Creatrip: PD, FD, VJ…những người đằng sau thành công của 1 show giải trí Hàn Quốc là ai?
Xin chào! Chúng mình là Creatrip! Cùng khám phá Hàn Quốc với chúng mình nhé!
Fan của cả các show giải trí, phim Hàn Quốc chắc chắn đã nhiều lần nghe đến các vị trí như PD, FD, VJ… Vậy bạn có biết họ là ai và làm nhiệm vụ gì trong mỗi show không? Cùng mình tìm hiểu nha!
CP: Chief Producer
CP (Chieft Producer) là giám đốc sản xuất, phụ trách lập kế hoạch và quản lý sản xuất chương trình. CP có trách nhiệm tham khảo ý kiến của người phụ trách sản xuất cũng như việc quản lý nhân sự và phân công công việc cho nhân viên.
CP có thẩm quyền lựa chọn và quyết định biên kịch, diễn viên, MC và đạo diễn của chương trình. Thường ở Hàn Quốc, sau 10 năm làm PD, có thể thăng tiến thành CP. CP có thể được coi là cấp giám đốc ở các công ty thường. 1 CP có thể quản lý 2-4 chương trình.
Bạn có xem chương trình 2 ngày 1 đêm không? CP của chương trình này chính là Kim Tae Ho đó nha!
PD: Producer, Program Director
PD (Producer, Program Director) là nhà sản xuất và là người lập kế hoạch chương trình cho một đài truyền hình. Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ dàn PD chính đời đầu của Running Man gồm Jo Hyo-jin, Im Hyung-taek, and Kim Joo-hyun đúng không? Họ đã cho ra những tập Running Man xuất chúng. Hiện Choi Bo-pil đang là PD chính của Running Man.
PD chịu trách nhiệm lựa chọn dự án, quản lý nhân lực, kiểm soát ngân sách. Trong đài phát thanh (radio), PD hầu như luôn chỉ đạo mọi thứ, nhưng trong truyền hình, công việc phức tạp hơn và có thường được chia thành các lĩnh vực là chỉ đạo và sản xuất.
Trong quá trình làm show, PD đóng vai trò như một nhạc trưởng, vì vậy khả năng lãnh đạo, trách nhiệm và động lực là rất cần thiết. Ngoài ra, PD phải luôn thể hiện khả năng sáng tạo nghệ thuật để mang đến những ý tưởng độc lạ. Trong những năm gần đây, khi nghề PD đã trở thành một nghề phổ biến, số lượng người muốn theo đuổi nghề này ngày càng tăng.
Bạn có biết Na Young Seok – PD của New Journey to the West không? Vào năm 2020, mức lương theo năm của PD này lên tới 289 triệu KRW (~5,7 tỷ VNĐ). Ngoài ra, Na PD còn nhận được số tiền thưởng lên tới hơn 940 triệu KRW (~18 tỷ VNĐ). Do đó, thu nhập hàng năm của Na PD cho năm 2020 lên tới hơn 1,2 tỷ KRW (~24 tỷ VNĐ). 1 mức lương đáng mơ ước!
AD: Assistant Director
Đi theo hỗ trợ PD sẽ là các AD. AD (Assistant Director) là trợ lý giám đốc sản xuất, người hỗ trợ dàn dựng, sản xuất các chương trình theo chỉ đạo của PD.
Trước khi trở thành PD thì bạn cần là 1 AD. AD có thể phải làm rất nhiều công việc như lên lịch chọn diễn viên, địa điểm, quay phim, biên tập và chuẩn bị chỗ ăn cho nhân viên trong quá trình quay.
FD: Floor Director
Bạn còn nhớ FD Dongwan, người luôn có những màn cải trang hài hước trong Running Man trước đây không?
FD là người chỉ đạo và điều hành studio, địa điểm chụp ngoại cảnh. Thực ra, FD đúng nghĩa là đạo diễn quản lý sân khấu. Ở nước ngoài, nếu không có FD, các sự kiện như lễ trao giải, concert sẽ không thể được chạy đúng cách. Tuy nhiên ở Hàn Quốc, FD nhiều khi sẽ phải kiêm thêm việc của trợ lý PD.
Điều cơ bản nhất mà FD làm là vận hành studio. Tuy nhiên, tất cả các công việc lặt vặt khác nhiều khi cũng được giao lại cho FD. Vì FD là người theo dõi diễn biến của studio nên cần có khả năng nắm bắt bầu không khí và sự nhanh nhạy. Tại địa điểm ghi hình, tiếng chuông điện thoại hoặc có người đi qua chắn máy quay là điều mà FD phải ngăn chặn.
VJ: Video Journalist
VJ là viết tắt của Video Journalist. Nói chung họ sẽ đảm nhiệm những phần ghi hình nhất định như ghi hình bản tin ảnh hoặc ghi hình trong các chương trình truyền hình. Nếu xem Running Man bạn sẽ thấy mỗi VJ sẽ đi theo 1 thành viên và ghi lại hình ảnh thành viên đó.
VJ không chỉ có kĩ năng quay mà họ cũng có kỹ năng trong việc lên kế hoạch, biên tập, điều chỉnh ánh sáng. Trong Running Man thì hẳn Ryu Kwon-ryeol , VJ của chú Yoo Jae Suk, là người được lên hình nhiều nhất đúng không nào!
MC: Master of Ceremonies
1 nhân vật nữa đóng vai trò rất lớn trong các show thực tế của Hàn Quốc chính là MC. MC là từ viết tắt của Master of Ceremonies. MC hoạt động như người dẫn chương trình tại một sự kiện hoặc là người dẫn chương trình giải trí. Người này đóng vai trò rất lớn trong việc dẫn dắt, tạo bầu không khí cho chương trình.
Ở Hàn, để đạt được thành công lớn, MC còn phải có đủ sự tinh tế khéo léo để quan tâm đến tất cả khách mời có mặt trong show cũng như phân bổ thời gian trò chuyện với mỗi người.
SD: Sound director
SD nhiều khi còn được gọi là Audio Director (오디오 감독). Đây là giám đốc âm thanh, có nhiệm vụ phải giám sát mọi yếu tố âm thanh được sử dụng trong quá trình sản xuất, chẳng hạn như hiệu ứng âm thanh, hội thoại và âm nhạc.
Bạn sẽ thấy trong những show giải trí họ sẽ luôn đeo trên mình 1 ba lô rất nặng gồm các thiết bị thu âm. Họ sẽ phải đảm bảo sao cho thu được tiếng của những người tham gia và không lẫn tạp âm.
Ngoài những vị trí trên thì còn rất nhiều nhân sự khác để làm nên sự thành công của một show giải trí. Nếu bạn còn tò mò về vị trí nào nữa thì hãy cho mình biết nha!