Con trai PGS Tôn Thất Bách: Tôi day dứt vì góp phần làm tóc bố bạc hơn
“Khi còn sống đôi lúc ông thở dài khi thấy thằng con trai chưa ổn định. Ông nói: “Có lẽ con chỉ trưởng thành khi Bố mất”, con trai PGS Tôn Thất Bách – Tôn Hiếu Anh kể lại.
Ngày hôm qua, lá thư đầy xúc động được Tôn Hiếu Anh – con trai cố phó giáo sư, bác sĩ, nhà giáo Tôn Thất Bách viết cho bố mình nhân ngày giỗ của ông đã làm lay động trái tim của rất nhiều người.
Tôn Hiếu Anh không lựa chọn con đường theo nghiệp y của ông và bố mà theo nghề thiết kế thời trang.
Trước đây, người ta vẫn được biết đến Tôn Hiếu Anh như là một hotboy Hà Thành ngỗ nghịch, ngày ngày chỉ đắm chìm trong các vũ trường và sử dụng hàng hiệu. Nhưng bây giờ dường như Tôn Hiếu Anh “lành” hơn trong vài trò là một biên tập viên của kênh VTV6.
Tôn Hiếu Anh đã rất xúc động khi viết về cha mình – PGS Tôn Thất Bách.
– Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghề y nhưng tại sao Tôn Hiếu Anh lại không phát triển sự nghiệp lừng lẫy của ông nội và cha anh?
Tôi chọn mà không được. Việc thi ĐH Y là điều viễn tưởng với tôi. Toán, Hoá hay các con số là kẻ thù của đứa tư duy hình ảnh như tôi.
Tôi không học nổi Toán và Hoá thì sao thi ĐH Y Hà Nội. Nói ra buồn cười lắm nhưng khi thi ĐH Y Hà Nội tôi chỉ được tổng cộng 3,5 điểm. Tôi đã chứng minh cho Bố thấy là cũng thi rồi mà trượt.
– Năm sau anh đã phải thi lại trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp?
Sau năm trượt đại học ĐH Y Hà Nội, bố tôi có nói rằng : “Rồi, bây giờ con thi trường nào mà con thích đi” và tôi đỗ ĐH Mỹ thuật Công nghiệp với số điểm 28,5.
– Điểm số lúc đó của anh có phải là cao khi thi vào trường?
Tôi đạt số điểm đúng bằng điểm vào trường. Tôi học luyện vẽ có 3 buổi nên đỗ là mừng rồi.
– Ngày còn sống, PGS Tôn Thất Bách có phải là người áp đặt suy nghĩ và định hướng anh trong mọi việc không?
Bức ảnh tư liệu của gia đình: Tôn Hiếu Anh chụp cùng bố – PGS Tôn Thất Bách
Không! Bố giáo dục theo cách của Bố, dạy các con cách tư duy và tôn trọng mọi quyết định của chị em tôi.
Bố tôi không xâm phạm quyền cá nhân, định hướng từ nhỏ về đúng sai hay khuôn khổ …
– Anh có từng làm bố phiền lòng với những quyết định của mình?
Có. Nhìn cảm xúc của bố tôi hiểu là phiền. Nhưng tôi không làm khác được. Tuy tôi yêu Bố nhưng có những thứ tôi khác Bố.
Tuy nhiên tôi luôn day dứt vì góp phần làm mái tóc của Bố bạc đi hơn.
– Tôn Hiếu Anh lựa chọn theo nghề thời trang mà không đi theo nghiệp y của gia đình vì là đam mê từ bé hay chỉ là ý thích nhất thời?
Nhất thời… thế nào là nhất thời nhỉ? Tôi chưa có định nghĩa nhất thời trong sở thích, mà nếu là đam mê thì chưa đủ vì cảm xúc đôi lúc làm tôi dừng lại. Tôi thích thời trang và theo đuổi nghiệp này cho đến tận bây giờ
– Nhưng cũng có thời điểm anh đã từng có ý định bỏ thời trang và ngồi lỳ trong phòng “cày” game khiến người thân phải “nhắc nhở”?
Tôi đã nhận đó chưa đủ để là đam mê.
– Trước đây, Tôn Hiếu Anh nổi tiếng là 1 hotboy thích hàng hiệu và đi vũ trường thâu đêm suốt sáng nhưng hiện tại dường như anh đã chín chắn hơn?
“Cái tuổi nó đuổi xuân đi” tuy rằng còn xuân nhưng cũng có lúc phải chán. Bỏ hàng hiệu và đi vũ trường hằng ngày là giai đoạn khó khăn. Vì sao thì đến tôi cũng không biết. Có lẽ chưa hỏi lòng là vì sao và hành động theo cảm tính. Thêm nữa lúc đó mình trắng tay.
– Trắng tay về tiền bạc hay anh bị mẹ và người thân trong gia đình phản đối?
Chưa ai trong gia đình tôi phản đối. Trắng tay có nghĩa là nút delete. Xoá sạch mọi thứ về mốc số không: Tiền bạc, công danh, sự nghiệp
– Đến khi nào anh nhận ra rằng mình không hề trắng tay mà có một gia sản vô cùng lớn mà bố anh để lại- đó là những người chú trọng nghĩa tình?
Ngày hôm qua. Sau 9 năm tôi mới tổng kết được vừa đủ độ chín. Từ trước đến giờ tôi hay làm và ít khi nhìn lại.
– Lúc Tôn Hiếu Anh”đủ độ chín” thì cũng là lúc anh viết ra bức thư cảm động dành cho người cha đã khuất. Đó chính là ngày giỗ của bố anh?
Có lúc nào đó dừng lại và suy nghĩ thì mới nhận ra.
Lúc đó là 12h đêm của ngày 25/3, tôi quyết tâm sẽ viết điều gì đó cho Bố. Trước đây tôi luôn viết email vào hộp mail của Bố và sau khi biết hòm mail này đã không còn nữa thì mình viết lên facebook. Đúng 26/3 là ngày giỗ Bố.
– Anh có bất ngờ khi tâm sự của anh được gần 1.000 người like và hàng trăm bình luận?
Sốc. Nhưng sướng nhất là có hàng trăm bạn mới. Phần lớn trong số đó là sinh viên ĐH Y. Hoá ra Bố là thần tượng của rất nhiều bạn bạn trẻ. Tôi thích điều đó.
– Trong suy nghĩ của mình, cha anh là người như thế nào?
Ông là cái gì đó vĩ đại nhất trong suy nghĩ của tôi, một cuốn từ điển sống thì đúng nhất. Ai ngờ còn có nhiều người bạn trẻ cũng yêu thích ông như vậy. Tôi ích kỷ lắm nhưng sẵn lòng chia sẻ ông với họ.
– Không theo nghiệp y của gia đình vậy hoàn cảnh nào đã đưa anh đến với VTV6 trong khi vai trò của anh là một nhà thiết kế thời trang?
Thời gian tôi giúp mẹ trong phòng máu khoa trữ máu bệnh viện Việt Đức, khi ngồi chơi thì gặp cô Hội (BS Mai Thị Hội). Cô là người em của Bố trong công việc.
Cô nhìn từ đầu đến chân rồi nói: “Cu, cháu định làm gì thế? Học cho lắm rồi thế nào? Muốn làm gì?”
Lúc đó tôi xem Fashion TV nhiều nên nảy ra ý muốn làm thời trang trên truyền hình và nói ý tưởng đó. Cô Hội nhờ chị Diễm Quỳnh và chị đã giúp tôi kết nối với nhóm Thời Trang Cuộc sống trên VTV3.
Bên đó đang tìm người CTV nên tôi đã được tuyển. Nhìn lại, tôi cũng đã gắn bó với thời trang trên truyền hình tròn 7 năm.
– Và anh gắn bó với thời trang trên truyền hình đến giờ?
Tô làm 2 năm Thời trang Cuộc sống bên VTV3 và sau đó về VTV6 vì sự hấp dẫn. Tôi đã học được thêm nghề mới: Làm báo.
Có lẽ tôi sẽ làm tốt. Các “đại sư phụ” như chị Tạ Bích Loan, chị Diễm Quỳnh là những người tuyệt vời.
– Anh đóng nhãn thời trang Ton Collection phải chăng vì cảm thấy mình không có năng lực để theo thời trang?
Năng lực trong thời trang khác với năng lực kinh doanh.
– Những lúc anh cảm thấy nhớ bố nhất là lúc nào?
Khi nào ở nhà. Đêm và ngày vui
– Anh có bao giờ cảm thấy tiếc nuối vì đã không theo được ngành Y và nối tiếp sự nghiệp lừng lẫy của ông và bố anh?
Tôi có tiếc nuối khi một thời gian làm trong bệnh viện còn không tiếc vì đã không theo đuổi sự nghiệp lừng lẫy của ông và bố.
Có lẽ với cái tính lười và không kiên trì của tôi thì nếu có làm nghề y thì chắc lại “ngồi ăn phong bì” mất. Ngoài ra, việc sinh mệnh của con người cũng không phải là chuyện đùa.
Tôi cho rằng mình không đảm nhận nổi trọng trách ấy.
Duyên với nghề không có mà thì bớt tiếc nuối. Tôi nhìn ra mình có gì và tồn tại với sự nghiệp tôi đang có.
– Anh có nghĩ là mình đã lớn đủ để bố anh không cảm thấy phiền lòng?
Tôi đành nói kỷ niệm buồn. Khi còn sống đôi lúc ông thở dài khi thấy thằng con trai chưa ổn định. Ông nói: “Có lẽ con chỉ trưởng thành khi Bố mất”.
Cám ơn anh!
Phạm Thịnh/VTC News