Cuộc tranh cãi kỳ lạ giữa vua Trần Minh Tông và 2 quan ngự sử
Vài nét về cuộc đời vua Trần Anh Tông
Vua Trần Minh Tông (4 tháng 10 năm 1300 – 10 tháng 3 năm 1357) tên thật là Trần Mạnh. Ông là vị hoàng đến thứ 5 của Hoàng triều Trần nước Đại Việt. Ông giữ ngôi từ ngày 3 tháng 4 năm 1314 đến ngày 15 tháng 3 năm 1329, sau đó làm Thái thượng hoàng đến khi qua đời. Thời kỳ của ông và cha ông được mệnh danh là thời kỳ hưng thịnh của vương triều nhà Trần, được sử gia xưng tụng là Anh Minh Thịnh Thế.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư do sử thần Ngô Sĩ Liên soạn năm 1479, Trần Mạnh sinh ngày 21 tháng 8 âm lịch năm Canh Tý (tức 4 tháng 10 năm 1300), một ngày sau khi Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn qua đời. Ông là con thứ 4 và cũng là người con trai duy nhất sống đến khi trưởng thành của vua Trần Anh Tông.
Mẹ ông là Huy Tư Hoàng phi, họ Trần, Thứ phi của Anh Tông, bà mất năm 1359 ((2 năm sau khi Minh Tông mất). Cha bà là Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng, người có huyết thống của Lê Đại Hành nên Trần Mạnh mang trong mình một phần dòng máu nhà Tiền Lê.
Do các hoàng tử trước đều khó nuôi, sau khi Trần Mạnh chào đời, vua Trần Anh Tông đã nhờ mẹ vợ là Thụy Bảo Công chúa – con gái Trần Thái Tông nuôi hộ. Thụy Bảo cho rằng mình đang gặp vận rủi nên đã trao Trần Mạnh cho anh là Chiêu vương Trần Nhật Duật nuôi hộ.
Sử cũ có chép rằng, Trần Nhật Duật nuôi Hoàng tử Mạnh vô cùng chu đáo. Ông đặt tên cho hoàng tử là Thánh Sinh để giống với con trai mình là Thánh An và con gái là Thánh Nô. Sau này, khi Minh Tông đăng cơ, ông đã phong Trần Nhật Duật làm Tá thánh Thái sứ đứng đầu triều đình, gia phong Đại vương (1329).
Tượng thờ vua Trần Minh Tông ở đền Trần
Trần Mạnh là vị Hoàng tử nhận được sự giáo dục nghiêm khắc từ vua cha. Đại Việt sử ký toàn thư có chép rằng: sử quan đời Lê Phan Phu Tiên: “[Minh Tông] đang tuổi ấu thơ, có lần nghịch làm chiếc giá đèn bằng tre, Anh Tông đòi xem, sợ không dám dâng. Hôm khác, vào hầu tẩm điện Anh Tông đang rửa mặt, nhân hỏi đến trò nghịch cũ, Anh Tông giận lắm, cầm ngay cái chậu rửa mặt ném vua. Vua nấp vào cánh cửa tránh được, chậu rơi trúng cánh cửa vỡ tan”. Từ sự việc này, Ngô Sĩ Liên nhận định: “Cái đức của Minh Tông mà nên được, tuy là do thiên tư tốt đẹp, còn là do sức dạy bảo của vua cha”.
Vào tháng 1 âm lịch năm 1305, Trần Mạnh được vua tấn phong làm Đông cung Thái tử. Vua Anh Tông còn tặng cho con trai một bài giáo huấn có tên “Dược thạch châm” do nhà vua tự soạn. Sử chép năm 1305 Trần Mạnh là Đông cung Thái tử, nhưng đến tháng 1 âm lịch năm 1309 lại chép Đông cung Thái tử Mạnh được sách phong làm Hoàng thái tử. Trong lịch sử triều Trần, Trần Mạnh là thái tử kế vị đầu tiên không phải do vợ chính của vua cha sinh ra, trong khi các vua Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông đều là con của chính thất hoàng hậu.
Tháng 11 âm lịch năm 1311 – tháng 5 âm lịch năm 1312, Trần Anh Tông đem đại quân chinh phạt Chiêm Thành. Thái tử Mạnh cùng với Chiêu vương Trần Nhật Duật và Nghi Võ hầu Quốc Tú (tướng chỉ huy quân tả hữu Thánh Dực) nhận nhiệm vụ giám quốc. Đánh trận về, vua Anh Tông không ban thưởng các tướng thắng trận vì cho là công của thái tử và những người giám quốc cũng rất lớn, không thua các tướng trận.
Ngày 18 tháng 3 âm lịch năm Giáp Dần (tức ngày 3 tháng 4 năm 1314), Trần Anh Tông nhường ngôi cho Thái tử Mạnh. Thái tử 14 tuổi lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Ninh Hoàng, tôn Anh Tông làm Quang Nghiêu Duệ Vũ Thái thượng hoàng đế và tôn Thuận Thánh Hoàng hậu (chính cung của Anh Tông) làm Thuận Thánh Bảo Từ Thái thượng hoàng hậu. Các quan dâng Hoàng đế tôn hiệu là Thể Thiên Sùng Hóa Khâm Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế. Sử sách gọi ông là Trần Minh Tông. Sứ thần nhà Nguyên đến dự lễ đăng quang của Minh Tông, đã khen ông có hình dáng nhẹ nhàng như thần tiên.
Ông được sử cũ khen ngợi là một hoàng đế anh minh, trọng dụng các quan viên có năng lực như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Đoàn Nhữ Hài, Phạm Sư Mạnh,…, dùng luật nghiêm minh và duy trì sự hưng thịnh kinh tế – xã hội. Song cuối thời ông trị vì, mâu thuẫn trở nên gay gắt giữa các phe đối lập trong triều đưa đến những vụ thanh toán tàn khốc mà nhà vua tỏ ra bất lực.
Về mặt đối ngoại, Minh Tông giữ được quan hệ ổn định với Nguyên-Mông; ở phương Nam, ông buộc Chiêm Thành phải thần phục dù đến năm 1326, người Chiêm thoát lệ thuộc vào Đại Việt.
Đến năm Năm 1329, Trần Minh Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Vượng (tức Trần Hiến Tông), được tôn làm Chương Nghiêu Văn Triết Thái Thượng Hoàng Đế. Đến năm 1341, Hiến Tông mất; Thượng hoàng lập con áp út là Trần Hạo (Trần Dụ Tông) lên ngôi. Trong 12 năm tại vị của Hiến Tông và 16 năm đầu thời Dụ Tông, Thượng hoàng Minh Tông vẫn quyết định mọi việc triều chính. Tình hình Đại Việt vẫn tương đối ổn định, mặc dù khu vực phía Tây thường bị Ai Lao và Ngưu Hống xâm lấn. Thượng hoàng phải mất nhiều công sức mới dẹp yên được. Sau khi Thượng hoàng mất, Dụ Tông bỏ bê chính sự, ăn chơi sa đọa và thực lực Đại Việt xuống dốc.
Vua Trần Minh Tông nổi tiếng là người chuộng Phật giáo nhưng cũng trọng dụng Nho thần, hay sáng tác văn, thơ. Tuy nhiên, trong lúc lâm chung, ông đã sai đốt hầu hết các tập thơ của mình. Ngày nay chỉ còn khoảng 25 bài thơ chép rải rác trong Toàn Việt thi lục, Trần triều thế phả hành trạng, Việt âm thi tập, Đại Việt sử ký toàn thư và Nam Ông mộng lục. Ngoài ra, ông cũng viết bài tựa cho tập Đại hương hải ấn thi của Trần Nhân Tông.
Vị vua đem văn minh sửa sang đạo trị nước
Suốt thời gian trị vì, vua Trần Minh Tông đã đem lại sự phát triển của đất nước và ổn định của vương triều Trần nên được sử sách ca ngợi: “Vua đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày” (Đại Việt sử ký toàn thư). Còn sách Việt sử tiêu án chép: “Vua biết sửa sang chính trị tiến đến văn minh, làm sáng tỏ công nghiệp của tiền nhân; có lòng trung hậu, mở đường lối cho con cháu theo”.
Việc quan tâm đến con cháu, nhất là chuyện trị nước của người kế vị được Trần Minh Tông thể hiện rõ trong lời căn dặn con cháu vào cuối năm Bính Thân (1356). Khi đó ông bị ốm, thấy các Hoàng tử có mặt đầy đủ đứng bên giường bênh, ông dặn: “Các con cứ xem việc làm của người xưa, việc nào hay thì theo, việc nào dở thì lánh, cần gì phải cha dạy?”.
Vua Minh Tông là vị hiền tài yêu nước, thương dân
Ông còn dụ thêm rằng: “Người làm vua dùng người, không phải là có tình riêng với người đó, mà chỉ nghĩ là người đó hiền thôi mà bởi vì người đó theo tấm lòng của ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta, cho nên ta coi là hiền mà dùng họ. Nếu ta quả là hiền, thì những người được ta dùng cũng hiền,… Nếu ta không hiền, thì những kẻ ta dùng cũng không hiền,…”.
Tất cả các sử sách ghi chép chuyện thời trung đại của Việt Nam đều ca ngợi Trần Minh Tông là vị vua hiền. Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư nhà sử học thời Hậu Lê là Phan Phu Tiên có nhận xét như sau: “Minh Tông có bẩm tính nhân hậu, nối nghiệp thái bình, phép cũ của tổ tông, không thay đổi gì cả. Bấy giờ có kẻ sĩ dâng sớ nói là trong dân gian có nhiều người du thủ du thực, đến già vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo.
Vua nói: “Không như thế, thì sao thành đời thái bình? Ngươi muốn ta trách phạt họ thì được việc gì không?”. Triều thần như bọn Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh muốn thay đổi chế độ. Vua nói: “Nhà nước đã có phép tắc riêng, Nam, Bắc khác nhau, nếu nghe kế của bọn học trò mặt trắng tìm đường thoát thân thì sinh loạn ngay”.
Cuộc tranh cãi kỳ lạ nhất lịch sử trung đại
Hoàng đến được xưng tụng là “thiên tử” thay trời hành đạo, chăm lo cho con dân. Ý vua là ý trời. Trong lịch sử đã có không ít chuyện vua bị bề tôi ngăn cản, can gián nhưng tranh cãi với vua trong mấy ngày liền có lẽ trên đời chỉ có một. Đây là câu chuyện giữa vua Trần Minh Tông và hai viên quan ở Ngự sử đài.
Và như đã nói, Trần Minh Tông được đánh giá là vị vua tài, đặc biệt giỏi về biện luận, ứng đối. Sử sách chép được một số câu chuyện ông kiển trách các quan chức không làm tròn phận sự, nhưng có người còn cố giảo biện, chối bỏ nhằm tìm cách lấp liếm tội lỗi của mình, tuy nhiên tất cả đều bị Trần Minh Tông dùng lý luận bác bỏ khiến họ phải “tâm phục, khẩu phục”.
Dưới đây là 1 trong số các câu chuyện đó và câu chuyện kỳ lạ ở chỗ vua và bề tôi có cuộc tranh cãi kéo dài liên tục suốt mấy ngày liền. Chuyện xảy ra vào mùa thu, tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1342) được sách Đại Việt sử ký toàn thư thuật lại như sau:
“Thượng hoàng ngự đến Ngự sử đài. Giám sát ngự sử Doãn Định và Nguyễn Như Vi bị bãi chức.
Bấy giờ đã trùng tu xong Ngự sử đài. Sáng sớm, Thượng hoàng ngự tới, Ngự sử Trung tán là Lê Duy theo hầu Thượng hoàng trở về cung rồi, Doãn Định và Nguyễn Như Vi mới đến. [Hai người] bèn làm sớ kháng nghị, nói là Thượng hoàng không được vào Ngự sử đài và hặc tội Lê Duy không biết can ngăn, lời lẽ rất gay gắt.
Thượng hoàng gọi đến dụ họ rằng: “Ngự sử đài cũng là một trong các cung điện, chưa từng có cung điện nào mà thiên tử không được vào.Vả lại, trong Ngự sử đài xưa kia còn có chỗ để thiên tử giảng học, các bạ thư chi hậu dâng hầu bút nghiêng đều ở đó cả. Đó việc cũ thiên tử vào Ngự sử đài. Ngày xưa Đường Thái Tông còn xem Thực lục, huống chi là vào đài!”.
Bọn Định còn cố cãi, mấy ngày vẫn không thôi. Vua dụ họ hai, ba lần cũng không được, bèn bị bãi chức cả”.
Vua Minh Tông và 2 ngự sử tranh cãi suốt mấy ngày liền
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng có những ghi chép tương tự. Nhận xét về chuyện lạ lùng này, sử thần triều Hậu Lê là Ngô Thì Sĩ có lời bàn trong sách Đại Việt sử ký tiền biên như sau:
“Thiên tử vào Ngự sử đài thì bọn Định nằm ở nhà đã là thiếu cái nghĩa ở công đường rồi, Thiên tử không hỏi đến, người hầu cùng hàng với mình cũng không hạch lỗi đã là rộng lượng lắm rồi, huống hồ lại cho là không nên vào đài mà can Thiên tử và hạch lỗi các bạn cùng hàng là không biết can vua hay sao.
Xét ra đài, sảnh, viện, cục đều là cung phủ cả. Bậc vương giả có thể đến bất thần để xem xét quan lại làm việc, không thể so với việc đi chơi nơi khác. Vậy có gì là không nên mà đến nỗi phải dâng sớ nói gay gắt. Dụ trước mặt mà vẫn tranh cãi, dụ nhiều lần mà vẫn không thôi. Như thế cũng biết được vua Minh Tông là người biết bao dung đấy.
Trên có vua biết bao dung mà dưới không có bề tôi trung thực đáp ứng để bày điều tốt, ngăn điều xấu, trừ bỏ điều gian tà, giúp đỡ về đạo đức. Chỉ có bọn Định điên cuồng càn rỡ nói những lời không đáng nói. Có thể nói là các bề tôi thời bấy giờ phụ lòng vua đấy!”.
Xem thêm: Vua Trần Nhân Tông và 22 lá thư gửi kẻ thù, trước sau nhất quán quan điểm: Không đầu hàng