Công chúa quyền lực bậc nhất lịch sử Trung Hoa: Mẹ vợ của Hán Vũ Đế, 50 tuổi vẫn… tái giá với nam sủng mới tuổi 13
Trưởng công chúa quyền lực của vương triều
Quán Đào công chúa (? – 116 TCN), tên húy Lưu Phiêu, hay còn được gọi Đậu Thái chúa là công chúa của nhà Hán, con gái trưởng của Hán Văn Đế Lưu Hằng và là chị gái của Hán Cảnh Đế Lưu Khải. Thường xuyên dâng mỹ nữ cho Cảnh Đế giải khuây nên bà được em trai đối xử rất tốt. Lưu Phiêu ỷ vào Đậu Thái hậu và sự sủng ái của em trai là Hoàng đế nên tỏ ra rất ngạo mạn, đồng thời thoải mái ra vào hậu cung, tìm cách moi móc tiền của và quyền lợi cho gia đình họ Trần của mình.
Quán Đào trời sinh nhạy bén chính trị, lại không thiếu tâm cơ, nên giáo dục con gái Trần thị rất tốt. Năm 153 TCN, Cảnh Đế lập Lưu Vinh làm thái tử. Lưu Phiêu vì muốn con gái Trần A Kiều có thể trở thành Hoàng hậu nên muốn đem gả cho Lưu Vinh. Những tưởng mọi việc sẽ suôn sẻ, ai ngờ, Lật Cơ do căm tức việc Lưu Phiêu nhiều lần dâng mỹ nữ cho Cảnh Đế nên đã kiên quyết từ chối cuộc hôn nhân này.
(Ảnh minh họa)
Bị dội một gáo nước lạnh, Lưu Phiêu vô cùng căm giận Lật Cơ, tìm cách trả thù. Bà tìm mọi cách nói xấu Lật Cơ và thái tử Lưu Vinh trước mặt Cảnh Đế, đồng thời lại nói Lưu Triệt tuấn tú, thông minh. Cùng lúc đó, Vương phu nhân ngấm ngầm thúc giục đại thần dâng tấu Cảnh Đế phong Hậu cho Lật Cơ nhằm tương kế tựu kế.
Cảnh Đế tức giận, cho rằng Lật Cơ xúi giục các đại thần thúc ép mình nên phế luôn ngôi vị thái tử của Lưu Vinh, đổi làm Lâm Giang Vương. Lật Cơ bị nhốt vào lãnh cung cho tới khi chết. Chẳng bao lâu sau đó, Cảnh Đế phong cho Vương phu nhân làm Hoàng hậu, đồng thời lập Lưu Triệt làm Thái tử.
(Ảnh minh họa)
Sau khi Hán Cảnh Đế qua đời năm 141 TCN, thái tử Lưu Triệt lên ngôi trở thành Hán Vũ Đế. Con gái của công chúa Quán Đào, cũng là người vợ đã hứa hôn từ trước của Lưu Triệt – Trần A Kiều, được phong làm Hoàng hậu, sử gọi là Trần hậu.
Vướng lưới tình nam sủng 13 tuổi sau khi chồng qua đời
Năm Quán Đào Công chúa 50 tuổi, chồng bà là Trần Ngọ qua đời, khiến Công chúa vô cùng đau khổ, cô đơn vì thân phận góa bụa. Song, chuỗi ngày tịch mịch, chán nản của Quán Đào Công chúa không kéo dài lâu. Trong một lần tình cờ, Quán Đào nghe được danh tiếng của thiếu niên Đổng Yên, con của một nhà buôn châu báu.
Từ năm 13 tuổi, Đổng Yên đã theo mẹ ruột tìm tới các nhà quý tộc đại vương để bán những đồ châu báu do nhà mình làm ra. Khi tới phủ của họ Trần, Công chúa Quán Đào nhìn thấy Đổng Yên, rất thích mắt nên quyết định giữ Yên lại trong phủ làm con nuôi và dành rất nhiều tình cảm.
(Ảnh minh họa)
Lưu Phiêu thậm chí còn tuyên bố: “Chỉ cần Đổng Yên muốn, thì chỉ cần trong một ngày không vượt quá 100 cân vàng, 1 triệu quan tiền, một ngàn xếp lụa thì cứ theo ý cậu ta mà làm, không cần báo với ta”. Học được tính cách lươn lẹo của người mẹ nuôi, lại thêm vẻ ngoài tuấn tú, phong nhã, Đổng Yên rất giỏi trong chuyện gây dựng mối quan hệ. Các vương tôn quý tộc đều là bạn bè tốt của Yên.
Trong một lần được Hán Vũ Đế đến thăm nhà, Công chúa Quán Đào đã đề nghị được tái giá với Đổng Yên. Khi nghe lời đề nghị, nghĩ rằng bản thân mình có phần có lỗi với mẹ con Quán Đào, lại thấy Đổng Yên là kẻ có tài, Hán Vũ Đế đã đồng ý lời thỉnh cầu, để mẹ vợ tái giá với cậu con nuôi.
Từ đó, Đổng Yên và Hán Vũ Đế cũng trở nên thân thiết. Hán Vũ Đế thấy Đổng Yên không chỉ biết đủ trò chơi mà trò nào cũng giỏi cả. Từ cầm, kỳ, thi, họa cho tới đấu gà, cưỡi ngựa, trò nào Đổng Yên cũng tỏ ra xuất sắc. Hán Vũ Đế có được Đổng Yên về làm bạn thì vui lắm, suốt ngày theo Đổng Yên tham gia các trò chơi thâu đêm suốt sáng.
(Ảnh minh họa)
Một lần, Hán Vũ Đế thiết yến mời Quán Đào Công chúa và Đổng Yên tới tham dự. Khi Đổng Yên được triệu kiến, chuẩn bị bước vào bàn tiệc thì Đông Phương Sóc ngăn lại. Hán Vũ Đế nghe chuyện liền bước ra xem. Thấy Hoàng đế, Đông Phương Sóc vội vứt bỏ vũ khí đang cầm trong tay và nói: “Đổng Yên phạm ba tội chết, làm sao có đủ tư cách để bước vào điện dự tiệc”.
Lưu Triệt lấy làm lạ, mới hỏi: “Là những tội gì, nói ta nghe thử?”. Đông Phương Sóc đáp: “Đổng Yên tư thông với Công chúa, đó là một tội. Đồi phong bại tục, chưa kết hôn mà sống cùng nhau, đây là tội thứ hai. Hoàng thượng đang ở thời gian trẻ trung, đang là lúc dồn sức cho việc xây dựng quốc gia, xã tắc, Đổng Yên không những không giúp lại còn kéo Hoàng thượng vào những trò chơi vô bổ. Hành vi này là nguồn gốc cho sự diệt vong quốc gia. Đổng Yên chính là thủ phạm gây ra cái họa ấy. Đó là tội thứ ba”.
(Ảnh minh họa)
Hán Vũ Đế trầm ngâm một lúc rồi nói: “Ta đã bày tiệc xong xuôi, nay ăn xong bữa tiệc này rồi sau này mới nói được không”. Tuy nhiên, Đông Phương Sóc quyết không nhượng bộ, nói: “Chính điện là nơi tiên đế xử lý việc nước, những người không đủ tư cách không thể bước vào. Huống hồ từ trước tới nay, rất nhiều người nhờ vào sự nịnh bợ và dâm loạn mà có quyền lực, rồi cuối cùng soán đoạt cả ngôi vua. Những ví dụ từ thời xa xưa nào có ít đâu”.
Hán Vũ Đế nghe tới đây thì chỉ biết gật đầu, cho là phải. Ngay sau đó, Hán Vũ Đế ra lệnh đổi địa điểm tổ chức bữa tiệc sang một nơi khác và buộc Đổng Yên phải đến dự tiệc từ phía cổng sau, lối đi dành cho những người hầu hoặc những người tầng lớp thấp. Còn Đông Phương Sóc thì nhận được 30 cân vàng tiền thưởng của Hán Vũ Đế.
Sau sự việc xảy ra với Đông Phương Sóc lần đó, Đổng Yên không còn được Hán Vũ Đế sủng ái như trước nữa. Trong sự buồn bã, lo lắng, Đổng Yên bị bệnh và qua đời khi mới 30 tuổi. Vài năm sau đó, vào năm 116 TCN, người tình của Đổng Yên – Công chúa Quán Đào – cũng mắc bệnh rồi qua đời. Sau khi chết, Quán Đào Công chúa căn dặn con cháu không chôn mình cùng với người chồng trước mà chôn cùng nơi với Đổng Yên.
(Ảnh minh họa)
Cuộc đời Quán Đào Công chúa chỉ yêu có hai người, một là cô con gái Trần A Kiều, hai là người tình nhỏ Đổng Yên. Quán Đào đã dùng hết tài trí và sự nỗ lực của mình cho hai người này. Đáng tiếc, kết cục cuối cùng lại vô cùng bi thảm. Đổng Yên thì chết khi còn rất trẻ, chưa kịp có Công danh sự nghiệp. Trần A Kiều sau một vài năm làm Hoàng hậu, bị Hán Vũ Đế phế bỏ, nhốt vào lãnh cung.
Trong khi dồn hết sức lực cho Trần A Kiều và Đổng Yên, Quán Đào Công chúa đã không có thời gian giáo dục hai cậu con trai lớn của mình. Trần Tu sau khi tập ấm tước hầu của cha, dâm loạn vô độ. Cậu con trai thứ hai vì cướp đoạt tài sản của cha để lại, dẫn đến cảnh anh em đấu đá, chém giết lẫn nhau.
Sau khi Quán Đào Công chúa chết không bao lâu, Hán Vũ Đế nổi giận với những chuyện đồi bại mà hai anh em họ Trần làm, quyết định ra lệnh tra xét. Trần Tu sợ tội nên tự sát. Cuối cùng, Hán Vũ Đế ra lệnh tước bỏ mọi tước hiệu và lãnh địa của nhà họ Trần.
(Nguồn tổng hợp)