Con trai GS Tôn Thất Bách: “Cha tôi từng có 10 năm buồn chán vì không được trọng dụng”

Để có cuộc gặp với Tôn Hiếu Anh – BTV thời trang (VTV6 Đài truyền hình Việt Nam) để chia sẻ về cha mình – GS Tôn Thất Bách – tôi phải trải qua vài câu “test” của anh. Là bởi: “1000 bài báo viết về tôi rồi, không chán à?”. Sau khi chúng tôi thuyết phục thêm một lần nữa, anh đồng ý với “cam kết”: “Được rồi, tôi sẽ giúp cô có bài báo hay”. Với bài phỏng vấn này, dù có nhiều chi tiết lần đầu được kể nhưng cảm nhận thuộc về người đọc. Dù hay hay không, chúng tôi chỉ hi vọng mang đến cho người đọc thêm một lần được biết về gia đình cố giáo sư nổi tiếng Tôn Thất Bách. Từ việc không chấp nhận sự khác biệt, coi sự khác biệt là đi ngược lại truyền thống gia đình đến sự thấu hiểu là một hành trình không dễ dàng. “Mỗi người có một cuộc sống và cái đích cuối cùng của bạn mới là thứ đáng để quan tâm”. Có lẽ, phải chịu rất nhiều va đập của cuộc đời, vật lộn trong tâm thức và cả những sai lầm để khẳng định bản thân, người ta mới rút ra được như thế.

Sinh ra trong một gia đình truyền thống và nổi tiếng nhưng dường như anh có một tuổi trẻ không êm đềm như mọi người nghĩ?

Từ bé tôi đã sống trong biệt thự nhà ông Tùng (GS Tôn Thất Tùng – ông nội Tôn Hiếu Anh) ít khi được ra đường và không chơi với ai ở phố. Chỉ có 2 anh chị em tôi thôi. Bố mẹ đi làm cả ngày. Một cuộc sống như thế nên có rất nhiều điều ở bên ngoài là cả một bầu trời mới lạ với tôi. Chẳng hạn như, tôi không ngần ngại thừa nhận rằng điều thích thú nhất của tôi là chửi bậy, chửi thề. Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên được nghe một người nói bậy. Thay vì “sốc” thì tôi lại thấy “sướng”. Chửi để cười vui thôi chứ không phải để sỉ nhục, lăng mạ ai.

Còn điều không giống mọi người trong gia đình đó là ngay từ bé tôi đã học rất dốt. Ông Tôn Thất Tùng, bố mẹ tôi mọi người biết rồi, còn chị gái tôi cũng học rất giỏi. Khiêm tốn và giản dị nữa. Nhưng tôi không bị áp lực bởi sự khác biệt đó đâu, nhất là khi tôi hiểu lý do học dốt của mình đến từ đâu. 

Con trai GS Tôn Thất Bách: Cha tôi từng có 10 năm buồn chán vì không được trọng dụng” - Ảnh 2.

“Ai đẹp trai nhất nhà? Ai kém cỏi nhất nhà”- Tôn Hiếu Anh chia sẻ bức ảnh 3 thế hệ của gia đình anh trên facebook

Sự tập trung của tôi kém lắm. Ở trên lớp, nghe thầy cô giảng bài thì tôi hiểu rất nhanh nhưng lại không lưu giữ được lâu. Bố tôi từng rất lo lắng vì cậu con trai học siêu dốt này. Tôi sợ nhất môn Toán nhưng tìm thấy niềm yêu thích ở văn học, ngoại ngữ, vẽ và một môn không có trong sách giáo khoa đó là… buôn chuyện.

Hồi cấp 2 tôi nổi tiếng là học sinh nghịch ngợm, phá phách. Lên cấp 3 thì “khá” hơn, không phá nữa mà là đầu sỏ của phá phách, luôn bị ra hội đồng kỷ luật của nhà trường.

Trước tôi chỉ nghĩ đơn giản tất cả những thứ đó là tính cách của mình nhưng đến giờ thì tôi hiểu rằng đó là một chứng bệnh về tâm lý: tăng động giảm chú ý và rối loạn cảm xúc. Nếu biết sớm, có lẽ tôi đã “gò” mình tốt hơn.

Học xong phổ thông, vì gia đình có truyền thống nghề Y nên hẳn nhiên như bao ông bố bà mẹ khác, rất mong muốn tôi theo nghiệp. Năm tôi thi đại học, bố không ép mà hỏi: “Con có thi Đại học Y không?”. Tôi nói con có thi. Bố bảo: “Vậy bố sẽ rút ra khỏi Hội đồng thi”. Bố tôi là người nghiêm khắc với bản thân nên cũng giữ nguyên tắc trong mọi chuyện.

Bạn bè nói với tôi rằng “bố là Hiệu trưởng trường Y thì sao mà trượt được”. Nhưng cuối cùng tôi chỉ được 3,5 điểm cho cả 3 môn thi.

Hôm thi Toán, tôi ngủ một giấc đến hết giờ. Môn Hoá thì mang “phao” vào để “quay” nhưng vào phòng thi không dám sử dụng nên lại ngủ tiếp. Đến môn Sinh, tôi chọn câu khó nhất để làm là 3,5 điểm. Để tôi không trở thành trò cười cho mọi người, năm sau, bố để tôi được tự chọn, muốn thi gì tuỳ ý. Đến sát ngày, tôi mới quyết định thi ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, Khoa thời trang. Chỉ luyện thi trong 3 ngày mà may mắn sao lại đỗ. Đấy là sự mở đầu cho hành trình đến với công việc thời trang của tôi hôm nay.

Gia đình truyền thống ngành Y anh không theo, vậy “máu” nghệ thuật, đam mê thiết kế của anh thì bắt nguồn thế nào?

Thực ra, duyên thời trang của tôi đến khá sớm và tự nhiên như hơi thở. Năm 16 tuổi đã làm người mẫu, vì tôi sở hữu chiều cao 1m79, tập tành nữa nên thân hình rất đẹp. Nhưng lúc du học ở Anh về thì trả lại cho bố mẹ thân hình của một con lợn 95 kg. Ngày đó, sân khấu, ánh đèn, sàn catwalk… có sức hấp dẫn kỳ lạ với tôi. 

Năm thứ 2 đại học tôi có thương hiệu thời trang riêng. Nhà đầu tư là bố tôi. Đương nhiên rồi, những 50 triệu mà – một số tiền rất lớn vào thời điểm đó, năm 2000. Nhưng tôi đã nhanh chóng hoà vốn sau 2 tháng đầu. Lúc đó, kinh doanh thời trang chưa rầm rộ như bây giờ nên ít áp lực cạnh tranh. Thành công đến với tôi quá nhanh, kiếm tiền rất dễ nhưng kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Đến 2007 bị đóng cửa là lẽ tất yếu vì không có định hướng kinh doanh gì cả. Tồn tại được 7 năm là quá giỏi rồi.

Đến giờ nếu ai hỏi tôi có muốn tiếp tục kinh doanh nữa không thì tôi từ chối thẳng thừng. Toán cộng còn sai, bảng cửu chương giờ bạn thử hỏi mà xem, chắc chắn không thuộc đâu. Thời gian biến đổi nhưng con số thì vẫn luôn là ác mộng với tôi, dù ý tưởng về thời trang của tôi rất nhiều.

Sinh ra trong một gia đình nổi tiếng như vậy, sẽ là khó tin nếu anh nói không bị áp lực. Cách để thích nghi với sự so sánh có khó lắm không?

Lúc bé là sự tự hào: Nhìn đi, tôi là cháu của ông Tùng, con ông Bách đấy! Nhưng khi học dốt thì họ phán xét. Tôi quá quen tai với điều đó nên thấy bình thường. Khi đủ lớn tôi mới nhận ra đó chính là áp lực. Từ một người rất thích đám đông, thích hoạt động vui vẻ, tụ tập, tôi dần trở thành người khá khép kín. Không còn thích đám đông, ghét ánh mắt người khác nhìn mình.

Tôi có đặc điểm là dù có làm gì thì ngoại hình, cách ăn mặc không bao giờ thay đổi, vẫn xanh đỏ tím vàng,… Nhìn hình ảnh quần áo chim cò, xanh đỏ không ai nghĩ tôi từng làm biên tập cho những chương trình chính luận như: Người đương thời, Toà tuyên án,… Tôi không bao giờ đánh giá ai qua vẻ bề ngoài nhưng người đời thì khác.

Năm 2013, tôi viết về bố trên Facebook của tôi và được chia sẻ rầm rộ vì họ thấy nó quá xúc động. Thế nhưng trên một diễn đàn dành cho phụ nữ thì khác. Sau tùng, bách phải là thông nhưng tôi không ra chất thông nên họ gọi tôi là bạch đàn. Đọc những lời bỉ bôi, phỉ báng, tôi thấy ok. Nhãn quan của họ là thế nhưng mình đâu sống vì họ. Tôi chỉ nói một câu cuối cùng trong topic hơn 20 trang rằng: Các chị ở đây đều làm vợ, làm mẹ rồi, nếu có một ngày con các chị là nhân vật chính như ở đây thì các chị sẽ cảm giác như thế nào? Chính vì câu nói đó, topic đã khoá.

Cuối cùng áp lực là gì? Chưa bao giờ tôi tưởng tượng ra hình bóng cảm xúc của áp lực là gì nhưng nó tồn tại trong tôi là có. Tôi không sợ bị so sánh với ông, với bố vì so sánh bằng cái gì? Bằng giải thưởng khoa học à? Hay sự nổi tiếng? Tôi nổi tiếng vì sự tai tiếng nên chắc chắn hơn hẳn ông Bách ông Tùng rồi. Nói thế thôi, mỗi người có một cuộc sống và cái đích cuối cùng của bạn mới là thứ đáng để quan tâm.

Gia đình có truyền thống ngành Y, anh lại theo thời trang và có xu hướng sống theo cách mình thích. Ở thời điểm mà sự khác biệt không dễ dàng được dư luận chấp nhận khi đó, hẳn là bố mẹ anh cũng gặp nhiều sức ép?

Bố mẹ tôi chỉ buồn một nỗi duy nhất là không giúp đỡ được gì cho con. Nếu học ngành Y thì sẽ khác, một con đường dễ đi hơn nhưng với thời trang thì họ phải đứng ngoài cuộc nhìn tôi tự lực cánh sinh. Con trai không theo nghề như kỳ vọng, chắc là bố mẹ sẽ buồn chứ nhỉ? Nhưng bố luôn giấu nó trong lòng chứ chưa bao giờ ông thể hiện ra điều đó. Dẫu vậy, khi tôi chọn thời trang thì ông rất hỗ trợ tôi.

Cụ thể là trong một lần thi thời trang của Hội đồng Anh, tôi muốn làm áo dài nhưng bí ý tưởng. Ông gợi ý, “sao con không làm áo dài của một cô gái xứ Bắc, khác hẳn áo dài miền Nam hay bất cứ đâu?”. Và bộ sưu tập đó tôi đã được Giải Nhì của Hội đồng Anh năm 2002. Đó cũng là lần đầu tiên ông đi xem show diễn của tôi.

Ngoài chuyên môn, GS Tôn Thất Bách vốn là người hài hước, gần gũi với sinh viên và hết lòng vì người bệnh nhưng cũng nổi tiếng nghiêm khắc, luôn đề cao tinh thần kỷ luật. Những điều này được thể hiện thế nào trong cách giáo dục con cái của ông?

Bố đối với tôi hồi bé là âm vô cực. Đến khi tôi lớn lại giống như dương vô cực. Bố muốn tôi phải mạnh mẽ, galant, đàn ông theo cách mà ông mong muốn. Sau này ông lại ân hận vì tất cả những mong muốn ở tôi hồi bé chính là căn nguyên khiến hai bố con xa cách. Khi chị gái có con, tôi đã nhìn thấy bố tôi trở thành một người ông hoàn hảo. Đó là mẫu hình mà tôi mong muốn – điều tôi không nhìn thấy ở ông suốt những năm tháng tôi còn nhỏ. Nhìn khoảnh khắc ấy tôi rất thèm nhưng cũng nhẹ lòng vô cùng.

Tôi biết những áp lực mà ông gặp hàng ngày ở bệnh viện. Mỗi ngày phải giải quyết vài chục ca mổ cấp cứu, chưa kể rất nhiều công việc khác. Nhất là khoảng thời gian một bác sĩ giỏi như thế mà 10 năm trời chán nản vì không được trọng dụng, chỉ ở nhà trồng cây cảnh. Mọi người chỉ biết bố tôi là một chuyên gia đầu ngành về ngoại khoa, phẫu thuật gan, mật mà không biết về những góc khuất trong cuộc sống của ông. Con ông Tôn Thất Tùng, giỏi như vậy mà chỉ quanh quẩn ở nhà trồng cây suốt 10 năm trời. Mẹ là người nắm giữ “bí mật” nhưng đến giờ bà vẫn không kể cho ai biết, kể cả với con cái trong nhà. (Trên trang wiki về GS Tôn Thất Bách, khoảng thời gian từ 1993-2002 thông tin về sự nghiệp của ông cũng không được cập nhật – PV).

Bố tôi là người phải lo cơm áo gạo tiền cho cả gia đình, cộng với áp lực công việc ở bệnh viện đã khiến ông luôn khắc nghiệt với tôi. Mỗi khi bị điểm thấp, ông đánh trận nào ra trận đấy. Ông đọc được trong tôi có tính cách của ông hồi bé nên ngày xưa ông bị rèn như nào thì rèn lại tôi như vậy. Cho nên tôi “dát” đòn lắm. Cứ nhìn thấy bố là “lẩn” thật nhanh. Nếu có “nhỡ” nhìn thấy thì không bao giờ hai bố con ngồi với nhau quá 2 phút. Đó là phản xạ, bị đánh quá nhiều nên sợ. 

À mà cái này tôi cũng giống bố, bố rất sợ ông nội. Cả nhà đều sợ luôn, vì ông siêu nghiêm khắc. Khi ông ở nhà thì đừng có mà làm ồn. Uống rượu, hút thuốc lại càng không được. Sống trong một gia đình nghiêm khắc như vậy nên mỗi khi đến Tết là vui lắm, vì bố tôi có quy định: Tết không được mắng ai. Đến giờ tôi lại sợ Tết vì mất cảm giác đấy rồi.

Trong những lần xảy ra mâu thuẫn với bố, có khi nào trong suy nghĩ anh ước gì không phải sinh ra trong gia đình quá nổi tiếng này?

Không! Không bao giờ. Ngu gì mà nghĩ như thế? Kể cả bị mắng, bị đánh, rồi né tránh… tôi vẫn thấy được sinh ra trong một gia đình như thế là quá tuyệt vời. Trừ việc bị gièm pha, còn lại tôi nhận được quá nhiều ưu ái.

Có một điều tôi luôn ước mơ là bố tôi biết kiếm tiền, để tôi biết cảm giác richkid là thế nào. Tất cả mọi người nhìn vào đều nghĩ nhà tôi giàu lắm vì bố là Giám đốc BV Việt Đức, rồi Hiệu trưởng Đại học Y nhưng đến mua một cái xe máy với ông còn vất vả.

Mẹ tôi dù là trưởng khoa nhưng vẫn đi làm thêm ở phòng khám để đảm bảo kinh tế gia đình. Bố tôi không kiếm nhiều tiền bằng mẹ. Trừ điều đó, sự hà khắc lúc nhỏ, còn lại, ông quá hoàn hảo, là thần tượng mà chưa bao giờ tôi dám so.

GS Tôn Thất Bách đầy hóm hỉnh trong một buổi trò chuyện với nhà báo Lại Văn Sâm (nguồn VTV)

Và cách để anh thoát ra khỏi sự hà khắc của bố mình là tự lập? Nghe nói từ thời phổ thông, anh đã nổi tiếng ở sàn diễn và khắp Hà Nội?

Không phải. Như tôi vừa chia sẻ, nhà tôi không giàu như mọi người nghĩ nên ngay từ bé bố mẹ đã cho tôi hiểu giá trị đồng tiền mình kiếm ra. Nhưng bố mẹ tiết kiệm còn tôi ngược lại, tôi kiếm được bao nhiêu không giữ được quá nửa ngày. Tôi “nghiện” đồ hiệu, đi vũ trường, đơn giản là mình thấy thích ở thời điểm đó. Tuổi trẻ mà. Còn giờ thì nói không ai tin, tôi sợ đi vũ trường. Quần áo đồ hiệu cũng không còn thích nữa. Những món đồ hiệu tôi đang có là do bạn bè tặng, còn tự mua thì tôi chọn những thương hiệu rất bình thường.

Trước đây tôi theo chủ nghĩa ích kỷ, tiền làm được bao nhiêu chỉ đắp vào bản thân. Mẹ chỉ bắt đóng tiền điện nước hay chi tiêu cá nhân. Từ 18 tuổi là không xin tiền bố mẹ tiêu. Chính vì tôi không phải lo cho ai khác nên tôi sống rất thoáng. Nhưng có những điều dù cách sống khác thì bắt buộc phải tuân thủ, đó là sự độc lập, không được làm phiền nhau. Đối với mọi người, việc hẹn hò đưa đón là bình thường nhưng với nhà tôi đó là làm phiền. Tôi hay mẹ muốn đi đâu thì tự chủ động. Kể cả bà nội, hàng tuần đến mộ ông nội cũng không bao giờ làm phiền ai đưa đón mà tự gọi xe.

Điều gì khiến anh thay đổi như thế?

Dễ hiểu lắm, không kiếm ra tiền thì không chơi nữa thôi. Kiếm được nhiều thì tiêu mức nhiều, còn sau này không có nữa thì thôi. Không có tiền thì không chiều được bản thân nữa. Thử kiếm được cục tiền như xưa xem, biết đâu tôi lại “vung” như cũ!

Ngoài ra cũng còn nhờ tôi có duyên được tìm đến đạo Phật. Đó là năm 2013 khi tôi đang ở dưới đáy vực và điều khiến tôi đi tiếp được là giáo lý Phật pháp. Thực ra giáo lý Phật pháp đã luôn tồn tại đâu đó trong gia đình mình rồi. Năm 1982, em ruột của ông Hồ Đắc Di – người ở cùng nhà với gia đình tôi – là bà Tôn Nữ Diệu Không ở Huế ra, rất yêu quý tôi và đặt pháp danh cho tôi là Tâm Minh. Hồi đó đã đọc quy y Tam Bảo rồi. 

Thời gian này tôi đọc rất nhiều và nhờ đó tôi hiểu mọi việc xảy đến với mình đều có nguyên nhân và hệ quả. Thay đổi tính cách thì thay đổi số phận. Và tôi thử thay đổi thì thấy nó hiệu quả thật. Nhưng để ngồi thiền thì tôi chịu. Tôi mà ngồi được 5 phút thì chắc là Phật cũng phải sống dậy mà… “lạy mày”.

Tìm được ai đó để chia sẻ không có trong “sự thay đổi” của anh sao?

Tôi cần sống trong sự thấu hiểu chứ! Có khoảng thời gian 5 năm liền tôi chỉ từ nhà đến cơ quan, ngoài ra không đi đâu cả. Ghét gặp bạn bè, chán ghét chỗ đông người, ồn ào. Ai cũng tò mò 5 năm đó tôi đi đâu, làm gì, không ai biết. Tôi chỉ thay đổi từ Tết này thôi. Về nhà xem phim, chơi game, tự tạo ra thế giới ảo để tiêu khiển. Tôi cô đơn trong chính cuộc sống của mình. Lúc đó tôi không tìm thấy ý nghĩa hoặc cũng có thể là tôi đang tự hàn gắn bản thân. Tôi không biết nữa. 

Bạn thử tưởng tượng, một cuộc sống tuổi trẻ ngày nào cũng đi bar, đi nhảy, xô bồ rồi thì sẽ đến lúc mà mình thấy chán tất cả. Đi làm về là nằm lỳ trong nhà. Rủ đi đâu cũng từ chối. Từ Tết giờ tôi mới trở lại bình thường mà tôi nói đùa là “hoà nhập cuộc sống” trở lại.

Tôi luôn ước ao có được một người để cùng mình chia sẻ, bộc lộ tất cả mà không phải che đậy gì, kể cả cái xấu nhất của mình. Gần đây cũng có tìm được một vài người như vậy…

Một vài là nhiều đấy?

Là nói thêm chữ “vài” cho oai thôi. Tôi đã tìm thấy một người để tôi nhận ra mình mắc chứng rối loạn cảm xúc nên không ngồi được quá 5 phút. Đó là lý do vì sao mình học rất dốt. Sau khi tìm hiểu thì giờ tôi đang tìm kiếm giải pháp để đưa mình ra khỏi trạng thái đó.

Có một câu hỏi hơi riêng tư mà tôi rất muốn hỏi anh…

Bạn cứ hỏi đi, tôi đã hứa là sẽ giúp bạn có bài báo hay mà.

Cũng làm thời trang như anh là NTK Đỗ Mạnh Cường đã nhận rất nhiều con nuôi, anh có từng nghĩ đến một lúc nào đó, đến tuổi nào đó sẽ trao gửi tình thương cho một đứa trẻ như thế?

Trả lời thẳng tưng nhé, tôi sợ trẻ con kinh khủng. Cả nhà tôi đều nói đừng bao giờ nặng nề chuyện con cái, hãy sống theo cách mình muốn vì mẹ và chị đều hiểu tôi không thích trẻ con. Tôi chỉ chơi với trẻ 1-2 phút thôi.

Còn con cái là sinh linh bé bỏng. Hãy tưởng tượng có con mà bố vừa bế vừa hút thuốc. Trời ơi! Tôi cho rằng có con là phải sẵn sàng cả về kinh tế và tâm lý. Tôi chưa đủ sẵn sàng để làm bố bởi đến một con chó mà tôi chăm sóc còn không xong. Hơn nữa, gia đình tôi chưa một ai áp lực với một đứa tính cách như tôi chuyện phải có con. Mọi người cũng hiểu nếu nhắc chuyện đó với tôi là bất lịch sự. Vì mỗi người có xu hướng sống khác nhau.

Tôn Hiếu Anh tâm sự anh cảm thấy không đủ tự tin để làm bố

Anh đã có đủ những trải nghiệm với đủ mọi sắc thái thời tuổi trẻ, có cả sai lầm và tai tiếng như anh nói. Nếu được gửi gắm điều gì đó với các bạn trẻ hôm nay, anh sẽ nói gì?

Có một slogan của Nike tôi rất hay nói với các bạn trẻ “Just do it” – Hãy làm đi. Tôi ghét nhất là tuổi trẻ phải suy nghĩ quá nhiều. Đối với tôi không có ranh giới đúng và sai mà phải tự mình tìm câu trả lời. Cứ làm đi thì mới biết đúng – sai. Tuổi trẻ sống có sai lầm thì mới biết đâu là đúng đắn. Cứ làm theo lý trí, cảm xúc của mình rồi sẽ nhận ra cái gì hợp với mình.

Có một câu xưa cũ mà ông Bách rất mê: Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm. Câu đó hay. Tôi ghét nhất là thời gian rơi vào “sống mòn” – sáng dậy đi làm, trưa ăn cơm với đồng nghiệp, tối về ngoan ngoãn với gia đình. Tuổi trẻ mà, đừng quá khắc nghiệt với bản thân, đừng bó buộc phải thế này, phải thế kia. 

Tôi là người luôn tôn trọng sự khác biệt vì thế giới này có quá nhiều thú vị và màu sắc đến từ sự khác ấy. Có thể quan điểm đó với tôi đúng, còn các bạn? Ít nhất đến năm 70-80 tuổi nhìn lại cũng ngạc nhiên: À, tôi đã từng làm được điều này hoặc trải qua cảm giác này, cảm giác kia,…

Cảm ơn BTV Tôn Hiếu Anh về cuộc trò chuyện thú vị!

Nội dung: Thanh Hà – Ngọc Mai

Trình bày: Hoàng Việt – Anh Tuấn

Rate this post