Minh Sơn phát hành hàng loạt album “Này em có nhớ”, “Ru mãi ngàn năm”, “Nắng lên”, “Em & đêm”. Các album này thu hút được nhiều sự quan tâm của báo giới và công chúng và cũng gặt hái được rất nhiều lời khen bên cạnh những lời phản đối. Đặc biệt là hai album nhạc Trịnh “Này em có nhớ” và “Ru mãi ngàn năm”, nhiều ý kiến cho rằng những thử nghiệm mới của bộ đôi Thanh Lam – Lê Minh Sơn đã làm hỏng nhạc Trịnh.

Năm 2006, Thanh Lam phát hành album “Thanh Lam – Trọng Tấn” cùng Trọng Tấn

Năm 2007, Thanh Lam tiếp tục hợp tác cùng Lê Minh Sơn phát hành album “Lam blue ta” với những ca khúc nổi tiếng được phối lại và hát theo phong cách blue rất riêng của Việt Nam. Cuối năm 2007, Thanh Lam phát hành “Giọt… Lam” với những ca khúc một thời cùng liveshow riêng của mình đã thu hút được sự quan tâm của công chúng.

Năm 2009, Tuấn Trinh Production cũng phát hành album “Thanh Lam acoustic” với chuẩn âm thanh thực Audiophile. Với album này Thanh Lam nhận được nhiều phản hồi tích cực do những gì Lam thể hiện là một Lam của ngày xưa, rất quen thuộc với khán giả yêu mến giọng hát của cô.

Tháng 7-2009, Thanh Lam cho ra mắt album riêng mang tên “Nơi Bình Yên”, vẫn hợp tác với nhạc sĩ Lê Minh Sơn.

Liveshow “Tình Yêu Không Lời” diễn ra vào hai đêm 28 và 29/09/2009 là Liveshow Thanh Lam dành tặng cho cha mình – nhạc sĩ Thuận Yến. Với phong cách giản dị, Thanh Lam đã hát các ca khúc nổi tiếng của ông và thể hiện nó một cách mộc mạc. Ngày 5/12 Thanh Lam mang đêm diễn này vào Đà Nẵng để thực hiện ước nguyện của cha mình, nhạc sĩ Thuận Yến “hát ca khúc của ông trên chính quê hương ông.

Thanh Lam từng nhiều lúc suy sụp, héo úa

“Nếu nhìn nhận tôi trên góc độ chuyên môn âm nhạc, thì dù hay dù dở tôi vẫn thấy bình thường. Nhưng đằng này lại đưa tôi ra bình phẩm, mổ xẻ như một món hàng về hình dáng bề ngoài, về sức hấp dẫn đàn ông và những chuyện tầm phào. Tôi thấy thiếu sự tôn trọng nghệ sĩ”, Thanh Lam bức xúc về một bài báo mới đây mổ xẻ quá nhiều đời tư của chị.

– Những người thực hiện đã hỏi ý kiến chị như thế nào?

– Tôi lấy làm lạ là họ đưa tôi lên báo bóc trần một cách chủ quan và vô lối như vậy, ít ra thì họ cũng phải nói với tôi một tiếng rằng số báo này chúng tôi sẽ để những cậu thanh niên 25-27 tuổi nhận xét về cô thế này, thế nọ. Tôi thấy văn hóa ứng xử ở đây có vấn đề. Và câu chuyện họ đề cập cũng là chuyện tầm phào không đầu không cuối và không định hướng thẩm mỹ cho bạn đọc.

Bên cạnh đó, những người bình phẩm là thanh niên 25-27 tuổi, để bình phẩm về một phụ nữ đã gần 40 tuổi thì liệu có ổn không, có chính xác không? Mà những người bình phẩm lại nói với giọng điệu rất xấc xược, sắc thái ngôn ngữ thiếu bao dung, kiểu như họ nói về tôi là “người đàn bà này”, “người đàn bà ấy”… rồi cái kiểu “nhìn Thanh Lam, những cậu trai muốn nổi máu phiêu lưu”…

Họ có thể nói về tôi trong quán rượu, bàn bia rằng họ không thích Thanh Lam chỗ nọ, họ ghét Thanh Lam chỗ kia… nhưng đó là chuyện trong bàn nhậu của một số người rỗi rãi chứ không phải trên một trang báo và trước đám đông bạn đọc của những người đàn ông hiểu biết.

– Một vài người bạn có nói với tôi, còn con tôi thì chưa. Về cơ bản, nghệ sĩ khi bị lên báo kiểu này với họ đó là chuyện “tai bay vạ gió” (vì khi đăng không được hỏi ý kiến, khen chê một cách không công bằng). Con tôi và những người bạn của cháu khi thấy người khác nói về mẹ trên báo như vậy, trong khi tôi chẳng làm gì sai thì không biết cháu sẽ nghĩ thế nào nữa, nhưng chắc chắn chẳng vui vẻ gì đâu. Bình thường, tôi rất tôn trọng người khác và có như thế, mình mới nhận lại được sự tôn trọng.

– Tự nhận xét về mình với tư cách là một người phụ nữ, chị sẽ nói gì?

– Về phương diện nghề nghiệp, tôi là một nghệ sĩ nghiêm túc và hết mình với nghề. Trong cuộc sống, tôi là một người phụ nữ văn minh, hiện đại và luôn tự tin với con người của mình, dám sống và dám trả giá. Là một ca sĩ, tôi không chỉ biết hát và ngủ, tôi thường xuyên đọc sách, học ngoại ngữ. Là một người mẹ, tôi hiểu, gần gũi và mẫu mực với con cái. Với con người của mình, tôi luôn sống thật, hát thật và hết mình, như thể ngày mai tôi không còn tồn tại nữa.

– Chị nghĩ gì về vai trò của người đàn ông?

– Tôi không phải là một phụ nữ có dáng vẻ bề ngoài dễ gần lắm đâu. Và với những người đàn ông từ bằng tuổi đến hơn tuổi tôi, từ trước tới nay tôi chưa từng bị một ai đó sàm sỡ hay nói năng thô lỗ với mình.

Với tôi, người đàn ông rất quan trọng. Tiếng hát của tôi ngọt ngào hơn, trăn trở hơn, khát vọng hơn chính là có tình yêu của tôi ở trong đó. Tôi trông vậy thôi nhưng có những lúc yếu đuối, suy sụp, héo úa. Những phụ nữ khác, những lúc như vậy có thể họ sẽ có một điểm tựa tinh thần, còn tôi, không phải lúc nào cũng vậy, không phải lúc nào muốn nương tựa là được nương tựa dù với thời gian tôi đã trưởng thành hơn và tự chủ trong cuộc sống của mình. Tôi luôn cần người đàn ông nhân hậu để che chở cho mình những lúc yếu đuối, cảm thông chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống của tôi. Và trước nay vẫn thế, đàn ông là một sự khuyến khích lớn trong tiếng hát của tôi. Tôi luôn và mãi tôn trọng họ.

– Nhiều người nghe lại Thanh Lam tóc dài hát “Hoa sữa” hay đoan trang với “Giọt nắng bên thềm” ngày xưa mà tiếc, chị nghĩ sao?

– Trước sau gì Lam vẫn là Lam thôi. Có những cái tôi phải trả giá rất đắt, được cũng có và mất cũng nhiều nhưng rồi cuối cùng vẫn bình tĩnh để nhìn lại thấy mình còn gì. Tôi luôn nhìn thẳng vào cuộc sống và con đường mình đi và thấy rằng, tôi cũng không còn trẻ để sống một cách mù mờ nữa.

Nhưng nói thật, đến giờ tôi vẫn chưa thấy hài lòng với những gì mình làm được và vẫn thấy mình còn có thể làm tốt hơn. Với những CD, chương trình đã hát, tôi luôn nghe lại và rút kinh nghiệm. Còn với những gì là ngày xưa, tôi thấy nó là tình yêu, là tâm hồn tôi ở một thời điểm. Trong chiều dài sáng tạo, có lúc thăng lúc trầm nhưng lúc nào tôi cũng say đắm.

(Theo Người Lao Động)

Thanh Lam mơ ước vươn tới thứ âm nhạc thần thánh

“Âm nhạc với tôi luôn có cái thực và cái ảo. Tiếng hát là tiếng nói chân thành nhất của trái tim người nghệ sĩ, và cái hư ảo kia chính là ma lực đầy quyến rũ của âm nhạc. Tôi ước ao hướng tới một thứ âm nhạc thần thánh, hát trên nỗi buồn, niềm vui và trên cả những khát vọng tầm thường”, “người đàn bà hát” tâm sự.

– Có thể xem “Thanh Lam một chặng đường” như một cột mốc mới trong sự nghiệp hay đơn thuần chỉ là album tổng kết 20 năm ca hát của chị?

– Đối với bất cứ ca sĩ nào, mỗi một album ra đời đều đánh dấu những bước đi nhất định trong sự nghiệp ca hát. Album Thanh Lam một chặng đường cũng vậy. Nhưng hơn thế, tôi hy vọng album sẽ cho khán giả và cả chính mình nhìn lại chặng đường 20 năm ca hát đã qua, mở ra một chặng đường mới.

– Chị đã có không ít bài hit mà khán giả nằm lòng. Vậy chị chọn ca khúc nào đưa vào album?

– 20 bài hát được chọn cho album là những ca khúc mà tôi và người biên tập – nhạc sĩ Lê Minh Sơn thấy rằng thực sự có dấu ấn, khán giả đón nhận. Tất cả đều được thử thách qua thời gian như Chia tay hoàng hôn, Hoa sữa, Cho em một ngày, Đố tình, Nắng lên…

– Trên chặng ca hát, chị từng nhận thấy mình trên đỉnh cao nhất vào lúc nào?

– Chính lúc này đây, tôi thấy mình chín muồi nhất. Trong cuộc sống, tôi có những đứa con để yêu thương, chứa đựng sâu kín trong lòng mình những trăn trở, tranh đấu trong tình cảm, sự nghiệp. Với âm nhạc, những trải nghiệm trên sân khấu, trong phòng thu cũng đã đạt tới độ “chín”. Cuộc hợp sức với Lê Minh Sơn cũng cho tôi sự công phá lớn nhất. Như một ngọn lửa, khi đã cháy tới đỉnh thì những ánh hồng ngọt hơn, mềm mại hơn chứ không thể phừng phực như trước nữa.

Tôi cho rằng con đường ca hát của mình là một cuộc hành trình liên tục, nối tiếp nhau. Nhìn lại, tôi chỉ thấy mình may mắn vì từng bước đi đều được mọi người nhìn nhận. May mắn hơn nữa là tôi đã được làm việc với những cá nhân, êkíp thực sự có tài năng.

– 20 năm tới đây, liệu chị có còn ở trên ngôi vị “nữ hoàng nhạc nhẹ”?

– Người giỏi là người giữ được ngôi vị. Sự cạnh tranh khắc nghiệt nhất với tôi là chính mình. Hãy để ý những nghệ sĩ 50-60 tuổi đang biểu diễn trên sân khấu. Bề ngoài của họ có thể in dấu thời gian nhưng giọng hát thì không hề già nua. Tôi đã qua rồi cái thời phải gào thét với những đau khổ, hừng hực của khát vọng tuổi trẻ. Vì thế, tôi sẽ hát bằng những chiêm nghiệm, giận hờn, yêu thương và cả những khát vọng của một người đàn bà đã “chín”.

(Theo Thế Giới Văn Hóa)

Thanh Lam tìm về hồn nhiên với liveshow ‘Lam… xưa’

Tóc ngắn, mái tỉa xéo, Thanh Lam trẻ trung và hiện đại hôm nay lại muốn trở về với hình ảnh trong trẻo, hồn nhiên thuở ban đầu với liveshow “Lam… xưa”. Đêm nhạc diễn ra trong hai ngày 26 và 27/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Diva nhạc Việt sẽ hát 22 ca khúc gắn liền với tên tuổi và những chặng đường âm nhạc của chị: từ ngày hồn nhiên trong trẻo thuở Chia tay hoàng hôn, Hoa sữa, Em và tôi… qua những thiết tha, khắc khoải của Gọi anh, Không thể và có thể… đến nồng nhiệt và đằm sâu với Đố tình, Đá trông chồng, Nắng lên… Thanh Lam cho biết, chị sẽ hát mộc mạc hơn, nhẹ nhàng hơn.

Theo êkíp thực hiện chương trình, Lam… xưa không phải là một đêm diễn hoành tráng mà sẽ là một câu chuyện kể bằng âm nhạc, ít nhiều mang tính hoài cổ, tạo dựng mối liên hệ đối sánh xưa và nay. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn, người biên tập cho liveshow, tiết lộ: “Không chỉ là ‘xưa’ hẳn, chương trình sẽ có một phần ‘nay’ – nơi Lam xuất hiện với sự sang trọng, quý phái và giọng hát bùng nổ”.

Dẫn dắt đêm nhạc là MC Mỹ Linh – gương mặt của chương trình Văn hóa – Sự kiện và Nhân vật (VTV3). Còn đồng hành với Lam trong đêm diễn là những người bạn thân thiết và không kém phần nổi tiếng: Phương Thanh, Trọng Tấn và Tùng Dương. Các nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, Xuân Phương và Phan Cường đảm trách phần hòa âm phối khí.

Với giá vé từ 200.000 đến 400.000 nghìn đồng, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng, giá của đêm nhạc Lam… xưa là bình thường và không quá “đánh đố” khán thính giả Hà Nội. “Có nhiều ca sĩ đẩy giá vé liveshow lên cao vút như một cách nâng cao đẳng cấp của mình. Nhưng chúng tôi không làm như vậy. Chúng tôi muốn hướng đến khán thính giả”.

Sau hai đêm diễn, Thanh Lam và êkíp của mình sẽ dành 100 triệu đồng từ tiền bán vé để hỗ trợ các nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Chị và đại diện nhà tài trợ Vidotour sẽ vào vùng đất ven sông Hậu để trao quà cho các gia đình vừa trải qua mất mát đau thương.

Trong buổi họp báo giới thiệu liveshow ngày 5/10, Thanh Lam đã ra mắt CD nhạc Lam blue ta tập hợp những ca khúc mang phong cách jazz-pop và được thể hiện đầy ngẫu hứng. Ngoài những nhạc phẩm quen thuộc như Ngẫu hứng sông Hồng, Ôi quê tôi…, chị sẽ trình bày hai bài hát mới của Lê Minh Sơn: Buông và Con trai bé bỏng. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho biết, Con trai bé bỏng được anh viết để tặng Lam, tặng tình mẫu tử được thể hiện rất đặc biệt ở chị.

Giải thích cho tên gọi của CD Lam blue ta, Thanh Lam cho biết: “Tôi có một người bạn sở hữu quán Bún Ta. Ý tưởng đặt tên cho CD này cũng bắt nguồn từ đó”.

Lưu Hà

Thanh Lam thích sự ngông cuồng của tuổi trẻ

Lại là một Thanh Lam tóc ngắn, vẫn trẻ trung trong từng nụ cười, ánh mắt, dù sau lưng chị tuổi 40 đang ngập ngừng gõ cửa. Quá nhiều vui buồn của một người đàn bà đã qua nhiều sóng gió để đứng vững trong cuộc đời và tỏa sáng trên sân khấu.

– Làm một cuộc tổng kết nho nhỏ về 20 năm ca hát đã qua, chị có thể nói gì về mình?

– Tôi thấy rằng, mình đã đóng góp được một phần nào đó cho âm nhạc bằng sức sáng tạo của riêng mình, và tôi đã được thỏa mãn khát vọng làm nghề. Nói là tự hào về bản thân thì chưa thể, vì tôi vẫn đang tiếp tục vươn lên trong đời sống âm nhạc, nhưng tôi tự tin vì mình đã lao động tâm huyết, nhọc nhằn từng ngày, từng ngày để có hôm nay.

– Sẽ có nhiều cái mốc quan trọng trên con đường nghệ thuật dài như vậy. Chị có thể điểm lại những cái mốc quan trọng nhất?

– Cái mốc quan trọng đầu tiên đánh dấu sự trưởng thành của tôi là năm 19 tuổi, khi đứa con đầu lòng của tôi mới 1 tuổi, tôi đi dự Liên hoan âm nhạc tại Cuba. Có tới 10.000 trong số 15.000 khán giả tại Liên hoan bỏ phiếu cho tôi và tôi trở thành ca sĩ được yêu thích nhất. Thành công ấy đem lại cảm giác sung sướng, choáng ngợp đối với tôi, một ca sĩ trẻ mới vào nghề.

Năm 21 tuổi tôi giành giải thưởng Lớn tại cuộc thi nhạc nhẹ đầu tiên của Việt Nam, khi đang là ca sĩ của Đoàn ca múa nhạc nhẹ Trung ương. Đó là những dấu son đầu tiên khích lệ tôi trên con đường nghệ thuật. Sau này cũng có nhiều cái mốc khác, nhưng tôi nghĩ những dấu ấn đầu tiên là quan trọng nhất.

– Có một khoảng thời gian tương đối dài, chừng 4 năm, chị rơi vào im lặng. Khoảng thời gian đó chị vừa trải qua những đổ vỡ, mất mát của đời sống riêng. “Người đàn bà hát” Thanh Lam đã vượt qua những ngày tháng đó như thế nào?

– Có thể từ một hệ lụy của những mất mát trong đời sống riêng, trong một thời gian rất dài tôi thấy mình bị rỗng hoàn toàn, không còn nhiều hứng thú với âm nhạc.

Bây giờ nghĩ lại tôi thấy đó lại là những khoảng lặng quan trọng đối với người làm nghệ thuật. Nó giá trị ở chỗ, giúp mình nạp thêm những năng lượng của đời sống, để rồi sau đó khi tình yêu, lòng đam mê trở lại, mình có thể vươn cao hơn, xa hơn.

– Tuổi nghề của ca sĩ thường ngắn, vì ca hát là nghề thanh và sắc. Riêng Thanh Lam thì vẫn giữ được sự lôi cuốn với khán giả, cho dù tuổi đời của chị không còn trẻ nữa. Vậy, đâu là bí quyết của chị?

– Trong lần đi làm giám khảo Sao Mai – Điểm hẹn gần đây, nhạc sĩ Tô Hải có nói với tôi rằng: “Điều đáng yêu nhất của cháu là đã luôn giữ được sự trong sáng của tâm hồn”.

Tôi nghĩ đó cũng có thể là một bí quyết đối với người ca sĩ. Vì giọng hát là tấm gương phản chiếu tâm hồn người nghệ sĩ. Khi mình có sự biểu cảm xuất phát từ trong tâm hồn thì mình sẽ trở nên đẹp hơn, và giọng hát cũng đẹp hơn.

– Thử hình dung nếu không hát, Thanh Lam ngày hôm nay sẽ trở thành một người đàn bà như thế nào?

– Rất có thể tôi sẽ là một người đàn bà có một đời sống bình lặng, một đời sống mà bây giờ tôi đang rất mong muốn có được.

Tôi thích sự ngông cuồng của tuổi trẻ

– Là người đã đi qua nhiều sóng gió, chị thấy hai chữ “bản lĩnh” có ý nghĩa như thế nào đối với một người phụ nữ làm nghệ thuật?

– Tôi nghĩ cái gọi là “bản lĩnh” của tôi, một phụ nữ làm nghệ thuật, dường như được chắt lọc một cách tự nhiên ngay từ khi tôi còn nhỏ. Có nhiều người lớn rồi, trưởng thành rồi mới thích hát và đôi khi hát để đạt tới một mục đích nào đó trong cuộc đời.

Nhưng đối với tôi, hát là điều gì đó xuất phát từ trong vô thức. Tôi không lựa chọn nó, mà ngược lại, tôi được lựa chọn. Tôi cho rằng mỗi con người sinh ra đều được gánh một sứ mệnh nào đó.

Việc trở thành ca sĩ của tôi nằm ngoài mong muốn của gia đình. Cha mẹ tôi cho học đàn tì bà vì thấy giọng tôi trầm và khàn, không thể theo nghề hát. Nhưng tôi đã đi theo niềm đam mê của mình và trở thành tôi ngày hôm nay.

Và tôi nhận thấy rằng, thực ra tài năng của mỗi người chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại 60% phải là khát vọng. Sau đó mới là sự khổ công, nỗ lực… Nhưng chắc chắn phải có khát vọng thì mới đi lâu dài với niềm đam mê của mình được. Tất cả những thứ đó cộng lại sẽ làm nên bản lĩnh của một người nghệ sĩ.

– Nhân nói về câu chuyện bản lĩnh nghệ sĩ, nhìn lại phía sau mình, chị thấy gì qua những lựa chọn của các ca sĩ trẻ hôm nay?

– Lựa chọn âm nhạc cũng như lựa chọn một món ăn. Chỉ khác đây là món ăn tinh thần. Mỗi người sinh ra trong thời thế khác nhau sẽ có những lựa chọn khác nhau. Đối với riêng tôi, âm nhạc giống như một ước mơ, một giấc mơ, một cái gì mình không chạm tới, đầy mê hoặc và bí ẩn.

Âm nhạc không nên là thứ cơm ăn nước uống hằng ngày. Nó phải cao hơn thế. Và tiếng hát chính là cách để người ca sĩ “giải trình” cuộc sống của mình với người nghe. Sống thế nào thì sẽ hát như vậy, đó là điều tôi tin. Tôi rất thích sự “ngông cuồng” của tuổi trẻ.

Chấm thi một vài cuộc thi, tôi rất thèm được nhìn thấy sự ngông cuồng, nổi loạn (trong nghệ thuật) của các thí sinh. Nhưng quả thật là tôi rất ít được chứng kiến điều này.

Các em bây giờ làm nghệ thuật ít sự “ngông cuồng” quá, nó có gì đó vừa khôn ngoan vừa nhợt nhạt, dễ dãi trong nghệ thuật, dễ thỏa mãn với những thành công bước đầu. Tôi không thích điều này. Đối với tôi, nghệ thuật là phải nghiêm khắc với chính mình. Tôi chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những cái mình đã và đang làm cả.

– Ca sĩ trẻ hôm nay dựa dẫm nhiều vào cái gọi là công nghệ. Chị nghĩ sao?

– Hát đầu tiên là để thỏa mãn niềm đam mê được ca hát của chính mình, chứ không phải kỹ thuật. Khi người ca sĩ ham muốn thỏa mãn nhu cầu hát của chính mình, họ sẽ truyền cảm xúc, rung động đến với khán giả. Lớp trẻ hôm nay bị thúc bách bởi công nghệ nhiều quá. Khát vọng danh tiếng đã làm lu mờ đi sự đáng yêu của tâm hồn, của tuổi trẻ.

– Đã đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, và được xem là “người chị cả” của làng nhạc nhẹ Việt Nam, chị nhìn thấy bức tranh âm nhạc của chúng ta đang có màu sắc như thế nào?

– Tôi đã tham gia rất nhiều chương trình âm nhạc ở nước ngoài với tư cách là một ca sĩ Việt Nam và tôi nhận thấy rằng, có một thiệt thòi lớn cho những người làm âm nhạc nước mình, là chúng ta chưa có cái gọi là văn hóa yêu nghệ thuật. Hay nói khác đi, chúng ta chưa có thị hiếu nghe nhạc.

Vì thế người làm âm nhạc luôn phải đứng trước nhiều thử thách và đôi khi họ không có được sự thỏa thuê trong khát vọng của mình. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công rất nhọc nhằn để sống bằng nghề. Âm nhạc là con đường đầy chông gai. Ngay cả tôi cũng rất lo khi quyết định làm chương trình, vì kéo được khán giả đến với mình cũng không dễ dàng gì.

Phải xa các con để gần khán giả

– Trong rất nhiều lần trả lời phỏng vấn, chị thường nhắc về mong muốn có được sự bình yên trong cuộc sống. Vậy chị đã đi đến đâu trên con đường tìm kiếm nó?

– Rất nhiều khi tôi bối rối trước đời sống của mình và tôi thường tìm đến bạn bè làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau để trò chuyện. Và tôi nhận ra rằng, không bình yên là một cái gì đó nằm trong bản ngã của những người làm nghệ thuật.

Nó chính là động lực để thúc đẩy những tìm kiếm, những sáng tạo. Nó vừa là mặt tốt, vừa là mặt trái của cuộc đời người làm nghệ thuật. Vì thế mà mới có những ước mơ. Một đời sống bình yên có thể mãi chỉ là khao khát không chỉ của riêng tôi, mà còn là của nhiều người làm nghệ thuật khác.

– Có câu “Gieo tính cách, gặt số phận”. Câu nói đó nếu áp dụng với riêng chị sẽ ra sao?

– Tôi nghĩ những vui buồn của cuộc sống có một phần của định mệnh và có một phần do mình “sơ sểnh” mà tạo ra. Tôi cũng là một người đàn bà bình thường, có lúc đúng và cũng có lúc sai. Nếu mình dám dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, thì những vấp ngã cũng là một trải nghiệm thú vị, giúp mình trưởng thành hơn trong cuộc đời.

– Chị từng thú nhận rằng, cũng có khi mình đã không đứng vững trước một “sự cám dỗ rất quyến rũ” nào đó. Một cách cụ thể, trong tình yêu chẳng hạn, điểm nào ở người đàn ông có khả năng làm chị run rẩy, mất khả năng kiểm soát chính mình?

– Tôi quan sát thấy, trong đời sống hiện đại, người đàn bà không nhất thiết phải có đàn ông ở bên cạnh. Họ có thể sống độc lập. Và họ tìm đến với người đàn ông chỉ để cùng nhau chia sẻ những phút giây nào đó trong cuộc đời.

Nhưng tôi thì khác một chút. Tôi là người mơ mộng. Người đàn ông đối với tôi (có một vai trò) rất to lớn. Tôi thường kỳ vọng vào họ rất nhiều. Tôi muốn họ tỏa sáng và tin cậy. Tôi thích người đàn ông tài và hay. Sự thông tuệ của người đàn ông cũng là điều khiến tôi bị “gục ngã”.

– Chị có con trai, và lại là người mang nhiều kỳ vọng vào người đàn ông. Chị thường nói với con điều gì và mong muốn con mình sẽ trở thành người đàn ông như thế nào trong tương lai?

– Tôi thường nói với con trai tôi rằng, mẹ luôn luôn đòi hỏi con nhiều hơn và cao hơn đòi hỏi ở các chị. Con có thể làm bất cứ việc gì con muốn, nhưng con phải giỏi. Và tôi cũng nói với con rằng, tôi không thích người đàn ông cẩu thả.

– Những người mẹ thường cảm thấy quên đi mọi ưu phiền khi ở cạnh những đứa con. Còn Thanh Lam, vì sao những lúc ở bên con, được chúng cười đùa, âu yếm, vuốt ve thì lại thấy cô đơn?

– Tôi là một người mẹ nghệ sĩ. Tôi luôn phải xa các con để gần khán giả. Các con tôi ít có thời gian được ở bên mẹ, đó là một thiệt thòi. Những lúc được ở bên các con tôi thấy mình thư giãn nhất. Tôi cũng cảm thấy mình hạnh phúc trọn vẹn nhất lúc đó.

Còn cô đơn là cảm giác thường trực của người làm nghệ thuật. Đôi khi mình muốn trốn tránh nỗi cô đơn. Nhưng cũng có khi càng trốn tránh lại càng phải đối diện với nó.

– Người ta nói những người nồng nàn trong tình cảm thường nhiều khát vọng trong đời sống. Mà người nhiều khát vọng thì dễ gặp nhiều thất vọng. Vì đời sống có nhiều khi “trần trụi” hơn chúng ta tưởng. Cho đến giờ, thất vọng lớn nhất đối với Thanh Lam là điều gì?

– Tôi là người mơ mộng trong cuộc sống và tình yêu. Trong tình yêu tôi là người cho đi rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ, cả người cho đi và người được nhận phải hạnh phúc thì sự cho mới có ý nghĩa. Còn trong cuộc sống, nếu cái gì ta cũng bóc trần ra thì sẽ mất hết đi sự thú vị.

Có những điều phải được nằm khuất ít nhiều trong bóng tối thì mới hay. Một người mơ mộng như tôi, gặp nhiều thất vọng là điều tất yếu. Nhưng tôi đã quen với điều này rồi, giờ thì tôi nghĩ, thất vọng cũng chính là một phần của cuộc sống.

– Thất vọng trong tình yêu, liệu chị có còn ý định tiếp tục tìm kiếm tình yêu?

– Tôi nghiệm ra một điều rằng, tình yêu không thể tìm kiếm được. Nếu mình càng bị thúc bách bởi việc tìm kiếm một người đàn ông thì sẽ càng bị “lủng củng”.

Đương nhiên là đối với người nghệ sĩ, tình yêu sẽ chi phối rất nhiều đến sáng tạo nghệ thuật của họ. Nhưng nếu không may gặp phải thất vọng thì kinh nghiệm của tôi là hãy bình tĩnh. Trước tiên hãy tìm sự bình yên trong chính mình. Rồi có thể, mình sẽ lại bắt gặp tình yêu…

– Thanh Lam đã ở tuổi xấp xỉ 40 rồi, và cũng đang ở đỉnh cao của sự nghiệp mà phía bên kia, có thể chỉ là một con dốc. Chị đang hình dung mình ra sao trong tương lai?

– Tôi không thể nói gì về tương lai, vì tương lai là thứ không thể đoán định. Tôi chỉ có thể nói rằng, cha mẹ đã cho mình một cái “khối” nào đó, mình đã bóc tách đến tận cùng để sống hết mình mỗi ngày, mỗi tháng qua đi. Tôi đã nỗ lực không ngừng để trở thành tôi ngày hôm nay.

Tôi cũng luôn cố gắng để trở thành một người đàn bà bình thường, biết cảm nhận hạnh phúc từ những điều nhỏ nhất xung quanh mình, từ việc chăm sóc các con, nấu một bữa ăn ngon, cắm một bình hoa đẹp.

Tôi tự hào vì mình dám sống thật với những mong muốn, suy nghĩ của mình và luôn hướng đến cái thiện. Trong lao động nghệ thuật, tôi trung thành với ý nghĩ, sống đẹp thì mới hát đẹp. Tôi đã trải qua nhiều bão tố của đời sống và tôi luôn biết mình cần phải làm gì.

(Theo Tiền Phong)

Thanh Lam – người đàn bà chở nặng những thăng trầm

Cơn mưa rào tháng 5 làm cho khoảnh sân nhà nhạc sĩ Thuận Yến như lạ đi, lấp lánh ánh sáng của nước mưa đẫm ướt dưới ánh hoàng hôn cuối ngày. Diva nhạc Việt – Thanh Lam, quần lụa, áo đen, tóc tém đang lúi húi dưới bếp làm cơm chiều cùng gia đình.

Đã lâu lại nhìn thấy “Người đàn bà hát” với một dung nhan thật lạ. Mái tóc tém sát đầu trông chị trẻ lại chừng 10 tuổi, xinh tươi và ăm ắp sức sống của một người đàn bà đã đẫm mùi đàn bà. Đã mấy tháng nay, Lam dọn về nhà ở với bố mẹ và gia đình em trai.

Căn phòng nhỏ trên tầng 3 dành cho Lam đã được bố và em trai sửa lại hoàn tất và kỹ lưỡng như một phòng của khách sạn sang trọng để Lam bằng lòng. Và những khi mỏi mệt sau đêm diễn, sau những ngày dài đi công tác, Lam trở về và thả mình vào không khí chan hòa yêu thương ruột rà của gia đình. Nhạc sĩ Thuận Yến sung sướng khi đón con gái yêu trở về. Ông nói: “Thương lắm, sửa cho con căn phòng này thật đẹp như ý nó muốn, với lại kêu con về để nó đỡ xài tiền thuê nhà hoang quá. Chừng ấy năm thuê nhà đủ để xây một cái nhà đẹp đàng hoàng của mình rồi, vậy mà nó có tính toán được đâu. Năm ngoái mẹ nó bắt mua một miếng đất ngoài đê sông Hồng, năm nay tính góp tiền xây cho nó, ngặt nỗi thi công được bức tường rào thì bị đập vì chưa có sổ đỏ. Mẹ nó lại chạy ngược chạy xuôi. Tôi nói với bà ấy, mình chưa có giấy tờ, phải làm cho đủ mới xây được chứ. Con Lam thì mặc kệ. Nó bảo để con đi hát dành dụm tiền trả mẹ nhé. Hơn nửa cuộc đời rồi, làm mẹ của 3 đứa con đã lớn, đứa lớn nhất đến tuổi trưởng thành rồi, thế mà bây giờ nó mới nhớ ra đi hát dành dụm tiền đưa mẹ để làm nhà”. Nhạc sĩ Thuận Yến nói vậy rồi cười, nụ cười của một người cha đã già suốt đời cưng con.

Cũng có thể khi trở về căn nhà của cha mẹ sinh thành, trở về với nơi chốn mình sinh ra và lớn lên, Lam trở nên bé nhỏ lại, trẻ ra và dịu dàng hơn khi thỉnh thoảng lại đi chợ xuống bếp cùng gia đình. “Người đàn bà hát” với ham muốn luôn cháy rừng rực trong con người chị là hát, là sáng tạo, chẳng thế mà Lam luôn là người đi tiên phong trong những phong cách hát mới, luôn tìm tòi, thể nghiệm một mình tự tìm và đi trên con đường riêng của mình chứ không phải bất cứ lối mòn nào.

Cũng bởi thế mà Lam luôn đối diện với khó khăn, luôn chênh vênh giữa được và mất, luôn muốn là người đầu tiên đến với khán giả bằng con đường chinh phục gian nan nhất. Tất cả bài hát, dù đã cũ, hay mới, qua Lam đều khác lạ đi, và đến với người nghe bằng một hơi thở khác, phong cách khác. Có thể sự khác lạ mới mẻ ấy không phải lúc nào cũng được đón nhận. Lam là người luôn nương nhờ vào thời gian để minh chứng cho con đường âm nhạc của mình, mong mỏi thời gian sẽ thuyết phục được khán giả chấp nhận mình trong những thể nghiệm mới.

Chiều mưa Hà Nội, nơi căn phòng cha mẹ dành cho mình, Lam ngồi bó gối trò chuyện trong một nỗi buồn mơ hồ, đầy dự cảm. Lam nói không biết mình có ảo tưởng không khi luôn mong muốn và khao khát đóng góp vào âm nhạc đương đại Việt Nam những phong cách mới, hơi thở mới, bởi khán giả bây giờ hình như không còn mặn mà với âm nhạc chính thống.

Dòng nhạc thị trường đang chiếm ưu thế, với những bài hát với âm nhạc ca từ đơn giản, thậm chí vô nghĩa và phản cảm. Ca sĩ trẻ bây giờ chỉ một chút nhan sắc và giọng hát, không cần học hành trường lớp bài bản, không cần kỹ thuật gì hết, đi cùng một êkíp quảng cáo và dựng thần tượng, thế là nghiễm nhiên trở thành sao, trở thành ăn khách và hái ra tiền. Những lo lắng buồn bã của Lam không phải mơ hồ nữa mà dường như đã thường trực mất rồi. Thế nhưng với “Người đàn bà hát”, người từng được vinh danh là “Nữ hoàng nhạc nhẹ Việt Nam” không vì thế mà bớt đi đam mê nhiệt huyết. Chị vẫn kiên trì, bền bỉ với con đường của mình bằng tất cả nỗ lực bứt phá. Trong chừng 5 năm lại đây, và hơn 2 năm cùng cộng tác với nhạc sĩ trẻ Lê Minh Sơn, Lam đã chứng minh sự sáng tạo không mệt mỏi.

Lam tâm sự: “Tôi dám thử thách con đường riêng của mình, khát khao tìm đến cái mới và cần có thời gian chờ đợi sự chấp nhận của khán giả. Trước những luồng khen chê khác nhau của dư luận, tôi không quá áp lực, mệt mỏi. Tôi sống có lý tưởng, luôn khát khao sáng tạo. Tôi tự hào vì được mệnh danh là ‘Nữ hoàng nhạc nhẹ Việt Nam’. Tôi quý trọng, gìn giữ những gì khán giả đã dành cho tôi và luôn cố gắng đền đáp”.

Trước những những khó chịu của khán giả những lúc chị lạm dụng quá nhiều sức mạnh của mình trong những bài hát, Lam cười, Lam nói mà thấy thương, rằng tâm hồn Lam như thế nào thì Lam hát như vậy. Nhiều lúc khi ra sân khấu, Lam tự dặn mình phải tiết chế bớt cảm xúc, và cái đó cũng là một áp lực đối với ca sĩ “thừa năng lượng” như Lam. Giờ đây, Lam đã là một người đàn bà đầy trải nghiệm, đã qua những vấp váp, được mất trong cuộc sống, làm sao tìm lại được Lam với sự trong trẻo như suối ngàn.

Tiếng hát của Lam bây giờ cũng khác xưa lắm. Với một người đàn bà chở nặng những thăng trầm, đổ vỡ của cuộc đời mình, Lam bây giờ khắc khoải hơn, đằm sâu hơn, và cũng đau khổ hơn. Rồi như sự may rủi đời mình, không phải Lam không muốn làm một người đàn bà nguyên thủy, bằng chứng là Lam có tới 3 đứa con, hai lần kết hôn và chừng ấy lần đổ vỡ. “Tôi không bao giờ được bình yên trong cuộc sống của riêng mình, và đi kèm với sự bình yên ấy là những mất mát không đo đếm nổi. Khi chia tay với Quốc Trung, tôi dành quyền nuôi con cho anh ấy, đó là sự hy sinh lớn nhất của một người mẹ. Tôi hiểu rằng sống với gia đình anh ấy, các con tôi sẽ lớn tốt hơn, sẽ có một nền tảng vững chắc và tương lai tốt. Cuộc sống của tôi nay đây mai đó, không có điều kiện chăm sóc con, bên nó từ sáng đến tối. Không ai có thể chăm sóc con tốt hơn chính mẹ hoặc bố đẻ. Suốt một thời gian dài sau ly hôn, tôi chống chếnh tưởng không thể cân bằng nổi vì phải rời xa các con. Mặc cho ai đó nói lời thị phi tôi không chịu nuôi con, bỏ con bỏ cái, tôi hiểu những gì tôi đã phải chịu đựng và tôi biết mình đã hy sinh rất nhiều vì các con”.

Còn về tình yêu, về những người đàn ông, Lam bảo: “Trong tình yêu, tôi yêu mãnh liệt và luôn luôn đánh mất bản thân mình. Tôi đốt hết những năng lượng tinh thần cho người mình yêu. Tôi cưng chiều họ thái quá và cũng kỳ vọng họ quá nhiều, vì thế mới đổ vỡ. Tôi có lỗi vì tôi kỳ vọng ở đàn ông, đó là lý do để tôi không trọn vẹn trong hôn nhân. Tôi nghĩ đàn ông phải đủ lớn, đủ mạnh và đủ bao dung để che chở, bao bọc cho mình, và làm mình kính trọng. Tôi là người mù quáng trong tình yêu. Sự thi vị tuyệt vời nhất, lãng mạn nhất đó là mù quáng và đánh mất chính bản thân mình khi yêu. Việc một số phụ nữ bây giờ sinh con không cần kết hôn là một dấu hỏi lớn cho đàn ông Việt. Tôi nghĩ, đàn ông Việt Nam hình như ngày càng ít yêu phụ nữ hơn yêu chính bản thân mình. Đó là một điều rất buồn”.

Lam tâm sự rằng, đời mình đã có hai tình yêu lớn nhất, chung thủy nhất, vô điều kiện nhất. Đó là tình yêu của người cha dành cho con gái, và tình yêu con trai dành cho mẹ. Không có bất kỳ một điều kiện nào, tình yêu đó chỉ có dâng hiến và cho đi tất cả.

Khi Lam nhìn vào mắt con trai, chị thấy cả một đại dương tình yêu ở trong đó đang vỗ về phía mình. Và với cha mẹ, quá nửa đời phiêu dạt, Lam lại trở về trong vòng tay của gia đình. Cha mẹ Lam là những người luôn âm thầm đi phía sau các con, đặc biệt với Lam họ luôn là người nhặt nhạnh thu vén cho chị cái cuộc sống nghệ sĩ bừa bộn và vương vãi. Cha chị, nhạc sĩ Thuận Yến là người đã cất đặt và gìn giữ từ cái bằng khen thời còn học sinh cho đến những huân chương, huy chương, những thứ mà Lam vất vả cả đời để đạt được, để rồi khi có nó trong tay rồi, Lam lại hồn nhiên để quên đâu đó trong những lần chuyển nhà…

Lam nói nhiều về số phận tình yêu, và sự may rủi. Không phải cứ xinh đẹp, tài năng là sung sướng và giàu có, và dường như thân phận của những người phụ nữ Việt vẫn phải phụ thuộc ít nhiều vào may rủi của số phận. Ngẫm thật thương mà cũng thật buồn. Lam cũng khát khao yêu, mong mỏi hạnh phúc, nhưng theo Lam tình yêu và hạnh phúc còn trông chờ vào sự bí ẩn của duyên phận. Hãy để tình yêu đến và đi như số phận vậy. Và Lam luôn là người bước những bước thản nhiên bên sự tranh chấp và giằng xé của cuộc đời, như bản năng hoang dã của mình từ khi sinh ra đã vậy.

(Theo An Ninh Thế Giới)

Thanh Lam chưa ngưỡng mộ người đàn ông nào

“Tình yêu là điều không thể thiếu trong tôi, đó là những cảm xúc quý báu của cuộc sống. Mặc dù vậy, tôi luôn mong muốn có người đàn ông để ngưỡng mộ nhưng thực sự chưa có, bởi đàn ông Việt cẩu thả trong tình cảm”, “người đàn bà hát” tâm sự.

– Chị nói đang có những thử nghiệm mới trong âm nhạc, kế hoạch này cụ thể ra sao?

– Có những điều không nên tiết lộ bởi yêu cầu nghề nghiệp, nhưng một trong những cái mới của tôi đó là hát trên nền nhạc cụ mộc. Trong dịp Tết Đinh Hợi vừa qua, tôi và Lê Minh Sơn đã thể hiện bài hát Ôi quê tôi được đánh giá cao. Trong bài hát này, Sơn đàn guitar và tôi hát, chỉ có vậy thôi nhưng thực sự tôi thấy hứng thú và thích lối đi mới này.

– Trong “Ôi quê tôi”, chị thực sự tỏa sáng bên Lê Minh Sơn, chị nghĩ sao về nhận xét này?

– Điều đó có thực sự đúng hay không phải nhờ đến sự đánh giá của khán giả. Phải chăng hát trên nền nhạc cụ mộc sẽ tạo nên sức hấp dẫn mới với khán giả? Bên cạnh đó phần phụ trang, đạo cụ của êkíp làm chương trình cũng góp phần làm tôi rực rỡ hơn thì phải. Bạn cứ tưởng tượng xem, tôi ngồi hát trên một chiếc xe bò, Sơn ngồi đằng trước đánh đàn trong khung cảnh làng quê quen thuộc…

– Công việc cho liveshow sắp tới của chị bận rộn như thế nào?

– Mọi việc đang bắt đầu, chúng tôi đang lên kế hoạch cụ thể cho liveshow. Về mặt nội dung thì không có gì thay đổi, tôi vẫn hát những bài hát được yêu thích trong suốt 20 năm ca hát. Tôi sẽ hát nhiều ca khúc quen thuộc, trong đó có cả ca khúc của Lê Minh Sơn.

– Nhưng chị từng có một album kỷ niệm 20 năm ca hát, giờ lại đến liveshow kỷ niệm nữa, sao chị không làm khác đi cho đỡ nhàm?

– Album đó tôi có những khán giả yêu mến thực sự, họ tĩnh tại và lắng nghe tôi hát trong suốt chặng đường đã qua. Liveshow sắp tới sẽ trở thành một đêm diễn tôi gửi lời tri ân đến khán giả. Nếu nhanh nhất, tháng 6 năm nay liveshow sẽ được tổ chức.

– Còn dự án làm CD trên nền nhạc mộc thì sao?

– Tất nhiên chúng tôi cũng đang tiến hành, cái mới trong âm nhạc phải trải qua nghiên cứu, thử nghiệm nhưng tôi tin chắc rằng sẽ có những cái mới. Tên CD hiện giờ tôi không thể tiết lộ, có thể sẽ là nhạc của các nhạc sĩ Ngọc Đại, An Thuyên, Trần Tiến và Lê Minh Sơn.

– Nhiều công việc như vậy, chị cảm thấy thế nào?

– Nhiều lúc mệt mỏi nhưng công việc luôn có sức hút lớn nhất với tôi. Dù mệt mỏi đến đâu, khi bắt tay vào công việc tôi đều tìm được niềm hứng khởi mới. Đây cũng là điều rất quan trọng với nghề hát của tôi.

– Một ngày chị bắt đầu công việc như thế nào?

– Nghệ sĩ luôn biến động theo cảm xúc riêng mình. Buổi sáng ngủ dậy tôi thích nhìn những bông hoa, những cành lá xanh và độc thoại với sự yên lặng. Tôi cũng có một góc riêng để thư giãn và tự mình tạo ra hưng phấn, ý tưởng mới để sống và làm nghề.

Tôi luôn chăm với chính mình, thúc bách mình trong nghề nghiệp, tự tạo ra áp lực lớn để luôn vượt qua bản thân. Chính vì vậy mà tôi có cảm giác mình càng ngày càng hướng tới cái hoàn thiện trong cuộc sống.

– Chị quan niệm thế nào là hạnh phúc?

– Hạnh phúc là điều ai cũng hướng tới. Tôi thích nói về sự hoàn thiện, về cuộc sống hạnh phúc với những đứa con đang từng ngày lớn lên, ngoan ngoãn và xinh tươi cho dù trong cuộc sống chúng luôn thiếu vắng bàn tay người mẹ. Chúng là những đứa con biết thương yêu cha mẹ. Và tôi luôn hy vọng chúng sẽ thông cảm cho người mẹ làm nghệ thuật như tôi.

– Không lẽ chị không thể tìm được một người đàn ông để quý mến sao?

– Nếu tìm một người đàn ông để quý mến thì tôi đã tìm được rồi, đó là những người đàn ông tài năng như bố tôi bởi tôi được thừa hưởng sự chăm chỉ từ ông. Nhạc sĩ Nguyễn Cường có phong cách sống rất hồn nhiên, yêu đời. Còn Lê Minh Sơn thì ngôn ngữ và tư duy âm nhạc vượt thời gian bởi những bài hát của anh chứa đựng tất cả những gì mà anh từng trải qua.

– Chị và Lê Minh Sơn kết hợp với nhau như một mối duyên trời định trong âm nhạc. Chị nghĩ sao về ý kiến này?

– Nói như vậy cũng không đúng. Tôi may mắn gặp được Sơn bởi Sơn là người cá tính, có hoài bão và tôi sẽ làm được những dự định của mình khi kết hợp với Sơn. Chúng tôi tìm được sự đồng cảm, mến mộ nhau trong âm nhạc…

(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)

Thanh Lam sống lương thiện làm gương cho con

Tóc xù trẻ trung, đường nét sắc sảo, Thanh Lam ở tuổi 38 chẳng khác là mấy so với thời đôi mươi, có điều mặn mà, tinh tế hơn bởi kinh nghiệm cuộc sống in dấu. Hồn nhiên, thẳng thắn và đồng cảm, Thanh Lam bảo đời riêng của chị thực ra không như nhiều người tưởng tượng và đặt dấu hỏi nghi hoặc.

– Sau 2 năm âm nhạc đình đám với nhạc sĩ Lê Minh Sơn, thời gian này có vẻ “Nữ hoàng nhạc nhẹ” đang dần hướng tới sự yên bình. Cảm giác của chị lúc này thế nào?

– Nghệ sĩ là vậy, thường có những khoảng lặng trong nghề. Có nhiều người sau khi đi qua khoảng lặng ấy, không theo nổi và bỏ nghề luôn. Cũng có người đi qua nó dù nhẹ nhàng hay vật vã, vẫn phát triển và tiếp tục con đường sự nghiệp. Tôi may mắn khi bước qua khoảng thời gian gập ghềnh đó và phần nào thành công. Tất nhiên, thành công ấy thuộc về cả êkíp chứ một mình tôi thì chắc không xong.

– Có một thời gian dài tới 4 năm, người hâm mộ đã ngỡ Diva Thanh Lam rút lui khỏi làng âm nhạc, thậm chí chị còn có ý định lấy chồng “cho yên thân”. Chị đã đi qua thời khủng hoảng ấy bằng cách nào để có được bước ngoặt âm nhạc như vừa rồi?

– Tôi nghĩ mình là người có cơ duyên, luôn nhận được sự giúp đỡ vô hình mỗi khi gặp trở ngại. Tất nhiên khi đứng trước khó khăn, điều đầu tiên tôi nghĩ là phải chấp nhận hiện tại, tự mình cứu mình, đến khi không thể cố gắng được nữa mới nhờ cậy người khác.

Trong 4 năm lặng lẽ đó, tôi cũng nuôi ý định thực hiện album về quãng đời ca hát của mình. Nhưng chưa kịp làm thì tôi gặp Lê Minh Sơn. Khi hát những ca khúc của Sơn, tôi tìm lại mình trong đó và ít nhiều sự nghiệp âm nhạc của tôi cũng để lại ấn tượng khi thay đổi gu thẩm mỹ.

– Chị hoàn toàn im lặng trước những điều tiếng quanh mình, kể cả những oan ức về đời sống riêng không chỉ một mình chị biết. Vì sao chị không thanh minh?

– Tôi có sự tự tin riêng. Tôi sống cho chính mình, và sống đúng lương tâm để năm tháng dù có qua đi, khi nhìn lại tôi cũng không hổ thẹn với bản thân. Thực ra tôi cũng là người ích kỷ, tôi sống riêng cho mình khá nhiều đấy chứ. Vì quá tự tin về bản thân nên tôi không quan tâm tới xung quanh, điều đó khiến tôi không muốn lên tiếng thanh minh gì hết. Cuộc đời tôi, tôi sẽ chịu trách nhiệm với bản thân.

– Nhưng với lời đồn thổi chị không hề có trách nhiệm với những đứa con, sao chị cũng không lên tiếng?

– Nói tôi không quan tâm tới gia đình, vô tâm với con cái là không đúng. Tôi đa cảm, vì thế tôi sống rất tình cảm. Tất nhiên với người ngoài, nhiều khi tôi không thể chia sẻ, nhưng với người thân, tôi tự tin không ai trách móc về cách yêu thương, săn sóc của tôi.

Quan trọng nhất với tôi là các con nghĩ gì về mẹ mình, và chúng sẽ là những người hiểu tôi nhất. Người xung quanh không gần gũi tôi, không giao tiếp với tôi mà chỉ biết tới Thanh Lam qua báo chí, như vậy làm sao có thể hiểu tôi thế nào, và tôi cũng chẳng thể thanh minh với từng người. Tôi chỉ cố gắng sống và phấn đấu để các con hiểu mẹ mình.

– Nhiều người bảo chị sống thiên về cảm tính thế, chắc các con cũng theo mẹ, khó có thể dạy dỗ theo khuôn phép gia đình. Bản thân chị nghĩ sao về 3 đứa trẻ của mình?

– Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Ngay bản thân tôi khi mới vào nghề, bố mẹ cũng hướng cho tôi học đàn, nhưng với cá tính mạnh, tôi quyết theo nghề hát. Nếu không có sự đi ngược dòng đó, liệu bây giờ tôi có được gọi là “Nữ hoàng nhạc nhẹ”? Ngày nhỏ tôi có hư, có cãi lại lời cha mẹ, nhưng điều đó đã cho tôi những thành công ngày hôm nay. Và tôi tin, bố mẹ tôi cũng chẳng trách con mình về sự cãi lời ấy.

Tôi làm mẹ, và chấp nhận tính cách của con cái. Nhưng tôi tin với nền tảng giáo dục gia đình sẵn có, các con của tôi sẽ biết phải làm gì, làm thế nào để vừa đạt tới sở thích, ước mơ trong cuộc đời riêng nhưng vẫn giữ được nếp nhà, giữ văn hóa sống cho gia đình.

– Vậy với sự lựa chọn riêng cho cuộc đời mình, chị thấy mình được gì, mất gì?

– Cuộc đời tôi có cái được, cái mất, nhưng quan trọng nhất là lý tưởng sống của tôi đã thực hiện được.

– Trong mọi hoàn cảnh, chị luôn cười và ngẩng cao đầu. Điều gì khiến chị không bao giờ để mình rơi vào cảnh bi lụy?

– Mọi người không thấy tôi bi lụy là vì tôi dám sống với những điều đã mất, dám chấp nhận sự mất mát. Tôi là phụ nữ, tôi cũng đau đớn lắm chứ, nhưng tôi biết vượt qua, vươn lên để sống và chan hòa. Đó là một trong những yếu tố giúp tôi thành công và thanh thản trong cuộc sống.

– Giờ đây, điều lo lắng nhất của chị là gì?

– Tôi lo lắng cho những đứa con. Tôi hiểu mình không thể trở thành một người mẹ hoàn thiện, không dành được nhiều thời gian cho con mình, dù điều này với những người phụ nữ khác là hoàn toàn bình thường. Vì thế tôi cố gắng sống sao thật lương thiện, làm gương cho các con noi theo.

– Chị tự đánh giá mình là người thế nào?

– Với ca sĩ, tiếng hát là sự biểu cảm tốt nhất. Tôi tự thấy mình là người trung thực, và đương nhiên: luôn hướng thiện.

Lê Bảo thực hiện

Thanh Lam: ‘Tôi không có ý đụng chạm tới người khác’

Khá bất ngờ trước phản ứng của nhiều người về tuyên bố “Nghệ sĩ khoe con là rẻ tiền” của mình, Thanh Lam bảo nhất định phải thanh minh chuyện này. Bà hoàng nhạc nhẹ VN khẳng định không có ý đụng chạm tới ai khi bày tỏ quan điểm riêng này, bởi thực tế, chị chưa bao giờ nghĩ xấu về người khác.

– Vì sao chị lại nói một câu sốc như vậy?

– Có lẽ nhiều người đã hiểu sai ý của tôi. Trước hết tôi phải khẳng định rằng, tôi là người có văn hóa sống, vì thế không thể đưa ra dư luận những nhận định, lời nói sỗ sàng như vậy được.

Câu nói ấy chỉ đơn giản là một cách thể hiện quan điểm sống. Mỗi người trong xã hội đã là một cá tính khác nhau, và tôi không có ý ám chỉ ai hay ám chỉ điều gì. Có những người thích mang con mình ra để quảng bá với công chúng, còn tôi thì không. Điều đó cũng giống như có người thích đưa con chiều chiều ra Bờ Hồ hóng mát, còn tôi chỉ thích chơi với con trong nhà thôi. Đó là quan điểm riêng, và tôi xin khẳng định lại, quan điểm của tôi hoàn toàn không đụng chạm tới ai.

Thực tế là chưa bao giờ tôi mang các con của mình quảng bá lên báo chí, mặc dù tôi cũng là mẹ của 3 đứa trẻ. Còn nhớ hồi sinh bé thứ hai, có rất nhiều đài báo muốn quay cảnh sinh hoạt của mẹ con tôi làm phóng sự, nhưng tôi không đồng ý. Đơn giản là vì tôi muốn giữ những đứa con – niềm hạnh phúc, tự hào của tôi – vào một góc riêng. Mọi người muốn chụp ảnh mẹ con tôi với nhau, tôi rất vui lòng, nhưng nếu đưa lên báo, xin nói thẳng là tôi không đồng ý. Còn những nghệ sĩ khác quan điểm ngược lại với tôi thì đó là quyền của họ, tôi không có ý rêu rao hay đụng chạm.

Nhiều người lấy Brad Pitt – Angelina Jolie hay Britney Spears khoe con, thậm chí bán ảnh con ra làm bằng chứng về niềm tự hào, nhưng tôi xin nói thẳng, bản thân Britney hay Angelina đã là những ngôi sao thị trường, và họ quen với những việc như vậy. Đó là ý thích cá nhân mỗi người, chứ chẳng có gì là đúng hay không đúng. Còn những nghệ sĩ chân chính, chẳng hạn như Cher hay Sinead O’Connor, có bao giờ họ lôi con ra khoe đâu, và tài năng của họ thì cả thế giới phải thừa nhận. Tôi xếp mình vào hàng nghệ sĩ chân chính, và không thích chuyện đưa con ra quảng bá với báo chí. Không lẽ cứ phải mang con ra thì tôi mới chứng minh được rằng mình yêu con, và các con là niềm tự hào của tôi?

– Vậy còn lời tuyên ngôn “Ai đã nghe tôi hát thì sẽ không nghe người khác hát được nữa, vì tôi có sức biểu cảm”. Điều gì khiến chị tự tin đến thế?

– Câu này tôi cũng xin được cải chính. Lời nói đó không phải tôi nói ra, mà là do fan của tôi chia sẻ với tôi như vậy. Khi lưu diễn ở nước ngoài, có nhiều người hâm mộ chờ đến khi tôi hát xong, mới ra cầm tay tôi nói rằng: “Thực sự khi chị nghe em hát rồi, chị không thể nghe ai hát được nữa. Giọng hát của em mạnh mẽ quá nên khi nghe người khác hát lại thấy nhạt”.

Cũng xin nói thêm rằng, tôi là người phụ nữ cá tính mạnh, do đó, những người yêu quý tôi hầu hết đều là những người cá tính giống tôi, gai góc thậm chí còn hơn thế. Những câu khen ấy do công chúng tặng tôi, và tôi muốn chia sẻ với mọi người, chứ không phải tôi tuyên bố như vậy để “chuốc lấy thương đau”.

– Không ít lần chị phải gánh dư luận chỉ vì vạ miệng. Tại sao chị không rút kinh nghiệm cho mình từ những lần “tai bay vạ gió” đó?

– Mỗi người có quan điểm sống riêng. Tôi cá tính mạnh, khác hẳn mọi người. Chỉ riêng chuyện tôi đi ngược dòng, khác người ấy cũng đã gây cho bản thân bao điều tiếng phiền toái rồi. Nhưng đó là tính cách, mà tính cách thì khó thay đổi. Tôi là nghệ sĩ, toàn bộ cuộc sống của tôi đã được phơi bày bằng âm nhạc. Niềm kiêu hãnh đó, với tôi đã là đủ rồi.

– Chị luôn kiêu hãnh, ngay cả khi mệt mỏi, đau khổ nhất, chị vẫn không để mất đi lòng kiêu hãnh của mình. Vì sao chị cứ cố gắng phải gồng mình lên như vậy?

– Tôi thích sự kiêu hãnh. Tôi biết đôi khi tôi đòi hỏi quá cao về bản thân, và cũng không thiếu những lúc tôi tự cảm thấy chênh vênh. Nhưng bù lại, chính vì những đòi hỏi ấy mà tôi luôn cố gắng hoàn thiện bản thân. Sự khó khăn tiếp cho tôi thêm sức mạnh để bây giờ có thể tự tin mà nói rằng, tôi là người đàn bà tự tin, đảm đang, và có khá đầy đủ tố chất của một người phụ nữ hiện đại.

Lê Bảo thực hiện

Thanh Lam ví mình với ngọn lửa cháy ngùn ngụt

“Tôi là một ngọn lửa ngùn ngụt, chứ không phải ngọn lửa leo lét. Tôi hát như một lò nung, lửa phừng phừng. Những người đã nghe tôi hát rồi thì không thích nghe người khác hát nữa, vì tôi có sức biểu cảm…”, ca sĩ Thanh Lam tự sự.

– Từng bỏ một đêm để đọc và khóc cùng “Lê Vân yêu và sống” nhưng rồi đọc xong chị lại cho rằng: “Lê Vân chưa dám yêu, chưa dám sống“. Vì sao thế?

– Lúc đó tôi nói một cách bản năng. Giờ suy nghĩ lại mới thấy thật khó phán xét một con người, khi mình đứng ngoài cuộc. Tôi là một trong những người ngưỡng mộ tài năng của Lê Vân nên tiếc cho chị. Đáng ra chị có thể làm được hơn nữa, nếu như nghiêm khắc hơn với chính bản thân mình. Không trách Lê Vân, chỉ tiếc cho một tài sắc buông hơi sớm. Nhưng dù sao cũng phải thừa nhận, chị ấy là con người đầy cá tính.

– Chị bảo Lê Vân đa đoan. Còn chị, chị thấy mình thế nào?

– Người phụ nữ phương Đông hôm nay vẫn chưa thoát khỏi một phần trăm của sự may rủi. Câu ca xưa vẫn ám ảnh: “Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các hạt sa ruộng lầy”. Sự đa đoan cũng bắt nguồn từ một phần trăm may rủi ấy. Tôi thích người phụ nữ đương đại có khả năng làm chủ đời sống vật chất. Muốn như vậy cô ấy phải có một nghề và biết sống vừa vặn với mình. Phụ nữ trở nên phụ thuộc vào đàn ông, một phần cũng vì vấn đề vật chất.

– Cũng đang rập rình chuẩn bị cho ra mắt tự truyện, chị có thể chia sẻ đôi chút về cuốn sách đời mình?

– Cuộc sống còn nhiều điều thú vị, nhiều mơ ước. Ở thời điểm này tôi thấy mình chưa đầy đủ dữ liệu để viết tự truyện. Viết về cuộc sống của mình cần phải có thời gian.

– Nghĩa là chị sẽ viết tự truyện trong tương lai. Vậy chị định hé mở những gì trong đó?

– Trong phần 1 của cuốn sách tôi muốn chia sẻ về hành trang để trở thành một ca sĩ thành danh như hôm nay. Đó là những bài học để bước đi trong cuộc sống, là những kinh nghiệm âm nhạc được tôi đúc rút.

– Theo chị, điểm quan trọng nhất của hình thức tự truyện là gì?

– Đáng quý nhất của một cuốn tự truyện là phải chân thực và khéo léo. Con người không ai hoàn thiện cả, nhưng tất cả sự thực được bộc lộ trong cuốn tự truyện phải kéo được độc giả hướng tới cái đẹp. Cũng như tôi muốn tất cả những bài báo viết về bản thân tôi không phải chỉ để mua vui, để “câu” độc giả mà luôn hy vọng rằng những tâm sự của tôi sẽ giúp ích cho độc giả điều gì đó.

– Chị sẽ tự viết tự truyện hay nhờ người chấp bút?

– Mỗi người một nghề. Một người không thể ôm đồm quá nhiều việc trong cuộc sống. Tôi có cảm nhận tốt về văn học, nghệ thuật nên chắc tôi sẽ tìm ra hướng đi đúng cho tự truyện của mình.

– Mỹ Linh mới làm liveshow được dư luận đánh giá cao. Còn chị nghĩ sao về một liveshow tiếp theo cho riêng mình?

– Tôi rất mừng cho cô ấy. Tất cả sự nỗ lực của các đồng nghiệp sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh vô hình, thúc đẩy phong trào nhạc nhẹ Việt Nam.

Nếu có nhiều nhà tài trợ tâm huyết với nghệ thuật đích thực thì tốt bao nhiêu. Còn cật lực đi hát rồi gom góp đổ hết vào một liveshow thì nghệ sĩ khổ quá. Giá mà có tài trợ, tôi mong muốn làm liveshow mang tính nghệ thuật cao, chinh phục khán giả bằng giọng hát chứ không phải bằng kỹ xảo sân khấu.

– Chị vừa nhắc đến “cạnh tranh”. Theo chị, cạnh tranh trong âm nhạc hiện nay phải chăng còn mang một ý nghĩa trần trụi: sự đố kỵ?

– Nghệ sĩ thực thụ rất kiêu hãnh. Cạnh tranh là sự thúc đẩy chứ không phải sự ganh ghét. Tuy nhiên hiện trạng ca nhạc ở Việt Nam là một “mớ” chứ không có dòng riêng. Đáng ra Thanh Lam phải có khán giả của riêng Thanh Lam, Mỹ Tâm có khán giả riêng của Mỹ Tâm… như thế sự ganh ghét, đố kỵ chắc ít hơn. Nhưng nhìn chung nghề nào cũng thế cả thôi, sao tránh khỏi mặt tối. Có điều nghệ sĩ là những người hoạt động bề nổi nên thường bị “soi” trực diện.

– Chị tự ví mình như một ngọn lửa, vậy tính chất của ngọn lửa ấy thế nào?

– Tôi là một ngọn lửa ngùn ngụt, chứ không phải ngọn lửa leo lét. Tôi hát như một lò nung, lửa phừng phừng. Những người đã nghe tôi hát rồi thì không thích nghe người khác hát nữa, vì tôi có sức biểu cảm. Vẫn biết khi hát người nghệ sĩ cần phải biết kiểm soát. Tôi cũng kiểm soát bản thân nhưng ngọn lửa vẫn ngùn ngụt cháy.

– Điều chị hướng tới trong âm nhạc hiện nay là gì?

– Vẫn phải là vẻ đẹp trong âm nhạc. Ở tuổi tôi bây giờ không thể nhảy chồm chồm trên sân khấu mà phải đi vào lòng người hơn nữa. Theo tôi một ca khúc hoàn thiện phải đạt được chuẩn mực về giai điệu và ngôn ngữ. Tôi thích trong âm nhạc ngoài ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu, của cuộc sống, phải có tính chất triết lý.

Mọi người thường bảo tôi hát quá mạnh mẽ. Nhưng tôi quan niệm âm nhạc không phải kêu than, bi lụy, bởi điều này làm quá dễ, mà phải thúc đẩy, phải mở ra, phải nâng bước tâm hồn con người. Những lúc buồn, tôi nghe một bản nhạc và cảm thấy được giải thoát.

(Theo Tiền Phong

Thanh Lam: ‘Nghệ sĩ khoe con là rẻ tiền’

Quán Lý chiều Hà Nội chớm đông, u hoài trong tiếng đàn xưa réo rắt, không gian bao phủ bởi màu nâu tịch mịch rêu phong. Thanh Lam xuất hiện, áo ngực hơi trễ như khiêu khích mùa đông. Tiếng cười thoải mái, giọng nói khàn khàn không cần chỉnh volume, và trải lòng…

– Chị từng tâm sự: “Khi còn bé tôi để ý đến những người đẹp trai, nhưng khi đánh rơi mối tình đầu thì tôi thay đổi hoàn toàn, chỉ để ý đến tri thức của người ta. Còn bây giờ tôi mong muốn người đàn ông của mình có cả hai: hình thức và nội dung”. Vì đâu mà chị có sự thay đổi ngày càng cao này?

– Thời bé tôi nhìn mọi thứ như sương mờ ảo, vì thế luôn mỉm cười và cảm thấy hạnh phúc. Năm tháng giúp tôi nhìn thấu sự vật cụ thể và nhận rõ bản chất của vấn đề. Vì thế tôi thất vọng nhiều hơn, buồn nhiều hơn. Bây giờ tôi thích một người đàn ông có cả tri thức và hình thức cũng là chuyện bình thường. Tôi nghĩ cô nào chẳng thế, chẳng qua có dám nói ra hay không mà thôi. Nếu người đàn ông có tri thức mà không có hình thức hay ngược lại, đều tội nghiệp cho người đàn bà. Tôi cũng chẳng đòi hỏi quá cao, riêng về hình thức chỉ cần chàng nhìn được là ok rồi, không cần đẹp trai hào nhoáng.

– Chị nói: “Yêu… thật mới sướng”. Đó là câu nói bất ngờ bay ra hay là quan niệm về tình yêu của chị?

– (Cười). Đã yêu là phải thật. Chỉ có người tự tin mới dám thật. Với tôi, trong tình yêu không bao giờ có sự giả.

– Chị khen Hồ Ngọc Hà, Ngô Thanh Vân là những người đẹp của Việt Nam. Thành thật mà nói, chị thấy nhan sắc của mình thế nào?

– (Ngẫm nghĩ). Tôi là một người phụ nữ có duyên. Tự nhận xét về mình khó lắm. Tôi có nhiều hoài bão và hoài bão làm cho con người hấp dẫn hơn.

– Đến tuổi này nhưng vẫn chưa thấy nếp nhăn trên mặt chị. Chị có bí quyết gì vậy?

– Tôi ăn uống thoải mái, ngon miệng, bởi với tôi sức khỏe là quan trọng nhất. Tôi là người cẩu thả, chẳng giữ gìn nhan sắc lắm đâu, cũng thức khuya xem phim đến sáng luôn. Con người ta khi chứa chất trong lòng quá nhiều ganh ghét sẽ mau già cỗi. Tôi có cái đúng, cái sai nhưng là người mở lòng nên không đến nỗi già (cười).

– Nhiều người bảo chị hâm, tài sắc như thế nhưng vật chất cũng chẳng phải đề huề gì. Sao chị chấp nhận sống như vậy?

– Tôi luôn nhìn nhận rõ về mình, luôn tự tin về con người mình, không quan tâm tới người ngoài nói gì về mình. Đời dài lắm, nếu bình tĩnh nhìn nhận chưa biết ai về đích trước ai. Tôi là người có khả năng và tự tin để dám sống là mình, sống thật với mình. Sao lại phán xét con người qua sự giàu nghèo. Đừng mang tiền bạc để đánh giá tài năng của nghệ sĩ.

– Hồng Nhung nói, ở tuổi này chị ấy đã bình tĩnh đón nhận cuộc sống. Còn chị?

– Nghệ sĩ yếu đuối lắm. Tự họ chơi vơi trong chính tâm hồn mình. Nghệ sĩ thực thụ thường bị bệnh vô hình, đó là cái mà người ta vẫn gọi là sự điên ấy. Họ luôn luôn vùng vẫy, luôn chơi vơi trong thế giới tinh thần. Điều đó kích thích sự sáng tạo.

– Mới đây, chồng cũ của chị, nhạc sĩ Quốc Trung thú nhận: chưa tìm được sự cân bằng sau sự ra đi của chị. Chị thấy thế nào?

– Nghệ sĩ ít khi cân bằng lắm. Sự không cân bằng đi theo suốt quãng đời làm nghệ thuật, cho nên không vội phán xét điều gì.

– Giới săn ảnh ít khi chộp được bức ảnh chị với con cái giữa đời thường. Vì sao vậy?

– Tôi là người của công chúng nhưng tôi cũng có góc riêng đó là những đứa con, là ước mơ… Tôi muốn những đứa trẻ lớn lên bình thường trong sự yêu thương của bố mẹ.

Những người nổi tiếng mang con cái ra khoe với phương tiện truyền thông trong quan niệm của tôi là hơi rẻ tiền. Tôi yêu trẻ con nên thường quan sát chúng. Cuộc sống bây giờ đầy đủ, các em bé được bao bọc, sống sung sướng, điều đó rất mừng nhưng chính vì thế mà gây ra tác dụng phụ không mong muốn: chúng hơi ít hoài bão. Mà chỉ có hoài bão, con người ta mới trở nên hấp dẫn.

(Theo Tiền Phong)

Nhạc sĩ Thuận Yến lo lắng khi Thanh Lam vẫn một mình

Nhạc sĩ Thuận Yến có một tình yêu thương con vô bờ bến. Trong căn nhà nhỏ, ông vẫn giữ gần như nguyên vẹn những đồ vật dù nhỏ nhất của cô con gái Thanh Lam. Các bài báo về con gái, ông cất giữ trong cuốn sổ bọc nilon như kỷ vật. Mỗi bước đi của con đều có sự dõi theo của ông. Mỗi vấp ngã của con đều làm ông lo lắng. 

– Ông là người hướng các con vào con đường nghệ thuật hay trong môi trường ấy, các con ông đã tự lớn lên cùng với âm nhạc?

– Sinh ra trong một gia đình âm nhạc và bắt đầu những bước đi đầu tiên trong đời bằng tiếng đàn của mẹ cùng bản nhạc của cha, vì thế chúng đến với nghệ thuật như một sự tất nhiên mà thôi. Tôi không hướng cũng chẳng ép. Tôi nhớ, 3 tuổi, Lam theo tôi trên đường sơ tán. Ngồi vắt vẻo trên cây đàn, tôi đánh nốt nào, Lam đọc được nốt đó. Tôi nghĩ đó là thiên bẩm. Rồi chúng tôi cho cháu học đàn tì bà, chuyên ngành âm nhạc dân tộc như mẹ.

– Vậy mà cuối cùng Thanh Lam lại nổi tiếng bằng nghề hát. Ông nói sao về điều này?

– Khi tôi xin chuyển cho Lam từ khoa Âm nhạc dân tộc sang Khoa Thanh nhạc, Ban Giám đốc Nhạc viện Hà Nội đã có một yêu cầu khắc nghiệt, nếu một năm mà Lam không hát được thì Lam sẽ phải thôi học, không được trở lại khoa nhạc dân tộc học nữa.

Các cô giáo ngần ngại trước chất giọng khàn và họ không nghĩ Lam có thể hát được. Nhưng tôi tin Lam sẽ thành công. Và khi Lam thành công tại Cuba, tôi đã chia làm ba lẵng hoa của Đại sứ quán gửi tặng gia đình, mang tới cảm ơn những người đã tin tưởng và tạo điều kiện cho Lam. Từ đó, ít ai nhớ Lam “tì bà” nữa, chỉ biết đến một Lam nhạc nhẹ mà thôi.

– Ông từng nói ở đâu đó, Lam là một cô gái cá tính và có chút bướng bỉnh. Vậy đã khi nào ông phải dùng đến đòn roi với con?

– Lam là một đứa bướng bỉnh trong nghệ thuật, còn đời riêng vẫn là đứa biết nghe lời. Ngày bé xíu, Lam cần mẫn xếp hàng gánh nước cho cả nhà dùng. Đi học cũng đi bộ, cuộc sống khó khăn, nhà xa mà không có nổi chiếc xe cho con.

Tôi nhớ có lần Lam đi học về, qua khu Khâm Thiên bị một người phụ nữ dụ vào nhà, lột hết quần áo, rồi còn bị lạc đường, đến tối mới về đến nhà. Tôi không dám mắng Lam vì đó là một nỗi ám ảnh quá lớn với một đứa con gái nhỏ. Từ đấy tôi cũng hiểu, Lam bản năng tin người và thẳng thắn. Cái bản tính đó đã bộc lộ rất rõ về sau này, mà không phải khi nào cũng có lợi cho Lam.

– Những đứa con lớn lên trong gia đình, ngoài sự hiếu lễ và lòng biết ơn đấng sinh thành, vẫn lẩn quất trong tâm trí là sự hờn trách vụn vặt nào đó. Điều này thể hiện ở Thanh Lam thế nào?

– Lam có một sự trách móc, đó là ngày bé bố mẹ bắt gánh nước quá nhiều, nên giờ vai nó hơi… gù (cười). Còn những điều khác, tôi chưa nghe ai nói. Lam thì càng không bao giờ nói. Tôi luôn nghĩ Lam là một đứa con ngoan.

– Còn ông, trước những sai lầm của con gái, ông thấy sao?

– Làm cha mẹ, con dại cái mang, nó lớn đến đâu mình cũng chưa hết trách nhiệm được với nó. Lam có nhiều sóng gió trong chuyện đời riêng, nhưng tôi thương Lam chứ không nỡ trách. Tử vi nói, tuổi Kỷ Dậu là vất vả, Lam lấy chồng, sinh con từ tuổi 19, rồi hôn nhân tan vỡ rất nhanh. Lam mang con về nhà bố mẹ, cháu ở với chúng tôi đến giờ. Cháu 17 tuổi rồi, chúng tôi đang nghĩ đến tương lai cho cháu, làm sao cháu yêu được người đàn ông tử tế, có văn hoá để đỡ vất vả một đời. Còn hai đứa con Lam có với Quốc Trung giờ ở với bố và ông bà nội. Tôi không giận mà thương con nhiều hơn.

– Con gái thành đạt và chẳng mấy năm nữa có thể đã trở thành… bà ngoại, cảm giác của ông ra sao?

– Tôi tự hào về Lam và cả Trí Minh. Minh thì không phải lo gì, cháu đã thực sự là một trụ cột tốt. Nhưng Lam là con gái, mà nổi tiếng lại hay dính điều tiếng, không lo không được. Lam rộng rãi, chi tiêu mạnh tay, thuê nhà rộng, sửa sang theo ý mình. Nhưng giờ chủ nhà người ta cứ tăng giá hoài, mới tính chuyện phải xây nhà.

Minh đang lo xây nhà cho chị trên phía sông Hồng. Có nhà rồi thì cũng yên tâm một phần. Nhưng còn gia đình nữa chứ, làm sao cứ ở mãi như vậy được. Kiếm được người chồng tử tế mà hiểu nghề của vợ khó lắm.

Trước cũng có một người, theo Lam đi diễn, ghi chép tỉ mỉ từng chương trình cho Lam, nhưng rồi về sau công việc của anh ấy quá bận rộn, muốn Lam nghỉ hát ở nhà. Làm sao một ca sĩ lại chịu nổi chuyện ngừng hát? Vậy là chia tay nhau. Thế nên, nhìn con đi sớm về khuya một mình, tôi vẫn cứ thấy lo, dù Lam đã đủ sức để chu cấp cho cả bố mẹ rồi.

– Nhiều lời đồn về sự kết tình ngoài âm nhạc giữa Thanh Lam và nhạc sĩ Lê Minh Sơn, ông phản ứng ra sao?

– Sơn thi thoảng cũng ghé đây chơi, cậu ấy có gia đình và những đứa con ngoan, có thể nói đó là gia đình hạnh phúc. Lam hơn Sơn khá nhiều tuổi, sự kết hợp trong âm nhạc là chắc chắn, còn chuyện tình cảm tôi nghĩ là không như những lời đồn đại.

– Có thể nói chuyện đời riêng, chuyện công việc đã khiến Thanh Lam không có nhiều thời gian lo cho cô con gái đầu. Ông nghĩ sao về sự thiệt thòi của cô cháu gái?

– Không ai chọn được hoàn cảnh khi chào đời. Chúng ta mỗi người có một số phận và không nên hờn trách số phận đã không cho mình may mắn. Lam không sống chung nhà với con gái, nhưng mỗi khi mẹ đi diễn về các con đều đến ở với mẹ.

Con gái lớn của Lam đang học khoa lý luận âm nhạc của Nhạc viện, cháu không thuộc bài nào của mẹ và cũng không thích hát, nhưng cháu là một trợ lý đắc lực cho mẹ. Ai mời mẹ hát thì cháu nhận và ghi chép cẩn thận, ai nợ tiền của mẹ thì cháu là người đi đòi. Tôi nghĩ cháu hiểu và thương mẹ. Phải nhìn vào từng hoàn cảnh mới thấu hiểu được, bởi không có mẫu số chung cho mọi cuộc đời.

(Theo An Ninh Thế Giới)

Thanh Lam cảm nhận đàn ông theo bản năng đàn bà

Cuộc sống đã cho Thanh Lam danh vọng và tiền bạc, nhưng với tình yêu, dường như “Người đàn bà hát” vẫn đang kiếm tìm và khao khát. Trong không gian yên tĩnh của quán cà phê quen thuộc, chị bộc bạch rằng duyên phận chính là sợi dây vô hình để giữ đàn ông và đàn bà với nhau.

– Đối với chị, tình yêu quan trọng như thế nào?

– Tình yêu thúc đẩy sự sáng tạo và bùng nổ nghệ thuật trong tôi. Tôi luôn kỳ vọng ở người đàn ông nhất là khi họ trở thành người tri kỷ bên mình. Tôi đòi hỏi ở họ phải sử dụng hết những gì gọi là trời cho cùng sự học hành trong cuộc sống. Tôi cũng luôn thúc đẩy để người đàn ông gần gũi mình phải phát triển không ngừng.

– Chị nhắc đến hai từ “bùng nổ”, vậy có ẩn ý gì khi người ta nói “Thanh Lam và Lê Minh Sơn gặp nhau là bùng nổ”?

– Tôi và Sơn là hai khối đá quá lớn, gặp nhau ầm một cái là vỡ. Chúng tôi đều quá tự tin và quá tâm huyết với nghề, muốn đưa ra thị trường những sản phẩm có giá trị và chính vì điều đó mà tôi và Sơn hợp tác ăn ý, lâu dài.

– Trên phương diện một người đàn bà nhận xét về một người đàn ông, chị sẽ nói về Lê Minh Sơn như thế nào?

– Lê Minh Sơn là động lực mạnh giúp tôi thực hiện nhiều dự án âm nhạc. Đó là người đàn ông nghiêm khắc với cộng sự, đam mê âm nhạc, bồng bột và trong sáng, đó là điều rất đáng yêu của một người làm nghệ thuật.

– Chị nghĩ sao trước ý kiến Thanh Lam và Lê Minh Sơn đều có điểm chung là “điên” trong nghệ thuật?

– Mỗi nghệ sĩ đều có một sợi chỉ mong manh giữa đời sống bình thường và nghệ thuật. Chỉ cần kéo nghiêng một chút về phía nghệ thuật, mọi thứ sẽ trở thành bất bình thường. Nghệ sĩ rất nhạy cảm nên cứ luôn luôn phải giữ làm sao cho cân bằng. Tôi và Sơn cũng không phải ngoại lệ.

– Chị thích một người đàn ông như thế nào?

– Tôi không có tiêu chuẩn nào cho người đàn ông của mình, với tôi đó là sự nhạy cảm của từng cá nhân. Tôi cảm nhận về anh ta theo bản năng của một người đàn bà. Khi còn bé, tôi để ý đến những người đẹp trai nhưng khi đánh rơi mối tình đầu thì tôi thay đổi hoàn toàn, lại chỉ để ý đến tri thức của anh ta. Còn bây giờ thì tôi lại nghĩ sẽ là may mắn nếu người đàn ông của mình có cả hai mặt hình thức lẫn nội dung.

– Chị là người sống bản năng và rất mạnh mẽ, điều đó cản trở hay mở rộng cửa cho những người đàn ông đến với chị?

– Ông trời cho tôi đức tính mạnh mẽ, điều đó hay nhưng cũng có lúc bất lợi. Nó làm cho những người đàn ông đến với tôi không thật thoải mái, vì càng yêu bao nhiêu thì tôi càng đòi hỏi bấy nhiêu. Nhưng tôi cho rằng khi yêu mình có quyền kỳ vọng. Trong tình yêu nếu muốn nắm giữ thì phải biết quyến rũ nó.

– Vậy chị mơ ước một tình yêu như thế nào?

– Tôi thèm khoảnh khắc được nằm gọn trong vòng tay người đàn ông của mình, dừng hết công việc yên bình trong vòng tay người ấy, để ngày mai tiếp tục động lực hoạch định công việc và đam mê. Dường như cuộc sống hiện tại khiến con người lo lắng cơm áo gạo tiền mà quên đi sự thi vị, lãng mạn trong tình yêu.

Tôi cho rằng, hai người yêu nhau đừng bao giờ phơi bày hết mọi thứ mà hãy suốt đời khám phá nhau, dành một khoảng thời gian tạo cho nhau không khí lãng mạn thì tình yêu chẳng bao giờ chết cả. Tuy vậy, tôi cũng tin vào duyên phận, nó như sợi dây vô hình giữ nhau lại. Một điều quan trọng nữa là yêu phải thật mới sướng. Sống giả, yêu giả cực kỳ bất hạnh.

– Nhìn lại bản thân, chị cảm nhận mình là người đàn bà như thế nào?

– Tôi quan niệm phụ nữ phải có lòng kiêu hãnh, tất nhiên người đàn bà đó phải dám sống, dám làm và phải có nghề thì mới dám kiêu hãnh. Tôi cũng kiêu hãnh bởi hơn thế tôi còn được sống trong một gia đình nền tảng và có giáo dục. Tuy nhiên, sự kiêu hãnh của tôi đôi khi thái quá dẫn đến cực đoan và gây hiểu lầm.

– Sự kiêu hãnh của chị có bao giờ dẫn đến việc mình sẽ coi thường đàn ông?

– Không bao giờ tôi coi thường cánh mày râu, cũng có những người đàn ông đáng bị phụ nữ khinh thường nhưng nhìn lại cũng có nhiều người phụ nữ làm hư đàn ông. Nhiều cô gái trẻ chỉ biết lấy vẻ bề ngoài quyến rũ đàn ông cốt lấy tiền của anh ta. Còn cánh đàn ông thấy nếu chỉ cần tiền thì dễ quá, nên sẵn sàng nhào tới và những cô gái đó bị coi thường là đương nhiên. Bởi vậy, người đẹp thôi chưa đủ mà sự thông minh, hiểu biết cùng tri thức mới là vũ khí để “giết chết” đàn ông.

– “Thanh Lam luôn sẵn sàng nói hết gan ruột của mình, đó là sống dại”, chị nghĩ sao về nhận xét này?

– Còn quá trẻ để nhận xét về một con người sống thế nào là dại, thế nào là khôn. Thời gian sẽ trả lời tất cả, nhưng điều đọng lại lớn nhất trong cuộc sống của tôi là phải vị tha và độ lượng. Tôi sống bằng tâm niệm ấy. Nhưng không hẳn là đã nhìn thấy hết gan ruột của tôi đâu. Có thể trong âm nhạc đã phơi bày một Thanh Lam đầy khát khao, cứ hát là mọi người đã thấy sự cháy bỏng trong đó rồi, nhưng vẫn còn nhiều thầm kín mà tôi giữ mãi như một khoảng tối trong lòng. Tôi muốn mọi người nhìn thấy hình ảnh của mình hư hư thực thực thực, hơn là một sự rõ ràng đến trần trụi.

– Qua nhiều năm nhưng người ta vẫn hình dung về chị là một Thanh Lam xốc nổi, cũng như bố chị đã có lần nói vẫn chưa yên tâm về con gái. Chị nói gì về điều đó?

– Trong con người tôi luôn nhiều ước mơ và khát vọng, những điều đó vô hình tạo cho tôi vẻ bên ngoài xốc nổi. Còn tôi thấy mình từ lâu đã sống cuộc sống của một người đàn bà biết nắm bắt vận mệnh. Bên cạnh đó, tôi nghĩ quan trọng là sự trưởng thành trong bản thân chứ không phải để mọi người nhìn thấy.

– Chị luôn đề ra những kế hoạch và buộc mình phải thực hiện, vậy hiện tại còn những việc gì mà chị trăn trở?

– Trăn trở lớn nhất của tôi là 5 năm nay, nhạc nhẹ bị lụi dần, chưa có nhiều sản phẩm âm nhạc đúng nghĩa. Nhiều người cho rằng tôi hay phá cách nhưng không phải vậy, tôi muốn tạo cho khán giả một thói quen nghe khác, nghe thứ âm nhạc có tính chiến đấu, khát vọng chiếm đoạt chứ không phải là những lời lẽ kêu than, nhẫn nhịn. Ca sĩ phải hát bằng sự sôi sục của tâm hồn, có như thế con người mới thoát khỏi lo toan của cuộc sống hằng ngày. Tôi cũng mong muốn có nhiều ca khúc lãng mạn và ẩn ý hơn, chứ cứ tràn ngập bài hát với ca từ tầm thường mãi thế e rằng sẽ hỏng cả một thế hệ người nghe.

– Một người đàn bà sống bản năng và mạnh mẽ như chị có thể không phù hợp với cuộc sống gia đình. Chị nghĩ sao?

– Tôi có 3 đứa con xinh đẹp, khi về với chúng là lúc tôi thả lỏng mình, không còn áp lực và sống thật với chính mình. Làm mẹ cũng là bản năng, nhưng với người làm nghệ thuật thì không tránh khỏi thiếu sót trách nhiệm với gia đình và con cái. Tuy vậy, tôi cũng dành hết thời gian về với các con. Tôi nấu ăn rất ngon, bất kể món gì đã nếm và thấy thích tôi đều tự làm được. Và cũng có nhiều ngày tôi nấu ăn cho bọn trẻ, những lúc đó, cô chị thường bảo cậu em: “Ăn đi, mẹ nấu đấy”.

– Có bao giờ các con hỏi chị về người đàn ông của mẹ mình?

– Các con tôi là những đứa trẻ rất nhạy cảm, và dường như sự nhạy cảm ấy còn được nhân lên vì lý do bố mẹ chúng chia tay. Bọn trẻ luôn ý thức điều gì nên nói và điều gì không nên. Có lẽ hoàn cảnh gia đình đã làm cho những đứa con của tôi già dặn hơn.

– Chị thường dạy các con điều gì?

– Sống trên đời phải có lòng thơm thảo, vị tha. Tôi rất thích cậu con trai út, có nhiều đồ chơi và đồ dùng học tập mọi người cho, nhiều hôm đi học về chẳng còn thứ gì vì cho các bạn hết. Bố cháu không đồng ý lắm về chuyện đó, còn tôi lại thích vì theo tôi đó là sự chia sẻ, mà trong đời thì ai cũng cần được chia sẻ.

– Kế hoạch sắp tới của chị như thế nào?

– Tôi chuẩn bị ra album gồm những bài hát ghi dấu sự thành công của mình, có thể vào dịp Noel hoặc Tết Nguyên đán. 18 bài hát sẽ nói hộ tôi những chặng đường mình đã đi qua, nhiều vinh quang nhưng cũng lắm nhọc nhằn.

(Theo Ngoisao)

 

 

 

Rate this post